17/12/2011
(Lời Bình) – Xin Trân Trọng Giới Thiệu Bản Dự Thảo Hiến Chương Tự Do Nhân Quyền Việt Nam 2011, được Chủ Biên bởi LS Vũ Đức Khanh, Thành Viên Nhóm Người Việt Vì Dân Việt, cùng với một số Cộng Tác Viên.
Chúng tôi kính mới đồng bào tự nhiên có comments, dầu đúng dầu sai, LS Vũ Đức Khanh sẽ tùy theo comments mà chỉnh sửa khi thích hợp.
Thân ái kính chào,
Chau Xuan Nguyen
Melbourne
14.12.2011
---------------------
HIẾN CHƯƠNG TỰ DO NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2011
(BẢN DỰ THẢO LẦN THỨ I do Luật sư Vũ Đức Khanh chủ biên)
Ngày 21 tháng 9 năm 2011
Mọi người sinh ra đều có quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân trên cơ sở tôn trọng và không xâm phạm đến những người khác trong quá trình thực thi những quyền cá nhân của mình trong cộng đồng xã hội và nhân loại.
Nhân dân Việt Nam cũng thế, có quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc và, không ai có thể xâm phạm các quyền thiêng liêng ấy.
Nhân dân Việt Nam có quyền hưởng tự do và các quyền cơ bản của con người và sự thật phải được sống tự do và được hưởng các quyền thiêng liêng ấy.
Đáng tiếc thay, Việt Nam đã trải qua 4 lần soạn thảo và tu chỉnh Hiến Pháp, mặc dù các quyền cơ bản của con người đã liên tục được long trọng ghi lại trong các Hiến Pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, Chính phủ Việt Nam vẫn mặc nhiên cố tình làm ngơ, thậm chí coi thường và phỉ báng nó, dẫn tới tình trạng lạm quyền một cách nghiêm trọng và, một chính quyền ngày càng xa rời tiêu chí của một chính quyền đích thực của dân, do dân và vì dân;
Để vĩnh viễn chấm dứt tình trạng này, để liên tục nhắc nhở tất cả mọi người cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của họ, để tất cả mọi hoạt động của các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp có thể được so sánh mọi lúc, mọi nơi với các mục tiêu và chủ đích của toàn bộ hệ thống chính trị, và như thế sẽ tôn trọng các mục tiêu và chủ đích đó hơn, và cuối cùng, để những nguyện vọng chính đáng của người dân, dựa trên các nguyên tắc đơn giản và không thể chối cãi sau đây, sẽ luôn hướng tới duy trì Hiến Pháp và sự thượng tôn pháp luật, góp phần tạo dựng hạnh phúc cho tất cả mọi người;
Nhân dân Việt Nam long trọng tuyên bố những quyền sau đây của con người và của công dân Việt Nam là các quyền tự nhiên, không thể chuyển nhượng và bất khả xâm phạm;
Đồng thời vì sự tiến bộ và công bằng xã hội, dựa trên nền tảng của các giá trị phổ quát nhân bản, bác ái và cộng hưởng, nhân dân Việt Nam cũng long trọng cam kết đảm bảo một số quyền và tự do khác cho tất cả mọi người, tùy theo điều kiện và khả năng tài chính của quốc gia.
Điều 1:
1) Bản Hiến Chương Tự Do Nhân Quyền Việt Nam này có giá trị pháp lý cao nhất, cũng như Hiếp Pháp, tất cả các quyền và tự do được ghi trong đây được Hiến Pháp và luật pháp Việt Nam bảo đảm và triệt để tôn trọng.
2) Các quyền và tự do được quy định trong bản Hiến Chương này chỉ có thể bị hạn chế bởi một quy tắc của pháp luật, trong sự giới hạn hợp lý và có thể chấp nhận được trong một xã hội tự do, dân chủ và pháp quyền.
3) Tất cả mọi quyền lực quốc gia đều được quy định bằng pháp luật và không có ngoại lệ; không ai có thể sử dụng quyền lực quốc gia mà không xuất phát từ nguyên tắc đó.
Điều 2:
1) Luật pháp là công cụ chứ không phải mục đích. Mục tiêu tối thượng của người làm luật là đảm bảo và duy trì công lý, lẽ phải cũng như ổn định xã hội cho mọi người.
2) Luật pháp được lập trên cơ sở đồng thuận giữa cá nhân và xã hội, giữa công quyền và người dân và thể hiện mong ước chung của toàn thể cộng đồng xã hội.
3) Luật pháp chỉ có quyền cấm những hành vi gây bất lợi cho cộng đồng xã hội. Bất cứ hành vi nào không bị pháp luật cấm thì cũng không được phép ngăn cản, và không ai bị bắt buộc phải làm điều mà pháp luật không yêu cầu.
4) Luật pháp không phân biệt đối tượng, đối xử, cho dù nó bảo vệ hay trừng phạt.
5) Luật pháp chỉ có thể trừng phạt chiếu theo một điều luật đã có hiệu lực pháp luật trước khi xảy ra sự việc phạm tội và được thi hành một cách hợp pháp.
Điều 3:
1) Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền.
2) Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Hiến Chương Tự Do Nhân Quyền Việt Nam này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác.
Điều 4:
Mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, người dân tộc thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để theo kịp trình độ chung.
Điều 5:
Mọi người đều có quyền và tự do sau đây:
1) – Tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm và chính kiến;
2) – Tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, in ấn và xuất bản;
3) – Tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm, tôn giáo và thờ phượng;
4) – Tự do lập hội, chính đảng, hội họp và biểu tình một cách ôn hòa;
5) – Tự do lập, tham gia nghiệp đoàn, đình công một cách ôn hòa;
6) – Tự do lựa chọn việc làm, kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh;
7) – Tự do sống, mưu cầu hạnh phúc và an toàn cá nhân;
– Tự do cư trú, đi lại trong và ngoài nước, hồi hương.
Điều 6:
Công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám (18) tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, ứng cử, tham gia chính quyền, thảo luận các vấn đề chung của xã hội, kiến nghị với cơ quan công quyền và, biểu quyết khi có trưng cầu dân ý.
Điều 7:
1) Quyền tư hữu tài sản và quyền thừa kế của mọi người được bảo đảm.
2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản; ngoại trừ điều đó là cần thiết cho cộng đồng xã hội, được điều tra hợp pháp, rõ ràng, cần thiết, và được bồi thường một cách thỏa đáng.
Điều 8:
1) Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không ai bị bắt, nếu không có quyết định của toà án, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
2) Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật; việc bắt giữ phải thực sự cần thiết, mọi hành vi sử dụng vũ lực quá mức tối thiểu cần thiết để bắt và giam giữ người đó phải bị xử lý thích đáng.
3) Người bị bắt giữ, tạm giam có quyền được thông báo không chậm trể lý do bắt giữ, tạm giam của mình; được biết về những hành vi phạm tội và cáo trạng buộc tội mình; được thông báo kịp thời về quyền có luật sư bảo vệ và, được phép giữ im lặng cho đến khi được luật sư bảo vệ; được xét xử trong một thời gian hợp lý; không bị ép buộc làm chứng chống lại mình; không bị tước quyền tại ngoại hầu tra nếu như việc đó không gây bất lợi cho xã hội; được quyền phản đối tính hợp pháp của việc bắt giữ, tạm giam mình.
Điều 9:
1) Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của một toà án độc lập và vô tư sau một phiên xét xử công bằng và công khai.
2) Không ai bị kết tội cho một tội đã thọ án hoặc đã được tha bổng.
3) Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự.
4) Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.
5) Mọi người đều có quyền được bảo vệ trước các hình phạt tàn bạo, vô nhân và bất thường; tuyệt đối nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người.
Điều 10:
1) Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
2) Thư từ, điện thoại, điện tín, điện thư, máy điện toán và các phương tiện thông tin hiện đại khác và, vân vân… của cá nhân, tổ chức được bảo đảm an toàn và bí mật.
3) Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư từ, điện tín, điện thư, máy điện toán và các phương tiện thông tin hiện đại khác và, vân vân… của cá nhân, tổ chức phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.
Điều 11:
1) Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan công quyền, tổ chức kinh tế, xã hội, hoặc bất cứ cá nhân nào.
2) Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết trong một thời gian hợp lý.
3) Tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự; nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Điều 12:
1) Mọi người đều có quyền được hưởng chế độ bảo hiểm sức khỏe, an sinh và phúc lợi xã hội theo luật định.
2) Quyền này, cũng như các quyền và tự do được quy định từ điều 13 đến 16 trong bản Hiến Chương này, dựa theo phương cách tổ chức và tài chính sẵn có của quốc gia và, được đặt trên căn bản của sự thụ hưởng những quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, cần thiết cho nhân phẩm và sự phát triển tự do của mỗi cá nhân.
3) Các quyền và tự do theo khoản 1 và 2 của điều 12 này có thể bị một điều luật nào đó trong hệ thống luật pháp Việt Nam giới hạn; tuy nhiên sự giới hạn đó phải tuân thủ nguyên tắc xử lý theo điều 1 khoản 2 của bản Hiến Chương này.
Điều 13:
1) Chính phủ bảo đảm người già, người bệnh, người tàn tật, cô nhi, sản phụ, người góa bụa, đơn chiếc, người vô gia cư, người thất nghiệp, và người thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn được giúp đỡ.
2) Chính phủ đảm bảo thương binh, bệnh binh, gia đình tử sĩ hoặc người có công với tổ quốc được hưởng các chính sách ưu đãi.
3) Chính phủ đặc biệt quan tâm giúp đỡ thương binh và tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định.
Điều 14:
1) Mọi người đều có quyền được giáo dục.
2) Tất cả trẻ em dưới 18 tuổi bắt buộc phải đi học.
3) Triết lý giáo dục của Việt Nam là nhân bản, dân tộc, và khai phóng.
4) Giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí; giáo dục bậc cao đẳng và đại học được khuyến khích mở rộng và tự trị.
5) Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình được Chính phủ chấp thuận.
6) Mọi người có quyền học văn hoá và học nghề bằng nhiều hình thức.
7) Chính phủ có chính sách phát triển tài năng, chính sách khuyến học, tài trợ học phí, học bổng để giúp người muốn học, được học.
Chính phủ tạo điều kiện cho trẻ em và người tàn tật được học văn hoá và học nghề phù hợp khả năng và sở thích.
Điều 15:
1) Mọi người có quyền tự do nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác.
2) Chính phủ có chính sách hổ trợ, đồng thời bảo vệ tác quyền trí tuệ và, quyền sở hữu công nghiệp.
Điều 16:
1) Nam nữ bình quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
2) Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. 3) Gia đình là tế bào của xã hội. Chính phủ bảo vệ hôn nhân và gia đình.
4) Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, tiến bộ, một vợ một chồng.
5) Nam nữ đều có quyền bình đẳng lúc kết hôn, trong đời sống vợ chồng và, lúc ly hôn.
6) Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con; kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ là bổn phận của con cháu.
7) Trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục theo luật định.
Điều 17:
1) Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2) Chính phủ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài.
3) Chính phủ liên tục tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và, phát triển quê hương, đất nước.
Điều 18:
1) Bất kỳ người nào bị từ chối hoặc là nạn nhân của bất kỳ sự vi phạm nào về các quyền hoặc tự do trong bản Hiến Chương này, đều có quyền đề nghị một tòa án có thẩm quyền xem xét để đòi lại công lý và được bồi thường một cách thỏa đáng.
(2) Trong trường hợp xét lại theo quy định của điều 18 khoản 1 nói trên, nếu tòa án có thẩm quyền kết luận rằng bằng chứng thu thập được có dấu hiệu vi phạm các quyền hoặc tự do được bảo đảm bởi Hiến Chương này, bằng chứng đó phải bị loại trừ ngay lập tức, vì nếu sử dụng nó, có thể dẫn đến bất công và, làm người dân mất niềm tin vào công lý.
Điều 19:
1) Bản Hiến Chương Tự Do Nhân Quyền Việt Nam này không phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ quyền hoặc tự do nào đã, đang và, sẽ có trong hệ thống luật pháp Việt Nam.
2) Cũng như Hiếp Pháp, tất cả các quyền và tự do được ghi trong Bản Hiến Chương này được luật pháp Việt Nam bảo đảm và triệt để tôn trọng.
3) Trong trường hợp có sự khác biệt giữa một điều khoản trong bản Hiến Chương này với bất kỳ điều luật nào có quy định về quyền hoặc tự do trong hệ thống luật pháp Việt Nam, điều khoản trong bản Hiến Chương này sẽ được ưu tiên áp dụng, ngoại trừ nếu áp dụng nó sẽ gây bất lợi cho người dân.
4) Các quyền và tự do được quy định trong bản Hiến Chương này có giá trị ngang nhau. Nếu có xung đột hoặc mâu thuẩn, nguyên tắc xử lý sẽ chiếu theo điều 1 khoản 2 của bản Hiến Chương này.
Điều 20:
1) Thuế là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân.
2) Thuế phải được chia sẻ một cách hợp lý, hài hòa, tương ứng với tỷ lệ thu nhập và khả năng của đối tượng chịu thuế.
3) Đối tượng chịu thuế có quyền theo luật định, tự mình hoặc thông qua đại diện của mình, kiểm tra tính cần thiết của thuế, tự do chấp nhận thuế, giám sát thuế được sử dụng như thế nào và, quyết định mức thuế, các điều khoản cơ bản để đánh giá và thu thuế, cũng như khoảng thời gian mà mức thuế có hiệu lực.
Điều 21:
1) Bản Hiến Chương Tự Do Nhân Quyền Việt Nam này có tên gọi chính thức là “Hiến Chương Tự Do Nhân Quyền Việt Nam”.
2) Hiến Chương Tự Do Nhân Quyền Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày ký.
3) Chính phủ có trách nhiệm triển khai, thi hành Bản Hiến Chương này. Công dân, tự mình hoặc thông qua đại diện của mình, có quyền yêu cầu chính phủ và công chức giải thích rõ ràng công việc quản lý và giám sát của mình.
.
.
.
No comments:
Post a Comment