HỒ SƠ WIKILEAKS (53) :
Hà Giang/Người Việt
Thứ Sáu - 2 Tháng 12, 2011
WESTMINSTER (NV) - Khoảng cuối Tháng Giêng năm 2008, truyền thông báo chí trong và ngoài nước nhôn nhao đưa tin về một chuyến đi xuyên Việt để thăm các nhà đấu tranh cho dân chủ tự do bị cầm tù ở miền Bắc.
Chuyến đi thăm tù hiếm có này đã làm xôn xao dư luận vì hai lý do: Thứ nhất, ở Việt Nam, thân nhân của các tù nhân, nhất là tù nhân chính trị ít đi được đi thăm, thứ hai, bản thân của người hướng dẫn phái đoàn đi thăm tù, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, thuộc hội thánh Tin Lành, cũng là một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết đến.
Sự kiện hy hữu này đã được giới chức của tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam quan tâm, bỏ công tìm hiểu, và chính đại sứ Hoa Kỳ là ông Michael Michalak, đã gửi bản tường trình từ Hà Nội về cho Bộ Ngoại Giao tại Hoa Thịnh Ðốn, trong công điện viết ngày 7 Tháng Ba, 2008.
Công điện cho biết chuyến đi thăm tù đặc biệt này đã được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải, và xác định rằng một nhóm mục sư Tin Lành do mục sư bất đồng chính kiến Nguyễn Hồng Quang, lãnh đạo của Hội Thánh Tin Lành Mennonite, trụ sở tại TPHCM, hướng dẫn, đã được phép vào thăm, và thực sự đến thăm hai tù nhân chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng là Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và Luật Sư Lê Thị Công Nhân vào ngày 31 Tháng Giêng vừa qua.
Một đoạn của công điện viết:
“Tại Việt Nam, thân nhân rất hiếm khi được phép vào thăm tù nhân, nhưng Mục Sư Nguyễn Hồng Quang đã xoay được phép của Bộ Công An (MPS) để đến thăm và làm phép rửa tội cho Nhân, một người theo học giáo lý của Kitô giáo đã từ lâu, và phong chức mục sư cho Ðài, một người đã theo đạo Tin Lành trong một thời gian rất dài.”
Cũng theo công điện thì sau khi được nhà chức trách Việt Nam cho phép, vào ngày 31 tháng 1, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Ðán, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang đã hướng dẫn phái đoàn gồm một số mục sư Tin Lành đến thăm Ðài và Nhân tại từng trại giam của họ.
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang được công điện mô tả như sau:
“Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, là một nhà một bất đồng chính kiến – cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị, là một cựu tù nhân, và là thành viên của Khối 8406 – theo đúng quyền hiến định của ông.”
Tả về hai nhân vật nổi tiếng được nhóm mục sư Tin Lành đi thăm trong tù, công điện nhắc đến một “phiên tòa được báo chí loan tin rộng rãi, trong đó luật sư đấu tranh bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Ðài bị kết án 5 năm, và Luật Sư Lê Thị Công Nhân bị kết án 4 năm vì tội ‘tuyên truyền chống nhà nước.’” Tuy nhiên, bản án của cả hai cùng được giảm một năm sau khi họ kháng án lên tòa phúc thẩm.
Ðể hiểu rõ diễn tiến của chuyến thăm tù đáng chú ý này, các viên chức thuộc tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ đã tiếp xúc với cả thân nhân của Luật Sư Lê Thị Công Nhân, lẫn một trong những vị mục sư Tin Lành có mặt trong chuyến đi thăm.
Sự quyết tâm của Mục Sư Nguyễn Hồng Quang và phái đoàn trong việc thực hiện cho bằng được chuyến đi thăm hiếm hoi này, được tả trong đoạn dưới đây của công điện:
“Sau khi yêu cầu vào thăm tù lần đầu bị từ chối, phái đoàn do Mục Sư Nguyễn Hồng Quang hướng dẫn đã kéo nhau đi Hà Nội và đến thăm trụ sở của Bộ Công An (MPS). Tại đó, họ đã thương lượng để xin được phép cho một nhóm gồm 12 mục sư Tin Lành, trong số đó có vài người là dân tộc thiểu số, và 7 người khác tháp tùng đến thăm Luật Sư Ðài, trong trại giam ở tỉnh Hà Nam và Nhân, trong nhà tù ở tỉnhThanh Hóa.”
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang đã thuyết phục và thương lượng với Bộ Công An thế nào?
Công điện viết:
“Mục Sư Quang tranh luận với đầu não của Bộ Công An rằng ‘người ngoại quốc,’ ý nói Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF), đã được phép đến thăm các tù nhân. Ông cũng ‘đe dọa’ là nếu phái đoàn của ông không được cấp giấy phép đi thăm tù thì họ sẽ tham gia các cuộc thắp nến cầu nguyện của tín đồ Công Giáo tại Hà Nội để đòi lại đất đai đã bị xâm phạm bất hợp pháp.”
Cũng theo công điện, thì thân mẫu của Lê Thị Công Nhân là bà Trần Thị Lệ nói với nhân viên của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ rằng, chỉ có 4 trong số đông đảo các mục sư được gặp con gái bà. Bà Lệ cũng cho biết là trước khi bị bắt giam, Luật Sư Lê Thị Công Nhân đã học giáo lý Kitô giáo nhiều năm, và đang chuẩn bị cho bí tích rửa tội thì bị bắt giữ.
Trong chuyến viếng thăm này, Nhân đã được phái đoàn chính thức cử hành nghi thức rửa tội. Bà Lệ cho biết vợ của Ðại cũng xác nhận rằng chồng mình vừa được phong chức mục sư.
Công điện trích lời vị mục sư đã tháp tùng phái đoàn đi thăm tù, kể rằng tại mỗi nhà tù, họ đã được các quản lý trại giam chào đón “nồng nhiệt,” và chuyến viếng thăm nói chung diễn ra suôn sẻ, không có vấn đề. Tuy nhiên, yêu cầu được thăm những tù nhân dân tộc thiểu số khác của phái đoàn đã bị khước từ, không những thế, một số người đi thăm cho biết rằng sau khi trở về nhà, họ đã bị công an thẩm vấn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment