Tháng Mười Hai 5, 2011
Nhân đọc bài của TS. Alan Phan, Trích:
“Người Mỹ có câu, “Những con chó già không bao giờ thay đổi” (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại VN và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.
Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng. Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat. Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cuối đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.
Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình … già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.”
Tôi nghĩ có hai vấn đề dẫn tới việc này. Thứ nhất là văn hóa và thứ hai là chính trị. Nhưng cái mối nguy hại chính là ở cái thứ hai, bởi văn hóa là những thứ có thể thay đổi và thích ứng nếu như nó được tự do trong cái việc thay đổi và thích ứng đó. Các nền văn hóa Khổng giáo như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc ngày nay đều tương thích với xã hội hiện đại, với sự khuyến khích tính chủ động, năng động và sáng tạo của con người. Tất nhiên trong quá trình vận động thì sẽ có những yếu tố được củng cố và duy trì và có những yếu tố văn hóa sẽ bị tàn lụi dần đi.
Nhưng cái nguy hại hơn hiện nay chính là “chính trị”. Thể chế chính trị ngày nay đã trở nên già nua và giả dối hết bao giờ hết. Chính vì thế nên nó cứ phải cố gắng đậy đụm vá víu nó bằng cách bám vào những giá trị già nua, dùng mọi sức lực để neo giữ quyền lực bởi vì nó biết rằng nếu nó thả lỏng tay cương thì con ngựa nó đang cưỡi sẽ lồng lên hất nó xuống. Ghìm cương và bịt mắt là những gì những tay nài ngựa đó đang làm. Chính vì thế, cái thể chế đó vẫn luôn tìm cách rao giảng những giá trị già nua, cũ kỹ với âm mưu biến nó trở thành một phần của “truyền thống” của “văn hóa dân tộc”. Có thể lấy ngay ví dụ trong bài viết “lỗi đánh máy” của Tạp chí cộng sản khi tác giả cài cắm nhét “vai trò lãnh đạo của ĐCSVN” như là chị em sinh đôi với “truyền thống văn hóa dân tộc”.
“Âm mưu cơ bản và lâu dài của chúng [ta] (sic) là từng bước thâm nhập, tác động, chuyển hóa, đẩy lùi hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ra khỏi đời sống chính trị – xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm phai nhạt bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, tạo thuận lợi cho các hoạt động chống đối, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa”
Hay cũng có thể thấy qua những phong trào tôn giáo xô bồ được chính quyền vẫn rao giảng “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” cổ vũ, hết linh đình đón linh xá Phật lại tới lễ đền Trần…Khi không thể nhờ cậy được các cụ khốt Marx, Lenin… thì giờ họ phải vận tới “âm binh” là tín ngưỡng. Bây giờ có những bà đồng như Phan Thị Bích Hằng đang trở nên không khác gì một thứ pháp sư chính thống của Nhà nước. Nền chính trị VN hiện nay đang khuyến khích một thứ văn hóa lai căng, lai căng giữa những thứ cổ hủ, lạc hậu nhất, tồi tệ nhất của văn hóa truyền thống với những thứ hạ đẳng nhất của văn hóa phương Tây được du nhập. Và cái món trộn salad đó đang được gọi là nền “văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Với giới trẻ, họ dung dưỡng họ bằng những niềm tự hào dân tộc giả hiệu (mà chỉ được phép thể hiện sau các trận bóng đá), ru ngủ và đầu độc họ bằng thứ tự do giả hiệu (như tự do ngắm quần chíp của các bé 13 tuổi có thân hình phổng phao trên mặt báo) và luôn đảm bảo với họ là “mọi thứ đều tốt”, họ không cần phải lo nghĩ gì ngoài việc ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ và Chính quyền. Trong khi các nguy cơ tụt hậu là hiển hiện, trong khi so với các nước lân bang, chứ chưa kể các nước phát triển thì VN còn thua kém không biết bao nhiêu năm thì họ luôn kể công của họ là đã đưa đất nước tới “độc lập, tự do, hạnh phúc” và đổ tội cho những yếu kém nào đó là do “các thế lực thù địch phá hoại” hoặc do “nguyên nhân khách quan”.
Giới trẻ VN có thông minh không? Mình nghĩ chúng ta không có gì đáng phải tự hào về trí thông minh của mình so với các dân tộc khác. Nhưng về mặt năng lực, thì giới trẻ VN cũng không thua kém gì so với giới trẻ ở các nước như Hàn, Đài, Sing. Cái khiến họ thua kém là họ không có suy nghĩ của “người chiến thắng” và cũng không có cả tinh thần cạnh tranh để chiến thắng nữa. Họ bị quá nhiều thứ đang bủa vây họ, bị những bậc “cha chú” vừa ru ngủ họ, dung dưỡng cho những thói hư của họ, lại vừa nạt nộ, hăm dọa họ nếu họ thực sự muốn ‘suy nghĩ’ và tự ý thức về bản thân chứ không phải là một thứ động vật nhai lại.
Ba kẻ thù lớn nhất của họ chính là “chính quyền” “trường học”và “báo chí” (hai cái sau thực ra là công cụ của cái đầu tiên), những thể chế đang lừa dối họ, đổi trắng thay đen và cố gắng làm sao để họ không còn khả năng tư duy nữa. Một thể chế khuyến khích thứ văn hóa đề cao sự thụ động, chấp nhận bất cứ cái gì đang hiện hữu (status quo) thì không thể tạo ra một sản phẩm nào khác là một lớp trẻ thờ ơ với tư duy già cỗi và ở đó chỉ có xế khủng và ngực khủng là những giá trị cao nhất mà lớp trẻ đó cần hướng tới. Vâng, và khi bạn vẫn chưa có “xế khủng” hay không được gối đầu lên “ngực khủng” hàng đêm thì bạn có thể xem báo của chúng tôi để được thưởng thức! Đó cũng chính là “tự do báo chí” của Việt Nam mà các ông Đinh Thế Huynh, Lê Doãn Hợp đang ra sức đảm bảo.
Còn trường học thì sao? Hãy lắng nghe đồng chí giảng viên ĐHKHXHNV khuyên giải các em sinh viên đi biểu tình ngày 5/6 là rõ…Các bạn yêu nước là tốt, nhưng vấn đề rất phức tạp, hãy để Nhà nước giải quyết blah blah blah…
Nói đến đây, tôi lại nhớ tới câu hát của Lan Phương trong đoàn biểu tình khi nghe ông thầy đó ca bài ca yêu nước ” We don’t need no education” (Pink Floyd).
.
.
.
No comments:
Post a Comment