Người cùng khổ ở Trảng Bom Đồng Nai
Thứ Ba, 27/12/2011
Hàng ngàn hộ dân khổ vì… đất rừng giao trên...giấy!
Một diện tích đất mênh mông, nhưng lại giao chỉ trên...giấy tờ. Hơn 20 năm, qua nhiều đời lãnh đạo, lối ra vẫn bế tắc. Hậu quả, hàng ngàn hộ dân khốn khổ không hợp thức hoá được nhà đất, bị mất đất không có điều kiện sản xuất nhưng không được giải quyết.
Ngày 17-12-1985, ông Trần Minh Chánh, phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom), ký quyết định số 176/QĐ-UBH giao 2.415ha đất cho Trạm trồng rừng Thống Nhất, tại khu Sông Mây để trồng rừng.
Về mặt pháp lý, UBND huyện Thống Nhất ký quyết định số 176/QĐ-UBH là vượt thẩm quyền và vi phạm các khoản 2,3 mục V Quyết định số 201-CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước quy định về việc giao đất và thu hồi đất.
Về mặt thực tế, Quyết định 176 giao 2.415ha đất rừng cho Trạm trồng rừng Thống Nhất. Nhưng chỉ là giao chung chung trên giấy, hầu hết đất ấy do dân khai phá, dân quản lý hàng chục năm; việc giao đất không phân ranh, cắm mốc giới thực địa; tứ cận ghi trong quyết định lại không đúng thực tế và bao gồm luôn cả khu dân cư hiện hữu của người dân trước năm 1975, gồm luôn cơ sở tôn giáo, chợ, trường học...thành đất rừng (phía nam giáp quốc lộ 1A). Về phía bắc giáp huyện Vĩnh Cửu, không phải đất rừng mà là ruộng lúa 2-3 vụ, thuộc cánh đồng Sông Mây. Đặc biệt còn bao gồm luôn 40,2 ha đất quốc phòng do đơn vị công binh C19 quản lý và khu dân cư Đồng Lách, xã Hố Nai 3 v.v....(phía tây giáp Thành phố Biên Hòa).
Mặt khác như trả lời cử tri của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo số 195/BC-TNMT ngày 21/9/2006 trong quá trình quản lý, sử dụng đất trồng rừng được giao đơn vị không thực hiện đúng theo điều 3 của Quyết định 176/QĐ.UBH “Sau khi có quyết định, Trạm trồng rừng phải tổ chức đền bù công khai phá đất, hoa màu và các công trình khác. Việc đền bù về công khai phá đất đai, hoa màu và các công trình trên đất, trạm trồng rừng phải bàn bạc, thống nhất với UBND các xã và nhân dân để đền bù theo đúng chính sách Nhà nước đã ban hành". Tóm lại, UBND huyện Thống Nhất (cũ) được các cơ quan tham mưu không chính xác đã ký một quyết định vượt thẩm quyền, không sát với thực tế, đồng thời không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đúng như TT tỉnh khẳng định việc giao đất và quản lý sử dụng đất theo Quyết định 176 của UBND huyện Thống Nhất là "không được chặt chẽ, quá trình giao đất không kiểm tra thực tế, không thu hồi đất, không đền bù cho dân..., không xây dựng luận chứng quy hoạch sử dụng đất...", và không có sự điều chỉnh cụ thể đã dẫn đến tình trạng hàng ngàn hộ dân khốn khổ không hợp thức hoá được nhà đất, bị mất đất không có điều kiện sản xuất kể cả khiếu nại kéo dài cũng không được giải quyết. Đã vậy ngày 29/11/2011 một lần nữa UBND huyện Trảng Bom làm càn, thực hiện cưỡng chế bất hợp pháp, đàn áp cướp đất đang trồng cây tràm của 12 hộ gia đình con của Ông Huỳnh Văn Giáp tại ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai. Việc cưỡng chế không có Quyết định cưỡng chế, chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như đã quy định tại các điều 29, 30 và 31 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 và các bước tiếp theo đúng như quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai…Từ đó đã xâm hại nghiêm trọng đến tinh thần, tài sản cây trồng và quyền lợi hợp pháp của 12 hộ gia đình trên làm cho hơn 100 nhân khẩu lâm vào cùng khổ. Chính quyền của dân, do dân và vì dân như vậy sao???. Dùng quyền lực cướp đi mảnh đất do dân khai phá từ trước năm 1975, nơi mà gia đình từng nuôi giấu cán bộ Cách Mạng nằm vùng và không bồi thường thỏa đáng là tàn nhẫn và vô đạo đức. Chính phủ Việt Nam có biết và có biện pháp xử lý hành vi tham nhũng áp bức người dân như ở Trảng Bom không???
Cộng đồng Dân Luận hãy đấu tranh vì dân nghèo bị áp bức ở Việt Nam nha
________________________________________________
Bài tham khảo do BBT Dân Luận bổ xung:
Hơn 1000ha đất trồng rừng nguyên liệu giấy chỉ còn trên giấy
Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ được thành lập theo quyết định số 1023/QĐ-HĐQT ngày 29-7-2004 của Hội đồng quản trị Tổng công ty Giấy Việt Nam, trên cơ sở sáp nhập Xí nghiệp trồng cây nguyên liệu giấy Đông Nam bộ và Xí nghiệp giống cây trồng miền Đông Nam bộ. Diện tích đất rừng của xí nghiệp được hình thành từ diện tích đất rừng của hai xí nghiệp cũ với tổng diện tích là 2.415 ha, trong đó đất rừng thuộc huyện Vĩnh Cửu là 1.981 ha và đất rừng thuộc huyện Trảng Bom là 359 ha. Thế nhưng trên thực tế, hiện nay, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ chỉ quản lý được hơn 900 ha. Vậy hơn 1000 ha đất rừng biến đi đâu?
Hậu quả từ việc giao đất trồng rừng trên... giấy
Ngày 17 tháng 12 năm 1985, ông Trần Minh Chánh, phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom), tỉnh Đồng Nai ký quyết định số 176/QĐ-UBH giao cho Trạm trồng rừng Thống Nhất (tiền thân của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ ngày nay) quản lý 2.415 ha đất để trồng rừng, trong đó có 230ha rừng đã trồng và hơn 2100 ha đất hoang hóa, cằn cỗi với ranh giới phía Bắc giáp huyện Vĩnh Cửu; phía Tây giáp thành phố Biên Hòa; phía Đông giáp hồ Sông Mây và phía Nam giáp quốc lộ 1. Điều 2 của quyết định 176 còn ghi rõ: “Giao cho tổ quản lý ruộng đất huyện và Phòng Lâm nghiệp huyện cùng UBND các xã Hố Nai 3, Hố Nai 4 lập biên bản bàn giao đất cho trạm trồng rừng Thống Nhất. Sau khi có quyết định và biên bản bàn giao đất tổng thể, trạm trồng rừng phải có luận chứng quy hoạch thiết kế rừng và có kế hoạch trồng rừng hằng năm để Ban quản lý ruộng đất huyện bàn giao diện tích đất từng năm một. Những diện tích chưa trồng rừng hằng năm, các xã tận dụng bố trí trồng màu để giải quyết đời sống của nhân dân…”.
Quyết định 176 cũng nêu rõ “Việc đền bù về công khai phá đất đai, hoa màu và các công trình trên đất, trạm trồng rừng phải bàn bạc, thống nhất với UBND các xã và nhân dân để đền bù theo đúng chính sách Nhà nước đã ban hành…”. Sau khi có quyết định 176 của UBND huyện Thống Nhất cũ, ngày 17 tháng 12 năm 1985, Phòng Nông lâm huyện cùng UBND xã Hố Nai 4 ký giao cho trạm trồng rừng Thống Nhất (biên bản bàn giao đất không số) 1.345ha đất, gồm rừng đã trồng 280 ha; đất hoang 790 ha; đất cằn cỗi 275ha… với vị trí xác định rất chung chung: Phía Bắc giáp cánh đồng Song Mây; phía Tây giáp đường vào cánh đồng Song Mây; phía Nam giáp quốc lộ 1… Ngày 14 tháng 1 năm 1986, Phòng Nông lâm huyện, UBND xã Hố Nai 3 và trạm trồng rừng Thống Nhất ký tiếp biên bản giao và nhận (vẫn là biên bản không số) 1070 ha đất trồng rừng là đất hoang và đất cằn cỗi. Vị trí khu đất, phía Bắc giáp huyện Vĩnh Cửu; phía Tây giáp thành phố Biên Hòa; phía Nam giáp quốc lộ 1; phía Đông giáp đường xe bò vào cánh đồng Song Mây… UBND huyện Thống Nhất cùng các cán bộ Phòng Nông lâm và ông Lương Hữu Thương, trạm trưởng trạm trồng rừng Thống Nhất thời đó đã ký quyết định giao, nhận đất không đúng với thực địa; mốc giới chỉ dẫn chung chung; vị trí đất trùm lên cả ruộng, vườn và khu dân cư có từ trước năm 1975… Ngay cả diện tích đất được giao, trạm trồng rừng Thống Nhất cũng không có kế hoạch bồi thường, khiến nhiều hộ dân đang sử dụng khiếu kiện, tranh chấp kéo dài.
Ông Nguyễn Quốc Cường, phó chánh thanh tra tỉnh Đồng Nai cho chúng tôi biết: Trong số hơn 2.400 ha đất được giao, qua nhiều lần thay tên, đổi chủ, đến nay, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ chỉ quản lý được 356 ha trên địa bàn huyện Thống Nhất và trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu là hơn 900 ha. Còn lại hơn 1000 ha đất rừng đã teo dần, biến thành khu dân cư, khu công nghiệp…
Trách nhiệm do ai?
Quyết định 176/QĐ-UBH của UBND huyện Thống Nhất cũ giao đất trồng rừng cho trạm trồng rừng Thống Nhất không xác định ranh mốc cụ thể. Tuy UBND huyện Thống Nhất có giao cho Ban quản lý ruộng đất huyện lập biên bản bàn giao đất cho trạm trồng rừng thực hiện kế hoạch trồng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nhưng trạm trồng rừng đã không thực hiện nghiêm túc quyết định 176, buông lỏng công tác quản lý đất đai; không có kế hoạch bồi thường thỏa đáng và không có vốn để trồng rừng… đã dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng, sang nhượng trái phép. Qua nhiều lần thay đổi, từ trạm trồng rừng Thống Nhất, chuyển thành Lâm trường nguyên liệu giấy Trị An rồi thành Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ như hiện nay, lãnh đạo các đơn vị qua các thời kỳ chỉ tiến hành bàn giao đất trên sổ sách mà không ngó ngàng đến thực tế, không đo vẽ, lập bản đồ giải thửa vị trí đất, vì vậy đã không quản lý được các lọai đất rừng dẫn đến tình trạng hơn 1000 ha đất rừng bị biến mất như hiện nay. UBND huyện Thống Nhất (cũ) được các cơ quan tham mưu không chính xác đã ký một quyết định không sát với thực tế, đồng thời không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và không có sự điều chỉnh cụ thể đã dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai, gây khiếu kiện kéo dài. Theo báo cáo của UBND huyện Trảng Bom (huyện Thống Nhất cũ), trên diện tích đất rừng theo quyết định 176, đến nay, UBND huyện đã cấp sổ đỏ cho trên 7.300 thửa đất với diện tích hơn 500 ha. Đất rừng ở địa bàn huyện Vĩnh Cửu cũng đã có 98 trường hợp với diện tích gần 90 ha được tách thửa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Qua hơn 20 năm, từ Trạm trồng rừng Thống Nhất rồi đến Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ ngày nay, những cán bộ UBND huyện Thống Nhất, cùng giám đốc các đơn vị được giao đất trồng rừng, có nhiều người đã nghỉ hưu, chuyển công tác. Việc quy trách nhiệm cho từng cá nhân trong việc để hàng nghìn héc-ta đất trồng rừng bị sử dụng sai mục đích như hiện nay là rất khó thực hiện. Theo chúng tôi UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Thống Nhất, huyện Vĩnh Cửu cùng các cơ quan chức năng và Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ cần phải tiến hành kiểm kê, đo vẽ diện tích đất cụ thể để giao cho xí nghiệp khai thác và sử dụng đất. Phần đất các đơn vị, cá nhân chiếm dụng và được cấp sai quy định cần phải được thu hồi, tránh lặp lại tình trạng về những cánh rừng bị “mất tích” như rừng Bàu Rã, tỉnh Tây Ninh và ở một số địa phương khác.
PHẠM VĂN – NGÔ SƠN
.
.
.
No comments:
Post a Comment