Tuesday, September 14, 2010

TỰ DO và DÂN CHỦ (Ở HOA KỲ)

Tự do và dân chủ

Lê Phan
Saturday, September 11, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118911&z=97

.

Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ khẳng định “Quốc Hội sẽ không đưa ra luật... giới hạn quyền tự do ngôn luận, hay tự do của báo chí, hay quyền tụ hội hòa bình của người dân...” Tu chính án thứ nhất là nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ, nó đã ăn sâu vào tâm lý người Mỹ, và những quyền được ghi trong tu chính án này đã trở thành một phần của bản chất dân tộc.

Ðặc biệt trong các nền dân chủ Tây phương, Hoa Kỳ đã đặt ưu tiên vào quyền tự do của cá nhân. Như Giáo Sư Tim Zick, một chuyên gia về Tu chính án thứ nhất của trường luật của Viện Ðại Học William and Mary, một trong những trường luật cổ nhất Hoa Kỳ, xác định “Nguyên tắc căn bản là chính quyền không được giới hạn tự do ngôn luận chỉ vì nội dung của nó, ngay cả trong trường hợp cử tọa cảm thấy tức giận.” Theo Giáo Sư Zick, là một quốc gia, trong việc bảo vệ một bên là quyền của người phát biểu và một bên là quyền của khán giả, Hoa Kỳ chọn quyền của người phát biểu.

.

Ở một số các quốc gia Âu Châu, nội dung có thể là lý do giới hạn quyền tự do ngôn luận. Âu Châu có 16 quốc gia mà chối bỏ cuộc thảm sát Do Thái của Ðức Quốc Xã là phạm luật. Ðức cấm việc sản xuất và phổ biến các tài liệu ủng hộ Ðức Quốc Xã. Nhưng ở Hoa Kỳ, tòa án đã nhiều lần bảo vệ quyền của những đám tân Nazi bày tỏ lập trường của mình. Trong một trường hợp nổi tiếng, Tối Cao Pháp Viện đã dùng đến Tu chính án thứ nhất để duy trì quyền của một nhóm tân Nazi diễn hành qua một khu đa số dân là người Do Thái ở một tỉnh ở Illinois, mang theo cờ Quốc Xã.

.

Và chính những vụ như vậy cho chúng ta thấy các tòa án ở Hoa Kỳ, nhất là Tối Cao Pháp Viện, cơ quan tối thượng trong việc diễn dịch Hiến Pháp, đã bao gồm trong quyền tự do ngôn luận nhiều hành động không phải chỉ là lời nói nhưng mục đích là để phổ biến một thông điệp. Và do đó quyền tự do ngôn luận bao gồm cả việc đốt Thánh Giá hay Thánh Kinh và những hành động này cũng được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất.

.

Và đó chính là lý do tại sao ở Hoa Kỳ, những người biểu tình có quyền hợp pháp và hợp hiến để đốt lá quốc kỳ, hay như những người thuộc tổ chức Ku Klux Klan vẫn thường xuyên đốt Thánh Giá, mặc dầu đây là những hành động vốn đã gây phẫn nộ. Giáo Sư Zick nhấn mạnh là ngay cả với những biểu tượng linh thiêng nhất, lá quốc kỳ, việc đốt cờ vẫn hợp pháp.

.

Dĩ nhiên là có giới hạn. Khi lời nói vượt lằn ranh trở thành đe dọa và có thể khuyến khích bạo động hay phạm pháp thì Tu chính án thứ nhất không bảo vệ được người phát biểu nữa. Nhưng muốn áp dụng được điều đó đe dọa phải tức thời. Một thí dụ được đưa ra là một người thuộc nhóm KKK có thể hợp pháp đốt Thánh Giá trong sân nhà của mình, nhưng nếu người đó mang Thánh Giá đến trước cửa nhà của một người Mỹ da Ðen để đốt thì hành động đó có thể bị tòa coi là thúc đẩy bạo động đối với một cá nhân, và do đó người này có thể bị bắt và đưa ra tòa.

.

Và chính vì vậy mà việc đốt Kinh Qu'ran hoàn toàn được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất. Trong trường hợp của Mục Sư Jones, ông dự định đốt Kinh Qu'ran trong vườn của ông, do đó việc làm của ông hoàn toàn hợp pháp. Nếu ông đem Kinh Qu'ran đến đốt trước một đền thờ Hồi Giáo thì nhà chức trách có thể bắt ông về tội vi phạm trật tự công cộng. Nhưng, ngay cả trong trường hợp này, Giáo Sư Zick khuyến cáo, ra tòa ông Jones có thể thắng vì bảo vệ tự do ngôn luận là một điều vô cùng quan trọng và tòa án thường đặt điều đó ưu tiên cao hơn.

.

Sở dĩ chúng tôi dài dòng như vậy là để nói lên sự quan trọng của việc bảo vệ tự do ngôn luận trong nền dân chủ Hoa Kỳ. Các vị cha già của dân tộc Mỹ đã quyết định đó là quyền căn bản nhất mà nếu không có thì nền dân chủ sẽ bị lâm nguy. Lịch sử thế giới xưa và nay cho chúng ta thấy các vị có lý. Khi không có tự do ngôn luận chúng ta khó có được các quyền tự do khác, và do đó khó có được dân chủ.

.

Nhưng làm sao giải thích được quan niệm như vậy cho những người đang sống ở những nơi trên thế giới mà quyền tự do ngôn luận thường là một xa xỉ phẩm không mấy người được hưởng.

Những người Afghanistan đang biểu tình phản đối, đốt cờ Mỹ, và đe dọa các quyền lợi của Hoa Kỳ, làm sao hiểu được một quan niệm như Tu chính án thứ nhất. Xưa nay họ được bảo Kinh Qu'ran là lời của Thượng Ðế và nó phải được kính cẩn trân trọng. Nay có người đòi đốt các cuốn Kinh Qu'ran thì chẳng khác gì người đó đã chà đạp lên tôn giáo và đức tin của họ. Xưa nay họ chưa bao giờ được biết đến việc tôn trọng tự do. Thường ngày họ chứng kiến các viên chức, các lãnh tụ Taliban, và ngay cả đến chính họ sẵn sàng chà đạp lên quyền tự do của kẻ khác. Trong nhà, người đàn ông không coi trọng quyền của vợ, con. Trong xã hội, người ta thường xuyên coi thường quyền của phụ nữ. Chính quyền ở Kabul, trước áp lực của quốc tế, còn có thể một phần nào tôn trọng quyền tự do của dân chúng, nhưng Taliban, khi nào họ nắm được quyền, đã tước bỏ mọi quyền tự do của người dân. Ngay cả đến quyền tự do ca hát, tự do nghe âm nhạc, tự do đi học, cũng còn không được chứ đừng nói đến tự do ngôn luận.

.

Indonesia, tự do được dịch là merdeka. Nhưng người dân Indonesia sử dụng merdeka để diễn tả cả tự do lẫn độc lập. Không ai phủ nhận Indonesia hiện nay là một quốc gia dân chủ, dầu là dân chủ tương đối, nhưng chính từ bản chất ý thức của chữ merdeka, người dân Indonesia dễ bỏ quên tự do mà nhiều khi chỉ nhớ đến độc lập. Một dân tộc như vậy, dầu bao dung đến đâu chăng nữa, cũng không thể hiểu nổi lý lẽ tại sao chính phủ Hoa Kỳ không thể cấm Mục Sư Jones đốt Kinh Qu'ran.

.

Hay có lẽ chúng ta không cần giải thích. Qua chính sự việc là các vị lãnh tụ tại Hoa Kỳ, kể cả Tổng Thống Barack Obama, và ngay cả đến những lãnh tụ đối lập, cũng không biết làm gì hơn ngoài việc “năn nỉ” Mục Sư Jones đừng làm hành động đó của ông nữa, sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy ở nền dân chủ Hoa Kỳ, luật pháp được tôn trọng và quyền của người dân được bảo vệ.

.

Nay vụ Mục Sư Jones đã qua đi, nhưng hy vọng chính qua vụ ồn ào này, nếu thế giới hiểu thêm được một chút về nền dân chủ Hoa Kỳ thì quả là trong cái xấu có cái tốt vậy thay.

.

.

.

No comments: