Chính thể cộng sản cai trị bằng thứ gì khác, không phải luật pháp. Luật pháp do con người đặt ra, và để phục vụ cho con người. Luật pháp muốn có giá trị phải do mọi người trong xã hội đặt ra và chấp nhận; và khi đem ra áp dụng thì pháp luật phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, bất luận là ai, ở địa vị nào trong xã hội, cũng đều chịu phán xét trước pháp luật như nhau. Xã hội muốn văn minh và thịnh vượng thì phải có nền pháp trị tuyệt đối ấy.
Pháp trị là làm theo nguyên tắc, chứ không phải làm theo quyền lợi. Xã hội hiện nay của chúng ta hỏng từ cái gốc này. Hiến pháp Việt Nam - bị những người cộng sản dùng sức mạnh áp đặt lên quốc dân - công nhận vị trí độc tôn của đảng cộng sản. Hiến pháp ấy cũng công nhận những giá trị phổ quát và quyền nhân bản của con người như quyền tự do chính trị, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, nhưng chẳng qua chỉ là phục sức cho một xã hội xếp đặt theo lối bảo vệ quyền lợi cho những người cộng sản. Sự phân chia của cải, sự tổ chức xã hội, mọi nấc thang địa vị đều đặt trên quyền lợi của đảng phái, chứ không trên nguyên tắc phổ quát hay những giá trị nhân bản vĩnh viễn của con người. Chúng ta làm sao có một xã hội pháp trị nếu sự cai trị đặt trên quyền lợi chứ không trên nguyên tắc như vậy? Quốc dân là gì khi đảng cộng sản là độc tôn?
Chúng ta có quốc hội là đại diện của quốc dân, có quyền lực nhất quốc gia, cũng là định chế duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, nhưng hiến pháp lại công nhận Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội. Đó là chưa nói chuyện quốc hội đã bị đảng cộng sản chi phối, trở thành một công cụ hợp pháp thực hiện ý muốn của đảng cộng sản. Mọi quyền chính trị cơ bản, từ tự do ngôn luận và lập hội, cho tới lập pháp, hành pháp, và tư pháp đều là độc quyền của đảng cộng sản. Những quốc sự trọng đại và những chính sách có ảnh hưởng tới an nguy và thịnh suy của quốc gia, đều do Đảng Cộng Sản quyết định, rồi mới đưa ra Quốc Hội cho hợp pháp. Chúng ta có thể nghĩ được là Quốc Hội còn có quyền tự chủ hay không? Tất nhiên trong cái hội gọi là quốc hội đó có những người thông minh và tận tâm vì quốc gia; không phải tất cả đều là hạng ăn theo và chuyên nói khoác. Nhưng có chế độ cộng sản nào cho phép những người thông minh và tận tâm thi triển sáng kiến và tài năng, thoát khỏi những định chế đã trói chặt họ, những định chế bảo đảm quyền lực và lợi ích tuyệt đối của nhà cầm quyền cộng sản?
Và luật pháp do quốc hội ấy làm ra không phải là luật pháp của quốc dân, mà là luật pháp của người cộng sản đặt ra và áp lên quốc dân. Luật ấy đương nhiên phục vụ và bảo vệ quyền lợi đảng cộng sản. Những người cộng sản có thể tàn sát nhau để tranh quyền đoạt lợi, nhưng khi nhà cầm quyền cộng sản bị thế lực khác xâm hại quyền lợi thì miễn là đạt mục đích là giữ quyền lực và bảo toàn lợi ích của mình, nó sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn có thể nghĩ ra được, còn thì có luật hay không có luật không thành vấn đề, có luật mà sử dụng luật càng không thành vấn đề.
Theo quyền lợi, không theo nguyên tắc
Bản chất của chính quyền cộng sản là độc tài và bạo lực; mong đợi nó theo luật công bằng mà thách thức quyền lực của nó là một sự ảo tưởng. Lịch sử cộng sản từ Tây sang Đông chứng minh bản chất độc tài và bạo lực của chế độ này.
Ở Hungary, sau hơn chục năm thiết lập cai trị sau Đệ Nhị Thế Chiến, những người cộng sản nảy ra xung đột giữa phe thủ cựu thân Stalin và phe cấp tiến thân quốc gia. Sau nhiều tranh cãi, họ quyết định Imry Nagy có tinh thần cải cách lên làm lãnh đạo để cải thiện kinh tế quốc gia đang thời ảm đạm. Chính quyền Imry Nagy ra mặt chống lại chủ nghĩa cộng sản, một thứ mà họ coi là sản phẩm của người Nga chứ không phải của Hungary. Năm 1956 Imry Nagy vì lợi ích quốc gia, tuyên bố độc lập khỏi Liên Bang Soviet, định tổ chức tuyển cử tự do và chấm dứt chế độ cộng sản. Ba ngày sau đó, Quân Giải Phóng Soviet tràn vào thủ đô Budapest, kiểm soát chính quyền, phế Nagy và đưa Janos Kadar, một người thân cộng lên thay. Cuộc nổi dậy của người Hungary bị dập tắt tại chỗ. Hai năm sau, Nagy bị LBS xử tử. Cộng sản Soviet chỉ dạy Hungary một bài học, nhưng trong vòng chục năm tiếp theo các nước Đông Âu cộng sản khác không dám hó hé. Mãi tới cuối thập kỉ 1960, Czechoslovakia mới có giới văn sĩ đứng ra phản đối chế độ cai trị độc tài của Antonin Novotny. Novotny là đồ đệ của Stalin được đích thân ông đặt lên ghế đệ nhất bí thư, trong gần hai chục năm cai trị đã thanh trừng Đảng Cộng Sản và nắm trọn quyền lực. Cuộc nổi dậy này được được giới trí thức và lãnh đạo đảng cộng sản Czechoslovakia ủng hộ, khiến Novotny phải từ chức. Đầu năm 1968 Alexander Dubcek lên thay Novotny, áp dụng một số cải cách, mở rộng tự do ngôn luận, giảm bớt công an mật, muốn cho chủ nghĩa cộng sản ‘có bộ mặt con người'. Dân chúng tạo ra một Mùa Xuân Prague tưng bừng tự do, đòi Dubcek trung lập và rút khỏi khối Soviet. Chính quyền cộng sản Moscow liền đưa Hồng Quân và thiết giáp vào Prague, phế Dubcek và tái lập trật tự cũ.
Ở Trung Quốc, sau gần ba chục năm cầm quyền, chính quyền cộng sản của Mao Trạch Đông đã làm xáo trộn từng ngóc ngách của xã hội Trung Hoa, những chính sách kinh tế và văn hóa cuồng bạo và phản tự nhiên để tiến tới một xã hội cộng sản phi giai cấp đã làm cho hàng chục triệu người điêu đứng. Chính sách Nhảy Vọt Lớn để cách mạng nông nghiệp làm cho mười lăm triệu người chết đói; Cách Mạng Văn Hóa diệt những phần tử đối nghịch trong đảng cộng sản, giam cầm và bức tử hàng chục triệu người vô tội. Năm 1976, Mao chết, nội bộ cộng sản triệt hạ nhau để tranh quyền. Quyền lực rơi vào tay Đặng Tiểu Bình; họ Đặng là một nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa, từng bị Mao cho đi lao động cải tạo. Đặng kết liễu Cách Mạng Văn Hóa và để trả thù, đưa vợ của Mao và ba người thân cận của Mao ra xử tử hoặc tù chung thân. Đặng thanh trừng chính quyền mới trước khi đưa ra chương trình hiện đại hóa kinh tế. Chính quyền của Đặng cho phép dân chúng phê bình những chính sách sai lầm của người tiền nhiệm, nhưng khi bàn tay sắt nới lỏng thì dân chúng phê phán luôn cả chính quyền mới: Đặng bị lớp trẻ và những người có học chỉ trích không có dân chủ. Đặng bắt đầu đàn áp và bỏ tù đối lập. Đến cuối thập kỉ 80 thì gió cách mạng chống cộng sản từ châu Âu thổi sang, làm bùng lên ngọn lửa tự do và dân chủ trong giới trẻ thành thị ở Trung Quốc. Sinh viên và giới trí thức xuống đường biểu tình rầm rộ tại ở Thiên An Môn, đòi tự do và dân chủ; chính quyền cộng sản sợ bị lật, đưa quân đội, thiết giáp, và vòi rồng vào dẹp sạch người biểu tình. Chính quyền cộng sản ra chỉ thị bắt người dân học lại thuyết của Marx và Lenin, và bắt đầu chiến dịch thanh trừ những phần tử phản cách mạng để củng cố vị trí độc tôn quyền lực của đảng cộng sản.
Người cộng sản có thể dùng những chính sách tàn bạo để thực hiện những mộng tưởng điên rồ của họ, họ có thể tàn sát nhau để tranh giành quyền lực; nhưng tuyệt nhiên khi quyền lực của họ bị lực lượng bên ngoài đe dọa thì họ sẽ bằng mọi thủ đoạn tiêu diệt cho được.
Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không tránh được vết xe bạo lực đã lăn qua Đông Âu và Trung Quốc. Nhà cầm quyền cộng sản bấy lâu nay đã chứng tỏ cho chúng ta thấy là họ không vì quốc dân, không vì đất mẹ, không vì thế hệ mai sau, mà chỉ vì quyền lực và lợi ích của đảng cộng sản và những người khuất phục đảng. Kẻ nào dám dùng trí và dùng luật pháp thách thức quyền lực và đe dọa lợi ích ấy, kẻ đó phạm pháp nghiêm trọng nhất và phải bị trừng trị nặng nhất. Những vụ án chính trị đều là những màn kịch mà quan tòa đều là những con rối trong tay của nhà cầm quyền cộng sản. Có vụ án nào xử các nhân vật bất đồng chính kiến mà không phạm các trình tự tố tụng? Ngụy tạo hoàn cảnh và chứng cứ để bắt nghi can, các phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm có cái gì không theo kịch bản của nhà cầm quyền? Có tranh tụng hay không giữa những người dùng lí và những kẻ dùng đùi cui? Những vụ đàn áp Phật giáo, Công giáo, ở Bát Nhã, Thái Hà, và nhiều nơi khác trong nước, những vụ bắt bớ những người vận động dân chủ đều chứng minh rõ phương pháp bảo vệ quyền lợi vô liêm sỉ của nhà cầm quyền.
Vì mục đích cuối cùng của mình nhà cầm quyền cộng sản sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn. Thủ đoạn bất minh vốn nằm ngoài pháp luật họ còn dùng được, thì có gì cấm họ dùng những thủ đoạn đã biến thành luật pháp? Xã hội chúng ta có luật, nhưng nhà cầm quyền cai trị bằng sức mạnh và thổ phỉ. Xã hội chúng ta có luật, nhưng đó không phải là xã hội pháp trị. Xã hội chúng ta gọi được là bạo trị, hay phỉ trị.
Có luật mà không dùng luật, hoặc dùng một cách tùy tiện theo tham vọng của kẻ có quyền lực, thì có đặt thêm bao nhiêu luật cũng chỉ tốn thì giờ và tiền thuế. Cho nên ông đương kim thủ tướng có ra chỉ thị làm luật biểu tình, thì cũng không chứng minh được thái độ hướng về dân chủ và bình đẳng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Dù có thêm một chục luật nữa, luật biểu tình, luật nhà văn, luật dùng Internet và computer, hay là bất cứ luật gì mà mấy ông nghị huyênh hoang trong cái gọi là Quốc Hội có thể nghĩ ra được, thì cái rừng luật Việt Nam vẫn chỉ là thứ phục sức cho một chính thể què quặt mà thôi.
Chừng nào nghị quyết của đảng cộng sản thế được cho ý muốn của quốc hội, chừng nào tòa án, công tố viện, cảnh sát là công cụ của đảng cộng sản, chừng nào quân đội còn dùng sức mạnh uy hiếp quốc dân để bảo vệ nhà cầm quyền, bất chấp là có hi sinh đất mẹ hay không, thì chúng ta không thể mong mỏi gì hơn là một vài chút dân chủ mưa móc mang tính ước lệ của của những người yên vị trên ghế quyền lực.
Thiện chí của nhà cầm quyền chỉ là mánh khóe chính trị
Xét như vậy thì chúng ta biết rằng những lời tuyên bố của nhà cầm quyền Việt Nam gần đây chỉ là khóe chính trị mà thôi. Ông thủ tướng chủ trương dùng đối thoại để đòi chủ quyền Hoàng Sa, nhưng bình tĩnh và thành thật mà xét thì ai cũng biết việc đòi lại Hoàng Sa là một việc vạn nan, cho dù sự thật đứng về phía mình. Hoàng Sa đang nằm trong tay đối phương, nó sẽ chịu trả cho chúng ta một cách ôn hòa khi mà binh lực nó mạnh hơn chúng ta tuyệt đối, khi nó coi chúng ta chỉ là nước chư hầu? Cái khóe chính trị đó càng dễ khẳng định hơn khi phe cánh và gia đình của ông thủ tướng sau hơn một nhiệm kì đã được an vị một cách vô đối. Chúng ta làm được gì dưới chế độ cộng sản, cái chế độ mà lòng dân li tán và đất nước điêu tàn như thế này. Phải có một dân khí và sinh lực thật dồi dào, và lập một chính phủ thật đại diện diện cho quốc dân và vì đất mẹ, một chính phủ gồm những người tài và khôn khéo, biết tạo liên minh và tin tưởng – chứ không phải tạo kẻ thù và nghi kị - lúc đó chúng ta mới may ra có thể đòi lại Hoàng Sa một cách hòa bình.
Cái dự định ra luật biểu tình cũng thế. Nhiều người có lí mà cho rằng nhà cầm quyền muốn có thêm công cụ luật pháp để giữ vững quyền lực. Những người ủng hộ luật này có thể có diệu kế mà kêu gọi biểu tình, nhưng nhà cầm quyền chỉ cần một điều khoản là có thể biến quyền biểu tình thành độc quyền của những người theo cộng sản, còn những người khác nếu không có nhượng bộ của chính quyền cộng sản vẫn đi biểu tình sẽ bị quy vào cái tội phá nhà nước theo điều 88 Luật Hình Sự ngay tức khắc. Và ai có thể nói trước được luật biểu tình này không bảo hộ cho công an tống người đi biểu tình vào ngục, một việc mà họ đã thực tập bấy lâu nay. Có luật mà cũng như không, chi bằng đừng có luật để người ta khỏi vin vào luật mà siết chặt cái thòng lọng nơi cổ chúng ta.
Mục đích đấu tranh cuối cùng: tự do và dân chủ
Điều đáng bàn ở đây không phải là khóe chính trị của nhà cầm quyền, hay là cái luật biểu tình. Dù có nó hay không thì nhà cầm quyền cũng đang cai trị bằng thứ gì khác, không phải bằng luật. Chúng ta chẳng đã có luật báo chí, luật giáo dục, nhưng có tư nhân nào mở được báo, có nhà dòng hay nhà chùa nào mở được trường học? Chúng tôi muốn nói mở trường theo tôn chỉ của họ, chứ không phải chạy chọt và nhượng bộ với đảng cộng sản về một số lĩnh vực và hoạt động giáo dục. Có luật mà cũng như không, thì thay đổi là thay đổi con người chứ không phải thay đổi luật.
Dù là mang tiếng biểu tình chống bành trướng Trung Quốc, hay là ủng hộ ông thủ tướng ra luật biểu tình, hay là phản đối công chiếu phim Lý Công Uẩn, hay là gì gì đi nữa, thì mục đích tranh đấu cuối cùng vẫn là vì một Việt Nam tự do và dân chủ. Mọi biểu tình vì mục đích ấy, dù dưới danh nghĩa gì, mà không do chính quyền kiểm soát thì đều hóa ra là phản động, và chắc chắn là người biểu tình sẽ bị lôi vô nhà giam, nhà thương điên, hoặc trại phục hồi nhân phẩm.
Cho nên chúng ta cần chính danh, và chính danh mà nói thì mục đích tranh đấu của chúng ta là lấy lại những quyền nhân bản của người công dân. Những sự kiện chính trị xảy ra gần đây cho thấy Việt Nam ta có những tài năng lớn, những người có đào luyện, có cá tính, và thể hiện sự thông minh hơn tất cả các nhà lãnh đạo đình đám trong chính phủ ở Hà Nội. Nhưng cỗ máy công an của nhà nước đã thành công, về một mặt nào đó, tức là họ đã bóp chết được ngay từ trừng nước nền chính trị đối lập, họ đã không để cho các nhà tranh đấu hoạt động một cách có tổ chức và hệ thống, và họ hạ bệ các phong trào quần chúng một cách không nương tay. Nếu chúng ta ý thức được trong cuộc tranh đấu vì dân quyền và nhân quyền này, chúng ta đang đối mặt những kẻ xảo quyệt nhất, mà những chiến sĩ của chúng ta, dù công khai hay bí mật, đều ở trong một hoàn cảnh bất lợi là thiếu phương tiện và bị vu hãm rất nhiều, thì chúng cần phải giương cao chính nghĩa của mình, một cách minh bạch, trước quốc dân. Quốc dân cần biết chúng ta đang đấu tranh cho những điều cốt tủy, chứ không phải cho lớp da và lông. Chúng ta phản đối Trung Quốc bành trướng, nhưng mà thông điệp đằng sau những biểu tình đó có phải là chúng ta muốn nói rằng chính quyền này khiếp nhược và vô dụng? Quốc dân cần biết nếu chính quyền thối nát này còn tại vị thì đất nước này sẽ chẳng đi tới đâu hết, và sẽ không có tương lai hay tự do nào cho con cháu chúng ta. Nếu chúng ta chấm dứt sự thiếu dứt khoát của mình, nếu chúng ta không lấy cái phụ họa để ngụy trang những điều ách yếu thì chúng ta sẽ chinh phục được nhiều hơn lòng tin cậy của quốc dân. Nelson Mandela tuyên bố trước những người xử ông tại Tòa Án Tối Cao Nam Phi rằng, vì lí tưởng dân chủ và tự do của người châu Phi ông hi vọng sống để thực hiện, và nếu cần thì ông sẵn sàng chết. Gandhi nói với thực dân Anh rằng vì tự do cho người Ấn ông coi chuyện đi tù như vô phòng đêm tân hôn. Những lời chính danh như vậy, không hoa mĩ, không ngụy biện đã chinh phục được trái tim của nhiều người sẵn sàng từ bỏ mọi lợi lộc tạm bợ và cả mạng sống để theo các ông ông tới cùng.
Mỗi người tùy hoàn cảnh của mình sẽ chọn một con đường đấu tranh khôn khéo. Con đường dù thế nào, thì ban đầu cũng cần phải có sự chính danh cho mục đích cuối cùng. Xét vậy mà chúng tôi đề nghị các nhóm cân nhắc những điều trọng yếu sau đây khi kêu gọi biểu tình.
• Tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do lập báo tư nhân, xuất bản tư nhân;
• Phóng thích tất cả tù nhân chính trị và chấm dứt mọi sự quấy nhiễu và giam cầm đối các nhà bất đồng chính kiến;
• Bỏ các điều khoản lạc hậu trong hiến pháp nó bảo đảm vị trí quyền lực độc tôn của đảng cộng sản và biến việc bày tỏ tiếng nói và hoạt động chính trị ngoài cộng sản trở thành tội ác.
Không đấu tranh vì những chính nghĩa đó, thì chúng ta chỉ gãi lớp da ngoài cho đỡ ngứa mà thôi, chẳng bao giờ thấu được chỗ cốt tủy. Không lấy lại được những quyền nhân bản đó, thì có kêu gọi, có hi sinh thì giờ, sức khỏe, an ninh, thậm chí sinh kế của mình, chúng ta chỉ là những con cá mà thôi: có nhảy cho cao cũng không ra khỏi lưới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment