Tạp ghi Quỳnh Giao
Friday, December 09, 2011 3:34:22 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=141345&z=97
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=141345&z=97
Tuần này, kể từ mùng 9, khán giả tại Hoa Kỳ được xem phim “Tinker, Tailor, Soldier, Spy” với Gary Oldman trong vai trùm phản gián George Smiley của nước Anh.
Cốt truyện là thiên anh hùng ca nhức đầu về tình báo của John Le Carré. Ông từng là nhân viên tình báo Anh, sau trở thành nhà văn nổi tiếng về thể loại trinh thám gián điệp với nhiều tác phẩm được dựng phim, kể cả tác phẩm nói trên, do hệ thống BBC đưa lên thành một chương trình truyền hình dài tới bảy tiếng. Thời đó, Sir Alec Guiness thủ vai George Smiley và người viết này thú thật là... xem không hết. Vì truyện còn rắc rối hơn võ hiệp Kim Dung và lại thực hiện theo kiểu Âu Châu, là rất công phu tỉ mỉ, mà cũng rất chậm!
Nhưng về cốt truyện thì mình cũng nên đọc qua, ít ra để so sánh với các tác giả Hoa Kỳ. Sở trường của John le Carré là nghệ thuật phân tách tâm lý và dựng truyện đặc quánh trong không khí u uẩn của Âu Châu thời Chiến Tranh Lạnh. Rất ít bạo động mà rất nhiều mô tả chi ly.
Cái tên của tác phẩm “Tinker, Tailor, Soldier, Spy” xuất phát từ một bài đồng dao của Anh, theo kiểu “thả đỉa ba ba - xin khúc đầu cùng xương cùng xẩu,” v.v... của chúng ta, để nói rằng trong chừng ấy khúc, chừng ấy tên, tên nào mới là đúng. Cốt truyện giải thích sự thắc mắc đó, vì sau Ðệ Nhị Thế Chiến, một trong năm nhân viên cao cấp nhất của tình báo Anh lại là điệp viên Nga Xô. Là một trong năm người đó, George Smiley phải kín đáo điều tra và làm thế nào để khỏi động ổ, xem giữa Tinker, Taylor và Soldier, ai là Spy!
Thật ra, gần 10 năm sau cuốn “The Spy Who Came In From the Cold” năm 1963 làm ông nổi danh như cồn, John le Carré viết liền một bộ ba tập về cuộc đấu trí giữa George Smiley với trùm gián điệp Nga Xô là nhân vật Karla. Như pho võ hiệp trường thiên ba cuốn của Kim Dung về Anh Hùng Xạ Ðiêu, ba cuốn truyện đó của John le Carré được gọi là bộ truyện George Smiley.
Qua trận đấu trí kéo dài này từ Nga Xô qua đến Trung Cộng, có một vấn đề được Smiley chú ý và tìm hiểu, đó là bí danh!
Chúng ta biết rằng trong thế giới tình báo, các điệp viên phải có bí danh là tên giả để sống trong một thế giới giả. Nhưng John le Carré cũng cho một nhân vật của mình nêu ra một khía cạnh tâm lý là đôi khi người ta chọn tên giả mà vẫn có chi tiết nào đó phản ảnh cuộc đời thật. Lý do thầm kín từ trong tiềm thức là để mình vẫn còn là mình!
Quỳnh Giao tin rằng theo thông lệ, một phim của Anh, với truyện xuất sắc của John le Carré và các tài tử thượng thặng như Gary Oldman, Colin Firth và John Hurt, “Tinker, Taylor, Soldier, Spy” có thể là phim hay nhất trong năm và chiếm lấy vài giải Oscar! Trong khi chờ đợi kết quả thì mình cứ hãy mạn đàm tạp ghi về chuyện bí danh và biệt hiệu đã!
Theo quy tắc được John le Carré nhắc tới, chúng ta đều nghĩ đến Tản Ðà, là bút hiệu của Nguyễn Khắc Hiếu, người núi Tản sông Ðà. Nơi chôn rau cắt rốn quả là một lý lịch chìm, y như Hồng sơn Liệp hộ hay Nam hải Ðiếu đồ của Nguyễn Du thời xưa.
Nhưng ngẫm cho cùng, ta thấy nghệ sĩ trình diễn thường dùng nghệ danh là tên trên sân khấu mà cũng có người lấy tên thật chứ không dùng biệt hiệu. Xa thì có cặp nghệ sĩ Phạm Ðình Sĩ và Kiều Hạnh, gần thì có hai người bạn thân trong nghề với người viết là Kim Tước và Mai Hương, hoặc hai người bạn khác là Thanh Thúy và Thanh Lan.
Còn lại thì quả là có nhiều liên hệ giữa nghệ danh và tên thật hoặc chi tiết thật của đời thường. Gần gũi nhất là mẫu thân của Quỳnh Giao, lấy tên hai con là Bửu Minh và Ðoan Trang thành nghệ danh là Minh Trang. Cô Thái Hằng thì dùng chữ Thái đệm thêm vào tên thật là Phạm Thị Hằng, và cô Thanh dùng chữ Thái của cô Hằng thành Thái Thanh.
Nhưng đấy là trường hợp chưa hẳn phổ biến vì nhiều nghệ sĩ lấy tên khác hẳn tên thật, như Mộc Lan có tên thật là Nga, Châu Hà tên thật là Hồng Tâm, Hà Thanh là tên sân khấu của Lục Hà, Lệ Thu tên là Oanh, và Kim Chi trở thành Hoàng Oanh, v.v... Riêng trường hợp Khánh Ly có tên thật là Phạm Lệ Mai thì nhiều người đoán mò rằng đấy là phép nói lái từ Lý và Khanh là tên hai người thân của Mai.
Sẵn đà tạp ghi cho vui thì người viết nhớ lại là hầu hết giới nhạc sĩ sáng tác đều lấy tên thật, nhưng dùng biệt hiệu khi đóng vai ca sĩ.
Phạm Ðình Chương là Hoài Bắc, Trần Thiện Thanh là Nhật Trường. Trong một vài bài hát, ông còn lấy biệt hiệu Anh Chương là tên con trai mình. Có trường hợp ngược lại, lấy biệt hiệu khi viết nhạc, và tên thật là ca sĩ, như Tuấn Khanh khi hát lấy tên thật là Trần (Trọng) Ngọc. Khác với nhạc sĩ Văn Phụng, khi hát lấy tên Anh Trang là tên người con trai.
Ðộc giả lớn tuổi có thể nhớ tới Phạm Duy khi hát trong ban Thăng Long ngày xửa ngày xưa đã lấy nghệ danh Hoài Nam, vì có hai người bên cạnh là Hoài Trung và Hoài Bắc. Ít người trong chúng ta biết nhạc sĩ Dương Thiệu Tước hát rất nhẹ và êm. Khi hát, ông lấy biệt hiệu là Vân Hải! Ông cụ không còn nên chẳng ai hỏi được rằng đó có phải là Vân Ðình với Hải Dương chăng?
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong một số ca khúc lấy biệt hiệu là Tôn Nữ Trà Mi, khiến nhiều người tưởng là một cô con nhà hoàng phái người Huế. Còn nhạc sư Nghiêm Phú Phi khi viết hòa âm lấy tên là Hải Sơn, ý nghĩa từ đâu thì chỉ còn có thể hỏi bà góa phụ mà Quỳnh Giao vẫn trìu mến gọi là cô Sương.
Trường hợp một nhạc sĩ lấy hai tên thật ra cũng nhiều.
Văn Giảng lấy tên thật khi viết hùng ca, nhưng dùng biệt hiệu Thông Ðạt khi viết nhạc tình. Những bài “Ai về Sông Tương” và “Ðôi Mắt Huyền” được biết đến nhiều hơn bài “Qua Ðèo” hay “Kéo Gỗ Rừng Khuya”. Cũng như Tô Vũ của “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa” hay “Tiếng Chuông Chiều Thu” là biệt hiệu của Hoàng Phú, được hâm mộ hơn khi ông dùng tên thật để viết nhạc có tính lịch sử như trong bài “Ngày Xưa”.
Ngoài lãnh vực ca hát, nhiều nhạc sĩ cũng viết văn và chọn bút hiệu khác lúc viết nhạc. Như Vũ Thành có tên hiệu dài thoòng là Tiêu Tương Dạ Vũ. Cung Tiến dùng bút hiệu Thạch Chương khi viết cho Sáng Tạo và sau này nữa trong các tiểu luận về nhạc.
Bài này viết về bí danh, nghệ danh và biệt hiệu của thiên hạ. Còn người viết thì sao?
Như một nhân vật trong bộ truyện George Smiley, người viết xin nhích qua một bên để kể chuyện khác. Khi bắt đầu hát thế cho mẹ, bà cụ chọn tên Quỳnh Dao (chữ D trên) từ chữ Quỳnh là bút hiệu Bội Quỳnh của bà ngoại. Lúc hát cho ban Tiếng Tơ Ðồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng trên TV, générique cứ đề là Quỳnh Giao (với chữ G). Từ đó mọi người đều ghi như thế, không thay đổi lại. Qua đến Mỹ thì Quỳnh Giao lại thấy chữ Giao này để đọc hơn chữ Dao kia. Những người bạn Hoa Kỳ của người viết sẽ đọc là Ðao như đao búa hay còn tệ hơn là đown (đi xuống) ngay! Ngày xưa, khi còn hát trong đài phát thanh, Quỳnh Giao có lần nhận được một lá thư ái mộ của thính giả, trịnh trọng đề trên phong bì là... kính gửi cô Huỳnh Vao.
Tên đó nói đến lý lịch của người gửi hơn là người nhận! Nhưng là một kỷ niệm rất vui, rất đẹp.
.
.
.
No comments:
Post a Comment