Trịnh Hội
Thứ Tư, 21 tháng 12 2011
‘Gorillas trong sương mù’ là tên của một bộ phim Hollywood nổi tiếng nói về nhà nghiên cứu học, bà Dian Fossey, và sự cố gắng không ngừng nghỉ của bà trong quá trình nuôi dưỡng và che chở cho loài khỉ to đen Gorillas không bị tuyệt chủng ở Phi Châu. Ra mắt vào năm 1988, bộ phim ‘Gorillas in the Mist’ đã lập được nhiều thành công vang dội tại phòng vé cũng như thắng nhiều giải thưởng quan trọng kể cả giải Oscar nơi nó được đề cử đến 5 lần trong đó có vai diễn viên nữ xuất sắc nhất của diễn viên điện ảnh lừng danh Sigourney Weaver trong vai nhà nghiên cứu học Bà Dian Fossey.
Bà Dian Fossey và các con khỉ gorrillas trong khu vực rừng núi Virunga ở Rwanda (ảnh chụp năm 1982)
Hôm tôi đến Rwanda để làm một số công việc, tôi cứ định bụng nếu rảnh vào cuối tuần chắc chắn là tôi sẽ cố tìm cách đi xem những con gorillas này cho bằng được. Theo các sách hướng dẫn cho biết hiện tại trên thế giới chỉ còn khoảng 700 con gorillas đang được chăm sóc và theo dõi tại Công Viên Quốc Gia Volcanoes nằm ngay biên giới giữa 3 nước Uganda, Rwanda và Congo. Muốn đến đó tôi sẽ phải đi thật sớm hoặc phải đến công viên một ngày trước đó. Vì ngay sáng hôm sau tất cả mọi người phải khởi hành leo núi vào lúc 8 giờ sáng để đi tìm những con thú hoang này hiện đang sống trong hoang dã mà tiếng Anh gọi là ‘gorillas tracking’. Nếu may mắn, chúng tôi sẽ tìm thấy được tận mắt những chú khỉ đen khổng lồ trong bề ngoài rất ghê tợn nhưng thật ra lại là những con thú hiền nhất.
Tuy nhiên điều quan trọng là tôi phải xin được giấy phép cho vào khu vực này vì mỗi ngày chính phủ Rwanda chỉ cấp cho 56 người vào công viên quốc gia để đi tìm những con gorillas. Cũng theo các sách hướng dẫn cho biết, lý do đầu tiên của tất cả các khách du lịch đến Rwanda là để đi ‘gorillas tracking’ nên việc xin giấy phép không phải lúc nào cũng có. First come first serve. Ai đến trước sẽ được cấp trước. Còn nếu như đã hết giấy phép thì phải đợi đến ngày hôm sau, hoặc tuần sau, thậm chí trong những tháng cao điểm vào mùa khô, có người phải đợi đến vài tháng mới có giấy phép để đi.
Thế vậy mà hôm tôi đi xin giấy phép, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ là tôi đã xin được ngay. Cho ngay ngày hôm sau. Thế mới thấy hay không bằng hên. Đã vậy tôi còn làm quen được với một anh chàng người Mỹ từ New York sang Rwanda để đi xem gorillas cũng cùng chung một ngày nên cuối cùng chuyến đi chớp nhoáng của tôi lại được dịp giảm giá 50% off!
Thế mới đáng nói.
Sáng sớm thứ bảy hôm sau tuy trời vẫn còn tối mịt nhưng chúng tôi đã phải bắt đầu khởi hành vì như đã nói tất cả mọi người phải tập họp vào lúc 7 giờ sáng để bắt đầu leo núi vào lúc 8 giờ. Từ thủ đô Kigali lái xe đến khu rừng công viên quốc gia ráp gianh biên giới Congo mất khoảng độ chừng 2 tiếng rưỡi nên anh tài xế taxi đã y như hẹn gõ cửa phòng tôi vào lúc đúng 4 giờ sáng.
Và cũng y như hẹn, 3 tiếng sau tất cả mọi người đã có mặt đông đủ ở ngay văn phòng của ban quản trị khu công viên quốc gia để nghe những lời dặn dò của các nhân viên trước giờ khởi hành. Đây là điều bắt buộc đối với tất cả mọi người để hiểu và biết thêm về loài thú mà chúng tôi sắp được gặp.
Đầu tiên chúng tôi được cho biết là đối với những con gorillas, gia đình (family) là điều quan trọng nhất. Mỗi gia đình là một bầy với đầy đủ cha, mẹ, con và anh em. Đứng đầu gia đình là con gorilla đực to con nhất và lớn tuổi nhất với tấm lưng già màu bạc nên thường được gọi là ‘Silverback’.
Kế đến là những con silverback trẻ hơn hoặc nhỏ hơn và những con gorilla cái cùng với đám con nhỏ. Chúng luôn sống quanh quẩn bên nhau và cùng sinh hoạt, ăn ở chung. Con Silverback đầu đàn có quyền chung đụng với bất cứ con cái nào mà nó thích và trên nguyên tắc những con gorilla đực (silverback) khác không được đụng vào.
Thế nhưng chúng tôi được cho biết là trên thực tế những con silverback trẻ hơn không phải lúc nào cũng tôn trọng nguyên tắc này. Chỉ có điều nếu như sự vụng trộm bị con silverback đầu đàn tìm ra (vì đôi khi cả hai anh chị trong lúc vụng trộm đã quá ồn ào!) thì chắc chắn cả hai sẽ bị xử phạt.
Điều đáng nhắc ở đây đó là phần lớn những con silverback trẻ sẽ thà bị xử phạt để được ở lại cùng bầy hơn là tự ý thoát ly để thành lập một gia đình mới. Ngoại trừ khi nó dụ được một (hoặc nhiều) con cái chịu đi theo nó. Khi ấy một gia đình mới sẽ được thành hình ở một nơi khác rất xa nơi bầy cũ đang sinh hoạt.
Thì ra không phải chỉ có loài người mới biết hổ thẹn!
Một điều lý thú khác mà chúng tôi được cho biết là rất ít khi những con gorilla cái lại chịu đi theo một con đực khác. Vì vấn đề quan trọng nhất đối với những con cái là phải bảo vệ đám con nhỏ. Và để đạt được mục đích này, trước hết nó sẽ không bao giờ tỏ ý cho bất cứ một con silverback đực nào biết được là đứa con vừa mới được sinh ra là của ai.
Để chi? Để con silverback nào cũng nghĩ đó là con của mình và vì vậy con nào cũng sẽ luôn tìm cách bảo vệ những chú gorilla nhỏ.
Cũng khá thông minh đấy chứ bạn nhỉ?
Theo các sách khoa học cho biết trong tất cả các loài khỉ, chimpanzees và gorillas là hai loài gần với loài người nhất. Tùy vào sự tính toán riêng biệt của mỗi nhà khoa học nhưng tất cả mọi người đều đồng ý là đối với riêng những con gorillas, DNA của nó và con người giống nhau từ 95% đến 99%.
Trước khi chấm dứt buổi họp mặt chúng tôi cũng được thông báo là hiện nay có tất cả 7 gia đình gorillas đang sinh hoạt bên vùng đất thuộc Rwanda. Và vì không muốn làm xáo trộn quá nhiều cuộc sống của những con gorillas đang sống trong rừng sâu, mỗi ngày 56 người sẽ được chia ra làm 7 nhóm khác nhau để đi tìm 7 gia đình gorillas. Có gia đình có đến trên 40 con. Nhưng cũng có một số gia đình non trẻ chỉ có khoảng trên dưới 10 chú gorillas lớn nhỏ. Có bầy hiện đang ở rất gần khu văn phòng nơi chúng tôi đang tụ họp. Nhưng cũng có bầy chỉ thích sống ở những vùng sâu, vùng xa, phải mất độ khoảng 5 – 7 tiếng leo núi mới đến.
May mắn thay nhóm của chúng tôi nằm ở ngay giữa và được cho biết là nếu như chúng tôi chịu leo mau cộng với một tí may mắn thì có thể chỉ trong vòng khoảng 2 – 3 tiếng leo núi thì chúng tôi sẽ tìm thấy bầy thú gorillas ngay tại khu rừng nó đang sinh sống.
Và y như rằng điều đó đã xảy ra. Để tôi và 8 người khách bộ hành khác trong nhóm cảm thấy rằng mình quả thật là những người may mắn vì đã thấy được tận mắt những chú gorillas to lớn trông rất hung tợn nhưng lại rất ư là hiền lành, đáng nhớ. Nhớ nhất là cảnh hai anh em silverback to nùng nục cùng đùa giỡn bên nhau, đứa này đánh vào lưng đứa kia. Cảnh một chú bé gorilla dùng bàn tay nho nhỏ của mình gãi tấm lưng trắng bạc của con gorilla đầu đàn đang ngồi tư lự. Và cảnh một bà mẹ một tay dùng để hái lá tre đưa vào miệng, còn tay kia thì bận bế chú bé gorilla trẻ nhất trong bầy đang ngồi thỏm trong lòng.
Chỉ có thế thôi đấy bạn ạ. Chúng tôi chỉ được cho đứng gần để chụp hình, quan sát. Và tuyệt đối không được đưa tay sờ nắn, đụng vào những con thú hoang này. Thế nhưng trong nhóm hình như ai cũng cảm thấy mãn nguyện. Vì không phải ai cũng có dịp đi vào tận rừng sâu ở khu biên giới Rwanda và Congo để thấy được tận mắt những chú gorilla cuối cùng còn sống sót.
Âu cũng là nhờ công lao rất nhiều của nhà khoa học lẫy lừng bà Dian Fossey. Cũng chỉ vì bà mãi tranh đấu cho sự sống còn của loài thú này mà vào năm 1985, bà đã bị những kẻ chuyên đi săn gorilla giết ngay tại khu rừng này.
Cho đến hôm nay mộ bà vẫn nằm đây. Ngay tại khu rừng nơi những con thú mà bà đã có công nuôi dưỡng cuối cùng đã được bảo vệ.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
------------------------------------------------
Tin liên hệ
.
.
.
No comments:
Post a Comment