Bộ Chính trị của đảng csvn luôn chơi trò Chiến lược Mỵ dân. Nhưng phải nhìn nhận một điều, dù cái trò đó cũ rích, vẫn luôn làm hấp dẫn lòng dân. Khiến dân dù biết đã bị lừa nhiều lần, nhưng họ vẫn bị mắc lừa dễ dàng. Thật ra, Bộ Chính trị đã cũng gian ngoa không kém, biết thay đổi cách chơi, thêm màu sắc, nhạc đệm khác v.v... Thoạt nhìn qua, ai cũng nghĩ là "game" mới, nên càng thú vị mà quên đi những cú bị lừa trước đó.
Trước hết là nhắc về cái Luật biểu tình. Khi nó chỉ mới ngắm nước miếng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (NTD), mà đã được xem là "new game = trò chơi mới" rồi. Vì thế một số người đã vui mừng, kêu gọi nhau đi ủng hộ NTD. Khi đã biết mắc lừa, thì cho là đó là phép thử nghiệm lời nói của NTD có đáng tin không! Từ trước đến nay, những câu tuyên bố ngang hông của NTD làm lịch sử phải méo mó hay dân méo mặt? Bao nhiêu bài học rồi mà lại phải thử nghiệm? Hay họ đang, và đang, và đang... "hy-vọng-đã-vươn-lên" nơi NTD? Dù sao, những người đó cũng đáng cảm kích vì tấm lòng hơn là cách hành xử. Vì vậy họ bị công an triệu về trụ sở Phục hồi Nhân phẩm thay vì đồn công an như trước đây. Lý do dễ hiểu vì lần nầy công an không thể quy chụp cho đó là do bọn thù địch hải ngoại xúi giục, đưa tiền đi ủng hộ Thủ tướng NTD. Bởi thế, chỉ có thể là vấn đề "nhân phẩm" của những người công dân trong chủ nghĩa xã hội nầy bị trật đường rầy trầm trọng, và bị xem như côn đồ, cướp giựt, rác rưởi xã hội trong những con mắt cú vọ sáng hoắc để săn mồi của công an! Dĩ nhiên rồi, vì đã có Luật biểu tình gì đâu mà ủng hộ! NTD chỉ nói, hay đúng hơn là giới thiệu sơ sơ món "new game" nhưng chưa sản xuất; ngay cả cái hình dáng ra sao cũng không thấy luôn, mà người ta thì cứ như nhảy lửa.
Thứ đến là vấn đề Hoàng Sa. Không những NTD tuyên bố rối lên về chủ quyền, rồi lên án Trung Quốc xâm chiếm, như là chuyện mới đang xảy ra. Nhưng lạ một điều... chỉ có là vậy, cũng là mới giới thiệu một "new game" khác mà một số bà con nhốn nhao lên, tưởng chừng cả phố phường đang rung chuyển dưới sao vàng như hàng ngàn con giun đất khổng lồ (như trong phim quái vật) đang ngoi lên; cờ đỏ chói che cả mặt trời làm ngộp thở mấy con chim thành phố, như trong tuoitre.vn lên bài "Toàn dân góp sức đòi lại Hoàng Sa", 29/11/2011, không có tên tác giả (chắc tác giả cố tình giấu kín, sợ bất ngờ được triệu về trụ sở như trên). Toàn dân lại phải đóng... tiền giúp nhà nước giữ nước! Có ai dám nói là người dân VN nghèo, làm lương không đủ ăn đâu, dù là 1,5 triệu/tháng nhưng vẫn có tiền đóng giúp cho nhà nước để giữ nước; thá gì mấy trăm cái tin nhắn cho một người về vụ bình chọn vịnh Hạ Long, có đáng là bao, hay tiền điện có tăng lên thêm 10% vào năm tới, chắc cũng đủ dư sống nhăn răng. Vừa thấy cái tựa bài đã thấy cách mạng mùa Thu nào đó lãng vãng quanh đây nữa rồi! À, phải nói là cuộc nổi dậy của nhân dân Xô Viết Nghệ Tỉnh ngày nào, mà đảng ta cũng đứng ra nhìn nhận bừa vào là tác giả của sản phẩm "game" đó! Nhớ ngày nào, Hoàng Sa là hai từ ngữ rất "nhột nhạt" đối với đảng, và "nhạy cảm" phong hàn với công an, nên ai dám nói ra là xem như có ý đồ làm lan truyền bệnh dịch làm nguy hại đến nhân dân. Từ lúc NTD phọt ra hai từ đó, thì cả toàn dân như được khai thông cục đàm nhớt nhầy nhụa trong cổ hộng. Ấy, như vậy chưa phải là lành bệnh liền, vì cục đàm từ hai lá phổi bị yếu do môi trường "hoá độ lên chủ nghĩa xã hội". Có nghĩa là cục đàm đó vẫn tụ lại, và bệnh vẫn hoàn bệnh. Ai không tin, thì cứ thử nghiệm… biểu tình hay đứng trước nhà mặc áo No U xem bệnh khỏi không thì biết liền, dù không cần phọt phẹt như NTD. Ngay cả cuốn phim về Hoàng Sa của André Menras Hồ Cương Quyết cũng bị cấm chiếu.
Kế đến là chuyện đời xửa đời xưa ở miền Nam, nơi có chính quyền Sài Gòn còn được gọi Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nhưng dường như đã trở thành câu chuyện cổ tích những tưởng mấy ngàn năm rồi thì phải (?), đến nỗi giới trẻ 8x, 9x gì gì đó cũng không biết luôn. Cũng chính ngài NTD nhắc lại dù chỉ là cái tên... của truyện xưa tích cũ; thế mà làm nhiều người hào hứng lên, nóng lòng muốn nghe thêm. Không đâu, NTD cũng chỉ là... giới thiệu một "new game" thôi, nhưng chưa tung ra thị trường thì lấy đâu mà ngắm đỡ thèm. Ngay cả Nghĩa trang Biên Hòa đang rệu rã, là chứng tích lịch sử của câu chuyện đó nhưng NTD có nhắc gì đến đâu. Đã không nhắc đến thì nói chi là trùng tu, khi nghĩa trang đó đang đi vào dân sự hóa! NTD chỉ vô tình ho khan thôi, mà người ta tưởng là "sấm động Nam bang"! Đừng nghĩ rằng NTD có thiện ý, hay thú vị gì với chuyện cổ tích VNCH để mọi người lại lầm tưởng NTD vừa mới thay tim. Cho dù chàng Trọng Thủy ngụy có hù bỏ Mỹ Châu vô sản (nhưng chắc chắn là chàng không dám bỏ vùng Mỹ Châu), NTD cũng không chịu dựng đài tưởng niệm những người đã hy sinh cho Trọng Thủy ngụy, và gia đình được sống còn đến hôm nay, thì đừng mơ tưởng rằng có một mảnh vẫn thạch nào đó trong mùa sao tháng mười vừa qua rơi trúng ngay mỏ ác NTD, khiến trở nên sáng suốt hơn.
Ai biết được NTD đã ký bán mua gì hay được rỉ tai những gì vởi Bắc Hán vừa qua. Nhưng sau đó người ta thấy có nhiều sản phẩm "new game" được NTD giới thiệu quảng cáo, với nhãn hiệu "product of Beijing" (sản phẩm của Beijing) để cầu chứng sự chính thống, thuần tính đặc sản mà NTD luôn luôn nhắc đi nhắc lại là:
"… các thỏa thuận mới đây mà chúng ta mới ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng không làm phức tạp thêm có ảnh hưởng đến hòa bình ổn định ở khu vực này." (trích từ "Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng", 25/11/2011, rfa.org, tác giả Mặc Lâm)
Trò chiến lược mỵ dân nầy, đa phần dân ta chỉ cần lướt mắt qua là... thấy có rận ngay, nhưng dường như với một số người quen chịu ngứa gần một thế kỷ rồi, ngứa thêm cũng bình thường vô tư. Cứ gãi cho rách da tướm máu mà vẫn chưa đã. Không hiểu sự hấp dẫn từ đâu mà nhiều người cứ thấp thỏm lắng nghe NTD ho, khạc đờm, hay xì hơi mà làm đau cả tim. Không lẽ những "new game" thú vị đến thế sao? Trong khi ai cũng biết rằng chỉ là những trò được soạn đi soạn lại.
Nghĩ cũng lạ! Khi người ta đói, thì một miếng bánh mì hôi mốc cũng đã quí hơn kim cương. Bởi vậy, dường như những gì của NTD tiết ra cũng... đầy ý nghĩa!? Nếu không, thiên hạ không để ý chi!
.
.
.
No comments:
Post a Comment