Sunday, September 12, 2010

QUA BỜ BÊN KIA (Câu chuyện đất nước CUBA)

Qua Bờ Bên Kia
TRẦN KHẢI

Việt Báo Chủ Nhật, 9/12/2010, 12:00:00 AM

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=164041

Vẫn còn đỡ hơn Kim Jong-il nhiều. Ít nhất, Fidel Castro đã thú nhận rằng chính ông đã kéo cả dân tộc Cuba vào con đường sai lầm nửa thế kỷ nay, tuy rằng ông lộ rất ít dấu hiệu về khả thể của sự chuyển biến cần thiết cho đất nước của ông.
Dù vậy, tự nhìn nhận rằng kiểu chủ nghĩa xã hội Cuba đã thất bại, suy nghĩ này của Fidel Castro có thể sẽ mở ra thêm một số hướng đi chuyển biến, dù chậm trễ vẫn còn hơn là không.
Lãnh tụ Fidel Castro đã nói với Jeffrey Goldberg, người phóng viên của tạp chí Hoa Kỳ The Atlantic rằng “mô hình kinh tế Cuba không xài được với cả chúng tôi nữa.”
Cũng y hệt như thế, Raul Castro, em ruột của Fidel Castro, lâu nay đã từng nói như thế. Raul được ông anh Fidel bàn giao quyền lực mấy năm nay, đã từng bày tỏ thán phục kiểu đổi mới kinh tế khi ghé thăm Trung Quốc và Việt Nam.

.

Nhìn toàn cảnh, Cuba đã có dấu hiệu chuyển biến, dù là chỉ nhúc nhích chậm rãi. Hồi mùa hè vừa qua, Cuba thả hàng chục tù nhân chính trị. Không tự nhiên như thế. Đã có một tù nhân chính trị đã tuyệt thực tới chết. Đã có hàng chục phụ nữ -- những bà mẹ, vợ, chị của các tù chính trị -- đứng ra thành lập Nhóm Phụ Nữ Áo Trắng để biểu tình những ngày Chủ Nhật để đòi anh em Castro trả tự do cho chồng, cho con, cho anh của họ. Đã có áp lực từ Mỹ, từ Liên Âu. Đã có những cuộc họp mật giữa Tòa Thánh Vatican và chính phủ Cuba, để rồi cho hàng chục tù nhân chính trị được ra tù và sang Tây Ban Nha tị nạn chính trị. Và trong bóng tối đã có nhiều cuộc chiến cam go khác, từ kinh tế tới thông tin, từ các doanh gia vỉa hè cho tới các người viết blog chuyển tin ra hải ngoại...

.

Nhưng thật là khó để có một lời của Fidel Castro thú nhận rằng mô hình xã hội chủ nghĩa đã làm đất nước Cuba đói nghèo. Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Jong-il chưa hề nói như thế. Một thời, họ luôn luôn nói về “ba dòng thác cách mạng, hai mặt trận và bốn mâu thuẫn,” bất kể đồng bào của họ đói nghèo trong khi vương quyền của dòng tộc họ trở nên ngày càng kiên cố.

.

Mỹ đã nhìn thấy những dấu hiệu, và đã tiếp cận trong cách riêng. Bóng bàn tại Bắc Kinh, hòa tấu tại Hà Nội. Và sắp tới là vũ ballet tại Havana. Chính phủ Obama tháng trước đã chấp thuận cho ban vũ American Ballet Theater để ban này trình diễn ở Havana vào tháng 11-2010, và đó sẽ là lần đầu trong 50 năm. Ban vũ này là nơi nghệ sĩ vũ nổi tiếng Alicia Alonso, gốc người Cuba, khởi nghiệp. Người ta biết rằng Fidel nhiệt tình ái mộ nữ nghệ sĩ vũ Alonso, người bây giờ đã 89 tuổi rồi. Chương trình vũ được báo Soldier of Fortune đăng rồi. Người ta đoán, có thể ông em Castro sẽ dìu bà cụ nghệ sĩ Alonso vào rạp hát lớn thành phố khi khởi màn.

.

Dù vậy, tiến trình sẽ còn rất là chậm rãi. Cũng y hệt như Trung Quốc, Việt Nam... từ chỗ đổi mới kinh tế, cho tới nới lỏng kềm kẹp sẽ còn rất là lâu, chứ nói gì tới dân chủ tự do.
Tuy nhiên, dân tộc Cuba vẫn có những vận động riêng. Có khi là bí mật. Thông tấn Mạng Lưới Công Giáo CNA loan tin hôm 9-9-2010 rằng người điều hợp của tổ chức có tên là Christian Liberation Movement (CLM, Phong Trào Giải Phóng Thiên Chúa Giáo) là ông Oswaldo Paya đã tái khẳng định lời cam kết của tổ chức này là sẽ mang tới chuyển biến hòa bình về hướng dân chủ cho Cuba.
Trong bản văn phổ biến tuần này, Paya nói là sau 22 năm hoạt động, tổ chức CLM đang sang thời kỳ mới, rằng dân tộc Cuba hy vọng về tương lai cho dù hiện đang sống đói nghèo dưới một chính phủ điều hành bởi các quan chức giàu sụ dưới quyền anh em nhà Castro.

.

Ông nói về chiến dịch có tên là Dự Án Valera, mời gọi hòa giải, đối thoạị chân thực và chuyển biến hòa bình để đòi các quyền căn bản cho dân Cuba, và rồi tới bầu cử tự do thực sự để mọi người dân đều có quyền quyết định số phận đất nước của họ, và bầu chọn người đại biểu để thực hiện ý chí người dân.
Trong khi đó, một người Mỹ (hiểu là gốc Cuba) có một kiểu làm việc thơ mộng riêng: Cynthia Aguilar, 26 tuổi, nhân viên cứu hộ bờ biển Miami Beach, cũng là một lực sĩ chèo xuồng, cho biết chị sẽ chèo xuồng một mình từ bờ biển Cuba (đất nước cộng sản) sang bờ biển Hoa Kỳ nơi có tên là Key West để gây quỹ từ thiện.

.
Tùy bạn suy nghĩ. Bạn có thể chụp mũ cô Aguilar là cộng sản nằm vùng, là tay sai Castro, là đủ thứ đáng ghét... Nhưng nhìn từ phía Mỹ, cô thuộc một thế hệ trẻ, học kiểu Mỹ và suy nghĩ kiểu Mỹ, cho dù một phần nền văn hóa vùng Miami của cộng đồng gốc Cuba vẫn nồng nhiệt chống cộng.
Cô dự định chèo xuồng vượt 130 dặm, xuyên eo biển Florida Straits từ Cuba sang Hoa Kỳ để hy vọng quyên góp 100,000 đô la cho hội Make-A-Wish Foundation of Southern Florida. Nếu cô thành công, tiền này sẽ đủ để thực hiện lời ước của 20 trẻ em bệnh mãn tính nan y.
Như thế, hóa ra là cô làm vì lòng từ bi, không có vẻ chính trị. Nhưng chúng ta nên hiểu, Bộ Ngoaị Giao Mỹ thời TT Nixon cũng từng đưa đội bóng bàn sang Bắc Kinh giao đấu, nghĩa là rất thể thao, thoạt nhìn không có vẻ chính trị.
Cô nói với báo Miami Herald rằng chuyện cô chèo xuồng xa như thế là “Tôi biết, tôi điên khùng, mà nói thiệt là khùng. Nhưng bạn phải điên khùng chứ, phảỉ tự tin chứ, và bạn phải có con tim chứ. Với một chút xíu ngờ vực thôi, tại sao không thử chứ? [Nếu không,] Bạn sẽ hỏng.”
Nếu thành công, cô sẽ là người đầu tiên chèo xuồng từ Cuba sang Key West và sẽ đạt kỷ lục chèo xuồng độ xa nhất không nghỉ tay. Tổ chức chuyên về kỷ lục thế giới Guinness World Records xác nhận rằng nếu như thế, cô Aguilar sẽ có danh hiệu “chèo xuồng nhanh nhất vượt eo biển Florida Straits.”

.
Tuy nhiên, đừng hòng giỡn với anh em nhà Castro. Vào biển Cuba là nguy lắm. Thế cho nên, cô sẽ dùng một cách mà không bị bắt lỗi: Tuần này, một chiếc tàu sẽ đưa cô tới vùng biển quốc tế xa 12 dặm ngoài khơi Cuba, nơi đó cô sẽ phóng xuồng và chèo về bờ biển Hoa Kỳ.

.
Vẫn chưa phải là hình ảnh biểu tượng để bước từ đất nước đói nghèo Cuba sang đất nước giaù mạnh Hoa Kỳ. Nhưng chuyện cô làm sẽ rất đáng nể phục: chỉ dùng hai cánh tay chèo thôi, trong khi cô lực sĩ này có lúc sẽ quỳ, có lúc sẽ nằm trên xuồng hệt như tấm ván dài 15 feet (4.572 mét), rộng 5 feet (1.524 mét), cao 6 inches (0.1524 mét) và chèo suốt 36 giờ không ngủ.
Thực ra, hình ảnh đó cũng là biểu tượng của những người vượt biển từ Cuba sang Mỹ để tìm tự do, xin ti nạn.
Đã có rất nhiều người chèo như thế, hay đi ghe, hay đi bè, hay dong buồm để rời bỏ Cuba và tìm sang Mỹ. Mới hồi tháng trước, 66 người Cuba được tàu tuần duyên Hoa Kỳ vớt ngoài biển trong khi họ đi trên các ghe và bè tìm sang bờ biển Hoa Kỳ.
Cô Aguilar không nhắc gì tới lời thú nhận của Fidel Castro về mô hình kinh tế đói nghèo mà ông đã áp đặt lên dân tộc của ông. Đó là chuyện của ông, của thế hệ của ông.
Cô có quan tâm riêng, của thế hệ của cô. Đó là chèo xuồng để đưa Cuba sang bờ bên kia. Qua bờ bên kia. Và cô biết, có rất nhiều người cũng lặng lẽ làm những việc tương tự, để đưa Cuba qua bờ bên kia, để vĩnh viễn xa lìa bờ của đói nghèo, của căm thù và của cuồng tín.

.

.

.

No comments: