Tuesday, September 14, 2010

NGA : TỪ "QUÝ TỘC ĐỎ" ĐẾN THƯỢNG LƯU MỚI

Nga: Từquý tộc đỏđến thượng lưu mới

Lê Đỗ Huy (thuật) - Bee.net.vn

Xem tin gốc

14-9-2010

http://www.baomoi.com/Info/Nga-Tu-quy-toc-do-den-thuong-luu-moi/119/4851844.epi

- Lenin từng chỉ ra rằng đặc thù của phong kiến là ban phát đặc quyền. Các nghiên cứu về Liên Xô chỉ ra rằng vấn đề nhân sự là di sản của tập tục “cha truyền con nối”, tuyển chọn qua “quan hệ”, là trên bổ nhiệm dưới theo danh sách gút sẵn, là cơ chế “xin - cho”… Đồng thời, việc hình thành giới cầm quyền trong nước Nga mới vẫn nhờ vào ban phát các quyền lợi kinh tế trên cơ sở kế thừa các quyền lợi chính trị từ thời kỳ xô viết. Gorbachov gần đây nhận định “từng bước, từng bước, chúng ta tiến về quá khứ” …

.

Trung thần bất sự nhị quân?

Nomenklatura (gần như chữ biên chế trong tiếng Việt) được định nghĩa là một cộng đồng nhỏ trong dân cư Liên Xô và khối Varsaw, giữ các chức vụ chủ chốt ở các cấp của bộ máy hành chính của mọi lĩnh vực của nước đó. Họ có tên trong danh sách của Ban Bí thư TW ĐCSLX. Số lượng quan chức có tên trong nomenklatura của nước Nga xô viết ban đầu là 300 ngàn, đời Stalin lên đến 1,837 triệu (1).

Bậc cao nhất trong nomenklatura vào thời điềm năm 1980 chỉ khoảng 22,5 ngàn người, (còn lại là thành phần mà Việt Nam gọi nôm na là “trung gian nịnh thần”, một cách gọi như thế trùng với khái quát của nhiều học giả Nga về các đặc tính của nomenklatura).

Từ điển bách khoa tiếng Nga trên mạng viết: “Việc lựa chọn nhân sự cho nomeklatura hoàn toàn do quan hệ (quen biết, họ hàng, bạn bè thời trẻ …) điều quan trọng là ứng viên (candidate) phải được xem là trung thành với người lãnh đạo A hoặc B. Thẩm quyền (năng lực chuyên môn) của ứng viên không có ý nghĩa quyết định. Nếu cán bộ lãnh đạo nào không đảm đương nổi chức trách, anh ta được thuyên chuyển sang vị trí (công tác) khác. Vậy nếu được đưa vào danh sách nomeklatura, cuộc sống anh được xem là sẽ được đảm bảo suốt đời. Nhưng vào được giai tầng này là vô cùng khó (2) …”

Thăng tiến trong nomenklatura đột ngột thuận hơn cho “nịnh thần” vào cuối thập kỷ 50. Đó là khi những người cộng sản “chính thống” như Molotov, Malenkov, Karganovich …bị thanh trừng, để rồi Khrushev phù phép, biến quá trình bầu cử người lãnh đạo Đảng thành hoàn toàn hình thức, triệt thoái sự tham gia về thực chất của các đảng viên cấp cơ sở.

Bí thư tỉnh ủy, khu ủy có thể xây dựng ê kíp từ những ai cần cho chính họ (3). Học giả Sharapov, người được giải thưởng của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, cho rằng đã tái phát mãnh liệt các căn bệnh thâm căn cố đế: tham quyền chức, nịnh hót, đạo đức giả, tôi đòi … Ông cho rằng từ đây bộ phận xấu nhất trong Đảng bá chiếm vị trí lãnh đạo. Những câu sau đây bị đưa ra khỏi cương lĩnh của Đảng:

“Ở bất kỳ cương vị nào người cộng sản cũng phải lựa chọn cán bộ theo tiêu chí là phẩm chất chính trị và chuyên môn. Không được chọn cán bộ theo quan hệ họ hàng, đỡ đầu, đồng hương, sự trung thành với cá nhân”…

Một lãnh đạo của quy chế nomeklatura sẽ ngự trị sao cho yên vị ở xung quanh mình các thủ hạ tại những vị trí quyền lực, hoặc có ảnh hưởng. Một trong những câu từ sách Nomenklatura … của Volensky hay được trích dẫn là “Khuôn mẫu lý tưởng của Tổng bí thư một Đảng của khối Đông Âu là vị này phải làm chúa tể của các chư hầu do chính mình chọn ra” (The ideal for the general secretary “is to be overlord of vassals selected by oneself”).

Hôm nay, khi chạm tới các “tham quan ô lại”, những “con ông cháu cha”, hoặc những kẻ được hưởng đặc quyền, độc quyền của cơ chế “xin – cho” đời mới, người Nga, và cả người Đông Âu thường nói một cách khinh bạc, “đồ nomenklatura”. Vì ở nước Nga mới đã kịp hình thành giới thượng lưu (elite) mà về thực chất vẫn bị xem là “đồ nomenklatura”.

Nhưng tình hình biến đổi quyết liệt đến mức hệ thống này đã bị “dằn mặt”. “Học thuyết Nga” (Russkaia doctrina), một thuyết cổ súy cho quân chủ một cách ôn hòa, đang thịnh hành ở Nga cũng viết: “ Những quái thai của thứ nomenklatura mới này hiện đang là vật cản chính trên đường khắc phục hậu quả của thời Hỗn loạn” (4)

.

Được làm vương làm tướng, thua …

Nhưng không phải lúc nào nguyên tắc “trung thần bất sự …” cũng được tuân thủ. Người được Kaganovich bảo hộ là Khrushev đã vào hùa với các vị khác lật đổ ông sếp này (Kaganovich) vào năm 1957. Để rồi chính Khrushev bị protégé của mình là Breznev bóc gỡ khỏi tiền lệ nhân vật số 1 sống chết trên cương vị công tác. Nhưng Sharapov V.T cho rằng cuộc đảo chính “khẽ khàng” này làm cho những kẻ hậu bối hiểu rằng tội “đáng chém” với dân đen sẽ cùng lắm chỉ là hạ phẩm hàm đối với “vua quan”(5).

Đây liệu có phải là tác động “bật tường” dẫn đến “thế tử” của người “cộng sản củ cải đường” đột nhiên bị loại trừ theo mức án nặng nhất của chiến dịch khét tiếng bài Lâm phế Khổng?

Sau sự kiện Praha 1968, “đội cận vệ già” - gồm những ai bày tỏ sự trung thành hết mực với các nguyên tắc của chủ nghĩa, được coi trọng trong nomenklatura. Đây là một đặc điểm của kỷ nguyên Breznev, được biết đến như thời “trì trệ” trong lịch sử Liên xô. Nhưng cũng như vua chúa, rồi cũng đến lúc các cận vệ và tùy tùng phải tạ thế.

Nhìn tổng thể, Sharapov cho rằng “việc triệt thoái kiểm soát của Đảng đối với các cấp tỉnh, khu và quyền hành vô biên của Người số 1 đã kiến thiết các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa địa phương, sự xuất hiện của kinh tế bóng tối, tệ biển thủ, đút lót, tham ô tập thể (krugovaia poruka), ỏn thót, nịnh trên luồn dưới.

Chính từ các bí thư tỉnh ủy không bị kiểm soát bởi Trung ương, đã nảy nòi những Gorbchov, Yeltsin, Kravchuk, Shushkevich, Nazarbaev, Shevarnadze, Aliev … và nhiều phần tử cộng sản giả vờ khác, với tâm tưởng kiểu lãnh chúa cát cứ (udelnyi kniaj/“anh hùng nhất khoảnh”/làm vương làm tướng). Họ đã đồng lòng làm tan rã Liên Xô để tăng quyền uy cá nhân”(6).

Tới khi Gorbachov trị vì thì “trăm hoa đua nở”: cả những Gargantua lẫn Pantagruel đời mới đều vui vầy trong “cải cách kinh tế” trên đường tới “tư nhân hóa” (privatizatsya) …Nay nhìn lại, Gorby tiết lộ rằng các ủy viên BCT Liên Xô (những cựu bí thư Komsomol như ông, mà ông đã cài đặt ở những vị thế quan trọng) đã gần như xưng cô, xưng trẫm ở các nơi (7).

Kết quả là 35 bí thư tỉnh ủy, những người thực sự nắm quyền bính ở các tỉnh, đã thất cử trong cuộc bầu bán “tự do” năm 1989 – một sự kiện làm rung chuyển Liên Xô, nhưng nằm ngoài dự kiến của ban lãnh đạo khi thực thi cuộc “cải tổ sâu rộng”. Cho dù các khanh tướng này cũng đã ủng hộ Gorbachov cho đến khi họ bị thất cử, họ đã dấy lên cuộc đảo chính “năm ăn năm thua” mùa Hè 1991, bất đồ kéo đổ Liên Xô.

Đại Nga mới: hệ tư tưởng và mẫu người hùng …

Trong thời hiện tại và cận hiện đại, nhiều cử động, dáng vẻ của một số chính khách chủ chốt gợi lại những bức tranh cổ, thể hiện các Hoàng đế từng trị vì các xứ Đại, Tiểu và Bạch Nga và các chư hầu ...

Phần trên đã nói đến cơ may của vị trí bí thư thứ nhất đứng đầu các tỉnh (oblast), miền thời xô viết. Đời Yeltsin, các vị đứng đầu các đơn vị hành chính thuộc Liên bang Nga phải được dân chọn qua bầu cử.

Đến năm 2006, lịch sử như giở lại trang viết về kỷ nguyên Khrushev, khác chăng là vai trò của đảng viên thường thời xô viết trong bầu cử nay hoán cho các công dân của nước Nga đầu thiên niên kỷ mới. Hiến pháp Nga chợt thay đổi, và các quan đầu tỉnh (cũng dịch là thống đốc, từ chữ gubernator - chữ dùng lại của nước Nga Sa hoàng) từ nay do Tổng thống bổ nhiệm (8).

Cuốn sách chính luận “Đề án nước Nga” (Proekt Possia) xuất hiện trước năm bầu cử tổng thống 2008 và đề xuất tái thiết lập nền quân chủ cho nước Nga, cho rằng quyết định này của Putin (hủy bỏ thể lệ bầu cử thống đốc) là bước đi đầu tiên để thực hiện đề án quân chủ9.

Sách “Đề án nước Nga” kết nối hướng tư duy của “Tổ chức nhà nước quân chủ” của Tikhomirov xuất bản năm 1905, “Quân chủ nhân dân” của Solonevich xuất bản 1952, “Về quân chủ và cộng hòa” của Ilin xuất bản 1954 ... Phong trào “Nhà thờ chính giáo nhân dân” (Narodnyi sobor) đưa sách “Đề án nước Nga” vào cương lĩnh. Sách được ấn hành đều đặn từ năm 2005 đến 2009, cứ hai năm ra một bộ dày khoảng 400 trang tại nhà xuất bản ESKMO nổi tiếng. Chỉ thấy đề là của một tập thể tác giả (!), nhưng lời cuối sách lại “đe” những kẻ nào dám mạo nhận là tác giả (10).

“Gối” vào bộ này còn có cuốn sách: “Chiến binh sáng tạo - cuốn sách chính cho 2008 – 2012”, cũng của tập thể tác giả thần bí nói trên. Bên cạnh những xưng tụng, đã có cả những ý kiến khác, như bài báo nổi tiếng “Xin nhà buôn đừng nhân danh chiến binh”(11). Nhưng giấc mộng vàng “đế quốc Chính giáo” (provoslavnaia imperia) vẫn đang được ấp ủ mãnh liệt giữa ban ngày …

Sách Proekt Rossia viết: “Quân chủ (Nga) là chính quyền hai thể chế: giới quý tộc đứng đầu là Sa hoàng, và giới tăng lữ đứng đầu là Đại giáo chủ. Họ là đối trọng của nhau” (12). Các sách khác nêu bộ ba (triada) thành tố của chủ nghĩa dân tộc Nga cổ kim là: Niềm tin chính giáo, Chế độ chuyên quyền (samoderjava/autocracy), và Tính cách dân tộc (narodnost’). Nhưng điều không nên quên, là Nhà thờ Chính giáo còn có chức năng là trao vương miện (to crown) cho các vị “con trời”…

Trong một động thái gần đây, Thủ tướng Nga đã tới thăm lăng mộ và mặc niệm các tướng Bạch vệ. Tháp tùng Putin trong hoạt động này có Đại giáo chủ Nga Tikhon13. Vị bụt sống (vladyka) này, theo các báo, tiết lộ rằng Thủ tướng Nga đã bỏ tiền túi ra để thanh toán cho công tác chỉnh trang phần mộ của viên tướng bạch vệ, vào ngày 9 tháng Bảy 1919, đã làm Kremlin phải bật ra khẩu hiệu lịch sử: “Tất cả lao vào cuộc tranh đấu chống Denikin” (Vse v borbu s Denikinym).

Putin cũng cho hay chính Denikin đã đưa ra khái niệm Balkanization, chỉ quá trình phân rã và xung đột của một vùng lãnh thổ trên nền căng thẳng về chủng tộc, tôn giáo, kinh tế, địa lý, rằng Denikin là “một chính khách xuất sắc tầm quốc gia”…

.

Gỡ ra rồi lại buộc vào …

Động thái trên cũng không thể xem là thuần túy quân chủ. Vì Putin giáo huấn các phóng viên Nga rằng nên đọc nhật ký của tướng Denikin. Ông chỉ ra rằng Denikin đã xem Đại Nga và Tiểu Nga (Ucraina) như một thể thống nhất (14). Một cách dùng từ như thế lúc đó hẳn không thể làm một số giới ở Kiev và miền Tây Ucraina hài lòng.

Trong bài “Về quyền dân tộc tự quyết” bất hủ, Lenin dành nhiều đoạn nói về thân phận của Ucraina trong đế quốc Nga Sa hoàng. Ở đây ta không làm cái việc trích riêng ra một câu để rồi phán xét, phê bình chủ trương này, đường lối kia.

Chỉ thuần túy tham khảo một đoạn trong bài trên, được Lenin viết năm 1914: “Ví dụ như Ucraina chẳng hạn, có khả năng thiết lập một quốc gia độc lập không? Điều đó còn tùy ở rất nhiều nhân tố không tính trước được. Và không nên mất công “phỏng đoán” vô ích, chúng ta cương quyết chủ trương một điều không thể chối cãi được là: Ucraina có quyền kiến lập một quốc gia như thế. Chúng ta tôn trọng quyền ấy, chúng ta không ủng hộ đặc quyền của những người Đại Nga đối với người Ucraina; chúng ta giáo dục quần chúng theo tinh thần thừa nhận quyền ấy, theo tinh thần phủ nhận những đặc quyền quốc gia của bất kỳ dân tộc nào …”

Một trăm năm sau, năm 2004, chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Kremlin là Brezinsky dự báo Ucraina rồi sẽ lại là “chư hầu” trong quỹ đạo của Moscow, rằng thông qua bầu cử ở Kiev (nhờ cả “chiến tranh khí đốt” nữa, từ của truyền thông Nga), Ucraina sẽ cùng Nga lập nên một Liên Xô mới (15) …

Mồng 1 tháng 5 năm 2010, báo Nga Inosmi đăng tải bài viết “Ucraina đang trở thành chư hầu của Nga” (16) …

Một kỷ nguyên mới của đế chế Nga đang đến gần?

.

Chú thích:

1. Dịch vụ vấn đáp toàn Nga otvet.mail.ru/question/39881643/

2. Từ điển hàn lâm và bách khoa Nga http://dic.academic.ru/dic.nsf/ruwiki/83582

3. Thư viện khoa học Nga trên mạng Portalus, loạt bài giảng nổi tiếng về Liên Xô của Sharapov V.T.

http://www.portalus.ru/modules/ruseconomics/rus_readme.php?subaction=showfull&id=1227761926&archive=&start_from=&ucat=12&

4. www.rusdoctrina.ru/page95648.htm. Thời Hỗn loạn (Smutnoie vremja 1598 – 1613) là thời của các vua giả và các nhóm nhiếp chính cầm quyền. Có một quan niệm được thừa nhận rộng rãi là trong thời Smutnoie vremja, Giáo hội chính thống Nga, cụ thể là Giáo trưởng Moskva, đóng vai trò như nguyên thủ.

5. Xem chú thích 3.

6. Xem chú thích 3.

7.“Giá mà Liên xô vẫn tồn tại”, Politique internationale số 121, 2008. Trên thực tế, vua chúa ở Nga xưng my (chúng tôi) thay vì ia (tôi).

8. Từ năm 1995 Hiến pháp Nga quy định những người đứng đầu các tỉnh, miền phải được dân cử qua bầu cử rộng rãi. Từ năm 2006, theo sáng kiến của tổng thống Putin, Hiến pháp quy định người đứng đầu các chủ thể (tỉnh, miền, nước cộng hòa tự trị) trong Liên bang Nga do tổng thống bổ nhiệm. Các trang điện tử công bố những nomenklatura mới này, như http://proekt-wms.narod.ru/states/gubernators1.htm. luôn được truy cập. Hẳn những Lã Bất Vi mới không chỉ đang xây mộng.

9. Lần đầu tiên xuất hiện trên một trang điện tử của các cựu sĩ quan ngành mật vụ Nga ở St. Peterburg. Sách ngày càng được phổ biến và hình thành một trào lưu gồm nhiều người cùng chí hướng, đồng thời được bàn luận khá sôi nổi trên các diễn đàn trong ngoài nước Nga cho tới hiện nay. Tham khảo: http://projectrussia.orthodoxy.ru/

10. http://projectrussia.orthodoxy.ru/PR/pr1.php

11. http://news.km.ru/torgovecz_ne_dolzhen_predstavlya/comments

12.Sách “Đề án nước Nga”, Chương 7, Hai điểm tựa.

books.google.com.vn/books?isbn=5224023025...

13.Ekho Planety, số 24, 2009, tr. 17.

14. Theo hãng thông tấn Nga Rianovosti, http://www.rian.ru/society/20090524/172146777.html

15.Theo báo Tin tức Nga: http://newsru.ru/arch/world/01dec2004/bjez.html

http://newsru.ru/world/24nov2004/bzhezinskii.html

16. http://www.inosmi.ru/ukraine/20100501/159665046.html

Lê Đỗ Huy (thuật)

.

.

.

No comments: