Thursday, December 1, 2011

CÁ HỘP (Đào Tuấn)



Đăng ngày: 10:27 01-12-2011

“Nhìn thấy bệnh nhân nằm trên, nằm dưới, nằm hành lang, một giường dồn hai ba người tôi cảm thấy đau đớn". "Không một quốc gia nào bệnh viện lại quá tải như ở Việt Nam". “Chân dung, bộ mặt ngành Y tế của chúng ta hiện nay không thể chấp nhận được”. Các báo hôm nay chạy những hàng tít lớn- chỉ sau một chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nhưng, đáng chú ý nhất trong toàn bộ câu chuyện, không chỉ là những lời than vãn, mà là cái cách mà Bộ trưởng sốc, choáng trước những thực tế bi thảm đã tồn tại quá lâu trong chính cái ngành mà bà đã được học, từng làm việc và đang chịu trách nhiệm chính với tư cách Bộ trưởng.

Năm 2007, Những khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đưa ra con số: Các BV tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM công xuất sử dụng gường bệnh luôn từ 165-200%.

Ngày 27-1- 2008, một bản tin trên Tuổi trẻ cho hay, tại 12 bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, tình trạng quá tải nghiêm trọng từ 127 - 285%.

Tới 2011, đánh giá mới nhất của Bộ Y tế, tình trạng quá tải bệnh viện đã lên tới 300%.

Cũng chính Bộ Y tế trong buổi hội thảo với Tổ chức Y tế thế giới ngày 17-6 đã phải thừa nhận, với tỷ lệ 1 giường bệnh/1.000 dân, Việt Nam đang là một trong 33 quốc gia có tỷ lệ giường bệnh thấp nhất trên thế giới.

Chẳng lẽ quá tải lại thuộc về bệnh nhân?

Quá tải, mà phải nói chính xác là tình trạng nêm chặt, lèn kỹ như "đóng cá hộp" là một đồ thị đi lên với rất nhiều hình ảnh con số mang tính biểu tượng. Đâu là kỷ lục của sự quá tải: Viện Tim mạch quốc gia 5 người/giường bệnh?
Viện Bạch Mai 7 người đăng ký truyền máu trên một gường bệnh? 1800 bệnh nhân nội trú và 9.500 ngoại trú trên 700 giường tại Viện Ung bướu? Hay con số khoảng 40.000 người, mang theo 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, vì không muốn làm cá hộp?

Quá nhiều "kỷ lục cá hộp" và đây hoàn toàn không phải là chuyện vừa xảy ra mà Bộ trưởng sốc. Bà chỉ "choáng" trước... ống kính mà thôi!

Nguyên nhân của câu chuyện "cá hộp" không đơn giản chỉ là "thú vui tao nhã" của những bệnh nhân vượt tuyến, không đơn thuần chỉ là chất lượng tuyến y tế cơ sở yếu kém, cũng không chỉ là do ngành y tế thiếu đất.

Trong hội thảo về “Tình trạng quá tải và biện pháp giảm tải” do Bộ Y tế tổ chỉ 2 tháng trước, BS Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình còn nói lên một sự thật khác: “Tất cả các bệnh viện tuyến trên đều muốn quá tải vì thu nhập của nhiều bác sĩ và các bệnh viện tuyến trung ương đều trông vào quá tải!".

Còn Giám đốc Bệnh viện tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hoàng thì nửa hỏi, nửa trả lời, nhưng đúng với bản chất vấn đề: “Thực trạng quá tải bệnh viện có giải quyết được không, bao nhiêu do xã hội, bao nhiêu do thương mại, vì nằm ghép ở bệnh viện tuyến trên là thu nhập tăng thêm”.

Sau chuyện Bộ trưởng sốc, không phải không có lý khi dư luận cho rằng: Bà Bộ trưởng đã nhầm vai khi nói ra những lời cay đắng, đáng lý phải là tiếng kêu rên của những bệnh nhân- nạn nhân. Bà kết luận không thể chấp nhận được trong khi đáng lẽ chính bà phải trả lời câu hỏi và đưa ra giải pháp về tình trạng "không thể chấp nhận được".

Ngày 7-8-2007, tân Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã hứa như đinh đóng cột: Tình trạng một giường 2,3 người bệnh nằm sẽ được khắc phục...khoảng từ 2 đến 3 năm.

Đúng 3 năm sau, tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XII, khi "được" chất vấn, ông Triệu nói: Đây là câu chuyện tầm phào. Một phát ngôn mà cử tri và nhân dân gọi là "nuốt lưỡi".

Những cảnh "ùn tắc", "đóng cá hộp" trong bệnh viện có lẽ chỉ chấm dứt chừng nào các quan chức của ngành y tế không "nuốt lưỡi", không còn choáng, không sốc theo kiểu "thăm quan thảm họa hàng xóm".

.
.
.

No comments: