Thư tòa soạn - Báo Tổ Quốc số 124
Phát hành : 01-12-2011
Đảng Xã Hội Espana cầm quyền từ bẩy năm nay đã thảm bại trong cuộc bầu cử quốc hội chủ nhật 20 -11-2011 vừa qua. Đảng Nhân Dân, phe hữu, giành được đa số tuyệt đối dù tổng số phiếu nhận được chỉ tăng rất ít. Cử tri Espana đã sa thải cánh tả một cách giận dữ nhưng cũng không nồng nhiệt ủng hộ cánh hữu. Từ ba năm nay,
khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ, tất cả mười lăm cuộc bầu cử tại Châu Âu đều có một kết quả chung là đem thất bại ê chề cho đảng cầm quyền. Sắp tới sẽ đến lượt liên minh "Dân Tộc Của Tự Do" của Berlusconi tại Ý. Một kết quả dứt khoát như vậy phải được hiểu như là sự bất tín nhiệm đối với toàn bộ giai cấp chính trị.
Sự giận dữ này có thể một phần do tình trạng bế tắc đặc biệt nghiêm trọng tại Châu Âu vì hai nguyên nhân chính: một là Liên Hiệp Châu Âu đã hình thành một cách quá thiếu chuẩn bị, nó có tất cả mọi trói buộc của một liên bang nhưng lại không có một chính quyền liên bang, các quốc gia vướng víu với nhau nhưng lại hành động rời rạc; hai là, hơn mọi quốc gia khác, Châu Âu do những chính sách xã hội quá quảng đại đã tiêu xài nhiều hơn sản xuất, dẫn đến hậu quả tất nhiên là thâm thủng ngoại thương và mắc nợ. Tuy nhiên cả hai lý do này đều cũng là những khuyết tật chung của mọi nước dân chủ phát triển trong hai thập niên qua mà Châu Âu đã chỉ làm nổi bật.
Không phải chỉ có Châu Âu đã kết hợp vội vã, chính phong trào toàn cầu hóa cũng đã rất thiếu chuẩn bị. Người ta đã tin tưởng một cách liều lĩnh, không dựa trên một lý luận nghiêm chỉnh nào, là có thể đi tới thế giới hòa bình và phồn vinh thuần túy bằng buôn bán, người ta đã ngây thơ nghĩ rằng có thể xây dựng một thế giới hòa hợp mà không cần phải chia sẻ những giá trị chung.
Một cách cụ thể các nước dân chủ, như Châu Âu và Hoa Kỳ, nghĩ rằng có thể hợp tác và sống chung hài hòa với những chế độ chà đạp nhân quyền như tại Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả là các chế độ bạo ngược đã được bình thường hóa, đã được tự do bóc lột công nhân thậm tệ và tàn phá mội trường thẳng tay để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ. Đó chính là nguyên nhân khiến các nước dân chủ phát triển tích lũy thâm thủng ngoại thương và thiếu hụt ngân sách. Cũng không phải chỉ có Châu Âu mới tiêu xài quá nhiều so với sản xuất mà mọi nước dân chủ phát triển đều cũng đã như thế, do sự kiện hàng hóa của các nước như Trung Quốc quá rẻ vì không hề có chi phí xã hội và môi trường.
Nền tảng của các chính sách của Mỹ và Châu Âu trong hai mươi năm qua đã là chủ nghĩa thực tiễn theo đó kinh tế là tất cả và mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Bài học mà thế giới đang học một cách đau đớn là khi coi kinh tế là tất cả thì người ta sẽ thất bại trong tất cả, kể cả kinh tế. Cuộc khủng hoảng này đã là cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất trong lịch sử thế giới và nó sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm nữa, chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản hoàn toàn và phải bị vất bỏ.
Và nếu nhờ cuộc khủng hoảng này mà thế giới hiểu rằng chỉ có thể có hòa bình và phồn vinh chung cho mọi dân tộc trong sự chia sẻ những giá trị bắt buộc chung –công lý, tự do, dân chủ, môi trường- thì cái giá phải trả thực ra cũng không quá nặng, nhất là so với những cuộc chiến đẫm máu trong quá khứ.
Ban biên tập Tổ Quốc
-----------------
TỔ QUỐC
Số 124
Mục Lục :
Nguyễn Gia Kiểng - Ý chí và tình cảm còn lại của dân tộc
Đỗ Xuân Cang - Tại sao tôi biểu tình
Nguyễn Thanh Giang - Về ý kiến của 14 trí thức Việt Nam ở nước ngoài
Nhóm tác giả - Cải cách toàn diện để phát triển đất nước (Phần 3)
Nguyễn Minh - 1911 – 2011 Từ Tân Hợi đến Tân Mão : Đoàn tàu đang hạ tốc
Bùi Tín - Nhà ngoại giao lẩy bẩy
Việt Hoàng - Từ nghị Phước đến “luật biểu tình” : Rau nào sâu ây
Phạm Quế Dương - Thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có tự do biểu tình
Phạm Hồng Sơn - Vịnh Hạ Long, Luật biểu tình . . . và Hitler
Mõ Sàigòn - Chuyện phiếm : Báo cáo về công tác Thái Hà
Trần Mạnh Hảo - thơ Chủ Nhật Hồ Gươm
Vi Đức Hồi - Đối Mặt (tiếp theo Tổ Quốc 123)
---------------
DOWNLOAD :
.
.
.
No comments:
Post a Comment