Tuesday, September 14, 2010

TIN TẶC TẤN CÔNG NGUYỄN HƯNG QUỐC

Tin tặc tấn công Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Sáu, 10 tháng 9 2010

http://www.voanews.com/vietnamese/news/tin-tac-tan-cong-nhq-09-09-2010-102621459.html

Khoảng 10:15 giờ tối ngày 7 tháng Chín (giờ California), bọn tin tặc tấn công nhật báo Người Việt Online tại California. Thoạt đầu chúng chiếm mục Bình Luận của nhà báo Ngô Nhân Dụng, tước bài của ông xuống và đưa bài “Nguyễn Hưng Quốc: Hãy dám nhìn thẳng vào sự thật” lên với nội dung bôi nhọ tôi do chúng sáng tác. Sau đó, chúng tiếp tục tấn công vào trang tin chính. Phải mất mấy tiếng đồng sau, ban kỹ thuật của Người Việt mới chận được bàn tay của bọn tin tặc, giành lại quyền kiểm soát trang mạng, xoá bỏ bài báo dơ bẩn ấy, phục hồi lại bài báo gốc của Ngô Nhân Dụng và đăng một bản thông báo giải trình sự việc.

Trước đó hơn một ngày, bọn tin tặc đã thâm nhập vào email của tôi ở đại học Victoria University, cướp đoạt email riêng và cả trang facebook của tôi (thay đổi cả username lẫn password), ăn cắp nhiều thông tin có tính chất cá nhân rồi thêm thắt, bịa đặt thành một bài đầy tính chất bôi nhọ và phát tán khắp nơi. Đến địa chỉ email của tất cả những người thân của tôi, từ đồng nghiệp đến bạn bè và sinh viên. Đến các cơ sở thông tin đại chúng. Rồi tung lên facebook. Và đưa lên một số trang mạng. Cuối cùng, chúng mới tấn công vào tờ nhật báo lớn nhất ở hải ngoại là Người Việt (California) để đưa bài viết ấy lên ngay trong mục Bình Luận, cái mục nổi tiếng và có lẽ được đọc nhiều nhất của Người Việt do nhà báo Ngô Nhân Dụng (tức nhà thơ Đỗ Quý Toàn) phụ trách.

Có thể nói từ trước đến nay chưa bao giờ có một cá nhân nào ở hải ngoại, đặc biệt trong giới cầm bút, bị tin tặc tấn công một cách tinh vi, với quy mô ào ạt và dơ bẩn đến như vậy.

Sự tinh vi và ào ạt ấy cho thấy tin tặc là một tổ chức rất chuyên nghiệp. Bởi vậy, phải loại trừ ngay giả thuyết đó là một người nào đó thù ghét tôi. Đã đành viết lách trong mấy chục năm, tôi có không ít người ái mộ và cũng không ít người thù ghét. Thù ghét vì bị chỉ trích. Thù ghét vì không được khen ngợi. Thù ghét vì bất đồng ý kiến. Hay đơn giản hơn, thù ghét chỉ vì đố kỵ, một tâm lý rất phổ biến trong cũng như ngoài giới cầm bút. Cứ nhìn vào phần Ý Kiến của blog này thì thấy. Có một số tên tuổi xuất hiện khá thường xuyên chỉ làm một việc duy nhất là bày tỏ sự thù ghét. Một số người khác, trên blog hay website của riêng họ, cũng chỉ làm cái công việc ấy. Có người tự nhận là “chó” cứ chạy theo sau tôi ủng oẳng “sủa”. Tôi viết cái gì họ cũng “sủa”. Sủa vu vơ và sủa triền miên. Từ ngày này sang ngày khác. Nhưng chắc chắn một hai cá nhân kiểu như vậy không thể tấn công cùng lúc trên nhiều “mặt trận” và có khả năng kỹ thuật vượt qua các hàng rào an ninh mạng dày đặc của trường đại học và các tờ báo lớn như vậy.

Dù ngây thơ đến mấy, người ta cũng phải nghĩ ngay đến những tin tặc chuyên nghiệp được đào tạo và lãnh lương chỉ để làm mỗi một công việc là tấn công và bôi nhọ. “Thành tích” của các tin tặc ấy rất cao. Họ khoe khoang: Chỉ riêng cuối năm ngoái và đầu năm nay, trong vòng mấy tháng, họ đã
phá sập 300 trang mạng và blog cá nhân. Trong các trang mạng bị phá sập ấy có tờ Bauxite Việt Nam (địa chỉ hiện nay: http://boxitvn.wordpress.com/). Trong trận đánh phá Bauxite Việt Nam, họ ngụy tạo một bài viết của nhà văn Phạm Toàn bêu xấu nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi, người đồng sự thân thiết của ông trong Ban quản trị tờ báo, là kẻ “hai mặt”, và cũng ngụy tạo một số email của Nguyễn Huệ Chi cũng như của Phạm Toàn để chứng tỏ người chủ trương trang web Bauxite Việt Nam chỉ là một kẻ hám danh hám lợi chứ không phải vì lý tưởng tự do hay độc lập gì hết ráo. Thủ đoạn giả mạo và bôi nhọ ấy đã bị lột trần.

Sau đợt tấn công ấy của đám tin tặc, cả hai công ty truyền thông quốc tế lớn là Google và McAfee đều nêu đích danh thủ phạm: chính quyền Việt Nam.

Vẫn không chịu dừng. Trong mấy tháng vừa qua, tin tặc lại mở đợt tổng tấn công ào ạt nhắm vào rất nhiều tờ báo mạng độc lập ở hải ngoại. Sớm nhất là Tiền Vệ do Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi làm chủ biên. Kế đó là Talawas, X-cafevn, Dân Luận, Thông Luận, Đàn Chim Việt, v.v… Một số tờ báo bị cướp tên miền. Một số tờ khác ngất ngư đến tận bây giờ vẫn chưa hồi phục hẳn.

Và bây giờ đến lượt tôi.

Ở các đợt tấn công khác của tin tặc, chỉ thấy hai đặc điểm chính: tinh vi và ào ạt. Ở đợt tấn công tôi, ngoài hai đặc điểm ấy, còn một đặc điểm thứ ba: dơ bẩn.

Tại sao?

Tấn công một cá nhân khác với tấn công một tờ báo. Tấn công một tờ báo có mục tiêu đơn giản hơn nhiều: phá sập hệ thống kỹ thuật của nó và làm cho nó thành vô hiệu. Còn với cá nhân? Nếu sống trong nước thì cũng rất đơn giản: uy hiếp hoặc bắt bỏ tù. Nhưng với một người sống ở nước ngoài như tôi? Thủ đoạn hạ sách nhất là thuê du côn giết hại. Điều đó không phải là bất khả nhưng khá nguy hiểm về chính trị vì phải đương đầu với hệ thống pháp lý của nước sở tại và cả thế giới.

Lựa chọn còn lại là đánh phá vào uy tín cá nhân.

Nhưng ở đây, đám tin tặc và những ông chủ của họ đã nhầm.

Uy tín của một nhà văn khác uy tín của một người làm chính trị. Sự nghiệp của một nhà chính trị có thể bị sụp đổ hẳn vì những tai tiếng liên quan đến đời tư như trốn thuế, đĩ điếm hoặc bồ bịch nhăng nhít. Sinh hoạt chính trị ở Mỹ cho thấy vô số bằng chứng về điều đó. Với nhà văn thì khác. Những chi tiết liên quan đến đời tư của nhà văn, từ câu chuyện “thuyền quyên ứ hự” giữa đồng của Nguyễn Công Trứ đến nếp sinh hoạt “cao lâu thường ăn quịt / Thổ đĩ lại chơi lường” của Tú Xương, từ những cái ngông của Tản Đà đến những cơn điên của Bùi Giáng, từ chứng đồng tính luyến ái với tật hay quờ quạng bậy bạ bạn bè nam giới của Xuân Diệu đến thói keo kiệt của Huy Cận, tất cả đều chỉ là những giai thoại.

Mà chức năng chính của giai thoại là góp vui.

Uy tín của nhà văn nằm ở tác phẩm. Với đặc điểm như thế, không ai có thể đánh phá vào uy tín của nhà văn trừ chính hắn. Và nhà văn chỉ tự đánh phá vào uy tín của mình khi viết kém. Vậy thôi.

Bởi vậy, tôi hoàn toàn không bận tâm về những trò vu khống và bôi nhọ của đám tin tặc. Từ khi bắt đầu quyết định làm một “trí thức xuống đường”, viết nhiều về chính trị trên
blog ở VOA, tôi đã biết trước những trò lưu manh và hèn hạ ấy thế nào cũng sẽ xảy ra. Không sớm thì muộn.

Tôi chỉ áy náy về việc một số người vô can và vô tội, vì những đòn tấn công nhắm vào tôi, trở thành những nạn nhân oan ức.

Chuyện gì sẽ xảy đến cho họ và gia đình họ?

Không biết một câu hỏi như thế có bao giờ gợn lên trong đầu của đám an ninh mạng?

.

.

.

No comments: