Friday, September 10, 2010

VÀI DỮ KIỆN ĐỂ HIỂU AFGHANISTAN 2010

VÀI DỮ KIỆN ĐỂ HIỂU AFGHANISTAN 2010

TS. Đinh Xuân Quân

Friday, September 10, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/09/vai-du-kien-e-hieu-afghanistan-2010.html


Năm 2007 xong nhiệm vụ làm dự án Cải Cách Hành Chánh cho chính phủ trung ương Afghanistan, tôi đi Iraq để tiếp tục làm việc tại đây. Sau Iraq, tôi đã làm một số dự án khác tại nhiều vùng Phi châu, Âu châu và các vùng hậu chiến.
Sau 4 năm, năm 2010 tôi lại trở lại Afghanistan với một nhiệm vụ mới – làm cố vấn cho Bộ Trưởng Kinh tế. Việc này gần sở thích của tôi hơn vì tôi là một chuyên gia về phát triển kinh tế.
Với con mắt kinh tế, lần này tôi nhìn Afghanistan có phần khác hơn so với mấy năm trước. Các bạn tôi thường hỏi có gì khác không? Có gì mới không? Có người thì bàn tán – so sánh Afghanistan và VN dựa trên nhiều giả thuyết – khi đúng, khi sai, sai nhiều hơn đúng vì không có trải qua thực tế vì chỉ dựa trên các dư luận báo chí nước ngoài nói về Afghanistan (thường sai lầm cũng như trường hợp VN – ví dụ cho là Tết Mậu Thân là đại thắng của CSVN vì có vài người đặc công vào được trong sứ quán HK tại Saigon trong khi sự thật thì chính CS nói là một thất bại nặng nề cho phe CS). Các cơ quan truyền thông đã làm hư, bóp méo chiến tranh VN, nói xấu xuyên tạc VNCH, và nay không đến mức đó nhưng không khác gì lắm đối với Afghanistan.
Mỗi người nhìn với cặp mắt, sự hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân mình. Chuyên về phát triển kinh tế, cái nhìn của tôi có phần nghiêng về kinh tế. Hơn nữa, tôi đã trải qua kinh nghiệm “Việt Nam Hóa” trước 1975, kinh nghiệm tù cải tạo CS và phát triển tại VN sau 1995. Ngoài ra tôi còn học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm từ các nước Phi Châu hậu chiến hay thời bình, đến Âu châu thời hậu chiến của Kosovo và các nước hậu Liên xô và Á châu như Azerbaijan hay tại Á châu từ Nhật đến Singapore, Nam Dương, v.v…
Nếu phải so sánh thì tôi nói rằng: Việt Nam và Afghanistan rất khác nhau.

Một vài dữ kiện - Các con số

Tại Afghanistan, sau 9 năm (2001-2010) có 1,200 lính Hoa Kỳ tử trận. Nếu nhìn toàn cục lịch sử Afghanistan mấy mươi năm gần đây thì con số này rất nhỏ. Tôi vừa nghe báo cáo của Tổng Thống Mexico nói là chiến tranh chống “cần sa-á phiện-thuốc lắc” đã gây trên 20,000 người chết trong vài năm qua.
Hơn nữa nói chiến tranh Afghanistan từ 2001 đến 2010 thì không đúng hẳn sự thật, vì từ 2001 đến 2006 không có trên 20,000 quân NATO và Mỹ tại Afghanistan. Con số đó nhỏ hơn lực lượng cảnh sát tại thành phố Los Angeles, Chicago hay New York. Afghanistan là một nước lớn hơn nước Pháp, lớn 2.5 lần hơn Việt Nam. HK quyết định vào Afghanistan sau 2008 và dĩ nhiên có nhiều quân thì thiệt hại nhân mạng sẽ cao hơn vì HK đã bỏ quên Afghanistan trong nhiều năm từ 2001-2007. Vào đầu năm 2009 mới chỉ có 30,000 quân Mỹ mà thôi.
Theo tướng Petraeus thì nay (2010) con số đó là 98,000 quân. Tổng số cố vấn dân sự tăng gấp 3 và số quân chính phủ ANA sẽ tăng thêm 100,000. Như vậy lần đầu tiên NATO và Mỹ có khả năng «dân sự và quân sự» để thực thi vấn đề “bình định” Afghanistan.

Trong nỗ lực mới, quân NATO và Mỹ dưới quyền ISAF (International Security Assistance Force) trung bình có 30 cuộc “hành quân lực lượng đặc biệt” để truy lùng các thành phần chủ chốt Taliban mỗi ngày trong khi tại Iraq (với một số quân gấp 3) chỉ có 10 cuộc hành quân kiểu này mà thôi. ISAF và lực lượng đặc biệt quân đội Afghan (ANA) đã tung ra trên 4000 cuộc hành quân trong 3 tháng qua và đã trừ khữ 235 lãnh đạo Taliban và 1,066 cấp thấp, và bắt trên 1,673 tên khác. Cũng theo tướng Petraeus thì sau khi bỏ trống nhiều năm và nay tái chiếm thì địch phải chống trả và con số thiệt hại sẽ tăng. Khi bình định rồi thì các con số thiệt hại sẽ giảm.
Như vậy HK đã bỏ nhiều tỉnh trống mà song song với việc này thì chính quyền trung ương yếu và không được trợ giúp cho nên Taliban đã trở về - nhất là khi dân chúng thiếu việc làm – và khi Taliban trả tiền thì họ theo (ít nhất ở cấp thấp).
Vậy thì ta có thể nói chiến tranh có phần gay go nhiều hơn từ 2009 trở đi, nghĩa là từ 2 năm nay mới thực sự có cố gắng về phía NATO và Mỹ.

Dù sao đi nữa các bài học của VN được dùng một cách triệt để tại Afghanistan. Tại VN lực lượng Xây Dựng Nông Thôn do VNCH chủ trương và Mỹ chỉ giúp với chiến dịch Phượng Hoàng, và XDNT + PH đã giúp thanh trừng các thành phần CS nằm vùng và sau 1968 các vụ đụng độ là giữa VNCH với quân chính quy BV (ngụy trang dưới cái gọi là MTGPMN) đưa từ miền Bắc vào. Đây là cuộc xâm lược từ miền Bắc.

Tại Afghanistan vì chính quyền địa phương kém cỏi (tại các huyện nhiều khi chỉ có 2 công chức cho 100,000 dân) cho nên họ dùng các ê kíp PRTs (Provincial Reconstruction Teams – Ê kíp xây dựng tỉnh) để giúp chính quyền địa phương. Hiện nay các toán PRT do người nước ngoài và chỉ ở 6 tháng tại địa phương cho nên bài học VN chưa được áp dụng một cách chu đáo. Chính quyền địa phương cần tham gia vào các PRT và việc người Afghan lo việc của họ sẽ hiệu quả hơn.
Bài học VN mới được áp dụng nửa chừng thôi.

Từ 2007 và trước đó NATO và Mỹ chỉ dự trù xây dựng một quân đội chính phủ trung ương (ANA – Afghan National Army) với quân số là 40,000. Nay các con số đó được đưa lên 170,000 quân + 130,000 cảnh sát. Vì vậy đã có nhiều chuyên gia chỉ trích chính sách của NATO và Mỹ tại Afghanistan (kể cả tác giả này - Ta cần nhớ lại những tranh cãi giữa VNCH và Mỹ trước 1968 khi mà quân đội VNCH phải dùng Garrant M2 trong khi các lực lượng CS đã dùng AK 47; những tranh cãi giữa việc xây dựng quân đội VNCH là chủ chốt hơn là dùng quân Mỹ tốn kém...]. Vì không phải là một chiến tranh quy ước, chỉ có quân đội Afghanistan mới biết «ai bạn ai thù». Đa số quân Mỹ được huấn luyện theo chiến tranh quy ước và có không quân yểm trợ cho nên có thể gây nhiều thiệt hại cho thường dân.
Hiện nay NATO và Mỹ đang giúp xây dựng quân đội ANA, lực lượng đặc biệt, không quân (trực thăng và máy bay chuyên chở) và xây dựng cảnh sát. Họ chưa dùng cảnh sát đặc biệt như VN mà là cảnh sát vũ trang - một quan niệm còn thua cảnh sát dã chiến. Hiện nay có trường sĩ quan quân đội và trường sĩ quan cảnh sát theo kiểu quy ước.

Phải nói trong thời gian này có nhiều thành công của chính phủ trung ương trong các lãnh vực Giáo dục, Y tế, Xã hội, hạ tầng cơ sở, vv. Trên 5 triệu trẻ em được đi học mặc dù nhiều trường dành cho các em gái còn bị phá (trên 650 trường bị phá trong năm ngoái). Về giáo dục trên 37% trẻ em đi học (6-9 tuổi) và các con số trai gai gần như bằng nhau. Đại Học mở thêm các trường công và tư. Hiện nay đa số sinh viên đều học thêm tiếng Anh và học thêm computer.
Ngoài ra đã có nhiều thành tựu về y tế như việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Về y tế thì số người được giúp về hộ sanh cao hơn trước nhiều, nhưng nhìn chung dân chúng thành thị vẫn được trợ giúp nhiều hơn là ở nông thôn.
Các tiến bộ kinh tế rõ ràng – tăng trưởng trên 12%/năm và nhờ sự hiện diện của quân NATO và Mỹ. Nhiều nhà cửa mới xây tại Kabul hay các thành phố lớn như Mazar, Herat hay các thành phố khác tăng trưởng rất lớn. Lương công nhân là $10 ngày – hơn cả công nhân VN XHCN bị «bóc lột». Lương công chức hay quân nhân được gởi thẳng đến các trương mục ngân hàng tránh vụ “ăn xén”. Nay công chức hay quân đội được quản trị qua hệ thống điện toán. Các hạ tầng cơ sở như đường sá, phi trường, điện, nước phát triển khá lên một cách rõ ràng. Trung bình tăng trưởng về điện là 30%/năm trong khi hiện nay đã có trên 6 triệu máy HP. Hệ thống ngân hàng mọc như nấm: từ hai ngân hàng vào năm 2004 nay đã có 15 ngân hàng với chi nhánh ở khắp các tỉnh.
Chuyên chở hàng không cũng thay đổi, đi từ một công ty máy bay của chính phủ nay đã có 5 công ty tư nhân.
Hiện giờ Afghanistan đang hưởng một tài nguyên về hạ tầng cơ sở lớn lao (fiber optic cable, hệ thống đường, hệ thống phi trường và hạ tầng cho phi trường, các luật lệ, cách quản lý nhân lực hiện đại, vv). Nếu khéo thì Afghanistan sẽ ra khỏi tình trạng năm “1389 – trung cổ.”

Chuyên chở bằng xe hơi cũng tăng mau chóng – nhất là các xe đò cùng các phương tiện chuyên chở khác, hay các phương tiện xây cất đường xá và nhà cửa thay đổi mau chóng theo chiều hướng tốt. Mặc dù vậy tỷ lệ nghèo còn đáng kể.
Với tỷ lệ nghèo ở mức 36% Afghanistan dầu sao còn hơn nhiều xứ ở Á châu hay Phi châu.

Khác biệt với VN

Các khác biệt chính là Afghanistan còn ở năm 1389 chứ không phải là 2010. Chính phủ trung ương yếu ớt, tổ chức còn yếu kém. Dân Afghanistan không có tinh thần yêu nước như yêu một quốc gia kiểu Việt Nam – họ nghiêng về tinh thần bộ lạc, tin nghe các bô lão, và theo gia đình.

Tại Afghanistan có bốn, năm bộ tộc chính – Pasthun 45% (nắm đa số); Hazara (gốc Mông Cổ 10%), dân Tajik (gốc Hy Lạp 20%), Turkministan (gốc Thổ Nhĩ Kỳ) 15%, vv. Về giống dân, Afghanistan không đồng nhất như VN (90% là dân gốc người kinh). Sức mạnh của tập hợp chưa có.
Afghanistan có 34 tỉnh và các quyết định chính là do Kabul - thủ đô. Tại Kabul, vì 30 năm chiến tranh – tranh chấp giữa các bộ tộc cho nên chính quyền trung ương thiếu kỷ cương - tổ chức nhiều khi như Mafia cho nên nhiều tham nhũng - độc quyền - lạm dụng chức quyền. Quốc hội gồm nhiều lãnh chúa - lãnh tướng làm dân biểu cho nên người dân không được bao bọc, không được luật pháp bảo vệ đúng mức.

Khi TT Karzai được bầu vào năm 2004 thì hy vọng rất cao là có thể thay đổi tình thế. Lúc đó Mỹ chú trọng Iraq, có thể nói bỏ bê Afghanistan. Tại đây gần như 100% ngân sách là do ngoại viện và chính phủ trung ương không có phương tiện chi tiêu, trả lương cho công chức hay cho quân đội. Trong những năm qua đã có nhiều cố gắng xây dựng chính quyền, mặc dù hiệu quả còn kém.

Tại VN thì tổ chức hành chính quốc gia đã có sẵn, tinh thần tự chủ cao, VNCH khác xa Afghanistan. Mặc dù Afghanistan có nhà vua trước đây nhưng về mặt tổ chức và quản lý đất nước chính phủ trung ương dùng các bộ lạc, các lãnh chúa để coi ngó những vùng xa xôi, núi non hiểm trở, nên những vùng này tạm có an ninh.

Nay nhờ các phương tiện truyền thông và vận chuyển nhanh, nên thông tin mau chóng và hiệu quả trên khắp nước. Dù vậy chính quyền Afghanistan vẫn còn kém, nhiều nơi tổ chức theo kiểu Mafia tạo nên nhiều vụ xi-căng-đan. Ví dụ mới đây Ngân Hàng Kabul vỡ nợ vì các quản trị viên tự cho mình vay, dùng tiền để kinh doanh địa ốc tại Dubai và bị lỗ lã, làm dân chúng mất niềm tin. Các quản trị viên này đều có dây mơ rễ má với Tổng thống và các cố vấn của TT.

Về giới tính thì người phụ nữ VN có nhiều quyền bình đẳng với nam giới, nhiều khi đóng vai người chủ chốt của một gia đình (nhất là khi người chồng vắng nhà vì phải phục vụ trong quân đội). Ngược lại phụ nữ Afghanistan còn bị nhiều phong tục cổ lỗ của Hồi giáo kềm kẹp, chưa có thể phát triển khả năng của họ.
Nhiều khi trước câu hỏi tại sao Afghanistan chưa tiến bộ, tôi trả lời vì nước này mất 50% sức mạnh của lao động phụ nữ.

Về quân sự, các đụng độ lớn nhất chỉ hạn chế trong khoảng 50-100 người lâm trận - ở cấp đại đội mà thôi. Súng lớn nhất là B 40 hay bích kích pháo 80mm cho nên các đụng độ là ở cấp thấp – không thể nào chiếm các trung tâm có nhiều dân số, trừ vài vùng núi hiểm trở và các vùng có dân Pasthun mà thôi.
Nếu nhìn trên bản đồ thì các đụng độ thường xảy ra ở “vùng phía Nam” (nhất là 2 tỉnh Helmand và Kandahar) và vùng phía đông sát biên giới Pakistan nơi quân Taliban xâm nhập từ Pakistan (tỉnh Khost, Paktyka, Zabul, Nangahar). Ngoài ra tại nơi nào có người Pasthun thì có thể có đụng độ như tại Kunduz hay tại Ghaniz.

Các tổn thất cho quân đồng minh là do các bom gài theo đường (IED – Improvised Explosive Devices) - hay các vụ nổ bom tự sát (suicide bomber). Các việc này có thể gây khó khăn tức thời nhưng không thể làm đổi chính phủ trung ương được trừ khi Mỹ và NATO rút khỏi trong khi quân đội ANA chưa kịp lãnh trách nhiệm. Việc Taliban nắm chính quyền hiện nay không thể xẩy ra được.
Vì vậy chính phủ muốn điều đình kéo các thành phần Taliban không quá khích trở về “chiêu hồi” với chính phủ trung ương.

Các con số của NATO và Mỹ đưa ra, các tổn thất sau 9 năm là còn rất ít – dưới 1200 người. Nếu ta nhìn các dữ kiện và các con số và đặt nó trong bối cảnh chung thì ta thấy cuộc chiến tại Afghanistan chưa có bao nhiêu tổn thất về nhân mạng. Nên chú ý là tại Afghanistan có trên 40 nước tham dự từ Singapore một nước nhỏ bé đến Croatia, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Mông Cổ, Lithuania, các nước không trong NATO, Băng Đảo (Iceland), vv

Tại Afghanistan cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI) giúp Taliban từ khi còn cuộc chiến với Liên Xô cho đến nay. Pakistan dùng Taliban để gây rối loạn - họ nghĩ là Afghanistan có thể thân Ấn Độ và Pakistan sẽ bị ép giữa hai bên. Đây có thể là chính sách trong khi Cao Miên miễn cưỡng cho VC đồn trú. Việc Pakistan dính vào Afghanistan là một bài toán khó cho NATO và Mỹ nhưng dù sao nay chính Pakistan bị Taliban uy hiếp và chính « gậy ông đập lưng ông ». Pakistan là một nước có bom và khí giới nguyên tử cho nên NATO và Mỹ thận trọng vì nếu các khí giới này rơi vào tay các tên khủng bố - quá khích Hồi giáo thì đó là đại họa cho cả thế giới.

Vậy làm sao giải quyết ?

Các điều kiện tối thiểu là :
Gây dựng guồng máy an ninh - quân đội và cảnh sát
§ để họ có thể tự lo liệu về an ninh. QĐ là lò đúc tinh thần ái quốc – và có thể gởi nhiều đơn vị không Pasthun (Tajik, Hazara và Turkoman) vào vùng Pasthun (nếu Taliban biết là gia đình có con nhập ngũ thì họ sẽ giết gia đình này).
§ Gây dựng guồng máy hành chính từ trên xuống dưới. Các vấn đề phát triển thì các chính quyền địa phương phải có tiếng nói và từ trên xuống dưới chỉ cho các đường hướng chính mà thôi.

Gây dựng guồng máy tư pháp mang công bình cho nông§ dân. Nếu guồng máy này tê liệt thì nông dân bị áp bức sẽ theo Taliban. Hiện thời, 75% thẩm phán không có trình độ lớp 12.
Tiếp tục mang giáo dục và
§
y tế cho nông dân – 80% dân ở nông thôn. Việc này là tối quan trọng để dân thấy là chính phủ cho đa số dân chứ không phải thiểu số tại Kabul.

Tạm kết


Là người VN làm việc tại Afghanistan tác giả khá hiểu tình trạng Afghanistan. Chưa có trận nào mà quân NATO, Mỹ hay chính phủ thua. Nhưng sẽ giống VN, Afghanistan nếu có thua là tại Mỹ - tại Washington DC - khi QH Mỹ quá chán nản vì tham nhũng, vì thiếu kiên nhẫn, hay vì dân chúng Mỹ không ủng hộ vì các truyền thông đưa tin không đúng mà thôi. Afghanistan phải có “Lobby tại QH Mỹ.”
Muốn như vậy, chính quyền Obama không thể “mang con bỏ chợ” - hứa là 2011 sẽ rút khỏi Afhganistan. Cần phải có thời gian mới thành công xây dựng guồng máy nhà nước và guồng máy an ninh cho Afghanistan. Taliban hay Hồi giáo quá khích là việc chính trị hóa đạo Hồi cho các mục tiêu chiến lược – chính trị. Taliban đã trở thành mối lo của Pakistan nữa chứ không phải chỉ của Afghanistan mà thôi.

.

.

.

No comments: