Nguyễn Tường Thụy
06/12/2011
Những câu tương tự thì tôi đã nghe nhiều lần, thành quen.
Mấy cậu thanh niên hay nói chuyện vui với tôi hàng ngày bảo mỗi lần biểu tình cho cháu 500 nghìn thì cháu đi ngay. Tôi cười: “Cái đầu chúng mày như vậy thì có đi người ta cũng không khiến.
Lâu rồi, chả nhớ từ bao giờ, xã hội đã quen với cái gọi là “văn hóa phong bì”. Cán bộ cơ quan cấp trên cứ đi xuống các cơ sở là phải có phong bì. Công chức nhà nước đến nhà ai làm việc thì chủ nhà phải có phong bì, không có, nó cứ như thiêu thiếu một cái gì ấy. Cán bộ, công chức đã vậy, dân cũng được phát tiền khi đi họp như họp xóm, họp hội nào đó … Nạn phong bì đã tới mức trở thành đương nhiên, thành cơ chế. Ai không đưa phong bì còn bị những người dân chửi cho là cư xử không “đẹp”.
Vì thế, người ta không tưởng tượng nổi chuyện không có tiền mà vẫn có người đi biểu tình.
Nhưng lần này thì tôi buồn thực sự vì câu hỏi được đặt ra bởi người anh mà tôi rất kính trọng.
Anh hơn tôi chừng dăm tuổi, từ xưa vẫn đi lại nhà tôi như người nhà. Khi học xong phổ thông, anh đi du học bên Đông Âu thì tôi mới lò dò vào cấp 2. Về nước, anh làm công tác nghiên cứu ở một viện nọ. Sau đó một thời gian, anh làm luận án tiến sĩ. Lúc nào anh cũng nhã nhặn, điềm tĩnh, tự tin. Con người anh toát ra vẻ từng trải, già dặn.
Anh em chúng tôi rất quí anh, coi anh như là mẫu mực trong đối nhân xử thế, là kho tri thức mà chúng tôi khai thác lúc cần.
Lần này, tôi gặp lại anh trong một cuộc họp mặt. Anh niềm nở bắt tay tôi như mọi lần nhưng trịnh trọng hơn. Anh đứng thẳng, ngực hơi ưỡn, nhìn tôi chăm chú như thương gia đánh giá lại mặt hàng. Anh giữ tay tôi một lúc chứ không buông ra vội:
- Nghe nói mùa hè vừa rồi, chú hay đi biểu tình lắm?
- Vâng
- Thế có được tiền không?
Tôi bất ngờ. Nếu là ai đó hỏi thì tôi không ngạc nhiên như thế. Đằng này lại là anh. Tôi bảo:
- Bác nghĩ về em như thế sao?
Hình như anh vẫn không hiểu ý tôi:
- Thế không có tiền thì chú đi làm gì?
Tôi cảm thấy mình và những người bạn biểu tình bị xúc phạm. Tôi tìm cách bảo vệ danh dự cho tôi và những người bạn biểu tình, không thể để ai nghĩ xấu về chúng tôi cũng được. Tôi giải thích cho anh hiểu tôi nghĩ gì, động cơ đi biểu tình của tôi ra sao.
Anh nghiêm mặt, lạnh lùng:
- Một mình chú có giải quyết được vấn đề gì không?
Hình như anh cố tình chọn cách dễ hiểu nhất để mở mang đầu óc cho tôi. Tôi nói, đại ý rằng các cuộc cách mạng trên thế giới cũng nhờ bao nhiêu những con người cụ thể, tức là phải có bao nhiêu cái “một mình” đó gộp lại mới thành công. Tôi chẳng thể làm được việc to lớn nhưng ít nhất những cuộc biểu tình cũng góp phần làm cho Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong âm mưu thôn tính nước ta. Hoặc người biểu tình phản đối đàn áp, yêu cầu tôn trọng luật pháp cũng góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật. Chính những cuộc biểu tình vừa qua đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa Luật biểu tình vào dự án xây dựng luật của Quốc hội …
Bỗng anh quay sang chuyện khác:
- Chú biết Cù Huy Hà Vũ chứ? Cứ cho là nó đúng đi nhưng trước mắt là 7 năm tù. Giàu sang phú quí thì không muốn.
Chắc vì lo cho tôi mà anh đe. Tôi thất vọng quá nhưng vẫn cố trình bày quan điểm của tôi về Cù Huy Hà Vũ. Anh không nói lại nữa. Có lẽ anh biết tôi chẳng chung cách nghĩ với anh nhưng cũng không thể thuyết phục tôi. Tôi láng máng hiểu, bên cạnh cái vẻ uyên bác thâm trầm của anh là một sự khôn ngoan, lọc lõi. Có lẽ phương châm sống của anh là cái gì có lợi cho bản thân thì làm còn không thì thôi. Trước con mắt của anh, tôi chỉ là kẻ nông nổi, thiếu kinh nghiệm sống.
Trước khi về, anh giơ tay ra, đay lại:
- Khi nào đi biểu tình có tiền thì chú nhớ bảo tôi đi với nhé.
Tôi hiểu là anh giễu tôi. Đồng thời, anh muốn khẳng định quan điểm sống của anh, chứ những lời giải thích của tôi chẳng hề được anh thông cảm.
Tôi chia tay anh, lòng nặng trĩu. Dù quí anh, học được ở anh nhiều điều nhưng tôi không thể học cái khôn của anh.
Tôi chợt hiểu vì sao dân số Thủ đô tới bảy triệu mà mỗi cuộc biểu tình chỉ vài trăm người. Hàng vạn trí thức nhưng chỉ có chừng chục vị xuống đường.
6/12/2011
TƯỜNG THỤY
.
.
.
No comments:
Post a Comment