Nguồn: Jonathan Adams, Global Post
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
20.09.2010
TAIPEI, Đài Loan – Tranh cãi nhỏ nhặt về chiếc thuyền đánh cá đã leo thang đến một trong những hận thù tồi tệ nhất về ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong năm.
Với việc vẫn không nhìn thấy được kết thúc sau cuộc tranh chấp dài hai tuần, theo tin từ Thông tấn Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã đổ thêm một loạt các biện pháp đáp trả khắc nghiệt vào cuộc reo hò vốn đã inh tai nhức óc của mình. Cắt đứt tất cả các mối quan hệ cấp cao với Nhật Bản (cấp Bộ, tỉnh hoặc cao hơn), tạm dừng đàm phán về việc gia tăng các chuyền bay Trung-Nhật, các quyền hàng không và hoãn các cuộc họp về than và thăm dò khí đốt chung.
Những động thái này đã đến sau khi một tòa án địa phương của Nhật Bản gia hạn thêm 10 ngày tạm giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc giữa cuộc tranh cãi này vào hôm chủ nhật. Trong khi đó, Tokyo đã liên tục phủ nhận chính sự tồn tại của một cuộc tranh chấp lãnh thổ tại các đảo phía đông bắc của Đài Loan, nơi bộ phận bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bắt giữ người thuyền trưởng.
Các đảo nhỏ đang có tranh chấp với Nhật, Trung Quốc và Đài Loan gọi tên là Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư bằng tiếng Trung. Nhật Bản đã kiểm soát hiệu quả sự hiện diện của họ thông qua sự hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển của mình.
Trong khi không ai mong đợi một xung đột vũ trang có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, chương hồi này có những ám chỉ rất đáng lo đến triển vọng an ninh của vùng Đông Á trong những năm tới. Nó nêu bật các bể chứa sâu thẳm của mối hồ nghi và thù oán vốn vẫn còn từ khoảng 65 năm sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới II – và sự thất bại của ngoại giao, ít nhất cho đến nay, để bắc nhịp cầu nối lại mối phân rẽ đó.
“Cả Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn thiếu sự khôn ngoan và khả năng hòa giải vào thời điểm này”, ông Shen Dingli, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Vụ thuyền đánh cá không phải là vấn đề phiền muộn duy nhất trong quan hệ Trung-Nhật hiện nay. Nhật Bản phẫn nộ vì Trung Quốc đã mua quá nhiều trái phiếu bằng tiền yen, khiến đẩy giá trị tiền tệ lên một mức cao trong 15 năm làm cho hàng xuất khẩu của Nhật Bản trở nên ít cạnh tranh ngay khi họ đang cố gắng để ra khỏi các tình trạng chán chường của kinh tế.
Để làm tràn ly nước đã đầy, Trung Quốc đổ lỗi cho Nhật Bản trong vụ một con gấu trúc (panda) chết vì nghi ngờ bị đau tim tại một sở thú của Nhật Bản trong khi những người chăm sóc đã cố gắng trích xuất tinh dịch cho mục đích sinh sản, cho rằng thủ tục ấy đã thực hiện trái mùa.
Xung khắc có tính tái diễn
Các ảnh hưởng của cuộc xung đột đã vượt quá hai chàng khổng lồ châu Á. Tuần qua, Đài Loan đã công kích tình trạng rối ren này, đưa các tàu bảo vệ duyên hải đến bảo vệ một nhà hoạt động đang tung hô khiếu nại của chính Đài Loan đối với vùng đảo nhỏ. (những con tàu của Đài Loan đã rời khỏi khu vực sau khi tạm lắng).
Mỹ cũng thò cánh tay vào, bằng việc một quan chức Lầu Năm Góc chính thức kêu gọi các cuộc đàm phán Trung-Nhật để giải quyết tranh chấp và một cựu quan chức hàng đầu của Mỹ nhắc nhở Trung Quốc về nghĩa vụ an ninh của Mỹ đến Nhật Bản.
“Quan điểm của tôi, những gì Trung Quốc hiểu Mỹ như một kẻ mất trí đang có một mối quan hệ lạnh nhạt với Tokyo”, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage cho biết ở Nhật Bản vào tuần trước, theo tờ Thời báo Nhật Bản. “Vì vậy, họ đang thử nghiệm xem họ có thể xoay sở được gì từ tình trạng này”.
Các quan chức Mỹ dựa vào chứng liệu ghi chép nói rằng hiệp ước quốc phòng Mỹ-Nhật áp dụng được với các đảo tranh chấp và các vùng biển xung quanh, vì chúng chịu ảnh hưởng của chính quyền của Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là trên lý thuyết Hoa Kỳ có thể được yêu cầu để giúp Nhật Bản trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Trung Quốc về các đảo nhỏ, mặc dù một số nhà quan sát đã phản đối, gạt bỏ ý tưởng đó.
Một di sản rắc rối
Quan hệ Trung-Nhật đã được cải thiện từ vị thủ tướng Nhật thân thiện với Trung Quốc hơn từ năm 2006, khi Junichiro Koizumi xuống chức. Hai bên thậm chí còn ký một thỏa thuận năm 2008 về việc thăm dò chung một khu vực khí đốt đang tranh chấp ở biển Đông Trung Quốc, vốn là một trong những tranh chấp gai góc nhất.
Nhưng lịch sử vẫn còn ngờ vực, hơn 100 năm sau khi Nhật Bản vồ được Đài Loan từ thời nhà Thanh, và sau đó, vào đầu thập niên 1930, đã xâm lược và chiếm đóng nhiều phần (lãnh thổ) của Trung Quốc. Những cuộc biểu tình chống Nhật nhỏ của Trung Quốc ở Bắc Kinh và các thành phố khác vào hôm Thứ bảy đã đánh dấu kỷ niệm của một sự cố dẫn đến cuộc chiếm đóng của Nhật Bản.
Cảm tính bài Nhật dễ bị khuấy động ở Trung Quốc, nơi các cư dân mạng xem quốc gia láng giềng của mình một cách bề trên là “em nhỏ Nhật Bản”. Về phần mình, Nhật Bản, trong khi quá háo hức muốn làm ăn kinh doanh với Trung Quốc lại không có được một hình ảnh tốt lắm về người khổng lồ phía tây này. Lo lắng từ sự an toàn của các hàng hóa thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc đến sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
“Mặc dù quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc là tốt hơn nhiều so với thời Koizumi, ấn tượng của Nhật Bản về Trung Quốc không phải là tốt lắm”, ông Tadahiro Ishihara, tại Học viện Quan hệ Quốc tế, Viện Đại học Quốc gia Chengchi cho biết. “Có nhiều sự không hài lòng về nhiều điều”.
Chỉ có 26 phần trăm người Nhật Bản có một cái nhìn thuận lợi cho phía Trung Quốc, theo cuộc thăm dò mới nhất của Pew Research Center, giảm từ 55 phần trăm trong năm 2002.
Nhật Bản: ngờ vực, thiếu kinh nghiệm
Ishihara cho biết đội bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã có khắc nghiệt hơn so với thái độ bình thường trong trường hợp này, thường là họ thả người ra một cách nhanh chóng sau khi bắt giữ. Ông nói rằng sự thiếu kinh nghiệm và các đấu đá trong nội bộ của chính phủ Nhật bản hiện hành một phần có thể giải thích được việc vì sao mà một cãi vả vặt vĩnh thế này đã trở thành cuộc tranh cãi ngoại giao lớn.
Chính phủ vừa thôi nôi của Nhật Bản đã tìm cách hạn chế quyền lực của các chuyên gia chính khách, bao gồm cả những người ở Bộ ngoại giao, nhưng các kết quả đạt được là pha tạp. “Chính phủ này không hiểu được các ý nghĩa của quan hệ nước ngoài, họ đang thiếu kinh nghiệm”, ông Ishihara nói. “Hiện nay có nhiều cân nhắc suy tính có tính chính trị hơn”.
Tuy nhiên, Ishihara nói, một số người tại Nhật Bản tin rằng chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích ngư dân đến Senkaku để “kiểm tra thái độ và phản ứng của Nhật Bản”. “Có thể lăm” ông nói. “Bạn không thể loại trừ điều ấy”.
Koji Murata, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Doshisha, Kyoto tán thành khái niệm ấy, nói rằng Trung Quốc có thể đã lợi dụng bất ổn chính trị ở Nhật Bản để kiểm tra Tokyo. Thủ tướng Nhật Naoto Kan vào tuần trước đã sống sót qua khỏi được một thử thách khả năng lãnh đạo trong một cuộc sát hạch chặt chẽ chỉ ba tháng trước nhiệm kỳ của ông.
“Có lẽ Bắc Kinh đã cố gắng kích động Nhật Bản giữa cuộc khủng hoảng chính trị trong nước của Nhật Bản,” ông đã viết trong một email. “Tuy nhiên, cho đến nay, dù Bắc Kinh rất cảm tính, Tokyo đã đáp ứng rất hợp lý. Tôi tin rằng, tương phản ấy rõ ràng là đủ cho cộng đồng quốc tế”.
“Khiêu khích này có thể khiến nội các mới của ông Kan tìm kiếm các quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Washington đồng thời xem xét lại thế trận quốc phòng và ngân sách của Nhật Bản” ông viết.
Vào hôm thứ Hai, hãng tin United Evening News của Đài Loan, trích dẫn từ các phương tiện truyền thông Nhật Bản, thông báo rằng Nhật Bản đang hâm nóng việc mở rộng lực lượng trên bộ của mình lần đầu tiên kể từ năm 1972, với trọng tâm hướng về các “hòn đảo phía tây của mình” (bao gồm Okinawa và đảo Senkaku đang tranh chấp).
Trung Quốc: đòi hỏi mới, xấc láo
Shen của trường Đại học Phục Đán (Fudan) cho biết Trung Quốc và Nhật Bản đã có nhiều giao tiếp tích cực trong những năm gần đây, nhưng một số xung đột là không thể tránh khỏi, nhất là khi các đội tàu đánh cá của Trung Quốc và các quyền lợi kinh tế đè nặng vào vùng biển gần Nhật Bản. Ông cho biết phát triển kinh tế của Nhật bản phụ thuộc vào Trung Quốc, và sự gia tăng trưởng quân sự của Trung Quốc đã làm thay đổi sự cân bằng trong cuộc tranh chấp tại vùng đảo Điếu Ngư.
“Họ [Đội Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản] đã ở bất hợp pháp nhiều năm trong khu vực và Trung Quốc đã tự chế trong nhiều năm qua để không gây nên một cuộc chiến tranh”, ông Shen nói. “Cái thay đổi chính là người dân của chúng tôi không sẵn lòng để làm như thế nữa và chính phủ của chúng tôi có nhiều khả năng hơn để thực thi các yêu cầu của chúng tôi”.
Shen cho biết Trung Quốc đã nói với ngư dân của mình không đến gần các đảo nhỏ đang tranh chấp để tránh rắc rối, nhưng một số ngư dân cứ đơn giản không lắng nghe chính phủ.
Ông cho biết Trung Quốc có nhiều phương tiện để trả đũa phía Nhật Bản và sẽ không ngại sử dụng đến các phương tiện ấy”. “Ngày nào dân chúng tôi còn bị cầm giữ, chúng tôi còn đau đớn”, ông Shen nói. “Nhưng có những nơi mà chúng tôi có thể gây tổn thương đến Nhật Bản. Ví dụ như việc Nhật Bản vẫn muốn được là thành viên của Hội đồng Bảo an. Ngủ mơ thôi… Không cách chi đâu nhé”.
“Khi một quốc gia có tên là Trung Quốc còn tồn tại trên trái đất này một quốc gia có tên là Nhật Bản sẽ không có được một cơ hội nhỏ nhất để được coi là thành viên mới của Hội đồng Bảo an”, ông nói.
Shen đã so sánh việc cắt đứt các quan hệ cấp cao với Nhật Bản như vụ cắt đứt các quan hệ quân sự với Hoa Kỳ sau khi Mỹ bán cho Đài Loan 6,5 tỷ vũ khí trong đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông cho biết vụ tranh cãi về thuyền tàu đánh cá ít nghiêm trọng hơn nhiều so với việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và kêu gọi hãy nhanh chóng có giải pháp.
“Chúng ta cả hai nên hạn chế [chính mình], đừng bao giờ dùng đến phương sách chiến tranh, mỗi bên nên giữ thể diện cho nhau và hãy có một cuộc dàn xếp bất bạo động, ít thiệt hại nhất càng sớm càng tốt”, ông Shen nói.
Nhiều tiền lệ
Philip Yang, một cựu cố vấn hội đồng an ninh quốc gia của Đài Loan cho biết chính phủ Đài Loan đã xử lý nhiều sự cố của việc tàu đánh cá Đài Loan bị người Nhật bắt giữ. (Sự thực là Nhật Bản có bắt giữ người chủ và hoa tiêu của một chiếc tàu đánh cá Đài Loan trong cùng tuần lễ mà họ giam giữ viên thuyền trưởng của Trung Quốc).
Yang cho biết, thông thường thì tranh chấp như thế được giải quyết êm thắm, với việc người chủ chiếc tàu đánh cá Đài Loan phải nộp phạt 300.000 đến 400.000 yen (khoảng 3,500 đến 4,600 USD) cho phía Nhật Bản để được thả ra.
“Nhưng trong trường hợp này thì khó khăn hơn,” ông nói. “Từ quan điểm của Nhật Bản, các tàu đánh cá cố tình đâm vào các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biểni, cho nên họ cho biết phải cần thêm thời gian điều tra”.
Yang nói, những giới hạn cho các tàu đến gần Điều Ngư đều được mọi người biết rõ, với một khu vực 12 dặm hải lý không được vào vùng xung quanh các đảo nhỏ đang tranh chấp và một vùng đệm 24 dặm hải lý, cả hai vùng giới hạn đều được kiểm soát bởi các đội bảo vệ bờ biển Nhật Bản. “Nếu bạn nhập vào vùng 24 [hải lý] họ sẽ cố gắng chặn bạn lại, nếu bạn nhập vào khu vực 12 hải lý họ sẽ cố gắng bắt giữ bạn” ông nói.
Mười hai hải lý là một mức phân gianh thường được sử dụng cho các vùng lãnh hải; hiện nay nhiều quốc gia cũng đang đòi hỏi một khu vực “đặc quyền kinh tế 200 hải lý” trong đó họ có độc quyền đánh bắt cá, khai thác dầu, khí hoặc các tài nguyên khác.
Không có lối thoát dễ dàng
Có một số dấu hiệu cho thấy cả hai chính phủ đang tìm cách xoa dịu tình hình trong mức độ giới hạn. Cả Trung Quốc và Đài Loan đã chặn hầu hết các nhà tranh đấu chèo thuyền tới các đảo và gây phức tạp tình hình. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cố gắng để chặn các thứ tình cảm chống Nhật và biểu dương phản đối trên internet trước khi đi đến tình trạng mất kiểm soát.
Bộ trưởng ngoại giao mới của Nhật Bản, Seiji Maehara, đã thực hiện những tuyên bố có tính hoà giải và kêu gọi bình tĩnh, dù ông nổi tiếng là người theo đuổi chính sách ngoại giao “diều hâu”.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng không bên nào có vẻ nghiêng về việc chấp nhận một cuộc hòa giải của bên thứ ba về vấn đề này. Cũng không sẵn sàng để đưa những tranh chấp lãnh thổ cơ bản cho Tòa án Công lý quốc tế, vốn từng phân xử các bất đồng tương tự. Ngay cả nếu như Toà Quốc Tế có giải quyết, khiếu kiện đối nghịch của Đài Loan sẽ khiến gây rắc rối rất nhiều đến một giải pháp của tòa án.
Trong khi đó, viên thuyền trưởng của Trung Quốc vẫn còn bị giam giữ – và Bộ ngoại giao Trung Quốc cho thấy không có dấu hiệu gì là sẽ xuống giọng.
“Nếu phía Nhật Bản cứ ngoan cố lập lại sai lầm và bám lấy lộ trình của họ, Trung Quốc sẽ có biện pháp đối phó mạnh mẽ mà Nhật Bản phải gánh chịu mọi hậu quả,” ngày hôm nay, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho biết.
.
.
.
No comments:
Post a Comment