Wednesday, December 21, 2011

DÂN LÀNG Ô KHẢM CHẤM DỨT PHẢN KHÁNG SAU NHỮNG NHƯỢNG BỘ CỦA CHÍNH QUYỀN TRUNG QUỐC (VOA, RFI, BBC)



Stephanie Ho
Thứ Tư, 21 tháng 12 2011

Cư dân nổi loạn tại làng Ô Khảm ở Nam Trung Quốc đã chấm dứt cuộc biểu tình ồ ạt để phản đối nhà cầm quyền địa phương, sau khi các giới chức đề nghị nhượng bộ để giải quyết những khiếu nại của họ. Dân làng phản đối vụ tịch thu đất canh tác và cái chết của một cư dân, xảy ra trong khi người này bị câu lưu.

Những vụ rắc rối mới nhất tại Ô Khảm đã khởi sự từ hồi tháng 9. Thoạt tiên, các cư dân phẫn nộ đã tổ chức các cuộc biểu tình ồn ào để phản đối chính quyền địa phương, bị họ tố cáo là đã tịch thu đất canh tác của họ để dùng trong các dự án phát triển.
Sự chống đối leo thang trong tuần này sau khi ông Tiết Cẩm Ba, một người hoạt động bị bắt trong các cuộc biểu tình, qua đời sau đó trong thời gian bị cảnh sát câu lưu. Nhà chức trách nói ông chết vì những nguyên nhân tự nhiên, thế nhưng thân nhân của ông nói rằng ông bị đánh đập dữ dội. Gia đình chưa thu hồi được xác của nạn nhân.

Hôm nay, các đại diện làng Ô Khảm đã mở các cuộc thảo luận hòa giải với các giới chức cấp tỉnh. Trong cuộc họp, các giới chức đồng ý trả tự do cho 3 người đàn ông khác cũng bị bắt trong các cuộc biểu tình tháng 9, đồng thời tái xét nguyên nhân gây ra cái chết của ông Tiết Cẩm Ba.
Một người dân làng hoan nghênh lời hứa của chính quyền địa phương. Ông nói ông hy vọng rằng các giới chức sẽ giữ lời cam kết của họ. Ông nói dân làng đã chứng tỏ sự đồng thuận của họ bằng cách tháo gỡ các rào cản chận đường, trong khi cảnh sát cũng rút lui ra khỏi hiện trường.

Trong hơn một tuần lễ, cư dân Ô Khảm đã phong tỏa trục lộ chính dẫn tới ngôi làng, và đuổi các giới chức địa phương ra khỏi làng trong cơn phẫn nộ về vụ đất đai bị tịch thu và vì cái chết của ông Tiết.
Mặc dù các cuộc biểu tình đã chấm dứt trong lúc này, bà Trương, một dân làng khác, nói rằng bà và những người láng giềng đang theo sát những gì xảy ra tiếp theo.
Bà Trương nói nếu các giới chức không giải quyết vấn đề, cư dân làng Ô Khảm sẽ tiếp tục chiến dịch phản đối. Bà nói dân làng hết sức giận dữ, và bất bình về việc nhà chức trách có thể bắt một người như ông Tiết Cẩm Ba, rồi sau đó, theo lời bà “đánh đập ông cho tới chết.”

Tại một cuộc họp báo trước đó trong tuần, ông Trịnh Nhạn Hùng, bí thư của thành phố Sơn Vĩ, chủ quản làng Ô Khảm, chỉ trích dân làng về hành động mà ông cho là “gây rối” của họ.
Ông Trịnh nói rằng chính quyền địa phương đã tốn rất nhiều tiền để bố trí hàng trăm cảnh sát vũ trang đến quanh ngôi làng.
Ông khẩn thiết kêu gọi dân làng hãy thông cảm với các giới chức địa phương, mà theo lời ông, đang gặp khó khăn hơn trong cuộc sống.
Ông nói trách nhiệm của các giới chức ngày càng tăng, trong khi quyền hạn của họ lại giảm dần. Ông nói công chúng đã trở nên khó khăn và đòi hỏi nhiều hơn, và theo lời ông, trở nên “khó quản trị.”

Bà Sharon Hom, thuộc Tổ chức bênh vực Nhân quyền Human Rights Watch ở Trung Quốc, nói rằng sự cố tại làng Ô Khảm phản ánh một thay đổi quan trọng trong thái độ của người dân thường Trung Quốc, giờ đây không còn đơn giản chấp nhận những giải thích của chính quyền về tất cả mọi chuyện nữa.
Bà đơn cử sự phẫn nộ của công chúng sau một tai nạn xe lửa ở thị trấn Ôn Châu, miền Đông Trung Quốc, xảy ra hồi tháng Bảy, như một ví dụ tương tự với sự cố xảy ra tại làng Ô Khảm.
Bà nói: “Đây là một yêu sách ngày càng tăng đòi phải có trách nhiệm trong những sự cố như thế này. Và ta coi đó như một phần của việc đòi hỏi trách nhiệm và nói lên sự thực trong những tai nạn đường sắt ở Ôn Châu – sự phẫn nộ của dân chúng chỉ vì không được cho biết sự thực.

Và mặc dầu tin tức của các giới truyền thông nhà nước về các sự việc xảy ra ở Ô Khảm rất ít, người dân Trung Quốc đã tham gia một cuộc tranh luận rất sống động trên mạng Internet.
Nhiều lời bình luận hoan nghênh lối giải quyết bất bạo động các căng thẳng ở đó, trong khi một số nói rằng dân làng Ô Khảm đã đạt được một chiến thắng. Tuy nhiên, những người khác tỏ ý quan ngại rằng sau khi sự chú ý của công chúng phai mờ đi, thì nhà cầm quyền sẽ truy lùng những người tổ chức biểu tình.


-----------------------------------

Mai Vân   -   RFI
Thứ tư 21 Tháng Mười Hai 2011

Quyết tâm đấu tranh của dân làng Ô Khảm như đã buộc được chính quyền Trung Quốc lùi bước. Theo một người đại diện phong trào phản đối chính quyền trưng thu đất đai ở làng Ô Khảm, ba người lãnh đạo biểu tình sẽ được tuần tự trả tự do kể từ hôm nay, 21/12/2011.

Sau cuộc gặp gỡ với chính quyền điạ phương muốn làm dịu căng thẳng, nhân vật đại diện phong trào phản kháng cho biết là ba người nói trên sẽ được tuần tự trả tự do vào hôm nay và ngày mai. Đối với nhân vật này, đây chưa phải là thắng lợi mong muốn, nhưng cũng là « bước đầu thành công », vì chính quyền còn hứa trả lại thi hài ông Tiết Kim Ba, người lãnh đạo biểu tình bị chết trong lúc bị giam giữ. Tuy nhiên thời điểm chưa được xác định.
Xin nhắc lại là dân làng Ô Khảm đã tố cáo công an đánh chết ông Tiết Kim Ba, 42 tuổi, trong lúc chính quyền địa phương cho là ông chết vì lên cơn đau tim.
Vào cuối tuần qua, dân làng này cho biết là họ sẽ đi bộ lên thành phố Lục Phong vào hôm nay để yêu cầu cấp trên giải quyết yêu sách. Họ sẽ biểu tình trước các cơ quan chính quyền thành phố nếu không trao trả thi hài ông Tiết Kim Ba, và thả 4 nông dân lãnh đạo biểu tình bị bắt sau vụ xung đột cách gần hai tuần. Dân làng, 13.000 người, đã công khai đối đầu với chính quyền điạ phương mà họ cho là cướp đất của họ.
Sau khi buộc được bí thư đảng ủy địa phương gặp gỡ đại diện của họ để thương lượng, dân làng đã hủy bỏ ý định đi lên biểu tình ở Lục Phong. Theo người đại diện này, bí thư đảng ủy đã cam kết là dân làng sẽ nhận đền bù cho đất bị trưng thu, nhưng không nêu chi tiết.
Cũng để làm lắng dịu tình hình, công an phong tỏa làng từ khi nổ ra phong trào biểu tình đã bắt đầu gỡ bỏ một số rào cản. Do bị phong tỏa dân làng Ô Khảm đã bị thiếu lương thực trong mấy ngày qua.

--------------

BBC
Cập nhật: 14:01 GMT - thứ ba, 20 tháng 12, 2011
Dân làng Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông vẫn quyết tâm tuần hành vào ngày 21/12, bất chấp những lời đe dọa của chính quyền trong lúc có tin biểu tình lớn nổ ra phản đối một nhà máy cũng trong tỉnh.
Cuộc đấu tranh của gần 20 nghìn người dân tại một làng quê ở huyện Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông để phản đối vụ người dân làng bị chết vì đấu tranh khiếu kiện đất đai đang thu hút chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc.
Trong ngày 20/12, có tin ở thị trấn Hải Môn, gần thành phố Sán Đầu nổ ra một cuộc đấu tranh của người dân phản đối công trình xây nhà máy than.

Ô Khảm tự quản
Lần đầu tiên trong lịch sử nhiều năm qua tại quốc gia cộng sản đông dân nhất thế giới, Ô Khảm, một làng quê đông dân đã hoàn toàn tự quản và đuổi hết quan chức và công an địa phương.
Họ phẫn nộ và tổ chức tuần hành tập thể từ 12/12 vì một người đại diện, ông Tiết Cẩm Ba đã chết trong lúc bị công an bắt.
Hôm nay, một người dân cho BBC biết qua điện thoại cả làng đã bị công an bao vây và họ đang thiếu lương thực.
Tuyến đường thủy, một con ngòi chạy quanh làng đã bị công an phong tỏa, khiến việc chuyển thức ăn từ bên ngoài vào không thực hiện được nữa.
Cùng lúc, lãnh đạo Đảng địa phương nói với phóng viên nước ngoài về những người đấu tranh, cáo buộc họ gây chuyện.
Người dân làng thì cho rằng quan chức chính quyền địa phương chiếm đất của họ rồi bán kiếm lời mà không bồi thường đúng mức.
Họ cũng tin rằng ông Tiết bị công an giết còn nhà chức trách cho là ông “chết bệnh”.
Dân làng cũng dự kiến sẽ khiếu kiện lên cơ quan hành chính cấp trên là thị trấn Lộc Phong, đòi giải pháp.
Một người dân, tạm xưng lên là Ah Kim nói với BBC rằng dân làng vẫn quyết tâm tổ chức cuộc tuần hành đến trung tâm Lộc Phong vào ngày thứ Tư, 21/12.
Theo ông, họ bất chấp hàng loạt cú điện thoại của những người xưng là “đại diện chính quyền” bảo họ hãy giải tán.
Một người khác, tên là Dương Tứ Mao, hiện nhận làm ‘chủ tịch ủy hội’ của làng nói họ muốn cử đại diện lên đàm phán với quan chức ở Lộc Phong nếu một số điều kiện được thỏa mãn.
Người dân yêu cầu chính quyền bỏ các hàng rào của cảnh sát và cho nhiều phóng viên vào xem thi thể của ông Tiết Cẩm Ba.
Ông Dương nói với hãng Reuters rằng người dân cũng yêu cầu phải xem xét các khiếu nại về đất đai của họ.
Nhưng cũng Reuters nói quan chức Đảng ở Sán Vĩ có nhiệm vụ quản lý cả Lộc Phong và Ô Khảm, chỉ gửi ra các thông điệp trái ngược nhau.
Ông Trịnh Nhạn Hùng, bí thư Đảng Sán Vĩ cáo buộc người dân phát biểu với “các tổ chức truyền thông thối nát ở nước ngoài” mà không nói chuyện với chính quyền.
Truyền hình địa phương chiếu hình ông nói rằng “Các đài báo nước ngoài sẽ rất sung sướng nếu chủ nghĩa xã hội bị tan rã”.
Ông Trịnh được trích lời nói chính quyền muốn xem xét việc bồi thường đất đai, nhưng từ chối không hứa là sẽ không xử những người biểu tình.

Phản đối đông người
Cùng ngày, tại Hải Môn, thuộc thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông đang có một vụ biểu tình hàng nghìn người tham gia và xung đột với công an để phản đối dự án xây một nhà máy nhiệt điện.
Đồn công an địa phương không chịu bình luận gì khi đài BBC gọi điện tới hỏi.
Nhưng quan chức công an ở quận Triều Dương là đơn vị hành chính cấp trên của Hải Môn thì bác bỏ tin có hai người chết và chỉ nói là “bạo loạn làm một số nhân viên công an bị thương”.
Một học sinh tại trung học Hải Môn chỉ xưng là họ Lâm nói có hai sinh viên học sinh, 16 và 20 tuổi, “bị chết vì vụ bạo động”.
Hiện chưa có tin chính thức của nhà nước Trung Quốc xác nhận hay bác bỏ vụ việc, nhất là về tin có người chết.
Vẫn theo Lâm, quần chúng vây quanh các trụ sở chính quyền vào sáng thứ Ba và ngăn chặn các tuyến giao thông.
Nhân chứng này cho hay người biểu tình đã giải tán lúc trời chập tối nhưng hẹn ngày mai sẽ tụ tập trở lại.
Các hình về cuộc biểu tình được người dân đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội Trung Quốc như Weibo.
Theo BBC Tiếng Trung, Hải Môn vốn là một thị trấn sống bằng ngư nghiệp và dân địa phương than phiền là công trình xây nhà máy nhiệt điện chạy than đầu tiên đã “gây ra ung thư tăng nhiều”.
Ngư dân Hải Môn cũng nói ô nhiễm môi trường vì nhà máy này khiến họ không còn nguồn sống từ đánh cá.
Nay, sau khi chính quyền quyết định cho xây một nhà máy nữa, dân chúng bắt đầu phản đối.
Các trang tiếng Trung Caixin.cn và nhật báo Phương Nam từ Quảng Châu xác nhận việc xây nhà máy ở Hải Môn là “trái quy định cấm xây cất gây ô nhiễm”.
Mới tháng 8 năm nay tại Đại Liên ở vùng Đông Bắc, hàng nghìn người dân Trung Quốc đã xuống đường phản đối dự án xây một nhà máy hoá chất.
Chính quyền sau đó đã phải cho ngưng công trình này vì sức ép dư luận.
.
.
.

No comments: