Saturday, December 17, 2011

MIẾN ĐIỆN CHUYỂN HƯỚNG NHANH CHÓNG (Thông Luận)



Thông Luận
Thứ năm, 15 Tháng 12 2011 13:01

Tháng 10 năm ngoái khi chính quyền quân phiệt Miến tổ chức bầu cử quốc hội người ta chỉ coi đó là một trò hề nhàm chán. Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi đã hoàn toàn có lý khi kêu gọi tẩy chay. Không ai có thể ngờ rằng đó đã là một bước ngoặt lịch sử của Miến Điện và của cả vùng Đông Nam Á.

Các thay đổi đã dồn dập. Ngay sau đó chủ nghĩa xã hội đã bị chính thức vất bỏ và quốc hiệu "Cộng Hòa Liên Hiệp Miến Điện" được công bố. Tháng 8-2011 tân tổng thống Thein Sein gặp lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và thỏa thuận về một lộ trình dân chủ hóa; các quyền tự do chính trị căn bản được nhìn nhận, kể cả tự do ngôn luận và tự do đảng phái, tự do bầu cử và ứng cử . Đã có 200 tù nhân chính trị đã được trả tự do và biện pháp phóng thích tù nhân chính trị vẫn tiếp tục, những người đối lập lưu vong được kêu gọi trở về nước. Tháng 9, chính quyền Miến quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone đã khởi sự từ bốn năm nay với tầm vóc dự trù lớn nhất Đông Nam Á do Trung Quốc xây dựng. Myitsone chỉ là một trong gần mười dự án lớn mà Trung Quốc dự trù thực hiện tại Miến Điện và giờ đây bị hủy bỏ. Quyết định này tương đương với chọn lựa quay lưng lại với Trung Quốc. Tháng 10, chính quyền Miến Điện chính thức chấp nhận quyền lập công đoàn và đình công. Ngày 30-11 ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sang thăm viếng chính thức Miến Điện trong không khí nồng nhiệt và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi. Đây cũng là cuộc thăm viếng Miến Điện đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ từ 55 năm qua kể từ khi Miến Điện chọn thái độ thù địch với Phương Tây. Mọi dấu hiệu cho thấy chính quyền Miến đã quả quyết chọn lựa con đường dân chủ.

Miến Điện khiến người ta nhớ lại trường hợp Nam Phi hai mươi năm trước đây, khi chính quyền da trắng kỳ thị chủng tộc sau nhiều thập niên thách thức trắng trợn dư luận thế giới và các giá trị nhân quyền phổ cập đã bất ngờ đảo ngược hẳn chính sách và chủ động tổ chức dân chủ hóa đồng thời chuyển nhượng quyền hành cho đa số da đen. Một cách tương tự như Nam Phi, sự chuyển hướng của Miến Điện cũng sẽ không thể đảo ngược được. Nó là kết quả của một tiến trình đã chín muồi. Các tướng lãnh Miến đã đủ sáng suốt để hiểu rằng chế độ của họ không thể tồn tại lâu dài, họ đã cảm nhận được ý chí mới của Hoa Kỳ trong vùng và họ cũng đã được chuẩn bị và khuyến khích qua trung gian của Ấn Độ mà sự tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á ngày càng rõ rệt. Tại Miến Điện Ấn Độ có thế đặc biệt thuận lợi: có hậu thuẫn của các cường quốc dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, có sự gần gũi tôn giáo giữa Ấn Giáo và Phật Giáo, có kinh nghiệm bang giao quốc tế hơn hẳn Trung Quốc. Những yếu tố đó cuối cùng đã có tác dụng quyết định.

Một cách cụ thể, chính quyền Miến Điện sẽ không thể đảo ngược tiến trình dân chủ hóa vì điểm không trở lại đã được vượt qua. Đã quay lưng lại với Trung Quốc họ không còn chọn lựa nào khác hơn là mở cửa ra với thế giới dân chủ và dựa vào các nước dân chủ để được an toàn trước áp lực của Trung Quốc. Về phần Thein Sein, chọn lựa của ông chỉ giản dị là hoặc đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa và đi vào lịch sử một cách vẻ vang, rất có thể với giải Nobel về hòa bình, hoặc đảo ngược lại tiến trình dân chủ hóa và kết thúc như Gaddafi. Có những chọn lựa quá hiển nhiên đến nỗi chúng không còn là những chọn lựa.

Tiếp theo cuộc cách mạng Ả Rập và làn sóng phản kháng đang gia tăng cường độ tại Nga chống lại tập đoàn Putin, sự chuyển hướng của Miến Điện chứng tỏ một làn sóng dân chủ toàn cầu mới đang trào dâng.

Việt Nam ra sao sau những chuyển động này?

Trong một thời gian ngắn chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ bị cô lập như một con chiên ghẻ trong khối ASEAN và sẽ không còn được hưởng một sự nể nang nào trong các quan hệ quốc tế. Chỗ dựa Trung Quốc chẳng bao lâu nữa cũng sẽ lâm vào khủng hoảng. Đảng cộng sản chắc chắn sắp phải lặp lại một lần nữa, và lần này một cách rất thành khẩn, khẩu hiệu mà họ từng đưa ra trước đại hội VI năm 1986 : đổi mới hay là chết.

Thông Luận

.
.
.

No comments: