Friday, December 23, 2011

HAI BỘ MẶT CHÍNH TRỊ NGA & IRAN (Việt Nguyễn)



VIỆT NGUYÊN
Wednesday, December 21, 2011 7:06:53 PM

Câu chuyện về hai ông phụ tá tổng thống
Chiêu Bài Chủ Nghĩa Quốc Gia

LTS - Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.


Nền “dân chủ cần xử lý” của Thủ Tướng Nga Vladimir Putin lần đầu tiên bị thách thức nặng nề sau ngày bầu cử Quốc Hội.

Hàng ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Moscow từ ngày 5 tháng 12, 2011 khi kết quả bầu cử bị nghi ngờ gian lận với các bằng chứng được đưa lên Youtube. Ðảng Ðoàn Kết Nga của Thủ Tướng Putin thắng ít hơn kết quả dự đoán. Dân Nga đã cho thấy họ muốn loại tinh thần độc quyền độc đảng của nước Nga thời Xô Viết. Kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội là một khúc quanh của màn kịch giữa Tổng Thống Dimitri Medvedev và Thủ Tướng Vladimir Putin trong kỳ bầu cử tổng thống sắp đến ngày 4 tháng 3, 2012. Màn kịch “đổi áo, đổi màu” để Thủ Tướng Putin về lại ghế tổng thống và Tổng Thống Medvedev giữ ghế thủ tướng. Nhà độc tài Putin sẽ phải chọn lựa giữa hai giải pháp, hoặc phải độc tài hơn trong nền dân chủ quản trị hoặc bước ra khỏi chính trường để trở thành “cha già dân tộc.” Dù quyết định của ông Putin sẽ như thế nào đi nữa thì màn kịch diễn ra trong hậu trường “phòng xanh lá cây Moscow” do nhà đạo diễn Vladisslav Surkov, ông phụ tá của Putin, cần được viết lại.

Phụ tá Vladislav Surkov
Ông Vladislav Surkov, một nhân vật quyền lực hậu trường trẻ tuổi, sanh năm 1964, được giới chính trị Tây phương xem là nhà phù thủy chính trị, đạo diễn kịch rối, giựt dây những con rối từ sau hậu trường, người đã “tư hữu hóa hệ thống chính trị Nga.” Ông là một người điển hình của quyền lực chính trị Nga trong thời đại mới. Chức vụ chính thức của ông Surkov là “phó chủ tịch cơ quan thi hành tổng thống chế” để điều hành và thực thi quan niệm “dân chủ tối cao” trong đó những cơ quan dân chủ được bảo tồn nhưng không thực hiện tự do dân chủ như dân chủ Tây phương. Ông Surkov có khuôn mặt trẻ, nhẵn nhụi không một vết nhăn, da mặt mềm nhưng có cái nhìn “quỷ quái.” Ông đã biến Ðài Truyền Hình Nga thành một công cụ tuyên truyền cho Putin. Ðược huấn luyện để thành giám đốc kịch trường rồi trở thành nhân viên giao tế cho Ðảng của Putin ông ta đã tạo ra những đoàn thanh niên mới thân điện Cẩm Linh, những người Nga đã so sánh đoàn thanh niên này với thanh niên Hitler. Giống như “thanh niên công an tự phát” ở Việt Nam hiện nay các thanh niên này đánh đập đối lập, người nước ngoài đến Nga và ký giả viết tin không có lợi cho chính quyền. Bắt chước Trung cộng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các đoàn thanh niên này đốt các sách “Không yêu nước” ở Công trường Ðỏ.

Ông Vladislav Surkov cũng là một nhà văn, chuyên viết những bài tiểu luận về nghệ thuật và âm nhạc trữ tình. Cuốn sách nổi tiếng nhất của nước Nga năm 2009 “Hầu như con số không” do ông viết với bút danh Natan Dubovitsky (vợ ông là Natalya Dubovitsky). Trong cuốn tiểu thuyết ấy, nhân vật giao tế Egor mua bài từ các nhà văn nghèo rồi bán lại cho các nhà quyền thế hay các ông trùm băng đảng để in thành sách giúp các ông này thành nhà văn nổi tiếng! Nhân vật Egor cũng giống như nhân vật Surkov ở ngoài đời chỉ khác là Surkov là một sinh viên tối ưu về văn chương, mẹ ông là người Nga còn cha là người Chechen.

Theo tài liệu Wikileaks, hồ sơ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Moscow, Surkov tự xem là thiên tài “sinh bất phùng thời” nhưng ông ta là sản phẩm của thời đại nước Nga trong thập niên 1980-1990, một nước Nga thay đổi chóng mặt từ thời kỳ Ðổi Mới đến sự sụp đổ của Xô Viết qua đến các thời kỳ hồ hởi phấn khởi rồi bị tuyệt vọng vì thảm trạng kinh tế. Một xã hội mà nhà văn Solzhenitsyn đã chứng kiến khi về lại nước Nga từ Hoa Kỳ năm 1994 đến khi ông mất năm 2008. Thời đại Xô Viết của Solzhenitsyn chống học thuyết Marx của cộng sản đã sanh ra những thanh niên sống với lương tâm, đạo đức, sống với hy vọng và lý tưởng rồi vì những trở ngại của xã hội cộng sản trở thành những con người yếu đuối, ích kỷ. Họ bị chế độ quỷ quái hiện nay với tiền bạc, quyền lực, quan hệ biến thành những người đầy tham vọng xấu. Surkov cũng như nhân vật Mitya Yemtsov đảng viên cộng sản trong truyện “Những Ðiểm Gãy” của Solzhenitsyn, muốn bỏ Ðảng trước khi quá trễ nhưng thời thế đưa đẩy hết ngưỡng mộ Stalin qua đến Krushchev rồi Gorbachev, Yeltsin đến Putin, để thành giám đốc ngân hàng, tâm tư lúc nào cũng bị đối chọi giữa hai hệ thống và đời sống dưới chế độ cộng sản và chế độ tư bản ngụy tạo của Nga. Ông Surkov giống Putin, đai đen nhu đạo, giỏi võ, trở thành cận vệ của nhà tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovsky rồi thành nhân viên giao tế, giựt dây trong những vụ thương lượng ngân hàng, đài truyền hình v.v... Ông ta gián tiếp tạo ra cảnh xã hội trên đường phố Moscow, đường kẹt xe như ở Bắc Kinh, ở Sài Gòn, ở Hà Nội ngày nay với các xe Mercedes ưu tiên cho cán bộ cao cấp và con cháu, họ không cần biết đến luật lệ giao thông. Nghệ sỹ nhạc rap Noize Mc ở Nga với bản “Mercedes S666” chế nhạo chủ tịch công ty dầu Lukoil như Satan: “Cặp tao đầy tiền / giải quyết tất cả rắc rối. Bọn nhà quê chúng mày tránh đường / tao đây là nhà quý tộc đang ngồi trên xe.”

Năm 1999, Surkov ở trong chính quyền Yeltsin, năm 2000 đứng đằng sau Putin. Trong Nội các Yeltsin, Surkov là nhà dân chủ, đứng sau Putin Surkov là ông quan. Có lúc bị nghi ngờ có tham vọng làm tổng thống, ông phải tiết lộ cha ông là người Chechen để Putin không còn nghi ngại. Ông Surkov, giống như nhà viết kịch, biến nước Nga thay đổi chóng mặt, độc tài buổi sáng, dân chủ buổi trưa, đầu sỏ chính trị buổi tối. Nước Nga với các nhà tỷ phú dầu hỏa bị bỏ tù, ký giả bị ám sát, nhà giàu tẩu tán tài sản. Mục đích của Surkov là làm địch thủ của Putin hoang mang, lúc thì nói chuyện nhân quyền lúc thì để bọn thanh niên đầu trọc thanh toán đối lập.

Trong thời cộng sản, trí thức giả bộ tin vào chủ thuyết Marx Lenin. Trong thời Nga mới, trí thức Nga cũng có hai bộ mặt trắng đen không phân biệt vừa nịnh vừa chống Putin; như Khodorkovsky. Mục đích của người Nga bây giờ là làm giàu với chữ dân chủ được so sánh với chữ Mc Donald tượng trưng cho sự “rẻ tiền hạng bét.” Thời đại Surkov tạo ra những con người đứng dạng 2 chân một chân theo Putin một chân theo Khodorkovsky, làm vừa lòng chủ, bán linh hồn cho quỷ như nhân vật trong truyện Faust.

Giới trí thức của Nga ngày xưa theo Marx giả vờ tin cộng sản ngày nay họ lại theo những triết gia Tây phương. Những người như Surkov theo học những lớp thôi miên Erikson (triết gia nổi tiếng với “midlife crisis” khủng hoảng giữa đời ở tuổi sồn sồn), những chương trình ngôn ngữ thần kinh, các triết học thịnh hành ở Mỹ thập niên 1960, nhằm không chế đối thủ. Ở Moscow các trung tâm triết học Derrida (Pháp) và Erikson (Mỹ) mọc lên như nấm, dùng những phong trào triết học Tây phương để huấn luyện trí thức trở thành các “thầy giựt dây hậu trường!” và biến triết học thành dụng cụ đàn áp đối lập!

Phụ tá Estafandiyar Mashaei
Sau 3 ngày biểu tình ở thủ đô Moscow, hơn 1.000 người đã bị bắt. Bị áp lực của Hoa Kỳ và Cựu Tổng Thống Gorbachev, Tổng Thống Nga Medvedev yêu cầu mở cuộc điều tra gian lận bầu cử trong khi Thủ Tướng Putin đổ cho Mỹ đã đứng sau lưng xúi giục nổi loạn. “Thế lực ngoại bang” chiêu bài quốc gia đang được các chính quyền độc tài từ Trung Cộng qua đến Việt Nam nay được Nga mang ra sử dụng. Phong trào chống Putin có thể bùng nổ mạnh hơn. Ông Putin có thể sẽ đứng vào cái thế của Tổng Thống Iran Ahmadinejad, người đã sống sót qua các cuộc biểu tình chống đối của “Phong trào Xanh” 2 năm trước với 100,000 người bị đàn áp. Hàng ngàn người yêu tự do bị bắt, tù đày, tra tấn, bị giết vì bàn tay xúi giục của đế quốc Mỹ!.

Tổng Thống Ahmadinejad đã thoát được hiểm nghèo nhờ bàn tay của ông cố vấn thân tín Estafadiyar Rahim Mashaei. Là người trẻ tuổi, năm nay 51, ông Mashaei thân cận với tổng thống từ thập niên 1980, cả hai là thủ lĩnh đoàn thanh niên Hồi Giáo vùng Ðông Bắc tỉnh Kurdistan. Khi ông Ahmadinejad đắc cử tổng thống năm 2005, ông Mashaei trở thành chủ tịch “cơ quan văn hóa và di sản Iran.” Thân thiện với tổng thống hơn khi năm 2008, con gái ông Mashaei lấy con trai tổng thống. Nhà phù thủy chính trị, cố vấn tổng thống Ahmadinejad vượt qua những cơn khủng hoảng khi thế giới cô lập Iran, phong tỏa kinh tế khi Iran không hợp tác với LHQ về chương trình vũ khí nguyên tử. Giống như ở Nga, đời sống vật chất từ thời cách mạng Hồi Giáo Iran có tốt hơn nhưng dẫn vẫn sống trong một xã hội ngột ngạt bị đàn áp. So với thời trước cách mạng chống vua Shah năm 1979, trật tự xã hội bị xáo trộn. Không khác Egypt, quyền hành nằm trong tay quân đội với vệ binh cách mạng càng ngày càng nắm sức mạnh kinh tế với hơn 25 tỷ Mỹ kim đấu thầu công ty viễn liên, dầu hỏa, đường sá, nguyên tử, v.v...
Ông cố vấn Mashaei một mặt chống Mỹ, một mặt đối đầu với giáo quyền, gây chia rẽ với lãnh tụ Ali Khameni, từ đó tách rời với các ông đạo Ayatollahs.

Trong khi ở Nga một xứ văn hóa nổi tiếng trước thời cộng sản, ông cố vấn Surkov dùng triết học Tây phương Darrida và Erikson để khống chế trí thức thì ở Iran, ông chánh văn phòng phủ tổng thống Mashaei dùng tôn giáo, dĩ độc trị độc, để đánh lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamanei. Ông Mashaei tự nhận mình có thần thông tiếp xúc được với tông đồ thứ 12 của giáo chủ Mohammed (Trong bữa ăn cuối trước khi lên thánh giá, Chúa ngồi với 12 tông đồ còn nhà tiên tri Mohammed có 12 tông đồ kế nghiệp, 12 imam). Ali là anh em họ với giáo chủ Mohammed và cũng là con rể, lấy bà Fatima. Theo truyền thuyết, Ali lập ra giáo phái Shiite. Năm 656, Ali cai quản Hồi Giáo (Caliph) và bị giết chết năm 661 nhưng vào năm 941 tông đồ thứ 12 hiện ra cho biết Ngài chưa chết, chỉ ẩn trú, một ngày nào sẽ xuất hiện cho tín đồ biết nơi ẩn trú. Từ sau thế kỷ thứ 10, nhiều ông đạo tự nhận mình là Ali nhưng bị chống đối vì chỉ có Ayatollah là người đứng giao cảm giữa Thượng Ðế và tín đồ.

Ông cố vấn Mashaei nhiều lần nhắm mắt như ngủ gật trong buổi họp nội các, ông nói lúc ấy là lúc ông giao cảm với Ali. Mặc dù không theo đạo Baha'i, một đạo bị đàn áp đổ máu cho đến khi chính quyền Shah bị cách mạng lật đổ, nhưng ông Mashaei có cùng một niềm tin (đạo Baha'i bắt đầu từ thế kỷ thứ 19 do ông đạo Bab, có nghĩa là “cửa dẫn” đến gặp tông đồ thứ 12, Ali)

Mỗi năm có hàng chục triệu người Hồi Giáo đi hành hương đến Jamkaran nơi Ali đến nhiều nhất. Những người tin Ali đã đặt bài thơ “Tin đang trên đường đến.” “Có thể là Thứ Sáu này, có thể Ngài sắp cởi khăn choàng cho chúng ta thấy mặt” (người Hồi đi đền thờ ngày Thứ Sáu, người do Thái đi lễ ngày Thứ Bảy, người Thiên Chúa Giáo đi nhà thờ ngày Chúa Nhật).

Ông Mashaei thách thức lãnh tụ tối cao Khamanei dùng chiêu bài quốc gia thách đố chủ nghĩa Hồi Giáo, ông đối thoại với dân và chính quyền Do Thái mặc dù vẫn nói chuyện cách mạng. Tranh giành quyền lực trong nội bộ Iran dưới hình thức đấu tranh thần quyền dẫn đến hơn 10 nhân viên cao cấp trong chính quyền liên hệ đền ông Mashaei bị truy tố về tội tham nhũng, ngay cả ông Mashaei cũng đang bị điều tra và Tổng Thống Ahmadinejad đang bị ông đạo Khamanei hăm dọa cách chức. Năm 2009 đáng lẽ ông Mashaei được chọn làm phó tổng thống nhưng bị nhà lãnh tụ tối cao chống. Theo tin đồn, năm 2013 khi Tổng Thống Ahmadnijad hết hạn tổng thống như Hiến Pháp qui định ông Mashaei sẽ ra tranh cử nhưng âm mưu này lại bị lãnh tụ tối cao Khamanei ngăn chận.

Thế giới đang ở trong thời kỳ chủ nghĩa quốc gia. Trong khi sức mạnh của Hoa Kỳ bị xem như đang trên đường đi xuống thì “Ðế quốc Mỹ” vẫn là một chiêu bài ru ngủ dân chúng trong các chế độ độc tài từ Á sang Phi Châu và Nam Mỹ. Các cuộc biểu tình chống đối độc tài, áp bức, bất công sẽ vẫn xảy ra, chiến thuật của các ông Putin, Ahamadinejad chỉ là những chiến thuật tạm thời nhưng đưa đến bạo động như lịch sử đã cho thấy cuộc đời 12 tông đồ của giáo chủ Mohammed đa số đã chấm dứt thê thảm hoặc bị đầu độc, hoặc bị tù, hoặc bị xử tử, hoặc bị ám sát... Lịch sử cuối cùng vẫn là những màn kịch tái diễn.

Ngày 8 tháng 12, 2011
.
.
.

No comments: