Tuesday, December 27, 2011

LẠC LÕNG DƯỚI TRẦN GIAN (Phạm Đình Trọng)



Phạm Đình Trọng
viet-studies 28-12-11

Rời căn phòng xinh xắn nhiều năm gắn bó ở phố Đường Thành trong khu phố cổ Hà Nội, rời mảnh đất kinh kì cổ kính, tĩnh lặng đến trì trệ, nhà văn Trần Hoài Dương dắt díu người vợ trẻ và đứa con trai ba tuổi vào miền đất trẻ phương Nam, vào thành phố Sài Gòn biến động để rồi gia đình anh, cuộc đời anh cũng biến động từ đó. Tôi đã được chứng kiến và chia sẻ với tất cả những biến động của Trần Hoài Dương, một người như luôn ngơ ngác, lạc lõng trước những biến động đuwowis

1. SÁU LẦN CHUYỂN NHÀ

Khi chưa chuyển vào ở hẳn trong Sài Gòn, là người viết báo rồi làm phim tài liệu quân đội, hằng năm tôi vẫn có chuyến đi kéo dài cả tháng vào miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Đó là những dịp tôi được gặp lại Trần Hoài Dương và lần nào Trần Hoài Dương cũng mời tôi về nhà anh để chỉ có tôi và anh ngồi với nhau.

Căn phòng đầu tiên của gia đình Trần Hoài Dương ở Sài Gòn chính là garage ô tô của chủ ngôi nhà cũ nay là nhà xuất bản Măng Non, nơi Trần Hoài Dương làm việc. Nhà xuất bản mới thành lập, chưa có ô tô, từ giám đốc trở xuống đều đi xe đạp, đến cơ quan dựng xe góc mảnh sân rộng sau nhà. Gian nhà trệt dài cuối mảnh sân rộng là garage ô tô và nhà bếp cũ được ngăn ra làm nhà ở cho gia đình một số cán bộ biên tập.

Ngày đó gạo phiếu, củi tem, phải có tem, phiếu mới mua được gạo vàng, củi bạc theo định mức. Lính tráng chúng tôi, loại ăn no vác nặng, mỗi tháng được ăn hai mươi mốt cân gạo. Dân công chức cạo giấy nhàn nhã như Trần Hoài Dương chỉ có tiêu chuẩn mười ba cân gạo mậu dịch để kho lâu ngày, không còn mùi thơm của gạo, chỉ có mùi hôi của bao tải và mùi ẩm khét của gạo đã xuống cấp, mọt gạo bò lổm ngổm. Đến hạt muối, lít nước mắn chỉ có vị muối mặn cũng phải có phiếu mới mua được. Là lính, đến đơn vị nào làm việc, tôi đều có chỗ ăn, chỗ nghỉ tươm tất là nhà khách của đơn vị đó. Ở Sài Gòn, tôi ở nhà khách của Tổng cục Chính trị, số 8 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rất gần 55 Nguyễn Đình Chiểu, quận Ba, nơi làm việc và cũng là nhà ở của gia đình Trần Hoài Dương, đi bộ cũng chỉ mươi phút. Buổi chiều tôi chỉ định đến ngồi với Trần Hoài Dương một lúc rồi về đơn vị ăn cơm. Nhưng Trần Hoài Dương giữ tôi ở lại ăn cơm với gia đình anh. Anh nói nhỏ nhẹ, chân tình, không thể từ chối.

Thời đó dân lao động, mặt ai cũng rầu rĩ vì lo toan và hốc hác, xanh rờn vì thiếu dinh dưỡng. Bữa cơm tiếp bạn của gia đình Trần Hoài Dương ở thời nghèo khổ, thiếu thốn đó mà không thấy bóng dáng của bữa cơm gạo phiếu, củi tem. Cũng không phải bữa cơm bày vẽ, kiểu cách ở nhà hàng mà là bữa cơm đơn giản, bình thường ở những gia đình công chức thời trước cách mạng. Bát cơm dẻo thơm mùi gạo quê, đắt gấp chục lần gạo phiếu. Canh rau ngót. Thịt gà luộc. Suốt mấy chục năm của thời sống bằng tem phiếu, không khí để thở cũng được phân chia theo chức vụ thì bữa cơm có mùi thơm của gạo quê, có vị ngọt của miếng thịt gà ta trở nên vô cùng hiếm hoi, xa lạ. Tôi đã được ăn bữa cơm hiếm hoi như vậy ở gia đình đầm ấm của Trần Hoài Dương. Trần Hoài Dương vui chuyện trong suốt bữa cơm. Chị Trinh vợ anh chăm cho cháu Quỳnh ăn vẫn không quên gắp thức ăn tiếp khách.

Lần thứ hai tôi được ăn bữa cơm đầm ấm của gia đình Trần Hoài Dương ở căn phòng trên gác hai nhìn xuống mảnh sân phía sau ngôi nhà cao tầng đường Hải Thượng Lãn Ông, quận Năm. Bữa cơm vẫn có đủ ba người của gia đình đầm ấm Trần Hoài Dương.

Lần thứ ba tôi đi ăn với gia đình Trần Hoài Dương không có cháu Quỳnh và cũng không ở Sài Gòn, mà ở Hà Nội. Một buổi chiều, nhà văn đàn anh Vũ Bão đạp xe đến tìm tôi ở xưởng Phim Quân Đội, 17 phố Lý Nam Đế, cơ quan tôi làm việc, nơi tôi có một ô chuồng riêng ngăn cách với ô chuồng hai bên bằng tấm phên lửng cót ép trong dãy nhà khung sắt, mái tôn dài đến hơn trăm mét vốn là trại lính Pháp, xây từ thời Pháp mới chiếm Hà Nội. Ô chuồng đó vừa là phòng ở, vừa là phòng làm việc của tôi, trong đó kê được chiếc giường đơn, chiếc bàn viết, chiếc bàn nhỏ bên trên có một bếp dầu, một bếp điện mai so và mấy chiếc nồi con con. Anh Vũ Bão rủ tôi đến thăm Trần Hoài Dương vừa ra Hà Nội và đang ở khách sạn đầu phố Quán Thánh, gần vườn hoa Hàng Đậu. Vườn hoa Hàng Đậu là điểm đầu của hai phố vuông góc Lý Nam Đế và Quán Thánh vì thế khách sạn Trần Hoài Dương ở rất gần chỗ tôi. Anh Vũ Bão khóa chiếc xe đạp tàng để lại cửa phòng tôi rồi cùng tôi đi bộ sang phố Quán Thánh.

Khi Trần Hoài Dương cưới chị Trinh là cưới cô giáo tiếng Nga. Bây giờ Trần Hoài Dương đi với vợ ra Hà Nội là thư kí Trần Hoài Dương đi với giám đốc Trinh. Chị Trinh đã để lại cả tuổi thơ ở phố Hàng Buồm, trước tháng hai, năm 1979, là phố của cộng đồng người Hoa với những tiệm ăn món Hoa nổi tiếng Hà Nội. Từ bé, ríu rít với những đứa bạn người Hoa, khi nói tiếng Việt, khi nói tiếng Hoa, chị Trinh trở nên rành tiếng Hoa của đủ các vùng đất Trung Hoa có mặt ở Hàng Buồm. Vào Sài Gòn, với tiếng Nga được học hành bài bản và tiếng Hoa thành thạo trong giao tiếp thực tế, chị Trinh trở thành cán bộ giỏi việc của sở Ngoại vụ thành phố. Thời kinh tế hội nhập, thị trường Việt Nam vừa mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài tấp nập tìm đến. Chị Trinh được một nhà đầu tư người Singapore gốc Hoa đến Việt Nam làm ăn, lập văn phòng công ty ở Sài Gòn mời về làm giám đốc văn phòng. Giám đốc văn phòng có thư kí giúp việc. Chưa tuyển được thư kí nên trong chuyến giám đốc Trinh ra miền Bắc tìm nguồn hàng cho công ty liền có ông chồng Trần Hoài Dương đi cùng với vai trò thư kí.

Những đứa con của Hà Nội thời nghèo khó mang hồn Hà Nội đi xa bây giờ trở về phải tìm đến cội nguồn của mảnh hồn Hà Nội ở âm thầm rêu phong phố cổ, ở xao động mặt nước Hồ Gươm, ở lao xao khóm lộc vừng cổ thụ, ở thân thiết phố xưa, nhà cũ và ở cả lặng lẽ hương vị món ăn chỉ Hà Nội mới có. Hà Nội lên đèn, Chị Trinh và anh Dương mời nhà văn Vũ Bão và tôi đi ăn tối món chả cá Lã Vọng. Chúng tôi chậm rãi đi bộ để những người con xa Hà Nội trở về cảm nhận cái hồn Hà Nội ở viên gạch lát đường Quán Thánh, ở thảm cỏ vườn hoa Hàng Đậu, ở vòm sấu phố Phan Đình Phùng góc phố Lý Nam Đế, ở tháp nước cổ đầu vườn hoa Hàng Đậu, ở đường ray xe điện băng qua phố Hàng Lược sang phố Hàng Gà . . . , những nơi chốn vô cùng gần gũi, quen thuộc với tôi, lại càng thân thiết, bồi hồi kỉ niệm với anh Dương, chị Trinh. Những nơi chốn này rất gần với phố cổ Đường Thành, lại càng gần hơn với phố cao lâu Hàng Buồm.

Lên chiếc cầu thang hẹp, anh Dương chọn bàn ăn bên cửa sổ nhìn xuống con phố nhỏ Chả Cá Lã Vọng. Khi vui, Trần Hoài Dương rất hay chuyện. Buổi tối hôm đó dường như chỉ có Trần Hoài Dương nói. Chị Trinh chỉ im lặng. Những lần gặp chị Trinh, tôi thường thấy chị rất kín tiếng. Nhưng dường như sự im lặng của chị Trinh tối hôm đó là sự im ắng của biển cả trước lúc biển động. Tâm hồn Trần Hoài Dương trong trẻo quá. Với anh, bầu trời lúc nào cũng xanh ngăn ngắt và anh cứ say đắm ngắm màu xanh đó mà không thấy đám mây đen đã lởn vởn ở chân trời!
Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi mới có lại có chuyến đi vào phía Nam để tìm đến nơi ở thứ ba của gia đình Trần Hoài Dương ở Sài Gòn trong con hẻm sâu đường Lý Chính Thắng, quận Ba vào sáng chủ nhật. Cánh cổng căng lưới sắt khóa nhưng cánh cửa nhà phía trong không khóa. Có tiếng người nói nhỏ trong nhà, khi tôi bấm chuông thì tiếng nói im bặt nhưng tôi phải đứng đợi rất lâu vẫn không có người ra mở cửa. Một điều bất thường tôi chưa từng gặp khi đến nhà Trần Hoài Dương. Đợi lâu đến mức tôi đã định bỏ đi thì Trần Hoài Dương mở cửa bước ra đứng sau cánh cổng lưới sắt. Da tái nhợt, mặt ảm đạm, phờ phạc như qua nhiều đêm mất ngủ, Trần Hoài Dương cáo lỗi gia đình anh đang có việc bận, hẹn tôi hôm khác đến.

Nhưng không bao giờ tôi còn được đến thăm gia đình đầm ấm của Trần Hoài Dương ở ngôi nhà trong con hẻm đường Lý Chính Thắng nữa. Gia đình đầm ấm đó không còn và anh cũng không còn ở đó! Lần sau tôi đến thăm anh thì gia đình anh đã tan vỡ! Trần Hoài Dương ở một mình trong ngôi nhà lầu xinh xắn vợ chồng anh mới xây thời gia đình còn đầm ấm trên mảnh đất một ngàn mét vuông giữa làng hoa Gò Vấp. Trước nhà, bên bậc thềm bước lên hè có cây mít của chủ đất cũ để lại, lúc nào cũng lủng lẳng quả. Sau nhà, ở cửa sổ phòng khách nhìn ra có cây sấu non, Trần Hoài Dương mang quả sấu chín từ Hà Nội vào trồng. Vườn đất rộng rãi quanh nhà là những luống hồng. Phòng rộng nhất trong ngôi nhà ở trên lầu một là phòng sách. Sách của Trần Hoài Dương nhiều như thư viện của một cơ quan văn hóa, lại có nhiều sách quí mà nhiều thư viện của cơ quan văn hóa cũng không có được. Ngôi nhà thứ tư ở Sài Gòn của Trần Hoài Dương thực sự là một biệt thự xinh xắn, sang trọng giữa vườn hồng ngát hương, yên tĩnh và trong lành, loại biệt thự thường thấy ở những gia đình phong lưu trước năm 1945. Nhưng những năm tháng ở biệt thự sang trọng này là những năm tháng khó khăn, gieo neo, cơ cực nhất của Trần Hoài Dương.

Ngôi nhà thứ năm ở Sài Gòn của Trần Hoài Dương là nhà 30I đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Ngôi nhà thứ sáu là nhà 38 hẻm 56 cũng ở đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận. Trần Hoài Dương trở thành chủ những ngôi nhà trước đây như thế nào, tôi không biết. Tôi chỉ biết rõ chuyện đó từ ngôi nhà thứ năm trở đi. Nhưng thôi, tạm gác lại chuyện những ngôi nhà ở cõi tạm của Trần Hoài Dương để nhớ lại một thời khốn khó của một người hiền gặp thời nhiễu nhương, nhiều buồn đau, người hiền trở nên bơ vơ, lạc lõng!

2. GIÃ TỪ QUÃNG ĐỜI CÔNG CHỨC

Ở nhà xuất bản Măng Non, sau này đổi tên thành nhà xuất bản Trẻ, buổi đầu gây dựng, Trần Hoài Dương là nhà văn có tên tuổi, là biên tập lâu năm, là đảng viên nhiều tuổi đảng, đương nhiên anh là nguồn cán bộ quản lí vào loại quí, hiếm và tổ chức đã ngỏ ý muốn anh nhận trách nhiệm phó giám đốc nhà xuất bản.

Là một nhà văn chuyên viết truyện về lứa tuổi trẻ nổi tiếng cả nước, hai mươi tuổi anh đã trở thành đảng viên Cộng sản ở thời mỗi người Cộng sản đều là một tấm gương đẹp, là một thần tượng của tuổi trẻ. Người Cộng sản Trần Hoài Dương tấm lòng trong sáng, nhân hậu, bao dung, có lối sống bình dị, chân tình, có bề dày làm công việc biên tập. Bề dày đó không phải chỉ là những trang sách Trần Hoài Dương biên tập, không phải chỉ là sự tinh tường trong thẩm định bản thảo, không phải chỉ là kinh nghiệm, bản lĩnh xử lí bản thảo, tấm lòng đôn hậu, trân trọng với bạn viết mà còn là sự dìu dắt, xây dựng đội ngũ biên tập, đội ngũ người viết đi sau.

Thời làm biên tập ở tạp chí Học Tập, tạp chí lí luận của trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Trần Hoài Dương được phân công dìu dắt, giúp đỡ một biên tập viên trẻ, vừa tốt nghiệp đại học ngữ văn được nhận về tạp chí. Người được Trần Hoài Dương dìu dắt từ bước đầu bỡ ngỡ của nghề biên tập sau này trở thành tổng biên tập tờ tạp chí lớn của đảng cầm quyền và khi tôi viết những dòng này thì ông tổng biên tập đó đã là Tổng bí thư đảng cầm quyền rồi.

Thời làm biên tập văn xuôi báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn Việt Nam, Trần Hoài Dương đã cứu vớt được nhiều bản thảo, giúp cho sự ra đời của nhiều tên tuổi mới về sau đều là những nhà văn có tiếng tăm. Thấy truyện đăng trên báo Văn Nghệ đều của các tên tuổi đã quá quen thuộc, một thời gian dài, tờ báo của hội Nhà Văn không giới thiệu được một cây bút mới nào. Lại thấy bản thảo gửi đến bị loại nhiều quá, Trần Hoài Dương liền đọc lại cả đống bản thảo đã bị loại bỏ. Bản thảo nào cũng có bút phê của nhà văn nữ khá nổi tiếng làm biên tập ban văn xuôi: Truyện nhạt. Không dùng được. Có bản thảo chỉ có hai chữ đanh gọn, cay nghiệt: Nhạt. Bỏ! Kiên trì đọc, Trần Hoài Dương thấy bên cạnh những truyện đáng bị loại còn có những truyện bên trong cốt truyện dàn trải, kết cấu lỏng lẻo, bên dưới câu chữ rườm rà là những chi tiết lấp lánh của cuộc sống, là những số phận thực sự của cuộc đời và cũng thực sự của văn chương. Trần Hoài Dương liền viết thư, chỉ ra cụ thể những chỗ non kém của truyện để người viết viết lại. Nhận được thư, hầu hết người viết đều vui sướng, cảm động đến gặp biên tập Trần Hoài Dương. Gặp, nghe góp ý rồi mang bản thảo về sửa. Có người phải cầm bản thảo đi về đến vài lần, Trần Hoài Dương vẫn kiên trì với những bản thảo mang hơi thở cuộc sống như người đào vàng bền bỉ đãi tìm những hạt vàng cám li ti từ những khối đất đá moi trong lòng núi. Cầm bản thảo của người viết trẻ đã được đầu tư công sức để thực sự là tác phẩm văn chương trình lên tổng biên tập kí duyệt cho đăng, Trần Hoài Dương vui sướng như bản thảo của chính mình. Những truyện ngắn đầu tiên của người thợ kĩ thuật ở mỏ than Quảng Ninh Tô Ngọc Hiến, của anh công nhân cơ khí Nguyễn Mạnh Tuấn, sau này đều là những nhà văn nổi tiếng đã xuất hiện trên báo Văn Nghệ như vậy đó.

Một công chức có phẩm chất chính trị tin cậy, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, có nhân cách đẹp đẽ như Trần Hoài Dương thì chiếc ghế phó giám đốc nhà xuất bản là đương nhiên, bình thường và quá khiêm nhường nữa. Đã hơn một lần Trần Hoài Dương chia sẻ với tôi nỗi băn khoăn về thân phận công chức văn chương và chiếc ghế phó giám đốc nhà xuất bản, tôi đều có lời tham gia với anh không nên từ chối chiếc ghế quyền lực.

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có một bảng giá trị là thang bậc công chức. Dù những người làm nghệ thuật, làm khoa học vô cùng quí hiếm, đòi hỏi phải có tài năng Trời cho, có cá tính sáng tạo cũng phải chen chân xếp hàng trong thang bậc công chức cùng những người làm công việc sự vụ ai cũng làm được. Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lí người dân, nắm quyền chi phối, sai khiến người dân bằng công chức hóa người dân và tuyệt đối hóa bảng giá trị công chức. Nhà văn giải thưởng Nobel như Jean Paul Sartre, nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Albert Einstein chỉ viết văn, chỉ nghiên cứu khoa học, không có thứ bậc quan chức gì nếu ở Việt Nam thì thang bậc lương, tiêu chuẩn tem phiếu, diện tích nhà được cấp, chế độ vào bệnh viện chữa bệnh, tiêu chuẩn phòng làm việc, kích thước chiếc bàn làm việc, chiếc ghế ngồi cũng không bằng ông phó phòng ở nhà xuất bản. Chiếc ghế phó giám đốc nhà xuất bản là một thang bậc khá danh giá, khá nhiều bổng lộc, màu mè trong bảng giá trị quan chức nhưng Trần Hoài Dương vẫn giữ ý định của anh. Anh chỉ làm biên tập.

Cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi thế kỉ trước là lúc nền kinh tế Việt Nam ngấm đủ đòn cấm vận của Mĩ, thời kì bi đát nhất của kinh tế, của cuộc sống người dân Việt Nam. Ở Hà Nội, Sài Gòn, đến vòi nước máy cũng không có giọt nước rỉ ra. Các gia đình đều phải thuê thợ nước đào nền nhà, hạ thấp ống nước xuống và phải đợi đến đêm mới có dòng nước mảnh mai bất chợt ngập ngừng rỉ ra rồi lại bất chợt tắt ngóm. Nhà nhà phải thức đêm hứng từng xô nước đổ vào bể, đổ vào vại trữ cho cuộc sống hôm sau. Nhà máy không có nguyên liệu sản xuất, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cơ quan mở cửa lấy lệ. Sớm mai, những công chức ngái ngủ, những người thợ ngáp ngắn ngáp dài vội vã đến chỗ làm việc để được chấm công hưởng bảy mươi phần trăm lương rồi lại nháo nhào chạy đi nối vào hàng người xếp hàng dài dằng dặc chờ mua bó củi, lít dầu đốt, lạng đường, bìa đậu phụ, bánh xà phòng . . . Mỗi nơi chỉ bán một thứ. Thứ nào cũng phải có tem phiếu mới mua được và thứ nào cũng phải xếp hàng. Cuộc sống đó đã được tài năng dân gian khái quát thành câu thành ngữ chua xót: Đêm đêm cả nhà lo việc nước / Ngày ngày cả nước lo việc nhà!

Ngân hàng cạn tiền. Nhà nước không có tiền trả lương cho công chức, dù chỉ là đồng lương còm, đồng lương một tháng chỉ cho người nhận lương sống kham khổ được vài ngày. Trong tình thế bần cùng đó, những người hoạch định chính sách nhà nước liền có ngay chính sách chia sự bần cùng cho công chức sống bằng đồng lương, vận động công chức chưa đến tuổi nghỉ hưu cũng về hưu non theo chế độ lĩnh lương hưu một lần mà công chức lúc đó gọi là về hưu theo chế độ một cục: Mỗi năm làm việc được hưởng một tháng lương, nhận luôn một lần rồi về sống nốt quãng đời còn lại bằng cục tiền ngậm ngùi, hẩm hiu đó. Đương nhiên đối tượng vận động về hưu non là công chức trơn, không chức vụ.

Chị Trinh vợ anh Dương là lớp người Việt Nam xã hội chủ nghĩa đầu tiên làm việc cho các nhà đầu tư nước ngoài và được nhận đồng lương xứng đáng với chức danh, với công việc của một giám đốc kinh doanh trong kinh tế thị trường vừa mở ra ở Việt Nam. Cháu Quỳnh đã vào trường tiểu học, trường trọng điểm, có môi trường giáo dục tốt hơn các trường khác nhưng ở xa, ông bố Trần Hoài Dương sớm chiều phải đưa đón con và phải dành nhiều thời gian rèn con từ nét chữ đầu đời đến việc chơi với con, học với con, đọc sách với con để gợi mở nhận thức, gợi mở tâm hồn cho con.

Mặc dù đồng lương chết đói nhưng hầu hết công chức đều không dám rời chiếc ghế nhân viên nhà nước. Khổ riết đã quen. An phận mãi trong nghèo khổ làm cho người ta đã đánh mất bản năng tự lập kiếm sống, đánh mất bản tính tháo vát bươn chải của con người Việt Nam truyền thống. Vận động mãi không ai chịu về hưu non. Không ai về thì Trần Hoài Dương về. Lúc này chính là lúc Trần Hoài Dương thực hiện ý định ấp ủ từ lâu là phải tự giải thoát khỏi con người máy công chức sáng đạp xe đi, tối đạp về, rời bỏ chốn bon chen trong thang bậc công chức chật chội để có thời gian chăm sóc con và dành năm tháng không còn nhiều nhặn nữa cho những trang sách đau đáu. Trần Hoài Dương liền chấp nhận về hưu theo chế độ một cục. Một chầu bia chia tay với những người cùng làm việc ở nhà xuất bản vừa hết số tiền hưu lĩnh một lần sau gần ba mươi năm làm việc! Năm đó Trần Hoài Dương mới bốn mươi chín tuổi.

Chia tay chiếc ghế công chức ở nhà xuất bản, Trần Hoài Dương cũng chia tay tổ chức đảng. Là nhà văn công chức nhà nước, trở về làm dân thường, làm người viết tự do, Trần Hoài Dương vẫn rất quan tâm đến chính trị nhưng anh không tham gia sinh hoạt chính trị mà từ lâu anh đã nhận ra tính hình thức của những sinh hoạt đó. Tổ chức đảng duy trì chỉ để cho một số người trở thành quan chức của đảng, thành công chức chính trị, tạo nên bộ máy quyền lực của đảng đứng trên bộ máy quyền lực nhà nước. Tổ chức đảng chỉ để tạo quyền uy cho đảng và sinh hoạt đảng chỉ là thủ tục định kì triển khai quyền uy đó cho đảng viên chấp hành. Với đảng viên, sinh hoạt đó chỉ là hình thức và đảng viên chẳng có vai trò cá nhân gì!

3. NGÔI NHÀ CHỈ CÓ HOA VÀ SÁCH

Dành thời gian cho gia đình thì gia đình lại tan vỡ. Hai vợ chồng chia tay. Con trai ở với mẹ. Trần Hoài Dương một mình về ở biệt thự giữa làng hoa Gò Vấp. Lương hưu không có. Trần Hoài Dương không quen viết báo. Vài năm mới có một tập sách được xuất bản. Tiền nhuận bút một tập sách chỉ bằng một tháng lương còm của công chức cấp thấp. Mỗi năm Trần Hoài Dương chỉ có một, hai truyện thiếu nhi đăng trên báo Văn Nghệ ở Hà Nội. Nhuận bút chữ nghĩa ở Việt Nam đã rẻ mạt, nhuận bút báo ở Hà Nội lại thấp hơn nhuận bút báo ở Sài Gòn, nhuận bút báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn Việt Nam lại càng bèo bọt!

Mảnh vườn rộng chỉ có hoa. Ngôi nhà đẹp chỉ có sách. Với người khác, một ngàn mét vuông đất màu trồng hoa cũng là một nguồn sống lớn, một vốn sinh lợi. Những bông hoa rực rỡ quanh nhà cũng là tiền bạc. Nhưng Trần Hoài Dương không có nghề trồng hoa. Hỏi mấy người trồng hoa bên hàng xóm cách tưới nước, bón thuốc, Trần Hoài Dương chỉ duy trì cho vườn hoa tươi tốt chứ anh không đầu tư công sức vào kinh doanh hoa. Những gia đình trồng hoa ở chung quanh thấy hoa trong vườn nhà Trần Hoài Dương nở rộ mà không bán cứ để tàn, họ đến xin, anh cho ngay. Phòng lớn đầy ắp sách của Trần Hoài Dương cũng là kho của cải đồ sộ. Ngày cả miền Nam mới đổi màu cờ, ngày thành phố Sài Gòn mới đổi chủ, nhiều trí thức của Sài Gòn cũ phải bán dần những bộ sách quí để sống lần hồi qua ngày. Không có tiền sống Trần Hoài Dương cũng không bán sách mà còn mua thêm sách.

Sau này, khi đã qua cơn bĩ cực, đôi lúc Trần Hoài Dương lại bất ngờ kể cho tôi nghe một mẩu chuyện về cuộc sống của anh những ngày ở ngôi biệt thự rực rỡ hoa, ngồn ngộn sách nhưng bếp lúc nào cũng nguội lạnh. Một lần anh rủ rỉ kể rằng lần đó vào nhà sách ngoại văn Xuân Thu đường Đồng Khởi anh thấy tập sách tranh của họa sĩ người Italia Amedeo Modigliani anh rất mê. Quyển sách xuất bản ở Pháp, giá hơn hai trăm ngàn đồng tiền Việt, bằng gần nửa chỉ vàng. Loại sách đắt tiền này thường nhà sách nhập về rất ít. Quyển này chỉ còn tập cuối cùng. Sờ túi chỉ còn mấy đồng tiền lẻ. Trần Hoài Dương liền phóng xe đến bệnh viện quen thuộc bán máu lấy tiền mua sách!
Mãi sau này tôi mới biết, thời gian sống ở biệt thự chỉ có hoa và sách Trần Hoài Dương phải thường xuyên bán máu để sống nhưng anh không hề hé răng cho ai biết, kể cả các anh chị ruột thịt của anh! Ngày ấy làng hoa Gò Vấp còn là làng quê thưa vắng, xa xôi lắm, tôi lại đang còn làm báo bận rộn ít đến thăm anh nên mỗi lần đến đều ở lại khá lâu, ăn với anh bữa cơm. Đoán biết cuộc sống khó khăn của anh, mỗi lần đến tôi đều mang theo đồ ăn. Lần ấy tôi chỉ đến người không. Đến bữa ăn, tôi rủ anh ra quán gần nhà anh nhưng ăn xong, anh dứt khoát không cho tôi trả tiền. Anh bảo bà chủ quán không được nhận tiền của tôi và bà phải nghe vì anh là khách quen của quán.

Những ngày nghèo khó bần cùng đó Trần Hoài Dương vẫn sống rộng rãi, hào hiệp và vẫn sống đường hoàng, ngẩng cao đầu, đã không luồn lụy, nhờ vả ai anh còn san sẻ đồng tiền máu ra giúp người khác. Tôi biết những người được Trần Hoài Dương giúp đỡ tiền bạc trong những ngày khốn cùng đó, có người còn đang ở Sài Gòn, có người đã sang định cư bên Mĩ. Người đã bán máu lấy tiền mua sách, người yêu cái đẹp và yêu thương con người như yêu cuộc sống thì mang đồng tiền máu ra cứu giúp con người cùng cảnh ngộ cũng là bình thường.

Trần Hoài Dương yêu thương người đến mức hồi ở Phú Nhuận, anh cùng người bạn đang đi bộ trên đường Thích Quảng Đức, người bạn đi trước, Trần Hoài Dương đi sau ra nhà sách ở đường Phan Đăng Lưu thì chiếc xe máy lao đến đâm xầm vào anh, hất anh ngã xuống, chiếc xe đổ đè lên người. Đường Thích Quảng Đức không có vỉa hè, anh đã đi sát cửa nhà bên đường, có đi lấn ra ngoài đường đâu mà cũng bị xe tông. Người đi đường xúm đến. Người lôi chiếc xe ra. Người bạn dìu Trần Hoài Dương đứng lên. Anh gạt tay bạn ra để tự đứng nhưng tay bạn vừa buông ra anh lại ngã lăn ra đường. Chiếc dép bay đâu mất. Bàn chân trần rớm máu, đau điếng. Mọi người không cho người gây tai nạn nhận lại xe. Cảnh sát ở ngay ngã ba kia, ra kêu họ lại giải quyết. Người gây tai nạn là một thanh niên trẻ nhìn thấy tình cảnh người bị nạn đau đớn ngồi bên đường, lại nhìn thấy tốp cảnh sát giao thông ở ngã ba chỉ cách vài bước. Việc này dây vào cảnh sát là lôi thôi, rách việc, tốn kém lắm, anh ta vội đưa cho Trần Hoài Dương mấy tờ bạc xanh một trăm ngàn đồng bồi thường để xin nhận lại chiếc xe đi công việc gấp. Mọi người dứt khoát không cho anh ta đi, bắt anh ta cùng mấy người đưa người bị nạn lên bệnh viện xem chấn thương thế nào đã.
Nhận ra mùi rượu nồng nặc từ kẻ gây tai nạn, Trần Hoài Dương nhỏ nhẹ nói: Tôi không lấy tiền của em. Tôi cũng không giữ xe của em làm gì. Nhưng em đang say rượu đi xe máy nguy hiểm lắm. Em vào quán giải khát kia uống li nước chanh, nghỉ cho tỉnh rượu rồi hãy đi. Được tha, không phải bồi thường, không bị giữ xe, kẻ gây tai nạn rối rít cảm ơn rồi vội vã lên xe phóng đi. Nhưng chỉ đi được một đoạn anh ta lại tông vào chiếc xe đi trước, ngã ra đường và bị chiếc ô tô đi sau cán qua người. Anh bạn kể cho tôi nghe chuyện này rồi cùng tôi đến thăm Trần Hoài Dương khi bàn chân của Trần Hoài Dương còn bó bột vì một xương bàn chân bị gãy kín nhưng anh không nhắc gì đến việc vết thương của anh, không nhắc đến sự tốn kém chữa chạy bàn chân bị nạn mà chỉ ân hận hôm đó không ép đưa cậu thanh niên vào quán ngồi cho hết say rượu nên cậu ta đã bị thiệt mạng.

4. NGỌN NÚI SÓC TRONG HẺM NHỎ

Cuộc sống khốn khó kéo Trần Hoài Dương về với thực tế lo toan, với những tính toán đời thường. Trần Hoài Dương phải bán ngôi biệt thự đẹp trên mảnh đất rộng mua hai ngôi nhà, một ngôi nhỏ để ở và một ngôi nhà cho thuê lấy tiền sống. Mua gian đầu của ngôi nhà cổ năm gian, Trần Hoài Dương thuê người xây cất cải tạo thành căn hộ hai tầng lầu xinh xắn đó là nhà 30I đường Thích Quảng Đức. Tầng trệt là phòng khách và bếp núc. Phía trước có mảnh sân nhỏ đặt hòn non bộ, chậu lớn trồng cây phát tài cổ thụ và mấy chậu hoa. Lầu một là phòng ngủ, phòng viết. Lầu hai trên cùng để sách. Ở ngôi nhà này có một phụ nữ đẹp, dáng kiêu kì, quí phái, hai mươi tám tuổi, chưa chồng, đến với Trần Hoài Dương. Ở ngôi nhà này tôi và vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng đã được ăn bữa cơm trưa mồng một Tết với Trần Hoài Dương và người phụ nữ xinh đẹp đó. Ở ngôi nhà này Trần Hoài Dương lại được sống những ngày say đắm trong tình yêu sau khi gia đình tan vỡ. Thật tiếc là những ngày Trần Hoài Dương lại được say đắm trong tình yêu chỉ kéo dài không lâu, dù đến nay người phụ nữ xinh đẹp kia vẫn chưa lấy chồng. Ở ngôi nhà này có một người gửi đến cho Trần Hoài Dương chiếc máy giặt. Mãi sau này Trần Hoài Dương vẫn không đoán được người đã gửi máy giặt cho anh nhưng tôi đoán được. Thôi, chuyện đó kể sau.

Có căn nhà cho thuê lấy tiền sống thì người thuê nhà lại là một ông bạn, không thân nhưng cũng là chỗ quen biết từ lâu. Cho người ngoài thuê, Trần Hoài Dương cũng lấy giá hạ hơn giá thị trường. Cho bạn thuê, giá càng hạ hơn nữa nhưng vợ chồng ông bạn chỉ trả tiền thuê nhà mấy tháng đầu, về sau ông bạn không trả được đồng nào, đẩy Trần Hoài Dương vào thế khó, vừa khó trong cuộc sống, vừa khó xử với bạn. Bạn trả tiền thì cầm, không bao giờ Trần Hoài Dương hỏi. Bạn kêu khó khăn, không có tiền trả, Trần Hoài Dương lại vui vẻ chia sẻ khó khăn với bạn dù cuộc sống của anh còn khó khan hơn. Biết chuyện, nhiều lần tôi xui Trần Hoài Dương lấy lại nhà bán đi mua ngôi nhà khác. Nể bạn nên nấn ná mãi Trần Hoài Dương mới lấy lại được căn nhà đó, bán đi mua căn nhà ở đường Khuông Việt, quận Tân Phú.

Trần Hoài Dương rất có duyên mua bán nhà, mua bán khá nhanh, bán không được giá nhưng mua được giá khá mềm. Bán ngôi nhà trong hẻm đường Lý Chính Thắng, Trần Hoài Dương dẫn khách đi xem nhà. Chiếc tủ cao cùng đồ chất trên tủ làm cho khách mua nhà không nhìn thấy bức tường phía sau nhà giáp kênh Nhiêu Lộc bị lún nứt dọc bức tường nhưng chủ nhà Trần Hoài Dương đã chỉ cho khách mua thấy điều nguy hại đó của ngôi nhà. Người bán thật thà và đầy lòng trắc ẩn với người mua như vậy làm sao có thể bán được giá cao!

Có ngôi nhà ở đường Khuông Việt, lại có ngay một ông bạn khác đến thuê nhà cho “văn phòng hai” của ông bạn mở quán nhậu để ông bạn có chổ buổi trưa hằng ngày về quán như về nhà mình, ăn “phở” với bà chủ quán, tối mới về nhà ăn cơm với vợ. Quán đông khách, thu nhập khá nên tiền thuê nhà trả đều đặn.

Con trai tốt nghiệp đại học trong nước, tốt nghiệp cao học ở nước ngoài, đã trở thành phóng viên của một hãng thông tấn nổi tiếng thế giới làm việc ở London thủ đô nước Anh, tưởng như cuộc đời Trần Hoài Dương từ đây thư thả, ung dung, không còn gì phải lo toan, chỉ ngồi viết. Nhưng Trần Hoài Dương chỉ thư thả được ít ngày. Một lần Trần Hoài Dương nói với tôi rằng anh sẽ bán cả hai ngôi nhà, mua căn nhà ở nhỏ hơn để có khoản tiền dôi ra gửi cho con trai thêm vào mua nhà ở London. Sau này tôi mới được biết một lần nữa anh phải bán nhà không phải chỉ để cho con trai có thêm tiền mua nhà bên nước Anh mà còn vì vợ một người bạn ở Hà Nội đang nợ một khoản tiền lớn và đang bị chủ nợ đe dọa, người bạn phải cầu cứu đến Trần Hoài Dương. Chỉ có bán nhà mới có khoản tiền lớn cho ông bạn ở Hà Nội vay.

Đã có lần Trần Hoài Dương kể sơ qua với tôi về ông bạn này. Đó là một cán bộ nhà nước sau một thời gian sang Campuchia làm chuyên gia trở về có viết một kí sự gửi đến báo Văn Nghệ kể vể những điều mắt thấy tai nghe ở đất nước vừa thoát khỏi họa Ponpot diệt chủng. Biên tập bài kí sự, Trần Hoài Dương giúp người viết biến một bài báo kể lể lê thê thành bài bút kí văn học được đăng trên báo Văn Nghệ. Từ đó người viết bài kí sự trở thành bạn Trần Hoài Dương. Có tiền của Trần Hoài Dương cho vay, vợ ông bạn ở Hà Nội trả xong nợ nần nhưng sau đấy vợ chồng họ tan tác mỗi người một nơi. Ông chồng ở Hà Nội với đàn con. Bà vợ ra nước ngoài lấy chồng khác. Còn Trần Hoài Dương thì quên đi số tiền đã cho người đàn bà đó vay.

Bán nhà, mua nhà, Trần Hoài Dương đến gặp bà thầy bói hỏi xem đã được tuổi mua bán chưa rồi tìm đến các cò nhà đất. Phá nhà cũ, xây nhà mới thì giao cho nhà thầu xây dựng. Nặng nhất với Trần Hoài Dương là việc chuyển nhà, chuyển kho sách hàng triệu cuốn sách cùng nhiều báo, tạp chí và bản thảo cần lưu giữ. Những lần chuyển nhà trước, ô tô vào được tận nhà thì thuê ô tô chuyển đồ, chuyển sách, thuê cửu vạn khiêng vác, vài chuyến ô tô là gọn. Lần này, ngôi nhà chuyển đến trong hẻm nhỏ, ô tô không vào được, phải thuê xe ba gác chở đồ. Trần Hoài Dương đi mua thùng carton cũ về rồi anh và tôi xếp sách vào thùng carton dán băng keo lại. Chuyển hết đồ ở hai tầng dưới mới chuyển đến sách ở tầng trên cùng. Từ nhà 30I sang nhà 38/56 đường Thích Quảng Đức không xa nhưng xe nhỏ, phải hai ngày mệt mỏi mới xong.

Đưa thùng sách cuối cùng vào nhà, Trần Hoài Dương gọi tôi lên lầu. Các phòng đều ngổn ngang đồ, không có một chỗ trống, chỉ có một chỗ có thể ngồi nghỉ được là chiếc giường đã lắp ghép lại trên lầu một mà đêm qua Trần Hoài Dương đã ngủ đêm đầu tiên ở nhà mới. Ngồi xuống giường, Trần Hoài Dương bảo: Phía trước nhà mình, chỉ cách vài căn nhà là chùa Quan Thế Âm, nơi hòa thượng Thích Quảng Đức trụ trì đấy anh Trọng ạ. Lúc đó tôi không để ý điều Trần Hoài Dương nói. Sau này đôi lần Trần Hoài Dương còn nhắc đến ngôi chùa Quan Thế Âm ở ngay chính hướng cửa nhà anh nhìn ra, tôi mới nhận ra điều Trần Hoài Dương quan tâm và anh tỏ ra rất hài lòng với ngôi nhà mới của anh.

Những năm sống ở đây anh đã có chuyến sang Bangkok, Thái Lan ở với con trai một tháng khi con trai được hãng thông tấn cử sang thường trú ở đó, hai lần sang London nước Anh ở với con trai, con dâu và cháu nội, mỗi lần sáu tháng. Ngoài thời gian đi vắng đó anh lại về sống cô đơn lặng lẽ ở đây. Tết Mậu Tí 2008 và Tết Canh Dần 2010 Trần Hoài Dương ăn Tết ở Anh với con trai, còn mọi Tết khác, trưa mồng một Tết tôi đều đến ngồi uống với anh li bia. Tết Tân Mão 2011 tôi đến đây được gặp cả con trai, con dâu và thằng cháu đích tôn của anh từ nước Anh về ăn Tết với anh. Thằng cháu đích tôn mà trong thư điện tử gửi cho tôi, anh khoe: Nói trộm vía cháu là thằng bé khá kháu khỉnh, trán rộng, tai to, ngón tay rất dài. Từ giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh đều đồng bộ là các con vật móng guốc, bốn chân, theo thầy tử vi như vậy là rất hiếm, cuộc đời sau này sẽ hanh thông, anh Trọng ạ. (Thư ngày 28.11.2009). Thằng cháu đích tôn đó đã mang đến cho ngôi nhà vốn âm thầm vắng lặng của anh một cái Tết đầm ấm, tràn đầy hạnh phúc. Đây là cái Tết đầm ấm duy nhất của anh ở ngôi nhà này và không ngờ lại là cái Tết cuối cùng của anh. Sau cái Tết đầm ấm với con cháu đó, Trần Hoài Dương lại cô đơn, âm thầm một mình và chỉ ba tháng sau từ ngôi nhà hướng sang chùa Quan Thế Âm anh đột ngột và lặng lẽ đi vào vô tận. Thì ra Trần Hoài Dương đã chọn sẵn cả nơi anh ra đi. Với tôi, với con cháu Trần Hoài Dương, trong con hẻm chật chội, ngôi nhà nhỏ của Trần Hoài Dương bỗng thênh thang như ngọn Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng về Trời.

5. VỚI TẤT CẢ TẤM LÒNG

Tôi có nhiều kỉ vật quí của Trần Hoài Dương và nhiều kỉ niệm đẹp với anh. Cây mít trên hè phố trước cửa nhà tôi mọc lên từ hạt quả mít Trần Hoài Dương cho tôi, đó là quả của cây mít mọc bên thềm ngôi biệt thự Gò Vấp của anh. Mỗi lần đi xa về Trần Hoài Dương đều có quà cho tôi. Chiếc gạt tàn thuốc lá có đắp nổi những biểu tượng của London. Chiếc bình pha lê . . . những món quà của anh, tôi để trong tủ sách của tôi. Quí nhất là những quyển sách có nét chữ của Trần Hoài Dương. Rất yêu quý tặng anh Phạm Đình Trong với tất cả tấm lòng. Đó là chữ Trần Hoài Dương ghi trên những quyển sách tác phẩm của anh tặng tôi. Trần Hoài Dương còn tặng tôi cả sách của người khác. Những quyển sách hiếm không xuất bản trong nước, hoặc có xuất bản nhưng bị thu hồi, không thể tìm thấy ở nhà sách, Trần Hoài Dương mượn được về đọc, anh lại mang sách ra tiệm photocopy nhân bản bổ xung vào kho sách của anh và anh đều photocopy cho tôi một bản. Tập sách rất quí hiếm dày 466 trang khổ A4 TRẦN DẦN GHI 1954 – 1960 do nhà văn Phạm Thị Hoài tập hợp, chọn lọc, biên tập và in ấn ở Berlin, Đức, tôi có được là nhờ thế.
Đi Anh lần thứ hai về, ngoài chiếc bình pha lê, Trần Hoài Dương còn tặng tôi quyển sách tranh của họa sĩ Italia tài năng Amedeo Modigliani. Trước đây Trần Hoài Dương đã mua được quyển sách tranh của A. Modigliani xuất bản từ Pháp ở nhà sách ngoại văn Xuân Thu đường Đồng Khởi, Sài Gòn. Sang Anh, Trần Hoài Dương thấy quyển sách tranh Modigliani xuất bản ở Đức trong nhà sách London, anh liền mua về tặng tôi.

Mẹ tôi mất, tôi báo tin, Trần Hoài Dương đến với tôi và ở bên tôi từ lúc đó cho đến khi đưa mẹ tôi trở về với Đất Mẹ. Ngày đó một lượng vàng SJC chỉ hơn năm triệu đồng. Trần Hoài Dương để trong phong bì viếng mẹ tôi hai triệu đồng.

Các đại hội Nhà Văn Việt Nam trước đây đều là đại hội đại biểu và Trần Hoài Dương đều trúng cử đại biểu với số phiếu cao nhưng nhiều đại hội anh không đi dự. Đại hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ tám họp vào tháng tám, năm 2010 nhưng tháng sáu Trần Hoài Dương còn ở Anh, anh viết thư điện tử cho tôi: Cuối tháng này D sẽ về, sẽ tâm sự nhiều với anh Trọng sau nhé. Thư này D chỉ viết mấy dòng, phiền anh Trọng giúp D một chút thôi. Nghe nói 15.6 này sẽ họp chi hội Nhà Văn Việt Nam ở Sài Gòn, bầu đại biểu đi dự đại hội ngoài Hà Nội. Thực ra D cũng chẳng thích thú gì chuyện hội hè, đình đám, chỉ muốn có dịp gặp gỡ bạn bè. Hiếm có dịp bạn bè cả nước tập trung đông đủ như vậy. Thêm nữa, bạn bè cũng già lão cả rồi, có lẽ vài năm nữa sẽ lần lượt ra đi hết cả. Muốn tranh thủ gặp nhau lần cuối. Vì vậy D nhờ anh Trong hôm đi họp anh báo cáo với ban tổ chức, với chủ tịch đoàn và trực tiếp với anh Hữu Thỉnh, xin phép cho D vắng mặt. Có báo cáo như vậy họ mới để tên mình trong danh sách bỏ phiếu bầu cử người đi đại hội, anh Trọng ạ. Anh Trọng cũng hiểu D không ham hố gì, chỉ mong được gặp bạn bè thôi. Anh Trọng giúp D nhé. Cảm ơn anh trọng nhiều. Thân yêu. THD. (Thư ngày 09.06.2010)

Đại hội tám là đại hội toàn thể, không phải bầu đại biểu đi đại hội. Tôi mua hai vé máy bay khứ hồi. Tôi và Trần Hoài Dương cùng một chuyến bay ra Hà Nội, cùng ở một phòng ở khách sạn Kim Liên. Đây là thời gian tôi được gần gũi Trần Hoài Dương lâu nhất. Cùng ngồi một bàn ăn. Cùng ngồi cạnh nhau trên hội trường. Buổi tối hai thằng nằm hai giường cạnh nhau nói đủ chuyện trước khi ngủ. Như là sự mách bảo của định mệnh tranh thủ gặp nhau lần cuối cùng, ở đại hội Nhà Văn lần này, Trần Hoài Dương tìm gặp và chụp ảnh chung với tất cả bạn bè văn chương quen biết. Toàn bộ thời gian của dịp trở về Hà Nội lần đó Trần Hoài Dương dành cho bầu bạn văn chương thân yêu với tất cả tấm lòng rồi chín tháng sau anh lặng lẽ ra đi, vĩnh viễn xa bầu bạn!

6. NỖI NIỀM TRẦN HOÀI DƯƠNG

Những lúc tôi và Trần Hoài Dương ngồi với nhau chúng tôi chỉ nói về thời sự đất nước, nói về sự việc văn chương và con người của những sự việc đó, tâm trạng, nỗi niềm của chúng tôi chỉ được bộc lộ qua việc nhìn nhận sự việc và con người đó. Không khi nào chúng tôi trực tiếp giãi bày tâm trạng với nhau. Nhưng khi xa nhau, ngồi trước màn hình viết thư điện tử cho nhau mới là lúc chúng tôi được chia sẻ nỗi niềm.

Đi đám cưới con trai một nhà văn, Trần Hoài Dương và tôi bất ngờ gặp lại một đồng nghiệp trước đây cùng làm việc ở báo Văn Nghệ với Trần Hoài Dương. Xa cách mấy chục năm trời mới gặp lại, bình thường Trần Hoài Dương phải vui lắm, xoắn xuýt lắm nhưng với ông bạn này Trần Hoài Dương rất thờ ơ. Sau này tôi gạn hỏi, Trần Hoài Dương mới nói về con người anh không coi là nhà văn này, một người hoàn toàn thiếu vắng năng lực văn chương nhưng lại rất giỏi chạy chọt tiến thân bằng văn chương. Quả nhiên sự chạy chọt lại diễn ra ngay sau đó. Trong một thư điện tử Trần Hoài Dương viết từ Anh cho tôi: D đọc báo mạng biết tin về đại hội nhà văn Sài Gòn. Ban chấp hành mới toàn những cái mặt thật đáng buồn. Lạ lùng nhất là tay X. Giai đoạn cuối đời làm tổng biên tập báo Y, ăn hối lộ, rất tai tiếng, phải về hưu trong khinh rẻ. Vợ chồng dẫn nhau vào Sài Gòn, coi như sống nốt ít năm tháng thảm hại. Vậy mà nay lại làm chủ tịch hội Nhà Văn thành phố, như vậy cũng có nghĩa sẽ là phó chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam . . . Thật là thời buổi nhố nhăng quá chừng! (Thư ngày 25.06.2010). Trần Hoài Dương viết rõ tên người, tên tờ báo nhưng tôi thay bằng X và Y.

Khai thác bô xít Tây Nguyên là nỗi nhức nhối của mọi người Việt còn nặng lòng với nước. Trần Hoài Dương bộc lộ nỗi nhức nhối đó trong một thư điện tử: Anh Trọng ơi. Vừa đọc trên mạng biết có lời kêu gọi kí tên vào Kiến nghị về vụ bô xít Tây Nguyên. Mình cũng muốn tham gia kí tên nhưng không biết cách gửi đi. Mình nhờ anh Trọng đăng kí tên mình vào bản Kiến nghị đó, anh Trọng nhé. Nhiều chuyện bực bội quá. Báo Tuổi Trẻ lại vừa phải bỏ, không được đăng tiếp loạt bài về công nhân TQ tràn ngập VN. Chưa có bao giờ thằng Tàu ngang nhiên o ép Việt Nam như bây giờ và cũng chưa bao giờ Việt Nam nhu nhược như bây giờ. Giữa lúc nhiều bê bối như thế lại còn bày ra trò mở học viện Khổng Tử. Trên mạng Đào Hiếu có bài của Nguyễn Gia Kiểng viết về cái hèn của trí thức khá hay, anh Trọng nên đọc. Trên Talawas cũng có bài viết về trí thức Ba Lan trong cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng hay, anh Trọng nên đọc cho biết . . . (Thư ngày 17.04.2009)

Đến Bangkok, nhìn người dân Thái Lan hiền hòa, tử tế trong cuộc sống yên bình, phát triển, Trần Hoài Dương đau xót nghĩ đến thân phận người dân Việt Nam: Họ có đạo Phật làm nền tảng, họ lại không bị cái họa cộng sản phá tung mọi giá trị đạo đức, làm đảo điên xã hội như ở xứ mình. Càng đi, càng thấy, càng đau xót cho đất nước mình, dân tộc mình, anh Trọng ạ. Càng thêm căm thù bọn khốn nạn, dốt nát và tham lam, đang vơ vét hết tài sản quốc gia và kìm hãm đất nước trong vòng ngu muội để cho bè lũ chúng nó đè đầu cưỡi cổ. Phải 30 – 35 năm nữa, Việt Nam mới bằng được Thái Lan bây giờ. Thế có chua xót, có đau đớn không! Mà con người Việt Nam đâu có ngu dốt, có tối tăm gì! Tài nguyên Việt Nam đâu có nghèo nàn gì! Chỉ muốn chửi cha chúng nó, chỉ muốn băm vằm chúng nó cho hả nỗi căm hờn chứa chất bấy lâu nay, anh Trọng ạ.
Anh Trọng đọc Ba Người Khác của Tô Hoài chưa? Rất nên đọc. Mình cũng vừa đọc xong Ngày Hoàng Đạo của Nguyễn Đình Chính, khá lắm anh Trọng ạ. Quả thật là bất ngờ. Viết lạ. Bút lực mạnh mẽ . . . Còn nhiều chuyện muốn nói lắm nhưng thôi, để khi gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều. Thân yêu. THD. (Thư ngày 02.03.2007)

Người muốn chửi cha, muốn băm vằm kẻ đang kìm hãm đất nước trong vòng ngu muội để đè đầu cưỡi cổ dân là người đã dìu dắt, giúp đỡ cả về nghề nghiệp chữ nghĩa, cả về lí tưởng cộng sản cho Tổng bí thư đảng cầm quyền hiện nay. Cả Trần Hoài Dương và tôi đã dành cả tình yêu say đắm của tuổi trẻ cho lí tưởng cộng sản và đã mang toàn bộ năm tháng tuổi trẻ cống hiến cho lí tưởng đó. Bây giờ Trần Hoài Dương viết trong thư điện tử: Nhân đọc bài của Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Phục, của anh Trọng, càng thấm thía một điều là: Cuối cùng tất cả những người thật sự có lương tâm đều gặp nhau ở một điểm là phải chia tay với chủ nghĩa toàn trị phi nhân, anh Trọng ạ. Cứ nhớ lại mà xem, hầu như tuyệt đại đa số những trí thức, văn nghệ sĩ lớn nhất thời đại, ban đầu ngây thơ tin theo chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đều phải vĩnh biệt nó. J.P. Sartre, A. Gide, B.Brech, N. Hicmet, P. Picasso, P. Eluar, L. Aragon . . . Nói chung ban đầu, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ lớn ấy đều vô cùng ngưỡng mộ, hi vọng vào chủ nghĩa cộng sản. Họ đã tin theo với bao kì vọng nhưng cuối cùng đều vỡ mộng, đều nhận ra bộ mặt thật độc tài, vô nhân đạo của chủ nghĩa ấy và họ đã dứt khoát chia tay. Trong quá trình vận động tư tưởng của bản thân mình, D nhiều lúc suy nghĩ băn khoăn lắm, không biết mình có sai lầm không khi rũ bỏ tất cả để được làm một người tự do. Mình đã thực sự vững tin đi tiếp con đường li khai khi nghĩ đến các bậc đi trước này, anh Trọng ạ. Về cuối đời L. Aragon tổng kết lại cuộc đời đi với chủ nghĩa cộng sản, ông viết: Tôi đã phung phí cả đời mình, có vậy thôi! – J’ ai gache ma vie, c’ est tout! (Thư ngày 10.12.2008)

Và điều Trần Hoài Dương nung nấu nhất, canh cánh nhất vẫn là những trang viết: Cái tiểu thuyết đang viết dở (viết đến lần thứ ba) đã được gần 400 trang nhưng vẫn không vừa lòng. D định sẽ nghĩ một đề cương khác, hợp lí hơn để viết lại. Đã có một số dự kiến, định trong những lúc cháu bé ngủ hoặc những đêm mình mất ngủ thì tập trung nghĩ lại thật chi tiết rồi viết lại từ đầu, anh Trọng ạ. Loay haoy 7 – 8 năm trời nay rồi mà vẫn chưa viết được, thật buồn quá! Ngoài trời đang có tuyết rơi đẹp lắm anh Trọng ạ. Từ hôm qua cả London và nước Anh chìm trong tuyết. (Thư ngày 07.01.2010)

7. CHIM BAY VỀ NGÀN

Người dân đến chốn cửa quan, ngoài trình tự thủ tục qui định ghi thành văn bản rõ ràng, còn có những thủ tục không có trong qui định nhà nước nhưng mọi người dân của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ai ai cũng phải biết. Mua bán nhà, sang tên, chuyển quyền sở hữu cho người khác phải nhiều lần đến cửa quan thì càng phải biết. Một người ngơ ngác giữa đời thường như Trần Hoài Dương khi bán căn nhà đầu tiên ở Gò Vấp cũng phải biết thủ tục: Mời các quan địa chính, quan đô thị đi nhà hàng, để các quan ngó đến việc người dân nhờ cậy. Còn việc giải quyết nhanh hay chậm lại là các thủ tục tiếp theo.

Nhà hàng Hoa Biển bên cầu An Lộc sát sông Tham Lương, các quan vừa ngồi xuống ghế thì các em tiếp viên táp đến. Mỗi quan một em xinh tươi mơn mởn cũng ngon lành, ngây ngất như men bia, như mồi nhậu trên bàn ăn. Ăn nhậu bằng miệng, bằng vị giác, bằng nỗi thèm khát của bao kiếp đời đói khổ, các quan còn ăn nhậu bằng mắt, bằng tai, bằng tay, bằng xúc giác, bằng bản năng của phần con. Dẫn các quan đi nhà hàng cũng là dịp cho Trần Hoài Dương thấy bộ mặt thật của quyền lực, thấy được thượng tầng kiến trúc xã hội thời anh sống. Không ngờ ở nơi phè phỡn ấy, Trần Hoài Dương còn nhận ra thân phận của con người ở hạ tầng. Trần Hoài Dương thấy cô gái bên cạnh anh không mặc đồ phô bầy da thịt, không cười nói lả lơi, không săn sóc khêu gợi khách như mấy cô đồng nghiệp kia, lại còn vẻ mặt rầu rầu tội nghiệp nữa. Trong khi các quan say sưa ăn nhậu thì Trần Hoài Dương rủ rỉ hỏi chuyện cô gái tội nghiệp. Em đang bán hàng cho bà chủ quán cà phê thì bà chủ dẹp quán, em phải qua đây. Em có người yêu đang học đại học. Anh không muốn em làm ở đây. Nhưng không làm ở đây thì biết làm gì để có tiền chúng em sống và giúp anh đi học.

Nhìn cô gái, Trần Hoài Dương biết không phải cô đang ca bài ca hoàn cảnh để được thương hại, bao bọc. Anh gạn hỏi. Giọt nước mắt lăn trên má, cô gái nói: Quán cà phê cũ em làm đang đông khách thì bà chủ phải thu vén tiền bạc chuẩn bị xuất cảnh. Nếu em có tiền sang lại quán thì em đâu phải làm ở đây. Bà chủ đòi bao nhiêu tiền sang quán? Những ba lượng vàng SJC lận. Cả đời em cũng không bao giờ có được một chỉ vàng. Em đào đâu ra để có ba lượng vàng! Không có tiền sang quán thì em phải làm ở đây chứ biết làm ở đâu? Em còn làm ở đây thì chắc em cũng không còn ảnh nữa!

Không hỏi tên, không hỏi chỗ ở, tan cuộc nhậu Trần Hoài Dương chỉ ghi lại số điện thoại của cô gái. Khi nhận được tiền bán ngôi nhà ở Gò Vấp, Trần Hoài Dương gọi cô gái đến nhà anh ở, đưa cho cô ba lượng vàng SJC. Từ đó anh không gặp lại cô gái nữa.

Mấy năm sau, khi Trần Hoài Dương đã chuyển về ở nhà 30I đường Thích Quảng Đức, một buổi sáng có người từ tiệm bán máy giặt đến xác minh địa chỉ, tên chủ nhà rồi chở chiếc máy giặt còn trong thùng giấy đến nói rằng có cặp vợ chồng trẻ chọn mua chiếc máy này, đã trả tiền và yêu cầu cửa hàng chở đến đây, lắp đặt hoàn chỉnh cả đường nước vào và nước thải của máy. Mua cho anh chiếc máy giặt là người đó phải biết rõ nhà anh chưa có máy giặt. Lại còn biết cả sự vụng về của anh sẽ không lắp được đường dẫn nước vào máy. Ai nhỉ? Trong quãng đời khó khăn nhất, Trần Hoài Dương đã san sẻ cả đồng tiền máu của anh ra giúp người, chắc bây giờ họ khá giả nên đền ơn anh chăng? Nghe Trần Hoài Dương kể chuyện có người chở đến cho anh chiếc máy giặt, tôi hỏi anh có đoán được ai gửi cho anh chiếc máy không? Anh im lặng nghĩ ngợi. Còn tôi thì tin chắc rằng chính cô gái mấy năm trước được anh giúp ba lượng vàng để cô được làm chủ quán bán cà phê, nuôi được người yêu ăn học xong đại học, bây giờ vợ chồng chàng kĩ sư trẻ làm việc này để tỏ lòng nhớ ơn người đã cứu giúp họ lúc khó khăn.

Cũng trong thời gian còn ở ngôi biệt thự Gò Vấp phải sống bằng đồng tiền máu không thể quên, một lần đi chiếc xe máy màu đỏ vào thành phố, Trần Hoài Dương thấy bên đường Nguyễn Kiệm một ông già miền núi da đen cháy, ngồi hút thuốc rê bán mấy nhánh lan rừng và mấy cái lồng nhỏ, mỗi lồng nhốt một con chim rừng. Trần Hoài Dương bỗng giật mình thấy một con chim đẹp quá. Anh dừng lại ngắm con chim màu sắc rực rỡ đến lộng lẫy. Nhìn mỏ chim nhỏ, dài như mũi kim trích vào cánh tay mỗi lần Trần Hoài Dương bán máu, anh đoán rằng đây là loại chim sống bằng mật hoa. Chiếc mỏ dài kia là để nó hút mật. Mật hoa đâu có nhiều, nó phải ở tự nhiên, cả ngày cần mẫn tìm hoa trong rừng mới sống được. Làm sao con người, lại là người thành phố có thể nuôi được giống chim quí này. Trần Hoài Dương hỏi giá con chim. Ông già nói hai trăm ngàn đồng. Trời, sao mắc vậy! Đâu có mắc. Con chim này đẹp và hiếm nhất trong các loại chim rừng đó, bắt nó đâu có dễ. Cả mấy con kia chỉ mấy chục ngàn đồng thôi, còn con này giá đó, không bớt đồng nào.

Nhìn con chim đẹp, lại nhìn ông già nghèo khổ từ miền rừng xa xôi lạc lõng giữa thành phố, Trần Hoài Dương xem lại ví tiền trong túi. May quá, còn được hơn hai trăm ngàn đồng. Trần Hoài Dương đưa tiền cho ông già rồi nhận lồng chim treo vào xe máy. Đến Thảo Cầm Viên, anh gửi xe máy và xách lồng chim vào nơi nuôi rừng, nuôi thú của thành phố. Đến góc vắng trong Thảo Cầm Viên, Trần Hoài Dương mở lồng cho con chim bay ra, trở về với ngàn xanh.

Chỉ một việc nhỏ, bình dị đó của Trần Hoài Dường nhưng những con người trần tục như tôi không bao giờ có thể làm được. Như một Người Trời lạc xuống trần gian, bây giờ Trần Hoài Dương đã lại trở về Trời. Bây giờ mỗi lần nhìn lên vòm trời xanh tôi lại nhớ đến Trần Hoài Dương, nhớ những ngày Trần Hoài Dương lạc lõng dưới trần gian để cho tôi được gặp một Người Trời Trần Hoài Dương.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-12-11
.
.
.

No comments: