Tháng Chín 7, 2010
Văn phòng Luật sư Vì dân (LSVD) nói họ đã nhận tư vấn pháp luật miễn phí cho ông Trần Quốc Khánh, một nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam khiếu nại, tố cáo đối với ông Vũ Văn Hiến vi phạm nghiêm trọng pháp luật và điều lệ ĐCSVN
--------------------------------------
Tin tổng hợp
Với những đóng góp cho sự phát triển của ngành truyền hình, TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam Vũ Văn Hiến đã được tặng Huân chương Độc lập hạng ba sáng nay (7/9).
Huân chương cho ông Vũ Văn Hiến được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày phát sóng chương trình đầu tiên (7/9/1970 – 7/9/2010), tập thể cán bộ Đài Truyền hình Việt Nam đã đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đài Truyền hình Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mà còn là đơn vị đi đầu trong việc nâng cao dân trí, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Đài hoàn thành mạng truyền hình quốc gia phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình: thời sự, văn hóa, giáo dục, giải trí… đáp ứng nhu cầu của đông đảo của nhân dân.
Về phần mình, Tổng giám đốc Vũ Văn Hiến chia sẻ: Trong 4 thập kỷ qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát triển nhiều dịch vụ đa dạng, từ phát sóng truyền hình tới các lĩnh vực khác như sản xuất phim, truyền hình trả tiền, dịch vụ internet, phát hành tạp chí.
Đến nay, VTV đã có 6 kênh riêng biệt từ VTV1 đến VTV6, với 120 giờ phát sóng mỗi ngày.VTV đã phủ sóng mặt đất hơn 90% lãnh thổ với hơn 17 triệu hộ dân được xem truyền hình. Truyền hình vệ tinh (DTH) của Đài đã phủ 100% lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, kênh VTV4 đã phủ sóng hầu hết các khu vực trên thế giới có nhiều người Việt Nam sinh sống bằng vệ tinh (DTH) và internet (ITV).
Thời gian tới, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến các chương trình chính luận, xây dựng kênh VTV1 thành kênh chính luận nhanh nhạy, có chất lượng cao; đẩy mạnh sản xuất nhiều chương trình văn hóa, giáo dục, giải trí khác nhau. Đài cũng chú trọng phát triển truyền hình trả tiền và Việt hóa các chương trình truyền hình nước ngoài.
.
Cùng ngày 7/9, một cơ quan truyền thông quốc gia khác, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) kỷ niệm 65 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Nguồn: VNN
———————–
.
Bài trên BBC: Ủy Viên TW Đảng, Tổng Giám đốc VTV Vũ Văn Hiến bị tố cáo lên Bộ Chính trị
Văn phòng Luật sư Vì dân hôm 4/9 đã có văn bản gửi Bộ Chính trị và các cơ quan nhà nước tố cáo ông Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam có ‘dấu hiệu tham nhũng’ và tư thù.
Công văn dài 11 trang cũng được gửi tới Ban bí thư Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Công An, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và một số cơ quan khác.
Văn phòng Luật sư Vì dân (LSVD) nói họ đã nhận tư vấn pháp luật miễn phí cho ông Trần Quốc Khánh, một nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam và viết trong trang hai của văn bản:
“Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Hiến về “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…; cần phải làm rõ những dấu hiệu tham nhũng và làm trái nguyên tắc về công tác tổ chức của Đảng và Nhà nước”.
LSVD cáo buộc ông Hiến “cố ý làm trái pháp luật trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tại Đài truyền hình Việt Nam gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng và có dấu hiệu tham nhũng”.
Văn bản dẫn ra một số dự án trong đó có dự án đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất chương trình Truyền hình Việt Nam mà họ cáo buộc:
“Dự án đã quá thời hạn hoàn thành mà trang thiết bị nhập khẩu kỹ thuật lạc hậu, thiếu đồng bộ đang “đắp chiếu”… làm thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; dự án đang đứng bên bờ vực của sự phá sản toàn bộ, thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đã đang và sẽ xẩy ra.
“Trách nhiệm và hậu quả ông Vũ Văn Hiến phải chịu”.
‘Vi phạm pháp luật’
LSVD cũng tố cáo ông Vũ Văn Hiến “vi phạm pháp luật và những nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ, thi đua khen thưởng”.
Văn phòng luật sư này nói nhiều nhân viên Đài truyền hình đã “bị trù dập, chịu nhiều khổ đau, thiệt hại trăm bề,…” khi tố cáo ông Hiến.
Ông Hiến cũng bị cáo buộc lợi dụng sự vắng mặt của một số “thành phần chủ chốt” của Đài truyền hình để tổ chức họp và có biên bản trình chính phủ đề nghị tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho chính ông.
Ngoài ra LSVD cũng nhắc tới chuyện bà Kiều Trinh, con gái ông Vũ Văn Hiến tiếp tục lên sóng truyền hình và giữ chức Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Ban Thời sự VTV1 mặc dù khi còn đi học ở Thụy Điển “đã ăn cắp một số váy và hàng hóa… trị giá 400 đô la Mỹ; đã bị cảnh sát bắt giữ thẩm vấn sáu giờ”.
Vụ tố cáo ông Vũ Văn Hiến xảy ra chỉ một tuần sau khi truyền thông Việt Nam đưa tin về việc ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình xin Thủ tướng Chính phủ cho rời khỏi đài.
Người ta cho rằng một trong những lý do khiến ông Tuấn quyết định ra đi là chuyện ông không được ủng hộ để lên thay ông Hiến, người được cho là sẽ về hưu trong thời gian tới đây.
Một cựu nhân viên Đài truyền hình cũng nói với BBC “văn hóa đấu đá, nịnh bợ” lan tràn trong đài và nó có thể ảnh hưởng tới chất lượng chương trình và tới cả thế hệ người xem truyền hình.
Đài BBC chưa liên hệ được với ông Vũ Văn Hiến để có phản hồi về các cáo buộc mới nhất đối với ông.
Nguồn : BBC
——————
Luật sư tố cáo TGĐ VTV lên tiếng
Tiến sỹ, Luật sư Trần Đình Triển, người ký đơn tố cáo Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Vũ Văn Hiến về việc ‘cố ý làm trái’, ‘có dấu hiệu tham nhũng’ và ‘trù dập’ nhân viên nói với BBC ông đã viết văn bản 11 trang “rất đúng pháp luật”.
Ông nói về chuyện ‘cố ý làm trái’ của ông Hiến trong vụ xin miễn thuế trị giá gia tăng cho các nhà thầu trong một dự án đầu tư của đài truyền hình bất chấp ý kiến của thủ tướng chính phủ và một thứ trưởng tài chính về việc các nhà thầu phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông cũng cáo buộc có những ‘bằng chứng’ về chuyện những nhân viên tố cáo ông Hiến bị ‘trù dập’.
Riêng về điều mà ông gọi là ‘dấu hiệu tham nhũng’, ông nói văn phòng luật của ông không đủ khả năng và không có thẩm quyền điều tra nhưng có quyền đưa ra những nghi ngờ để cơ quan điều tra có thể vào cuộc và đưa ra kết luận nếu họ thấy cần thiết.
Cho đến nay ông Vũ Văn Hiến và VTV chưa lên tiếng về những cáo buộc này.
Ông nói chuyện với Nguyễn Hùng của BBC:
Tiến sĩ – Luật sư Trần Đình Triển: Với tư cách một luật sư, trong Luật Luật sư đã quy định rằng luật sư góp phần bảo vệ công lý, mà khi làm việc liên quan đến vấn đề pháp luật, liên quan đến nhân thân, uy tín của một con người và không chỉ với chính họ, mà liên quan đến người thân của họ, với bạn bè của họ, đặc biệt đối với những người có chức vụ quyền hạn thì còn liên quan đến uy tín của cả cơ quan.
Chúng tôi đã cân nhắc đầy đủ tất cả các yếu tố và trên cơ sở pháp luật.
Vì thế văn bản phát ra, không mang tính bí mật của quốc gia, có quyền công khai trên công luận.
Do đó càng thể hiện trách nhiệm của luật sư trước ngòi bút của mình, và trước tiếng nói của mình.
Có nghĩa là khi chúng tôi nhận vụ việc này, với những hồ sơ tài liệu chúng tôi phải đánh giá một cách hết sức khách quan, căn cứ vào quy định của pháp luật và có căn cứ cái gì có căn cứ, cái gì có dấu hiệu thì chúng tôi nêu lên.
Có những cái đủ căn cứ để kết luận, còn những vấn đề gì còn có dấu hiệu thì các cơ quan có chức năng phải điều tra xác minh để làm rõ xử lý.
BBC: Ở đây có hai vấn đề căn bản, tham nhũng và trù dập cán bộ nhân viên. Luật sư có thể cho biết hiện tại có đủ cơ sở để tiếp tục xử lý không ạ?
Tiến sĩ – Luật sư Trần Đình Triển: Dấu hiệu cố ý làm trái rất rõ. Bởi vì trong hồ sơ của tôi đã có một văn bản chính về phía ông Vũ Văn Hiến chỉ đạo, đã gửi Chính phủ, Vụ Tài chính, nhưng Thủ tướng, khi đó là Thủ tướng Phan Văn Khải đã bút phê vào là không đồng ý và đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Và Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến. Chúng tôi có văn bản đó.
Thứ hai là, về phía Bộ Tài chính và Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng ký một văn bản trả lời Đài Truyền hình là phải nộp những khoản thuế đó, của những nhập khẩu thiết bị về truyền hình năm 2000, không loại trừ là phải nộp hai văn bản đó và cùng có một biên bản cuộc họp của lãnh đạo các thành phần chủ chốt của Đài Truyền hình để xem xét lại thuế VAT đó.
Và đã đều thống nhất là những vấn đề thuế VAT mà các nhà thầu phải chịu thì các nhà thầu phải nộp còn Đài Truyền hình không can thiệp và không có miễn giảm gì thuế đó cả.
Thế thì [sau] hai văn bản đó rồi, với cương vị là người đứng đầu thì tại sao trên một ý kiến của một trưởng ban tài chính mà ông Vũ Văn Hiến lại bút phê vào và lại bí mật chỉ đạo ông [Đinh Quang] Hưng [Phó Tổng giám đốc] gửi văn bản và lại không gửi lên Thủ tướng, cũng không gửi cho Thứ trưởng phụ trách về cơ quan Thuế mà lại gửi sang cho ông [Nguyễn Công] Nghiệp, Thứ trưởng phụ trách về vốn đầu tư và ngân sách.
Ông Nghiệp cũng không kiểm tra lại toàn bộ những hồ sơ đó lại quyết định đồng ý ghi thu ghi chi khoản đó. Như vậy ở đây nhà nước mất hai lần tiền với khoản thuế đó. Việc làm đó đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Hiến rồi.
BBC: Thưa luật sư, nếu như chỉ có tội cố ý làm trái với khoản tiền vài trăm tỷ đồng như vậy thì theo luật Việt Nam thì cơ sở để xử lý, liệu mức xử lý sẽ ở mức nào. Bởi vì theo như những văn bản này thì cái này có lẽ rõ nhất còn những cái khác thì tương đối còn mù mờ, đúng không?
Tiến sĩ – Luật sư Trần Đình Triển: Ở góc độ luật sư đang xử lý vụ việc thì bây giờ chúng tôi chỉ kiến nghị rằng đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Còn mức hình phạt bao lâu thì cái đó luật sư không nói được, bởi vì một người chỉ có tội, chỉ chịu mức hình phạt bao nhiêu khi có phán xử của tòa án. Đấy là hiến pháp.
Do đó, về phía tôi là luật sư chỉ đề nghị đủ căn cứ để khởi tố vụ án, theo điều luật đó thôi. Còn mức bao nhiêu thì tùy phán xử, về tính chất, mức độ trong đó xem xét kể cả nhân thân để mà quyết định một mức án cho phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.
Chứ bây giờ mức bao nhiêu thì tôi không thể nói được và cũng không đủ thẩm quyền để nói điều đó được.
BBC: Ở đây có hai vấn đề khác mà tôi muốn hỏi, đó là vấn đề tham nhũng và vấn đề trả thù những người khiếu nại. Về mặt bằng chứng, liệu có đủ bằng chứng đủ mạnh để đưa ra cáo buộc như vậy không?
Tiến sĩ – Luật sư Trần Đình Triển: Việc tham nhũng thì trong văn bản của tôi, thì tôi đã viết một cách thận trọng và rất đúng luật, để tránh trường hợp người ta có thể bắt bẻ tôi về những câu chữ trong văn bản đó. Tôi nói rất rõ là đối với tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì đủ căn cứ.
Ý kiến của Thủ tướng, ý kiến của Bộ Tài chính, ý kiến của cuộc họp và thực tiễn ông Hiến vẫn tiếp tục làm ngược lại.
Hậu quả là gì, ngân sách nhà nước mất hai lần tiền của hơn 800 triệu. Như vậy là đủ dấu hiệu, đủ căn cứ.
Còn vấn đề tham nhũng, đó là vấn đề thuộc cơ quan chức năng. Tôi chưa có đủ căn cứ để biết doanh nghiệp không phải nộp cái đó có chia chác gì với ông Hiến hay không thì tôi không có căn cứ, chưa có bằng chứng.
Cái thứ hai, liên quan đến dự án hơn 300 tỉ nhập khẩu, nhập thiết bị không đồng bộ, rồi gọi đối tác ký các hợp đồng, sau đó phủi các đối tác đó đi rồi tìm các đối tác khác v.v. làm một dự án rất lớn như vậy đang nằm đắp chiếu trong kho. Có những cái gì về mặt tham nhũng ở đây hay không.
Về mặt luân lý, nhìn thì cảm thấy có dấu hiệu. Còn việc làm rõ cái đó thuộc về chức năng của cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật sư chúng tôi không đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra làm rõ việc đó. Cho nên chúng tôi nêu lên dấu hiệu cần phải được làm rõ.
Vấn đề thứ ba, đó là trả thù người khiếu nại tố cáo thì có bằng chứng. Lấy ví dụ như anh Khánh, anh đến văn phòng luật sư chúng tôi thì chúng tôi phải thẩm tra lại là anh có đơn kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thế nào, các cơ quan đó tiếp anh và trả lời anh ra sao, thực tế bị ông Hiến trù dập anh như thế nào.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng có một số cán bộ ở Đài truyền hình, đã từng ở trong Đài truyền hình và hiện cũng có những cán bộ đang ở trong Đài truyền hình, họ cũng gào lên về việc tố cáo ông Hiến thì ông Hiến xử lý ra làm sao. Cái đó đủ tài liệu để chứng minh ông [Hiến] trù dập và xử lý đối với người tố cáo.
Nguồn: BBC
.
Còn đây là đơn tố cáo của LS Trần Đình Triển , từ blog anhbasam.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment