15/12/2011 - 15:15
Việc Hoa Kỳ rút hết quân khỏi Iraq đang làm nảy sinh những buồn vui lẫn lộn không chỉ ở Iraq mà cả ở Mỹ. Nhiều người Iraq lo sợ rằng sự bất ổn chưa chấm dứt và có thể nền dân chủ mong manh của họ sẽ tan biến.
Ảnh: Tổng thống Obama bắt tay những người lính Mỹ vừa trở về từ Iraq (AFP: Jim Watson)
Cùng xuất hiện với Đệ nhất Phu nhân tại Fort Bragg, bang North Carolina, để chào đón các quân nhân Mỹ trở về từ Iraq, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ca ngợi hồi kết chính thức của cuộc chiến kéo dài 9 năm tại đất nước Trung Đông này là một "thành tích phi thường".
Hoa Kỳ vui và tự hào
"Kết thúc một cuộc chiến khó hơn là phát động nó", Tổng thống Obama nói trong buổi gặp gỡ và đón tiếp những người lính mũ nồi đỏ thuộc Trung đoàn Không vận 82, một trong những đơn vị cuối cùng rút khỏi Iraq trong tháng 12 này.
Ông Obama là người đưa ra giải pháp đầy tính trách nhiệm, cũng là cam kết chính trị của ông, nhằm kết thúc cuộc xung đột bắt đầu từ đợt không kích của Hoa Kỳ trong tháng 3/2003 nhằm vào Baghdad.
"Chúng ta đang xây dựng quan hệ đối tác mới giữa các dân tộc. Và chúng ta đang kết thúc một cuộc chiến không phải bằng một trận đánh cuối cùng mà bằng cuộc hành quân cuối cùng về nhà", ông Obama phát biểu.
Tổng thống nói rằng Hoa Kỳ đang kết thúc cuộc chiến theo một cách thức khiến cho Hoa Kỳ mạnh hơn và thế giới an toàn hơn.
"Thực tế, mọi việc quân đội Mỹ làm tại Iraq: chiến đấu và hy sinh; đổ máu và kiến thiết; đào tạo và hợp tác, đã đưa chúng ta tới thời khắc thành công này", Tổng thống Hoa Kỳ nói.
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng đối với các nhà lãnh đạo, chuyên gia phân tích và tướng lĩnh Hoa Kỳ là rút ra những bài học chiến lược từ cuộc chiến.
Ông Obama là người phản đối “những cuộc chiến ngu ngốc” như cuộc chiến Iraq và trong chiến dịch tranh cử Tổng thống trước đây, ông đã hứa hẹn sẽ đưa binh sĩ Mỹ trở về tổ quốc.
Hơn 1,5 triệu người Mỹ đã phục vụ tại Iraq, trong đó hơn 30.000 người bị thương và gần 4.500 người thiệt mạng. Những người lính cuối cùng trong lực lượng đồn trú tại Iraq vốn đã có lúc lên tới 170.000 quân sẽ rút đi trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, ông Obama không phản đối tất cả các cuộc chiến và chính ông đã tăng cường cuộc chiến tại Afghanistan sau khi nhậm chức. Hiện vẫn còn 10.000 lính Mỹ đang chiến đấu ở đó.
Người Iraq cũng ăn mừng
Theo hãng tin AFP, hôm qua (14/12), hàng trăm người Iraq tại thành phố Fallujah đã đốt cờ Mỹ và cờ Israel trong một cuộc tuần hành ăn mừng việc quân Mỹ rút về nước.
Cuộc tuần hành được tổ chức tại Quảng trường Al-Khadra Mohammediyah ở trung tâm Fallujah và được xem là ‘lễ hội kỷ niệm vai trò kháng chiến’ thường niên đầu tiên.
Những người tham dự giương cao nhiều biểu ngữ với những khẩu hiệu như: "Giờ chúng ta tự do" và "Fallujah là ngọn lửa kháng chiến", kèm theo cả ảnh những chiến binh nổi dậy bịt mặt, tay mang vũ khí cũng như ảnh những lính Mỹ đã thiệt mạng và các loại xe quân sự bị phá hủy trong hai đợt tấn công chính vào thành phố này năm 2004.
"Chúng tôi tự hào đã tống cổ được những kẻ chiếm đóng ra khỏi Iraq", một thủ lĩnh địa phương người Sunni của Đảng Hồi giáo nói.
Fallujah, thành phố khoảng nửa triệu dân cách thủ đô Baghdah 60 km về phía Tây, là cái nôi của những cuộc phản đối Hoa Kỳ đầu tiên ngay sau tháng 3/2003.
Lúc đó, người dân Fallujah mới chỉ ném giày vào lính Mỹ nhưng đến tháng 4/2004, bốn nhân viên người Mỹ của công ty an ninh tư nhân Blackwater đã bị giết hại dã man tại thành phố này.
Cũng năm đó, quân đội Mỹ mở hai cuộc tấn công lớn vào Fallujah và để lại nhiều tàn tích còn đến giờ như những tòa nhà đổ nát và các bức tường lỗ chỗ vết đạn.
Sau cuộc tấn công đầu tiên của quân Mỹ trong tháng 4/2004 nhằm đập tan lực lượng nổi dậy người Sunni nhưng thất bại, Fallujah trở thành lãnh địa do Al-Qaeda và đồng minh kiểm soát.
Đến tháng 11/2004, cuộc tấn công thứ hai mở màn chỉ vài tháng trước kỳ bầu cử quốc hội diễn ra trong tháng 1/2005. Đây được xem là trận đánh ác liệt nhất với Hoa Kỳ kể từ chiến tranh Việt Nam, với khoảng 2.000 dân thường và 140 lính Mỹ thiệt mạng.
Nỗi lo còn đó
Tổng thống Obama tuyên bố rằng, Hoa Kỳ đã để lại “một nước Irag chủ quyền, ổn định và tự cường với một chính phủ do người dân bầu ra”.
Tiếp Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tại Nhà Trắng hôm thứ Hai, 12/12, ông Obama cũng hứa hẹn một mối quan hệ tương lại “bền vững” với Iraq.
Tuy nhiên, ngay tại Washington, có ý kiến lo ngại rằng Iraq vẫn thiếu khả năng bảo vệ biên giới của mình và do đó, quốc gia này có thể bị ảnh hưởng bởi Iran vốn bị xem là kẻ thù của Washington.
Còn ở Iraq, việc quân đội Mỹ rút đi đang làm người dân nảy sinh những cảm xúc trái ngược. Bên cạnh sự vui mừng, nhiều người lo sợ rằng sự bất ổn chưa chấm dứt và có thể nền dân chủ mong manh của họ sẽ tan biến.
"Tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi thật sự. Vẫn còn những vụ đánh bom, những vụ ám sát và chính phủ sẽ không thể làm gì", một phụ nữ làm công việc nội trợ ở Baghdah nói.
Sự yếu kém của nền kinh tế, tình trạng thiếu điện, tỉ lệ thất nghiệp cao và vẫn còn tồn tại sự bất đồng với các lãnh tụ chính trị đang góp phần vào sự bất ổn ở Iraq.
Mặc dù các đảng phái người Sunni, Shi'ite và Kurd đã thỏa thuận về việc chia sẻ quyền lực nhưng chính phủ vẫn phải đương đầu với những căng thẳng tôn giáo. Bên cạnh đó, tuy tình trạng bạo lực giảm mạnh nhưng các vụ đánh bom và tấn công vẫn diễn ra hằng ngày.
Do đó, nhiều người lo ngại nếu thiếu đi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ thì liệu lực lượng an ninh Iraq khó có thể kiềm chế được quân nổi dậy vốn có liên hệ với al-Qaeda và các thế lực thù địch hay không.
"Giờ chúng tôi sẽ gặp rắc rối. Có lẽ bọn khủng bố sẽ lại tấn công chúng tôi”, Malik Abed, một chủ cửa hàng 44 tuổi tại chợ cá Baghdad, lo lắng.
Roua Mansour, một bà mẹ trẻ ở Baghdad cho biết giờ cô rất sợ và chỉ muốn ở trong nhà: “Tôi hy vọng tình hình sẽ tốt lên, nhưng vấn đề an ninh vẫn khiến tôi lo sợ".
.
.
.
No comments:
Post a Comment