Tuesday, December 13, 2011

HÀ SĨ PHU gủi HUỲNH THỤC VY : GOODBYE GIAN TRÁ, WELCOME SỰ LƯƠNG THIỆN !



Hà Sĩ Phu
13/12/2011

Xin bắt đầu, lại bằng một sự vô lý “thường ngày ở huyện”: Chiếc SIM điện thoại Viettel số 01655.700.633 của tôi vừa mới dùng được ít ngày lại bị cắt nữa. Hệt như số SIM bị cắt lần trước, khi gọi đi liền nhận được lời báo của Trung tâm “bạn đang dùng dịch vụ chặn cuộc gọi” (?), Việt-teo lại chơi xấu mình rồi. Tại sao tôi lại tự chặn tuốt ráo mọi cuộc gọi đi và gọi đến của mình nhỉ, tôi điên à? Trò “ma bùn” lừa đảo khách hàng này đã tự lộ mặt vì khi gọi *101# thì được thông báo “Tài khoản của bạn đã bị khoá”! Mà đây không biết là lần thứ bao nhiêu tôi bị cắt điện thoại. Bạn bè gọi đến cho tôi nhiều lần không được, bèn đến tận nhà bảo tôi lần này phải làm cho ra nhẽ, cứ nín nhịn mãi là dung túng cho họ làm bừa.

Nhắc lại, sau cái vụ cắt SIM liên quan đến cuộc “Hội thảo minh triết Hồ Chí Minh” cách đây chưa lâu nhiều bạn bè đã bảo tôi “Viettel là của… đấy, ông nên goodbye hắn đi mà chuyển sang Vina hoặc Mobi”, tôi vẫn cố thử test lần cuối, quả nhiên Viettel không hề biết “nghĩ lại” như hy vọng của tôi. Dịch vụ Chăm sóc khách hàng viết tắt là CSKH đã thành Chơi s[x]ỏ khách hàng!

Tôi vốn cẩn thận, luôn nạp tiền trước khá nhiều nên lần cắt nào cũng mất từ 100.000đ đến 400.000đ có trong SIM đó (một kiểu phạt hành chính đấy). Của đau con xót, từ nay tôi không dại, không dùng SIM Viettel nữa, nhưng trước khi từ biệt cũng nên chào nhau một câu cho có đầu có cuối “ Thank you, and Goodbye!”.

Song, nói đi cũng nên nói lại một chút cho công bằng. Suốt 20 năm nay, cắt điện thoại (cả điện thoại có dây và không dây) của kẻ dám thẳng cánh “Chia tay Ý thức hệ” này đâu chỉ có Viettel? Bưu điện nhà nước, công ty điện thoại EVN và sau cùng tệ hại nhất mới là các bạn Viettel… Vậy phải có một “cha nội” nào to lớn hơn bao trùm cả mấy đại công ty ấy, buộc họ phải chống lại nguyên tắc của “kinh tế thị trường”, không tôn trọng khách hàng, không tôn trọng hợp đồng như vậy chứ? Thật thương cho Kinh tế thị trường phải đeo đẳng hoài một cái đuôi… nên chẳng thể ra người tử tế.

*

Những chuyện vô lý đùng đùng kể ra thì nhiều vô thiên lủng, nhưng chống lại sự tử tế thì câu chuyện của cô gái Huỳnh Thục Vi và gia đình mới thật điển hình.

Mồ côi mẹ, cha bị đi tù vì tư tưởng dân chủ tự do, ba chị em lớn lên nhờ tình thương của họ hàng. Nhưng vượt qua nỗi bất hạnh của tuổi thơ ba chị em như ba mầm cây vẫn vươn lên tươi tốt, với chủng tử thiện lương, rất trí tuệ và văn hoá. Trong khi biết bao gia đình sung túc gấp triệu lần thì cứ sản sinh ra những đứa trẻ vô giáo dục, vô cảm, vô lương.

Trong phong trào xây dựng cái gọi là “những gia đình văn hoá ở khu dân cư”, đáng lẽ một gia đình rất nghèo mà biết giữ lễ giáo, nết na, lại biết nghĩ đến việc chung của xã hội như thế phải được vinh danh (hay ít nhất thôi thì cũng để cho yên), nhưng người ta bao vây, dồn ép, thậm chí có đợt dùng đến cả trăm công an, chặn chốt các ngả đường khắp một vùng, đánh đập, đe doạ… rồi bắt cái gia đình nghèo ấy phải nộp phạt hành chính 270 triệu đồng, gần bằng 13 nghìn đô-la, nếu không, biết đâu người ta có thể tịch biên cái gia sản rách nát ấy để những người thanh bần kia không còn đất sống?

Nhưng, trước một đại hoạ của toàn gia đình như vậy, cô gái blogger 26 tuổi Huỳnh Thục Vy đã giữ được sự bình tâm, tự tin, tự trọng và dung thứ đến ngạc nhiên.

- Dù bị cái Ác vùi dập Thục Vy vẫn tự bồi đắp một nhân sinh quan hướng thiện trong sáng, vượt lên khỏi nỗi đau riêng: “Tôi đã lớn lên mạnh mẽ và những tổn thương không thể lấy đi trong tôi niềm yêu đời, yêu người và cả một hoài bão. Dù những ngày tháng đã qua đối với ba chị em tôi là quá nhiều vất vả và mất mát, chúng tôi – mỗi đứa đã lớn lên như những mầm non vượt qua những vùi dập để trở nên xanh tươi”. “Tôi từng nhủ thầm rằng mình phải sống với lòng nhân ái và tinh thần đạo đức. Tôi đã cố gắng không để quá khứ biến tôi thành một kẻ thiếu lòng vị tha và nhân bản”

- Bao dung, tha thứ trước cái Ác, Thục Vy nói với những người từng xử ác với gia đình mình rằng “trong lòng tôi chưa khi nào dấy lên sự hận thù quý vị”, “tôi hiểu rằng hoa Dân chủ tự do sẽ không thể nở trên cánh đồng hận thù và hẹp hòi”.

- Sự nết na, có giáo dục, rất văn hoá ấy rõ ràng là được ươm mầm từ truyền thống gia đình. Kế tục được truyền thống tốt đã là quý, nhưng Thục Vy không tự giam mình trong truyền thống, cô tự buộc mình phải từ đó mà vươn xa hơn. Thục Vy hết sức chống sự xơ cứng của truyền thống, dù là truyền thống của một gia đình, một trào lưu hay của một dân tộc:
Lệ thuộc vào những giá trị của quá khứ lâu dần sẽ trở nên xơ cứng, thiếu sức sống và thiếu năng lực vận động”, “Những người bị truyền thống trói buộc sẽ mãi mãi chỉ quanh quẩn trong hào quang le lói của quá khứ mà không thể tạo lập cho mình một lập trường độc lập và một giá trị mới mẻ”.

Thuở học trò từ thời Pháp thuộc, tôi say mê đọc cuốn Tâm hồn cao thượng (Hà Mai Anh dịch cuốn Grand Coeur của Admond de Amicis). Nhiều lần cảm động đến phát khóc. Bây giờ, trong một khí quyển đầy gió bụi, đọc những lời của cô gái Huỳnh Thục Vy, tôi lại thấy man mác trong lòng những tâm hồn cao thượng thuở xa xưa.

Nhưng trong một khí quyển quá vẩn đục, mà lời thơ Bùi Minh Quốc minh họa “cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” thì những tâm hồn cao thượng chính là những đích ngắm mà người ta cần phải hạ gục, với tất cả quyết tâm của sự căm thù!  Ví dụ, nếu có một tà giáo khẳng định sự độc quyền Chân lý, độc quyền Ái quốc, độc quyền Nhân cách thì tất nhiên họ không thể chấp nhận những lẽ phải, những lòng yêu nước, những nhân cách nằm ngoài tầm tay của họ. Vì những giá trị nhân bản kia là những đối chứng không thể bác bỏ trước những giá trị độc tôn nhưng không có thật của họ.

Trong khi ra tay khủng bố, vùi dập những nhân cách, trời xui khiến làm sao kẻ Ác lại cuỗm 3000 Mỹ kim mà những người tử tế đã góp cho gia đình Thục Vy nộp phạt (một án phạt vô lý và bất nhân), có như vậy tấn bi kịch đối chứng nhãn tiền về Nhân cách mới được trọn vẹn để lưu vào sử sách. Bi kịch Phi nhân cách chống Nhân cách.

Năm 1997 Hà Sĩ Phu tôi cũng bị một vụ phạt hành chính. Số là mấy bức thư tôi gửi ông Trần Độ, ông Hoàng Minh Chính, ông Lê Hồng Hà xuất hiện ở một số trang Web hải ngoại, tôi bị quy tôi “vi phạm luật xuất bản”. Tôi bảo tôi không gửi ra ngoài, và chẳng hề xuất bản gì cả. Tôi được người ta giải thích: bất cứ thứ gì được sao chép ra dù ít dù nhiều đều là xuất bản cả. Tôi bị tịch thu toàn bộ dàn vi tính và máy in khi ấy còn hiếm và đắt, tổng số 1900 đô la, thật là xót ruột…

Cháu Thục Vy thương mến. Chúng ta đều là những người khiêm nhường, chẳng ai dám nhận mình là cao thượng, nhưng lương thiện là điều chắc chắn. Dù cho những tiêu cực và cái Ác còn đầy rẫy, nhưng Nhân dân muôn đời vẫn lương thiện, sự gian trá nhất định sẽ bị đẩy lùi. Trẻ già ta cùng nhau tự nhủ: “Goodbye gian trá, welcome sự lương thiện” nhé. Mong cháu đọc bài này như sự chia sẻ ít nhiều của một trong rất nhiều những người bị “Phạt Hành chính” thuở A còng xứ ta.

12/12/2011
H. S. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments: