Sunday, December 25, 2011

HAI CÁI CHẾT - HAI THÁI ĐỘ (Đoàn Xuân Lộc, BBC)



Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Global Policy Institute, London
Cập nhật: 09:48 GMT - chủ nhật, 25 tháng 12, 2011

Trong khi một cái chết làm người ta buồn thương, luyến tiếc, một cái chết khác lại tạo nên nơi người khác cảm giác lo sợ, bất an.
Đó là hai phản ứng trái ngược nhau trong những ngày qua về cái chết của ông Vaclav Havel và Kim Jong-il – hai con người có hai lối sống đối lập và cũng để lại hai di sản hoàn toàn trái ngược nhau.

Bên thương tiếc – bên lo sợ
Sau khi ông Vaclav Havel – cựu Tổng thống Cộng hòa Czech – qua đời, lãnh đạo các nước Âu, Mỹ và nhiều nước, tổ chức quốc tế khác nhau đã gửi lời chia buồn, tỏ lòng thương tiếc, cũng như vinh danh, ghi nhớ những đóng góp của ông trong việc cổ võ dân chủ, nhân quyền nói chung và trong tiến trình hòa hợp, thống nhất châu Âu nói riêng.
Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói Cộng hòa Czech đã mất đi “một trong những người con yêu nước vĩ đại nhất ... Nước Pháp đã mất một người bạn và châu Âu đã mất một trong những người khôn ngoan nhất”. Tương tự, Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho rằng châu Âu “nợ ông Vaclav Havel thật nhiều” vì “ông là người đã giúp mang tự do và dân chủ tới cho toàn châu Âu”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã gọi ông Havel là “một người châu Âu đích thực” và là “một người suốt cuộc đời mình luôn đấu tranh cho dân chủ và tự do”. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tỏ lòng thương tiếc và gửi lời chia buồn tới gia đình và nhân dân Czech sau khi hay tin ông Havel qua đời.
Trong khi đó, ngoại trừ Cuba, Trung Quốc, Việt Nam – những nước Cộng sản còn lại – và một vài chế độ độc tài, độc đảng khác, cái chết của ông Kim Jong-il – lãnh tụ của Bắc Hàn – không làm cho thế giới thương tiếc, chia buồn hay ghi nhớ, tri ân. Trái lại, cái chết của ông đã làm cho một số nước làng giềng lo sợ và phải đặt trong tình trạng báo động.
Ngay sau khi Bắc Hàn loan tin ông Kim Jong-il qua đời, Quân đội Nam Hàn được lệnh báo động vì chính phủ nước này lo sợ nguy cơ tấn công từ Bắc Hàn. Chính phủ Nhật triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để đề phòng bất cứ rắc rối về quân sự nào từ Bình Nhưỡng.
Vì lo sợ Bắc Hàn có những thái độ hung hăng và để phòng ngừa sự tấn công từ Bắc Hàn lên Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ đã phối hợp, hội đàm với lãnh đạo hai nước này ngay sau khi tin ông Kim từ trần được loan đi.
Cũng vì sợ có những động thái khiêu khích từ Bắc Hàn sau cái chết của ông Kim, thay vì gửi lời chia buồn, lãnh đạo các nước khác như Úc, Đức, Pháp kêu gọi chính quyền Bắc Hàn kiềm chế và hợp tác với cộng đồng quốc tế để cải thiện đời sống của người dân và duy trì an ninh trong khu vực.
Tại sao cái chết của một nhà lãnh đạo làm những nước láng giềng thương tiếc, bày tỏ lòng biết ơn, trong khi một cái chết của một nhà lãnh đạo khác lại tạo nên cảm giác lo sợ nơi các nước lân cận và buộc họ phải đặt vào tình trạng báo động như thế?

Nhà dân chủ – kẻ độc tài
Lý do chính dẫn đến sự khác biệt đó là một người suốt đời đấu tranh cho dân chủ và tự do, giúp dân thoát khỏi cảnh độc tài chuyên chế, góp phần xây dựng một châu Âu thống nhất, hòa bình. Còn người kia lại kìm kẹp, ngăn chặn hết mọi quyền sống, quyền làm người của dân và thay vì phát triển kinh tế lại chú tâm chế tạo vũ khí nguyên tử, hăm dọa các nước làng giềng, gây bất ổn trong khu vực.
Trong lời chia buồn của mình, Thủ tướng Anh David Cameron đã nói rằng công lớn của ông Havel là đã giúp người dân Czech thoát cảnh độc tài, bạo ngược. Hơn nữa, ‘vũ khí’ mà ông Havel dùng để chống bất công, bạo quyền và giúp dân mình thoát cảnh độc tài không phải là vũ khí nguyên tử, mà là một sự phản kháng ôn hòa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi nhận rằng chính sự đấu tranh hòa bình đó “đã làm rung chuyển nền tảng của cả một đế chế, phơi bày sự trống rỗng của một ý thức hệ hà khắc và chứng tỏ rằng sự lãnh đạo dựa trên những giá trị nhân bản còn mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào”.
Trong khi đó, đối với chính người dân của mình, ‘lãnh tụ kính yêu’ của Bắc Hàn không chỉ áp đặt lên họ một hệ tư tưởng mù quáng, hà khắc mà còn cướp đi hết những quyền căn bản của họ, đẩy họ vào cách nghèo đói.
Theo một bài viết trên The Telegraph hôm 19/11, trong khi nhà độc tài Kim Jong-il, ăn chơi trác táng, thưởng thức đủ loại– từ xe hơi đắt tiền và rượu ngon đến nhiều loại xa xỉ, vật lạ khác nhau – người dân Bắc Hàn phải sống trong cảnh cơ cực, đói nghèo.
Đối với các nước láng giềng, Bắc Hàn dùng vũ khí nguyên tử đe dọa, làm họ luôn cảm thấy bất ổn, lo sợ. Như một bài viết của Choe Sang-Hun và David E. Sanger, được đăng trên tờ The New York Times hôm 19/12, Bắc Hàn luôn trong tình trạng chiến tranh với Mỹ và Nam Hàn.

Bên thịnh vượng – bên đói nghèo
Vì có hai lối sống trái ngược nhau, ông Vaclav Havel và ông Kim Jong-il cũng để lại hai di sản hoàn toàn khác nhau.
Nhờ sự dấn thân, hy sinh của ông Havel – trong đó có những năm tù dưới chế độ Cộng sản – từ một dân tộc sống trong cảnh độc tài, toàn trị, người dân Cộng hòa Czech được hưởng tự do, dân chủ và hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Cũng vì nhờ sự đấu tranh không mệt mỏi của ông, chế độ độc tài tại Tiếp Khắc bị lật đổ và sau đó làm sụp đổ cả hệ thống độc tài tại châu Âu, giúp châu lục này tiến tới hòa giải, thống nhất và tự do.
Chắc chắn Cộng hòa Czech không được phồn thịnh và tự do, châu Âu không thể thống nhất và hòa hợp như ngày hôm này nếu không có những con người dám dấn thân, bất chấp tù đày như ông Havel. Đây cũng là lý do tại sao lãnh đạo châu Âu đều ca ngợi, tri ân những hy sinh, đóng góp của ông.

Trong khi đó, vì ham muốn quyền lực vô độ, vì độc tài và lập dị, ‘lãnh tụ kính yêu’ của Bắc Hàn đã đưa đất nước này đến tình trạng hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, với một nền kinh tế bên bờ vực thẳm, không thể nuôi sống người dân của mình. Chế độ này tồn tại được chỉ nhờ vào sự viện trợ nước ngoài hay những đổi chác, trao đổi thu được từ những cuộc mặc cả, đàm phán về hạt nhân.

Một bài viết trên The Washington Post hôm 19/12 đã so sánh kinh tế Bắc Hàn với Nam Hàn. Theo những số liệu bài viết này đưa ra, trong thập niên 1970 thu nhập tính theo đầu người của Bắc Hàn và Nam Hàn gần ngang nhau. Nhưng hiện tại thu nhập của người dân Bắc Hàn chưa bằng 5% của người dân Nam Hàn. Cũng theo bài viết này, nạn đói đã cướp đi khoảng ba triệu người dân tại Bắc Hàn.

Không chỉ thế, vì độc tài, thái độ hung hăng và bất thường, lại có trong tay vũ khí hạt nhân, Bắc Hàn là một trong những mối đe dọa chính đối với ổn định, an ninh khu vực. Đó cũng là lý do tại sao không chỉ Nam Hàn, Nhật Bản và Mỹ mà cộng đồng quốc tế nói chung đều lo ngại về mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Có thể dưới mắt của Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực, các ‘đồng chí’ của họ ở Bắc Hàn không phải mối đe dọa trực tiếp đến vì họ có quan hệ hữu hảo với Bình Nhưỡng. Nhưng nếu có xung đột xảy ra, đặc biệt nếu Bắc Hàn dùng vũ khí hạt nhân tấn công Nam Hàn hay Nhật, ít hay nhiều Trung Quốc và những nước khác cũng bị ảnh hưởng.

Tóm lại, nếu Vaclav Havel giúp kiến tạo một Cộng hòa Czech tự do, thịnh vượng và một châu Âu thống nhất, hòa bình, Kim Jong-il đã tạo nên một Bắc Triều Tiên nghèo đói, cô lập và một châu Á vẫn còn chia rẽ, và xung đột có thể xảy ra. Đây cũng là lý do tại sao có hai thái độ, hai phản ứng khác nhau về hai cái chết của hai nhà lãnh đạo hoàn toàn khác biệt này.

Trường hợp của Vaclav Havel và Kim Jong-il cũng cho thấy ở đâu lãnh đạo thực sự vì dân, biết đặt quyền lợi chung lên trên hết, dân sẽ được tự do, ấm no. Trái lại ở đâu lãnh đạo độc tài, chỉ biết lo cho mình, người dân sẽ phải sống trong cảnh cơ cực, mất hết quyền sống, quyền làm người.
.
.

.

No comments: