Friday, September 3, 2010

PHỎNG VẤN TƯỚNG LƯU Á CHÂU về CHIẾN THUẬT CỦA MỸ Ở IRAQ

Phỏng vấn Trung tướng Lưu Á Châu của không quân Trung Quốc về chiến thuật của Mỹ ở Iraq

Dai Xu, phóng viên ban biên tập Khoa Học Quân Sự Không Quân đã thực hiện cuộc phỏng vấn Trung Tướng Lưu Á Châu, Chính Ủy Không Quân quân khu Chengdu Trung Quốc.

Nguồn:

Interview with PLAAF LGen Liu Yazhou (World Affairs, 1-10-05)

http://www.worldaffairsboard.com/field-mess/8549-interview-plaaf-lgen-liu-yazhou.html

Bản dịch của một thân hữu của viet-studies

http://viet-studies.info/kinhte/LuuAChau_PhongVan.htm

Phần I. Hậu quả chiến tranh: Một cuộc chiến khu vực rung chuyển thế giới.

PV. Chiến tranh Iraq chính thức bắt đầu ngày 20.3.2003 . Vào 11.4, lính Mỹ chiếm Baghdad. Bên tiến công, với quân số hơn 100.000, hoàn toàn chiến thắng một quốc gia cỡ trung trong vài ngày. Ít có trận đánh nào đáng nói, nhiều người thấy chiến tranh Iraq giống trò chơi hơn là cuộc chiến.

Trung tướng Lưu Á Châu: Dù cuộc chiến giống như vở kịch, nó là thật. Mấy mươi ngày mùa xuân 2003 khiến (ta) phải suy nghĩ. Chiến cuộc đã qua đi, nhưng nó là điểm khởi đầu chuyện khác.

.

PV. Ông có ý gì khi nói “điểm khởi đầu khác”?

Trung tướng Lưu Á Châu: Chỉ là cuộc chiến khu vực, chiến tranh Iraq rung chuyển thế giới. Nó thay đổi cấu trúc thế giới một cách kinh khủng. Có thể nói biên giới quốc gia nhiều nước đã được vẽ lại cách không thể nhận thấy, ít nhất trong óc lãnh đạo cấp cao nước Mỹ. Cuộc chiến đã thay đổi lịch sử, và đang tiếp tục. Thế giới trước chiến tranh Iraq không bao giờ trở lại. Khi Tony Blair nói ở Hạ Viện rằng “cuộc chiến này sẽ quyết định cấu trúc chính trị quốc tế trong những thập niên tới”, ông điểm đúng.

Để tôi nói ra hiểu biết của tôi về cuộc chiến này từ hai góc độ : một góc nhìn chính trị và một quân sự. Ít lâu sau khi Trung Quốc thắng trận chiến tự vệ chống Ấn Độ năm 1962, Mao Trạch Đông nói chúng ta “ đánh chiến tranh chính trị bằng phương tiện quân sự, hay chiến tranh quân sự bằng phương tiện chính trị”. Chiến tranh Iraq cũng vậy, có hai mặt, chính trị và quân sự . Cuộc chiến này có ba nghĩa chính trị:

1. Như bước ngoặt chia trật tự quốc tế mới khỏi những cái cũ. Gs. Jin Yinan đã chỉ ra rằng “Chiến tranh quyết định thứ bậc.” Hoa kỳ vẫn theo đuổi kiểu “Đế Quốc Mới” nào đó từ cuối Chiến Tranh Lạnh. Có nghĩa là Hoa Kỳ thống trị thế giới bằng sức mạnh chính trị, quân sự, văn hóa, và tôn giáo của mình.

Khi một quốc gia phát triển đủ mạnh, nó làm bá chủ. Mục đích duy nhất của quyền lực là theo đuổi quyền lực lớn hơn nữa. Đá tảng cuối cùng của hệ thống quốc tế thế kỷ 20 là cơ chế tập thể an ninh toàn cầu được đại diện bởi Liên Hiệp Quốc, một dàn xếp do Hoa Kỳ khởi xướng và thiết lập. Hoa Kỳ đạp lên hòn đá tảng này suốt cuộc chiến. Cuộc chiến đầu tiên của Hoa Kỷ thời “ Trật Tự Đế Quốc Mới” và có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Cuộc chiến này đánh dấu kết thúc giai đoạn cũ và khởi đầu giai đoạn mới.

2. Những xung đột văn hóa.

Xung đột văn hóa bản chất là xung đột tôn giáo. Đối đầu giữa các quốc gia Ả Rập và Israel chỉ là môt phần. Bạn có thể phủ nhận chuyện có các xung đột văn hóa, nhưng bạn có thể phủ nhận chuyện xung đột tôn giáo không? George W. Bush có lần tả Chiến Tranh Iraq là “Thánh Chiến”, một nhận xét sau này ông ám chỉ là “lỡ miệng”. Làm sao là “lỡ miệng” được? Sau kết thúc Chiến Tranh Lạnh, dưới luật chơi mới đã bắt đầu một trận chiến khác, có bản chất văn hóa, điểm xuyết bằng những xung đột giữa Ki Tô Hữu Tây Phương và những nền văn hóa Hồi Giáo. Hoa Kỳ không chỉ muốn “cải cách” thế giới Hồi Giáo, như nó tuyên bố. Mục đích cuối cùng là phá tan toàn thể cộng đồng Hồi Giáo. Từ thời vĩnh hằng, văn hóa vẫn được cấy ghép bằng những cuộc chiến. Hoa Kỳ đối mặt với thế giới bằng phương tiện quân sự, và ý nghĩa Chiến Tranh Iraq có thể tìm được qua lời những chính trị gia Hoa Kỳ. James Woolsey, nhân vật sáng giá trong giới bảo thủ có lần nói, “Chiến Tranh Iraq có thể được coi như là cuộc chiến đầu tiên trước Thế Chiến Thứ Tư. Thế giới đã chứng kiến hai cuộc chiến nóng và Chiến Tranh Lạnh. Trong đó Âu Châu đã ở tuyến đầu. Thế Chiến Thứ Tư bây giờ đang xảy ra bên Trung Đông.”

PV. Do sức mạnh quân sự không cân xứng của Hoa Kỳ, có một cách tiếp cận chiến tranh giống như mê cuồng trong giới chính trị gia diều hâu của quốc gia đó. Cân bằng trong chính trị quốc tế nhanh chóng nghiêng ngả. Vài học giả phương tây đã so sánh Hoa Kỳ với một chiếc xe ngựa đang lao xuống dốc.

Trung tướng Lưu Á Châu: Chiến Tranh Iraq đã đi vào lịch sử, nhưng nhân dân thế giới bắt đầu cảm được cái lạnh của thế kỷ mới từ mùa xuân 2003. Thủ Tướng Bỉ mới đây nhắc đến Hoa Kỳ như một “siêu cường rất nguy hiểm”. Thế giới trở nên nguy hiểm vì sự đe dọa của Hoa kỳ. Điều đó dẫn tới nghĩa thứ ba tôi muốn thảo luận : địa chính trị. Địa lý là định mệnh. Điều đó đã thành sự thật bất biến từ thời xa xưa. Thường thì khi một cường quốc trỗi dậy, nó trước tiên phải đặt mình vào thế bất khả chiến bại. Thế bất khả chiến bại về địa lý có nghĩa là một vùng phải được giữ dưới sự kiểm soát địa chính trị và Trung Đông ngày nay là một vùng như vậy. Có người nói rằng dầu hỏa vừa là kho báu vừa là lời nguyền với Trung Đông, và rằng tất cả chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông từ Thế Chiến II đã được quyết định vì dầu hỏa. Suy đoán đó, dầu sao, chỉ đúng một nửa. Dầu hỏa là lý do khiến Hoa Kỳ kiểm soát Trung Đông, nhưng không phải Hoa Kỳ chỉ muốn có vậy. Trong lịch sử, Trung Đông không chỉ là cơ sở năng lượng, nhưng còn là một trục vận chuyển nổi tiếng thế giới.

Napoleon đã biết đến sự quan trọng phải kiểm soát trục vận chuyển then chốt này. Khi Hoa Kỳ kiểm soát Trung Đông, các sức mạnh thế giới khác sẽ bắt đầu một vòng hội nhập mới, đưa đến những thay đổi lịch sử thế giới to lớn. Hoa Kỳ chia cắt mảnh đất giữa ba châu lục Á, Âu và Phi.

.

PV. Còn ảnh hưởng của lãnh vực quân sự thì thế nào?

Trung tướng Lưu Á Châu: Thế kỷ trước có hai khối quân sự lớn trên thế giới: Liên Xô cũ và Hoa Kỳ. Hai khối phát triển hai loại học thuyết quân sự. Quân đội toàn thế giới có thể được chia làm hai loại theo hai học thuyết này. Mọi cuộc chiến nóng từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh thực ra là cuộc chiến giữa hai khối. Bây giờ tôi có thể nói rằng khối có Hoa Kỳ lãnh đạo đã thắng khối do Liên Xô đứng đầu.

Chiến Tranh Iraq có ý nghĩa với thế giới vì nó cho thấy mọi khủng hoảng trong cách tiếp cận quân sự phía Liên Xô. Ngắm những đổ nát còn lại sau Chiến Tranh Iraq, hình ảnh chảy đầy suy nghĩ của tôi: thung lũng Bekaa ở Li băng, thủ đô Li Băng, Nam Tư cũ, Afghanistan… tôi thấy có những cái giống nhau đáng ngạc nhiên giữa những chiến trường và những đổ nát sau chiến tranh – rằng họ đều là đồng minh của Liên Xô cũ hay là những nơi Liên Xô đã đặt chân tới; rằng họ đều chủ yếu dùng hệ thống vũ khí Liên xô và theo học thuyết quân sự Liên Xô; rằng họ đều bị tan thành mảnh hay rã đám sau những trận không kích của Hoa Kỳ. Nguyên do là gì? Hai cuộc chiến Vùng Vịnh làm nổi bật một điều đáng sợ: Iraq là một nước mà hải, lục, không quân đều được trang bị vũ khí Liên Xô, sở hữu tên lửa Scud, máy bay Mig và xe tăng – tất cả đều chế tạo tại Liên Xô. Khí tài này vừa khổng lồ về số lượng vừa tiến bộ về kỹ thuật và đã được nhập vào Iraq một cách có hệ thống. Cộng với tất cả khí tài đó, hệ thống điều hành và cách xử lý chỉ đạo cũng được du nhập từ Liên Bang Xô Viết.

.

PV. Để đạt mục đích chiến thắng và chiếm đóng một nước cỡ trung bình, Hoa Kỳ đã sử dụng gần 500.000 quân cho ba năm chiến tranh Triều Tiên, chỉ để bị bắt buộc phải rút lui không chiến thắng; trong khi ở Việt Nam, Hoa Kỳ dùng 500.000 quân khác và chiến đấu gần 12 năm, cuối cùng phải rút lui như trước. Làm sao Chiến Tranh Iraq lại xảy ra như thế?

Trung tướng Lưu Á Châu Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng cách nhắc đến kết cục của hai cuộc chiến khác. Cả Liên Xô lẫn Hoa Kỳ là những siêu cường, và khi xung chiến với cùng địch thủ, kết quả hoàn toàn khác nhau. Liên Xô liên tục dùng 1.500.000 quân trong chiến tranh Afghanistan, chủ yếu bộ chiến với quốc gia đó trong một thập niên. Sau cùng thất trận, kết quả hơn 50.000 thương vong phía Liên Xô. Và sức mạnh của Liên Xô không bao giờ hồi phục. Trong khi trong cuộc chiến Afghanistan gần đây, Hoa Kỳ chỉ dùng một lực lượng đặc biệt có số lẻ 1000 quân – được yểm trợ chủ yếu bằng không lực – và giải giáp lực lượng Taliban trong có 61 ngày, với 16 tử thương phía quân đội Hoa Kỳ (không có ai bị giết trong chiến đấu).

.

PV. Ông nghĩ khoảng cách chính giữa quân đội Nga và Hoa Kỳ là gì?

Trung tướng Lưu Á Châu : Khoảng cách nằm chủ yếu ở hai yếu tố: kỹ thuật quân sự và cách xử lý. Để tôi nói về kỹ thuật quân sự trước. Khoa học và kỹ thuật đã phát triển với tốc độ vũ bão và kỹ thuật dẫn đường chính xác đã đưa chiến tranh tới thời đại “chiến binh chính xác”. Hoa Kỳ đã có thể triển khai những vũ khí răn đe nhất tới những nơi mình nghĩ là cần nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. Trong vòng một ngày trong cuộc chiến Kosovo Hoa Kỳ thả nhiều bom hơn tất cả số tên lửa Trung Quốc chúng ta triển khai dọc bờ biển phía nam lục địa. Trong cuộc chiến Afghanistan, Hoa Kỳ nhanh chóng phát triển một kiểu bom “nhiệt” dùng trong vùng núi vốn đầy các kiểu hang ở quốc gia đó.

Bom nhiệt có thể tiêu diệt hầm, boong ke ngầm và mọi thứ trong một tòa nhà – mà không làm hư chính tòa nhà đó. Nó là một thứ gì đó giống bom neutron. Nhanh chóng phát triển và chế tạo những kiểu vũ khí mới theo những hoàn cảnh chiến trường mới là một vũ khí trong và vì chính nó. Cộng thêm vào điều đó, Hoa Kỳ có thể phát triển và cung cấp khí tài mới ngay tức thời tùy nhu cầu chiến trường, một điều rất quan trọng. So sánh, chúng ta dùng ngư lôi, gói nổ và bộ đàm thời chiến tranh Triều Tiên, và vẫn còn dùng trong cuộc chiến tự vệ (!) chống Việt Nam.

“Kỹ nghệ tổ chức” chắc chắn là thế bất lợi của chúng ta, nhưng điều quan trọng nhất là liệu chúng ta có cách xử lý có định hướng tương lai cho chiến tranh và liệu kỹ nghệ quốc phòng quốc gia chúng ta có khả năng đáp ứng với chuyện bất ngờ hay không. Chúng ta không có thể bắt đầu nghĩ về những điều đó khi một cuộc chiến sắp nổ ra ngay. Chúng ta phải bắt đầu nghĩ đến những điều đó ngay từ bây giờ. Giá trả cho những phút chậm trễ trong hiện tại là máu đổ trong tương lai. Vì đã có khoảng cách gần một thế kỷ trong những tiến bộ tương đối, điều chúng ta thấy giữa Hoa Kỳ và Taliban trong cuộc chiến Afghanistan không phải là giữa những người lính. Cũng không phải là giữa những phát đại bác. Đó là cuộc chiến giữa hỏa tiễn và tạp chí, vệ tinh và súng trường.

So với Hoa Kỳ, kỹ thuật Nga chỉ được biểu hiện nơi vũ khí, và không được hệ thống hóa. Khi Nga đánh trận Chiến Tranh Chechnia, họ chủ yếu chiến đấu với những vũ khí quy ước, và dòng chảy tin tức không bao giờ đến được các thực địa hay giữa thực địa với các hệ thống chỉ huy. Mặt bằng kỹ thuật quyết định chiến thuật chiến tranh. Không có “khoảng cách thế hệ” giữa lực lượng Nga và Chechen, như vậy các lực lượng không thể chiến đấu trong một trận chiến không cân sức, hay tận dụng một lợi thế kỹ thuật tuyệt đối như Hoa Kỳ. Cơ động là lối ra duy nhất khi phải đối mặt với một không lực áp đảo và những bất lợi về hỏa lực. Chỉ khi một quân đội có sự cơ động mới có khả năng tránh bị tấn công mãi mà không tấn công địch. Và chỉ khi một quân đội có sự cơ động trong chiến tranh thì chiến tranh mới tiếp diễn theo cách mà cả hai bên đều mở những cuộc tấn công. Thiếu cơ động đã dẫn đến thất bại cho quân đội Iraq và Taliban trong hai cuộc chiến Vùng Vịnh và cuộc chiến Iraq. Mục tiêu căn bản khi Hoa Kỳ phát triển những hệ thống khác nhau là triệt tiêu sự cơ động trên chiến trường của kẻ thù. Kẻ thù của Hoa Kỳ phải đặc biệt để ý đến điều này vì không cơ động thì không sống sót.

.

PV. Làm cách nào Hoa Kỳ đã kiểm soát sự cơ động của quân địch?

Trung tướng Lưu Á Châu: Cách tiếp cận của Hoa Kỳ là nắm bắt mọi thông tin, trong khi bịt mắt bịt tai kẻ địch. Chúng ta nói quân đội Hoa Kỳ hùng mạnh, là vì nó có sự mẫn cảm chiến trường thích hợp. Ta hãy xem các dữ kiện sau.

Trong chiến đấu, cần một khoảng thời gian để hoàn tất cái gọi là chuỗi tấn công, từ phát hiện muc tiêu tới chỉ huy một cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu đặc biệt đó. Tiến trình gồm những bước sau: phát hiện, định vị, nhắm, tấn công và đánh giá chiến dịch. Trong trận chiến Vùng Vịnh đầu tiên, tiến trình một “chuỗi” như thế mất 100 phút, trong khi trong trận chiến Kosovo và Afghanistan, mất 40 và 20 phút. Trong trận chiến Iraq mất có 10 phút, gần như là đạt mục tiêu “thấy là diệt”. Trong hoàn cảnh đó, kẻ thù không có đủ thời gian để cơ động. Thí dụ, tháng 11. 2001, thám báo Hoa Kỳ phát hiện một đoàn xe đang rút khỏi thủ đô Kabul. Đơn vị thám báo lập tức truyền tin về Trung Tâm Chỉ Huy qua vệ tinh. Sau khi Ngũ Giác Đài cho lệnh tấn công, ba chiến đấu cơ nhanh chóng tiếp cận đoàn xe và bắn ba hỏa tiễn từ trên cao. Cùng lúc đó, một máy bay không người lái cũng bắn hỏa tiễn – đánh dấu chiến đấu cơ không người lái lần đầu tiên trên thế giới. Sau này mới biết gần 100 quân Taliban bị giết trong trận không kích này, trong đó có Atef Mohammed, phó của Osama bin Laden. Trận không kích là bản thu nhỏ những chiến dịch trong cuộc chiến ở Afghanistan, và sau này là phương pháp thường thấy cho các cuộc tấn công chiến thuật.

Trong Chiến Tranh Iraq, người Iraq trước tiên bị bịt tai rồi bịt mắt. Chuyện như thế đó, đơn giản họ không thể đem quân vào hoạt động, chưa nói đến chuyện trước tiên quân lực đó không đủ mạnh. Khi bình luận về cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 trong sách nhan đề Vượt Qua Chiến Tranh Nguyên Tử, B.N.Sripcinko, chiến lược gia quân sự Nga, đã viết, “Iraq đã chuẩn bị rất nhiệt tình - cho một trận chiến lỗi thời”. Nhiều năm trước, Iraq vẫn còn những sư đoàn tăng, hậu cần không quân và Tuyến Phòng Ngự Saddam. Và chỉ còn lại súng trường và bom người còn dùng được ngày trước cuộc Chiến Tranh Iraq.

Nói chung, Chiến Tranh Iraq là cuộc chiến có “Khoảng Cách Thế Hệ” khổng lồ. Nếu chúng ta nói rằng những cuộc chiến Hoa Kỳ tham dự từ những năm 1980 thay đổi đều đều, từ Chiến Tranh Cơ Giới đến Chiến Tranh Tin Học, thì chiến tranh Iraq là một thay đổi về chất lượng theo hướng đó. Sự tiến bộ quân sự của Hoa Kỳ là một biểu tượng, bắt đầu từ khi chấm dứt cuộc chiến Việt Nam, đã gần hoàn tất. Đây là một biến cố có ý nghĩa trong quân sử thế giới. Theo nghĩa đó thất bại của Iraq là không tránh khỏi, dù chiến thắng của Hoa Kỳ được cường điệu do Iraq không kháng cự hay không thể kháng cự. Đối mặt với hoàn cảnh tuyệt vọng như thế, chính phủ Iraq dù muốn cũng không thể chiến đấu. Còn nhân dân Iraq, đơn giản là họ không muốn đánh nhau. Như thế đó, trong khi chính quyền bị diệt, quốc gia tồn tại.

Do các lực lượng Iraq diễn tồi, bản lãnh chiến tranh thực sự của quân đội Hoa Kỳ đã không được biểu lộ rõ rệt trong Chiến Tranh Iraq. Những điểm mạnh của của quân đội Hoa Kỳ bao gồm khả năng chiến tranh điện tử, Không Lực và Hệ Thống Khí Tài theo Quan Điểm Mới, và chỉ một phần nhỏ những khả năng đó đã được huy động. Hoa Kỳ xếp hạng đầu ba lãnh vực trong thế giới ngày nay. Đầu tiên Hoa Kỳ đi tiên phong trong cách mạng quân sự mới. Nếu chúng ta so sánh cách mạng với một cuộc đua đường dài, Hoa Kỳ không chỉ nghiễm nhiên là người dẫn đầu những người tham dự, mà còn giữ khoảng cách 1000 mét với những người chạy kế tiếp – và, nếu thấy khoảng cách với người sau thu lại còn 900 mét, Hoa Kỳ sẽ cảm thấy bị đe dọa. Thứ hai, chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ đứng cao nhất thế giới – số lượng bằng 12 nước theo sau cộng lại. Khó chịu hơn nữa là Quân Đội Hoa Kỳ còn đang phát triển nhanh. Một hệ thống chiến tranh toàn cầu mới sẽ thành hiện thực khi hệ thống tự vệ toàn cầu bằng hỏa tiễn đã sẵn sàng. Lãnh vực cuối cùng kẻ thù có thể đe dọa Hoa Kỳ -vũ khí nguyên tử- sẽ thành vô dụng. Lúc đó, một hệ thống chính trị đơn cực được hậu thuẫn bằng một sức mạnh quân sự tuyệt đối – hệ thống đế quốc toàn cầu với Hoa Kỳ làm hạt nhân - sẽ đâu vào đấy. Giống như cách đánh chớp nhoáng bằng cơ giới đã xúc tiến Đế Chế Thứ Ba của Adolf Hitler, chiến tranh tin học đang đặt nền móng cho một đế chế toàn cầu mới. Hậu quả lâu dài của cuộc chiến này rất đáng sợ. và dù cái ngày đặc biệt đó chưa đến, chúng ta đang tới gần ngày đó.

Phần II. Không Quân, hay Bộ Binh?

PV. Trung tướng Lưu, ông có thể nói về đặc điểm cuộc chiến này? Chiến Tranh Iraq là loại nào?

Trung tướng Lưu Á Châu: Nói tắt, nó là cuộc không chiến. Tôi tin không quân là lực lượng quyết định trong trận chiến này, cho dù Hoa Kỳ cũng đưa bộ binh vào. Hoa Kỳ có những lợi ích toàn cầu, và do vậy, những chiến địa toàn cầu. Hoa Kỳ phải áp dụng chiến lược toàn cầu. Điều đó đặc biệt làm cho quân đội Hoa Kỳ phải đánh những trận chiến ở những nơi xa, phải được triển khai ngay, đánh chính xác và giữ quyền kiểm soát bầu trời tuyệt đối. Trong các thành phần của quân đội Hoa Kỳ, chỉ có không quân mới đáp ứng những đòi hỏi đó.

Sau trận chiến ở Grenada, người ta đã thấy rằng thà có một tiểu đoàn sẵn sàng trong 24 tiếng còn hơn là một đạo quân trong 3 tháng. Không quân đã đóng vai trò quyết định trong tất cả các cuộc chiến mới đây của Hoa Kỳ: Chiến Tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, Chiến Tranh Kosovo, chiến tranh ở Afghanistan và Chiến Tranh Iraq.

.

PV. Như vậy tại sao ngay từ đầu Hoa Kỳ đã gửi bộ binh đến Iraq?

Trung tướng Lưu Á Châu: Trước tiên, có và làm thế nào sử dụng bộ binh hay không tùy thuộc vào mục đích.

Mục đích của Hoa Kỳ trong trận chiến này là “lật đổ chế độ Saddam” và “giải phóng nhân dân Iraq”. Những mục tiêu sâu xa đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải đưa bộ binh ngay sau khi chiến tranh bắt đầu. Không có bộ binh, thì không thể “lật đổ” hay “giải phóng nhân dân Iraq”. Hoa Kỳ lúc đó đã gửi tín hiệu rõ ràng khi đưa bộ binh đến Iraq: rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại và không rút ra sớm.

.

PV. Như vậy có nghĩa là quyết định của Hoa Kỳ đưa bộ binh vào Iraq là quyết định chính trị hơn là quân sự.

Trung tướng Lưu Á Châu: Đúng vậy.Để đạt mục đích đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu trò diễn ngay đầu cuộc chiến. Chắc bạn đã để ý là Hoa Kỳ mời nhiều nhà báo khắp thế giới, cả từ Trung Quốc,đến tường thuật chiến sự với sự cộng tác của quân đội. Tại sao? Để diễn tuồng cho cả thế giới. Khi Hoa Kỳ đánh cuộc chiến Iraq, Hoa Kỳ muốn trừng trị Iraq như lời cảnh báo cho các nước khác.

Hơn nữa, Hoa Kỳ có kế hoạch cải tạo một Trung Đông lớn hơn - tất cả đều cần bộ binh tại chỗ.

Vở tuồng Hoa Kỳ diễn có hiệu quả. Một số nước, nhất là những nước Ả Rập, đã sợ hãi – một phần do ảnh hưởng chính trị của việc dùng bộ binh. Những người cho rằng Hoa Kỳ lại nhấn mạnh vai trò bộ binh không thấy ý nghĩa cách tiếp cận này, họ chỉ nhìn mặt nổi. Phương tiện quân sự mãi mãi là cách đạt mục đích chính trị. Điều đó có thể thấy cả từ mục tiêu quân sự và, thỉnh thoảng, từ diễn trình hoạt động quân sự.

.

PV. Có lý do quân sự nào khiến Hoa Kỳ dùng bộ binh không?

Trung tướng Lưu Á Châu: Không quân là diễn viên chính đã lâu từ Chiến Tranh Vùng Vịnh cho tới Chiến Tranh Kosovo rồi tới cuộc chiến ở Afghanistan; chắc có tranh luận giữa các binh chủng quân đội Hoa Kỳ. Chủ đề có thể là thủy quân và lục quân không đơn thuần muốn đóng vai trò hỗ trợ, họ không muốn bị cho ra rìa. Quân đội đã cảm thấy cuộc khủng hoảng này. Chúng ta biết rằng đã có tranh luận sau khi chiến tranh kết thúc, như dự đoán. Tranh luận không diễn ra trong quân đội nhưng giữa Colin Powell, ngoại trưởng, và Donald Rumsfeld, bộ trưởng quốc phòng.

Nực cười là nó nổ ra không phải là giữa những người trong quân ngũ, nhưng lại là giữa các quan chức dân sự và các sĩ quan cao cấp quân đội. Họ có chung mục tiêu, chỉ khác nhau cách thực hiện. Rumsfelf đề nghị một khái niệm quân sự mới “tấn công chớp nhoáng chính xác”, gọi là học thuyết Rumsfeld. “Chính xác” liên quan tới trí thức hóa cao chiến tranh. Cột trụ lý thuyết của Rumsfeld là quân đội phải được cải tổ thành những nhóm chiến đấu nhỏ hơn về cỡ nhưng dễ triển khai hơn.

Hiệu quả giống như những nhóm biệt kích. Phối hợp với không kích, nó có nhiệm vụ giúp các vũ khí được dẫn đường chính xác tấn công các mục tiêu quan trọng, để yêu cầu chiến đấu được hoàn thành nhanh. Phía kia, tinh hoa lý thuyết của Powell là những lực lượng to lớn dưới đất phải được sử dụng, và phải phối hợp với các cuộc hành quân của các đơn vị nặng.

Khi chiến tranh bắt đầu, chúng ta thấy có thỏa hiệp giữa hai lý thuyết này: cả Rumsfeld lẫn Powell được áp dụng – nhưng không đầy đủ. Nhiều sĩ quan cấp cao tin rằng bộ binh lần này cần lên tới mức Chiến Tranh Vùng Vịnh năm 1991, gồm 10 sư đoàn, nhưng Hoa Kỳ chỉ xử dụng 2 sư đoàn. Mức độ bộ binh được dùng nhỏ hơn trong chiến dịch “Bão Cát Sa Mạc” (Desert Storm), trong khi đạt chiến thắng cao hơn. Tôi tin rằng sự khác biệt giữa lý thuyết Powell và Rumsfeld nằm ở chỗ : trong khi cái trước nhắm tiêu diệt hiệu quả của kẻ thù trên bình diện rộng, cái sau không còn nhấn mạnh sự quan trọng phải tiêu diệt quân đội và khí tài, mà chuyển tập trung vào việc tiêu diệt ý chí chiến đấu. Kết quả chứng minh cái sau đúng.

.

PV. Chúng ta phải coi kết quả “bài tập” của quân đội Hoa Kỳ như thế nào, theo ông?

Trung tướng Lưu Á Châu: Trước tiên, bài tập diễn ra ở thời điểm Hoa Kỳ có ưu thế tuyệt đối. Quân đội Hoa Kỳ tiến bộ rất nhanh. Sư đoàn 3 cơ khí rời Nasiriyah và Najaf, nơi đánh nhau dữ dội đang diễn ra, và hành quân đường dài xa hàng trăm km (về Baghdad), và lập kỷ lục chiến sử mới về hành quân thọc sâu. Tốc độ tiến quân của quân đội Hoa Kỳ bằng hoặc hơn quân đội Đức khi tấn công chớp choáng Liên Bang Sô Viết.

Nhưng sẽ không thể mường tượng ra nổi sức tiến công của lính Hoa Kỳ khi không có sự hỗ trợ từ không lực vuợt trội. Về nghĩa đó, tôi sẽ nói là Chiến Tranh Iraq không phải là cuộc chiến ngắn, ít nhất là nhìn từ góc độ không chiến. Theo góc nhìn đó, chiến tranh không kéo dài bốn tuần, nhưng là mười hai năm. Cuộc chiến bắt đầu từ 20.03.2003 chỉ là kéo dài cuộc chiến vốn tồn tại suốt 12 năm trước.

Mười hai năm qua, Hoa kỳ chiếm bầu trời Iraq, và chặn họng không lực Iraq. Khi trước đây tôi nhắc rằng “tinh thần quân đội Iraq đã bị đánh cắp” cái tôi muốn nói là sự vắng mặt của không quân.

Thứ nữa, 12 năm với vùng cấm bay, dội bom và thám sát đã làm tinh thần quân đội và cả đất nước tan hoang. Ý chí của nhân dân Iraq đã gần chết rồi. Như túp lều tơi tả trong mưa gió, Iraq chỉ cần đẩy nhẹ là đổ. Hoa Kỳ “diễn tập” trên cơ sở đó.

Cùng lúc đó, sư đoàn 3 Bộ Binh Cơ Giới, đơn vị chủ lực của quân đội Hoa Kỳ, chưa bao giờ đánh trận nào nặng ký – tốc độ tiến quân nhanh có được khi Hoa Kỳ làm chủ bầu trời và không quân quét sạch mọi trở lực. Anh có để ý không, bộ binh Hoa Kỳ luôn luôn ngừng một khi gặp bất kỳ sự kháng cự nào hay nó đơn giản bỏ đi? Quân đội không chiếm bất cứ thành phố nào trong cuộc chiến. Phải rồi, Bagdad bị chiếm. Nhưng có phải bị bộ binh chiếm không? Người ta đưa tin là Hoa Kỳ đã bôi trơn bàn tay các quan chức cấp cao của Cảnh Vệ Cộng Hòa để thôi chống cự. Vài người Phương Tây nói rằng không quân liên minh đóng góp 99 phần trăm vào cuộc chiến này, trong khi bộ binh của liên minh góp 1 phần trăm. Có quá lời trong bình luận này, nhưng nó nói lên sự thực.

.

PV. Những binh chủng khác nhau làm nhiệm vụ khác nhau trong các chiều kích và lãnh vực khác nhau. Nói chung, không quân đa phần là sức mạnh tiến công và hủy diệt. Nó khó có thể mang trách nhiệm phòng thủ, chiếm đóng và bảo vệ.

Trung tướng Lưu Á Châu Cho tôi đưa ra một so sánh. Không quân như hai tay một người, anh có thể dùng đập bể cửa sổ hay ván cửa. Nhưng nếu anh muốn lấy nhà người ta và muốn bảo vệ tài sản khỏi bị chiếm nữa, anh sẽ phải dùng đôi chân – bộ binh – để vào nhà. Như vậy sẽ vô nghĩa khi so sánh vai trò bộ binh và không quân mà không nhìn đến mục đích chiến tranh và bản chất cũng như đặc tính các lực lượng. Nói chung, lục quân và hải quân bị hạn chế bởi không gian tự nhiên trong hoạt động, trong khi không quân có thể chiến đấu mọi nơi và mọi chiến trường. Hải quân chỉ chiến đấu được trên biển và lục quân trên bộ, trong khi không quân có thể chiến đấu mọi nơi.

Hoa Kỳ phải tính đến phương kế sử dụng bộ binh cho những mục tiêu chiến tranh đặc biệt này. Dầu vậy, Hoa Kỳ đã bỏ ưu điểm của mình và tự hạ mình xuống cho vừa mức người Iraq có thể đối đầu. Thành quả cuộc chiến chứng minh lý thuyết của Rumsfeld đúng. Chưa bao giờ trong lịch sử Hoa Kỳ có viên chức dân sự được tổng thống chỉ định nào đã có ảnh hưởng sâu rộng như thế đến các kế hoạch tác chiến quân sự Hoa Kỳ. Những chuyện sau này đồng loạt cho chúng ta thấy rằng người chiến thắng lớn nhất trong Chiến Tranh Iraq là Rumsfeld và những người dưới quyền ông. Kẻ thất bại lớn nhất là quân đội Hoa Kỳ. Ngày 26 tháng tư 2003, Rumsfeld đến Vùng Vịnh thị sát quân đội ở đó. Khi Rumsfeld tới, những tràng pháo tay và những tiếng reo mừng đón chào ông. Chiến thắng của Rumsfeld không chỉ với quân đội Hoa Kỳ, mà còn cả với học thuyết quân sự Nga. Dữ kiện cho thấy một đội quân uyển chuyển hơn, dù cỡ nhỏ hơn, sẽ tuyệt đối thắng một đội quân lớn vướng đầy những quan niệm cũ. Quân đội Iraq là một quân đội lớn. Và theo cách dàn đại quân của Liên Bang Sô Viết, Iraq tập trung số lượng lớn đơn vị bọc thép và pháo binh, với các bộ chỉ huy tập trung cao độ. Nhưng tuyến phòng thủ dễ sợ đó đã bị một ít quân Hoa kỳ tàn phá trong mấy ngày. Quan sát viên quân sự Nga đã la lên rằng “mô hình quân sự đã bị viết lại. Các nước khác nên chú ý là Hoa Kỳ đã viết lại các giáo trình quân sự.”

.

PV. Ông có thể tả cụ thể hơn những đặc điểm trong thành tích của không quân Hoa Kỳ trong trận chiến này?

Trung tướng Lưu Á Châu: Tôi đã viết trong cuốn Một Thế Kỷ Không Quân của tôi rằng, trước thập niên 1980, thế giới gọi “không quân” vì nó là một đội quân trên không. Sau thời gian đó, nó không đơn thuần là một trong các binh chủng, cho dù chức vụ của nó vẫn như vậy. Những thay đổi cách mạng về vũ khí đã mang lại thay đổi cách mạng về chiến lược và chiến thuật không quân. Và không quân chuyển từ vai trò yểm trợ hoạt động lục quân và hải quân sang vai trò nhận yểm trợ từ hai binh chủng kia trong các hoạt động của mình cho tới khi có thể độc lập tác chiến ngày nay.

Không quân đã luôn thay đổi về chất lượng. Trong Chiến Tranh Kosovo năm 1999, chúng ta đã thấy không quân được dùng không chỉ về quân sự, nhưng nó còn được chơi như lá bài ngoại giao. Không kích không chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự của kẻ thù, mà còn cả mục tiêu chiến lược quốc gia. Về căn bản việc sử dụng không quân mang tính chiến lược. Cách Hoa Kỳ sử dụng không quân trong cuộc chiến Iraq giống hệt những cuộc chiến trước: không quân được dùng như cách chủ động và như sức mạnh chiến lược của cuộc chiến. Khác nhau là vai trò của nó đã trực tiếp hơn, nổi trội và rõ ràng hơn. Hoa Kỳ tham gia 5 cuộc chiến trong 10 năm qua: Vùng Vịnh, oanh kích Bosnia và Herzegovina với NATO , không kích Iraq, Chiến Tranh Kosovo và Chiến Tranh Afghanistan. Và Chiến tranh Iraq ngày nay là cuộc thứ sáu.

Hoa Kỳ đã đánh từng trận và cả sáu trận theo cùng một kiểu: trước hết phát động chiến dịch toàn cầu cho chiến tranh, khuất phục quốc gia trong tầm ngắm bằng hải và không quân. Sau đó bao vây tứ phía, cho đến khi có thể chiến thắng với ít hay không phải đánh nhau chút nào. Bao vây bầu trời mang tính toàn cầu đã trở nên đặc tính căn bản của Hoa Kỳ mỗi khi chuẩn bị chiến tranh hiện đại. Nếu muốn tiên đoán xem Hoa Kỳ có phát động chiến tranh hay không, và bao lớn, người ta chỉ cần coi lại việc triển khai không quân.

.

PV. Ông nghĩ tư tưởng chủ đạo sau các cuộc oanh kích của Hoa Kỳ là gì?

Trung tướng Lưu Á Châu: Tê liệt hóa, và chỉ tê liệt hóa. Chiến tranh tê liệt hóa đã là hoạt động liên tục của Hoa Kỳ trong hai thập niên qua. Bản duyệt lại suốt một thế kỷ lịch sử từ khi sinh ra không quân cho thấy chiến lược của không lực các siêu cường trên thế giới quanh đi quẩn lại giữa oanh kích mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự, giữa thả bom chiến lược và không yểm. Trong Thế Chiến II, Anh Mỹ đặt trọng tâm vào bỏ bom chiến lược, trong khi Đức và Nga nhấn mạnh đến yểm trợ chiến trường,và cả hai đều ghi nhiều bàn thắng. Trước chiến tranh Việt Nam, không quân thường chịu trách nhiệm oanh kích gián tiếp do nghĩ rằng chiến thắng được quyết định nơi chiến trường. Nhưng tê liệt hóa đã thành chủ đạo sau chiến tranh Việt Nam, nhất là sau Chiến Tranh Vùng Vịnh.

Ngoài lãnh vực quân sự, chính sách ngoại giao Hoa Kỳ là một chính sách làm tê liệt, nhất là khi áp dụng cho Trung Quốc. Căn bản chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc là gì? Có phải là chia cắt Trung Quốc? Tôi sợ là không phải vậy. Có phải họ sợ Trung Quốc trỗi dậy? Tôi sợ không hoàn toàn thế. Tôi nghĩ Hoa Kỳ chỉ muốn làm Trung Quốc tê liệt. Đó là cách dùng hoạt động quân sự cho lợi ích ngoại giao: để Trung Quốc không phát triển lẫn suy sụp, để Trung Quốc không bao giờ phát triển lành mạnh. Hoa Kỳ không bao giờ muốn Trung Quốc hoàn toàn sụp đổ. Lý do là một khi Trung Quốc sụp đổ, Nhật, Ấn và Nga sẽ nổi lên phá thế cân bằng ở Á Châu, bắt buộc Hoa Kỳ phải lấp vào khoảng trống. Hoa Kỳ không để cho Trung Quốc đổ. Khi Trung Quốc hoàn toàn sụp đổ, Nhật sẽ trỗi dậy.

Khi quan sát giới quân sự Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh, chúng ta phải để ý đến lý luận tổng thể thay vì nhìn rời từng cuộc chiến. Trong khi kỹ thuật quân sự càng ngày càng tiên tiến, chiến lược Hoa Kỳ càng ngày càng đơn giản. Chiến thắng càng sớm càng tốt là học thuyết. Và Hoa Kỳ thường dùng những cách xa vời khi hoàn cảnh chính trị còn cho phép. Cuối Thế Chiến II, Hoa Kỳ có thể thắng Nhật bằng nhiều cách – nhưng sao lại dùng bom nguyên tử? Hoa Kỳ có thể đặt chân lên Nhật, không lo thương vong .

Lực lượng Hoa Kỳ dưới đất có thể thắng trận, nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Giulio Douhet cho rằng khi một đội quân làm chủ bầu trời, phải tận dụng điều đó để tiêu diệt sức kháng cự vật chất lẫn tinh thần quân địch. sử dụng kém, làm chủ bầu trời của phía bên này có nghĩa là cả hai bên làm chủ bầu trời. Như vậy thì làm chủ bầu trời có nghĩa gì ? Quân đội Hoa Kỳ có đặc tính nhấn mạnh đến việc sử dụng không quân từ khi sinh ra máy bay một trăm năm trước – từ Thế Chiến I, cho chính xác. Nếu muốn hiểu diện mạo Chiến Tranh Iraq, trước tiên phải nhìn lại quân sử Hoa Kỳ trên một trăm năm qua. Giới quân sự Hoa Kỳ đã diễn giải hình thái và vai trò không quân trong thế kỷ qua. Từ Thế Chiến II, Hoa Kỳ bắt đầu dùng chủ yếu không quân trong nhiều cuộc chiến. Hoa Kỳ tham dự tất cả các trận chiến lớn trên thế giới suốt thế kỷ qua, và chưa khi nào chịu thương vong nhiều hơn quân địch. Hơn thế, tổn thất trong chiến tranh đang xuống, cho tới khi bằng không. Lý do là Hoa Kỳ theo sát xu hướng tiến bộ quân sự. Lịch sử cho thấy điều một quốc gia làm trong tiến bộ quân sự sẽ ảnh hưởng đến sự thăng trầm của quốc gia đó.

.

PV. Sáng kiến “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” của Ronald Reagan, các kế hoạch phòng thủ NMD và TMD của Bill Clinton và George W. Bush, tất cả đều thuộc loại không quân chiến lược. Các chiến lược này đã được nâng cấp từ “bầu trời” lên “vũ trụ”. Ông có nói rằng một ngày nào đó vũ trụ sẽ là chiến trường. Nhưng trước đó chiến trường trên bầu trời vẫn là chủ yếu.

Trung tướng Lưu Á Châu: Nếu bạn quan sát những gì Hoa Kỳ làm trong quá khứ, bạn sẽ hiểu điều Hoa Kỳ làm trong tương lai. Hoa Kỳ sẽ không bỏ bầu trời khi nó còn tồn tại. Khi Hoa Kỳ còn giữ vị trí chủ đạo, mọi biến cố quan trọng trên thế giới đều củng cố vị thế của Hoa Kỳ. Không có nghĩa là Hoa Kỳ không sử dụng đến bộ binh. Triều Tiên và Việt Nam là hai nơi Hoa Kỳ dàn nhiều bộ binh nhất. Kết quả sau cùng là thế nào? Không gì hơn thất bại thảm hại. Từ đó, dùng bộ binh là điều cấm kỵ. Sao họ sợ dùng bộ binh? Không phải lính Hoa Kỳ sợ chết, họ sợ thất bại. Điều này được quyết định do khuyết điểm tự nhiên của quân đội và tập tính Hoa Kỳ. Ta có ba tiêu chuẩn đánh giá sức chiến đấu: khoảng cách tấn công, tốc độ tiến công và sức hủy diệt. Hiển nhiên, so với không quân, bộ binh tụt sau về cả ba phương diện, thường lớn về cỡ và không uyển chuyển về hoạt động. Và nó dễ bị sa lầy trong chiến tranh kéo dài với địch quân.

.

PV. Chuyện ông tin kết quả chiến tranh Iraq được quyết định ở bầu trời là độc đáo. Ông diễn tả nó thế nào?

Trung tướng Lưu Á Châu: Giulio nói rằng những cuộc chiến sau này sẽ bắt đầu trên không. Bên sử dụng không lực đầu tiên dĩ nhiên đạt được kết quả quyết định và nhanh chóng trên chiến trường. Những bên không chuẩn bị chiến tranh tương lai sẽ thấy mình quá chậm để sẵn sàng một khi chiến tranh nổ ra – thậm chí còn không thể thấy được những hướng chính cuộc chiến sẽ diễn biến. Và vì sự thay đổi quan trọng trong bản chất chiến tranh, sẽ không lâu để quyết định ai là người chiến thắng.

Giulio Douhet cũng kết luận là không quân có thể chiến thắng trước các binh chủng khác. Vì không quân , với tốc độ chớp choáng, có thể đập cú chết người vào tâm điểm địch quân...bên đạt ưu thế bầu trời trước sẽ có ưu thế quyết định trong chiến tranh. Một quốc gia mất quyền làm chủ bầu trời sẽ chịu thiệt hại to lớn. Như vậy, “làm chủ bầu trời có nghĩa là chiến thắng. Những quốc gia thất bại trong việc làm chủ bầu trời chịu số phận thất bại và phải chấp nhận mọi điều kiện bên thắng đưa ra.”

.

PV. Ông có nghĩ là quân đội – nói rộng ra là bộ binh – sẽ biến khỏi vũ đài lịch sử, đúng như đại tá Sripocinko, viện sĩ viện Khoa Học Quân Sự Nga, đã nói?

Trung tướng Lưu Á Châu: Cách mạng đã thành hình. Nhiều nước liên tiếp đã bỏ học thuyết “chiến thắng bằng số lượng”. Các nước tiến hành tinh giảm quân đội – xuống độ thích hợp. Quân đội Hoa Kỳ giảm từ trên 2 triệu xuống hơn 1 triệu quân, trong khi quân đội Pháp giảm từ 560.000 xuống 400.000. Thống kê của Viện Chiến Lược Quốc Gia ở Luân Đôn cho thấy trong năm 1985 tổng quân số thế giới là 30 triệu, và giảm xuống hơn 20 triệu một chút. Và Hoa Kỳ luôn dẫn đầu thế giới.

Có màn khói dày đặc trong Chiến Tranh Iraq. Làm như những trận đánh và quân đội truyền thống đã hồi sinh. Nhưng những ai tin vào điều đó đã bị Hoa Kỳ đánh lừa. Tôi có hai điểm muốn nhấn mạnh lần nữa.

Điểm đầu tiên, dù Sư Đoàn Bộ Binh Cơ Giới của Hoa Kỳ tiến rất xa, không có lợi thế không quân yểm trợ, nó vẫn gặp khó khăn khi tiến quân. Nếu có ai đó nói rằng quân đội truyền thống vẫn còn vai trò nào đó trong tương lai, người đó nên đừng bao giờ quên rằng nó được bảo đảm bằng chuyện làm chủ bầu trời. Điểm thứ hai, Sư Đoàn Thiết Giáp và Sư Đoàn Bộ Binh Iraq đều là lực lượng phòng ngự, sư đoàn nào là quân bộ? Tấn công và phòng ngự trộn lẫn, đó sẽ là cách bố trí căn bản của quân đội truyền thống trong tương lai.

Quân đội truyền thống có lịch sử ngàn năm. Ngày nay nó đang hồi kết thúc. Con người đang tiến đến thời đại thông tin. Quân đội ngày nay dĩ nhiên khác quân đội thời cơ khí. Quy luật lịch sử là đào thải những lối sống cũ lấy mới và tiến với thời đại. Chúng ta cũng không tiếp tục xài gươm cán dài thời Guan Yu (Hoàng Đế?), phải không?

.

PV. Nhiều người đã công bố “thời đại Không Quân” khi thấy kỷ lục “thương vong zero” của phía tấn công trong Chiến Tranh Kosovo. Họ sẽ tuyên bố rằng “quân đội đã sống lại” và rằng “chiến tranh đối kháng vẫn còn hợp thời” khi lại thấy bộ binh quân số lớn được dùng trong Chiến Tranh Iraq. Hoa Kỳ đánh mỗi cuộc chiến một cách khác nhau.

Trung tướng Lưu Á Châu: Lỗi đó đơn giản khó tránh nếu một người chỉ nhìn một phần của toàn thể.Không có gì có thể cản đường phát triển các xu thế trong lãnh vực quân sự. Chúng ta phải thấy về phương diện lịch sử, không cần phải quan sát một quá khứ xa, một trăm năm có thể cho thấy các xu hướng trong lãnh vực quân sự. Và rằng, chiến trường dần nâng cao, và khoảng cách các bên tham chiến càng ngày càng xa hơn. Năm 1900, binh lính nhà Thanh còn dùng gươm giáo dài trong các chiến trận, giết và bị giết trong vài mét. Súng của Bát Quốc Liên Quân mở rộng khoảng cách lên 100 mét. Sau đó là đại bác đưa khoảng cách lên nhiều km hay chục km. Sau này xe tăng và máy bay nối dài khoảng cách lên hàng trăm km. Xa hơn, là hỏa tiễn. Cuối cùng, vì bây giờ cả năm yếu tố bầu trời, vũ trụ, mặt đất, đại dương, và điện tử được hòa chung, là thời không-đối-mặt. Chiến tranh kế tiếp có thể là không người lái.

Năm 2000, Hoa Kỳ đưa ra chiến lược “cảnh báo toàn cầu, mục tiêu toàn cầu và sức mạnh toàn cầu” trong đó chiến đấu cơ vũ trụ có thể bay vào không gian và tấn công một muc tiêu dưới đất trong chưa đầy một tiếng. Năm 2020, không quân Hoa Kỳ có bốn lớp: lớp B-2, lớp F-22, lớp phi cơ tiềm kích hỗn hợp và lớp chiến đấu cơ không người lái, tất cả đều có đặc tính tàng hình. Nhiều nguyên tắc chiến tranh tương lai của Hoa Kỳ thực ra đã được phô diễn trong Chiến Tranh Iraq. Thí dụ, sử dụng rộng rãi oanh tạc cơ tàng hình và máy bay không người lái. Thời đại chiến tranh không người lái đang tới gần. Hỏa tiễn và oanh tạc cơ được dẫn đường sẽ rơi như mưa đá trên trời xuống. Ngay cả chiến đấu cơ cũng phải là tàng hình, dù là không người lái. Quân đội Hoa Kỳ ngưng đánh mặt đối mặt với địch thủ từ bốn thập kỷ trước. Nó đã đi trước các đối thủ xa. Theo kỹ thuật mà nói, chúng ta hiện nay không bắt kịp Hoa Kỳ, nhưng chúng ta phải bắt kịp trên phương diện học thuật, ít nhất cũng không để rơi lại sau quá xa.

.

PV. Không quân đóng vai trào nào trong chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ?

Trung tướng Lưu Á Châu: Có thể nói không quân là ngọn giáo bén hiện thực hóa tham vọng quốc gia của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có thể hãnh diện nhìn xuống các quốc gia còn lại nhờ “ngọn giáo” này. Hai thập niên trước nó được gọi là “cảnh sát quốc tế”, ngày nay là “đế chế quốc tế”.

.

PV. Vài sử gia Tây Phương nói rằng trong lịch sử loài người, chưa bao giờ có một đế chế có tầm kiểm soát toàn cầu và khả năng can thiệp như Hoa Kỳ.

Trung tướng Lưu Á Châu: Hai thập niên trước, Hoa Kỳ vẫn thỉnh thoảng còn có thể bị địch thủ nhỏ hơn và yếu hơn đánh bại thảm hại. Hai thập kỷ sau, Hoa Kỳ ngày nay không địch thủ trong nghĩa đối kháng với nó, và nó trở nên kiêu ngạo. Đó là vì cách người ta đánh nhau đã thay đổi. Kết quả là luật chơi chính trị quốc tế cũng thay đổi. Giống như thiết kỵ xác định vị thế Đế Quốc La Mã, Hải Quân Anh xác định vị thế Đế Quốc Anh, Hoa Kỳ muốn thiết lập chỗ đứng như siêu cường duy nhất trên thế giới bằng không quân của mình. Không lực Hoa Kỳ có kế hoạch biến mình thành không lực không đối thủ vốn có thể có mặt bất kỳ đâu vào bất cứ lúc nào, trong thập niên tới tới ba thập niên sau

.

Phần III. Bản chất Chiến Tranh Iraq: Tin Học Hóa

.

PV. Ông vừa nói về kết quả và đặc điểm Chiến Tranh Iraq. Ông có thể nói về bản chất của cuộc chiến này không?

Trung tướng Lưu Á Châu: Ngắn gọn, bản chất cuộc chiến này là tin học hóa, mà chủ tịch Giang trạch Dân đã lưu ý trong Chiến Tranh Vùng Vịnh năm 1991. Trong những thập niên qua, ông thường nhắc đến đề tài tin học hóa – hầu như mỗi khi ông gặp các đại biểu quân đội.

Sau những trận chiến trước là gì? Tổng lực sức mạnh quốc gia. Chiến tranh mới thì sao? Khoa học và kỹ thuật. Tất cả mọi phát minh và sáng tạo quan trọng đều đầu tiên và phải được dùng cho chiến tranh, có thể là bị bắt buộc. Lịch sử nhiều lần chứng minh điều đó. Ngược lại, nếu khoa học và kỹ thuật của một quốc gia tụt hậu, quân đội của quốc gia đó cảm nhận sâu nhất và chịu tổn thất nhiều nhất. Những vũ khí Hoa Kỳ dùng trong Chiến Tranh Iraq đã sử dụng những phát minh và kiến thức khoa học tiên tiến nhất. Gồm Cơ Học Newton, Động Lực Học, Cơ Lượng Tử, Động Điện Lực, Thuyết Tương Đối Hẹp và Rộng, Hóa Hữu Cơ và Vô Cơ, Mạng Điện Toán. Những danh mục còn có thể kéo dài hàng chục trang nữa.

Đây là cuộc cách mạng hoàn toàn mới và mở ra một kỷ nguyên mới. Nó thay đổi kiểu triển khai bộ binh tầm cỡ lớn trong chiến tranh trên mặt đất, sang chiến tranh dựa trên sức mạnh làm chủ bầu trời bằng hệ thống điện tử kỹ thuật cao, và hoàn thành các muc tiêu chiến lược bằng các chiến dịch trên không.

.

PV. Tin học hóa có phải là đề cao vũ khí số hóa?

Trung tướng Lưu Á Châu: Tôi nghĩ có 3 cấp tin học hóa: cấp vũ khí điện tử, những hệ thống hành binh trên mạng, sự thay đổi từ tấn công chiến lược sang chiến tranh tâm lý.

Thomson có nói: “tin học hóa không chỉ là vũ khí, nó cũng là kỹ thuật mới vốn thay đổi văn hóa chiến tranh và các xu hướng tâm lý. Nó có thể thay đổi mọi thứ. Những thay đổi nó mang lại mạnh hơn bất kỳ thứ nào khác, có thể mạnh hơn những thay đổi do xe tăng, tầu ngầm và ngay cả bom nguyên tử”.

Có một điểm chung trong tất cả những cuộc chiến Hoa Kỳ tham dự trong hai thập niên qua: không có đội quân nào chống lại được Hoa Kỳ. Lý do chính là sự đối đầu và đối kháng giữa hệ thống của hai bên đã làm cho chiến tranh ở cấp đối cấp chống lại quân đội Hoa Kỳ là không thể được. Năm 1999 trong Chiến Tranh Kosovo, chỉ huy trưởng không quân Liên Bang Nam Tư lái một chiến đấu cơ MIG, ráng cự lại chiến đấu cơ NATO. Nhưng ra đa của Nam Tư bị nhiễu, và liên lạc từ và tới chiến đấu cơ MIG bị gián đoạn. Chỉ huy trưởng không thể thấy địch quân ở đâu. Tệ hơn nữa, ông ở trong tầm ngắm của địch. Chiến đấu cơ MIG bị một chiến đấu cơ Hà Lan bắn và vỡ tan ngay sau khi cất cánh. Năm máy bay khác cũng bị bắn hạ 5 phút sau khi rời đường băng. Hầu hết hỏa tiễn đối không cũng chỉ sống được không quá 5 phút.

.

PV. Suốt cuộc chiến Iraq, người ta không thấy có trận không chiến nào, cũng không có trận đấu tăng nào. Khi có một cơn bão cát, Cảnh Vệ Cộng Hòa Iraq cố tận dụng và đưa hơn ngàn chiếc tăng phản kích quân Hoa Kỳ. Nhưng ngay khi di chuyển, đã bị máy bay và vệ tinh trinh sát phát hiện. Kết quả, họ bị trực thăng vũ trang và những đơn vị phối hợp đè bẹp và tàn sát. Giấc mơ có trận đấu tăng quyết định ở Kirsk tan theo những đợt bom áp đảo.

Trung tướng Lưu Á Châu: Hình ảnh chiến tranh không thể không dẫn tới mức thứ 3 của chiến tranh tin học: chiến tranh tâm lý. Có thể nói chiến tranh tâm lý là điểm đặc trưng đáng kinh ngạc nhất của Chiến Tranh Iraq.

Tôi luôn nghĩ chiến tranh tâm lý thuộc về phạm trù chiến tranh tin học. Có chiến tranh tâm lý từ khi có chiến tranh. Đó là một trong những hình thái khác nhau của chiến tranh, và là một cuộc đua vươn xa hơn không gian thể lý. Nghệ thuật chiến tranh của Tôn Tử đã nghiệm ra rằng tấn công tâm lý đi đầu trong mọi chiến thuật, và đỉnh cao nhất trong chiến tranh là một bên thắng địch mà không phải đánh trận nào. Trường hợp không-trận-nào của Tôn Tử chỉ có thể đạt được sau những đối đầu tâm lý căng thẳng.

Chiến tranh tâm lý Hoa Kỳ đưa ra chống Iraq đã được hoạch định kỹ. Nó lộ ra theo thứ tự chiến lược-chiến dịch-chiến thuật đã được phác họa kỹ, khác mọi cuộc chiến Hoa Kỳ tham gia trước đó. Nó đánh dấu, qua hình thức chiến tranh độc lập, chiến tranh tâm lý đã xuất hiện lần đầu trên sân khấu chiến tranh.

.

PV. Làm sao chúng ta có thể hiểu được chiến tranh tâm lý trên nhiều mức độ?

Trung tướng Lưu Á Châu: Hãy lấy Chiến Tranh Iraq làm thí dụ. Chiến tranh tâm lý trên bình diện chiến lược liên quan tới những nỗ lực bắt đối phương chấp nhận điều kiện của mình trong lãnh vực ngoại giao. Nó liên quan tới một tổng hợp sức mạnh quốc gia, và phải dùng đến các phương tiện chính trị, kinh tế và ngoại giao và sự nhụt chí về quân sự. Thí dụ, Hoa Kỳ ngay từ đầu đã gửi tối hậu thư cho Iraq qua Liên Hiệp Quốc. Nó cũng tuyên bố rõ rằng cách duy nhất tránh chiến tranh là Saddam phải bị lưu đày. Cùng lúc, Hoa Kỳ bắt đầu triển khai quân mức độ lớn ở Vùng Vịnh. Nhân tiện, việc Hoa Kỳ chủ ý bắt đầu Chiến Tranh Iraq cũng tự nó là chiến tranh tâm lý chống toàn thế giới, có liên quan đến mục tiêu căn bản đứng sau Chiến Tranh Iraq. Bạn sẽ thấy là cả thế giới trở nên dễ uốn hơn, nếu bạn quan sát đủ cẩn thận. Căng thẳng về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng không cứng nhắc như trước.

Vài khả năng có thỏa thuận hòa bình cho xung đột giữa Israel và Palestin (?) (Pakistan trong nguyên bản) cũng hiện ra.

.

PV. Trong cuộc chiến này, hình như nhân dân Iraq không ủng hộ chế độ Saddam chút nào.

Trung tướng Lưu Á Châu: Không chút nào. Không có con đường nào bị phá, không cầu bị đánh bom, không mìn nào được đặt. Vài nơi, dân chúng còn hoan nghênh quân đội Hoa Kỳ tới. Một vài chuyên gia quân sự của chúng ta đã mong có chiến tranh nhân dân ở Iraq. Câu “chiến tranh nhân dân” nghe vui tai thật, tiền đề cho chiến tranh đó là nhân dân muốn hy sinh.

Khó nói có bao nhiêu người Iraq muốn chiến đấu hay chết để bảo vệ Saddam. Chiến tranh nhân dân liên quan tới nhuệ khí, nó giống một khái niệm chính trị (hơn bất kỳ cái gì khác). Chỉ những người nhân dân quý mến mới có thể phát động chiến tranh nhân dân. Ai chống lại nhân dân, sẽ phải đánh nhau một mình. Những trận chiến Saddam đánh là những trận chiến cá nhân. Chiến tranh Iraq-Iran là thế, chiến tranh Iraq chống Kuwait, chiến tranh Vùng Vịnh và chiến tranh Iraq.

Cuộc chiến Nha Phiến và cuộc chiến Iraq cho ta thấy, “Mọi chế độ chuyên chế và những chính quyền thối nát đều giống nhau ở chỗ chúng là chuyên gia nội chiến và nói dối nhân dân trong chiến tranh với lực lượng nước ngoài. Khi nhân dân bị thông tin kém, tinh thần dân và lính có thể còn tồn tại. Một khi dân biết câu chuyện bên trong, cộng thêm ngoại xâm, những chính quyền đó phải xụp đổ.” Khi phát động chiến tranh tâm lý, Hoa Kỳ để cho nhân dân Iraq biết Saddam là loại người gì, và đảng Baath là đảng gì.

Cán bộ tham nhũng chắc chắn làm nhân dân ca thán. Trong trường hợp đó, chuyện quan trọng nhất chính quyền phải làm là đàn áp sự chống đối bên trong, làm họ mất khả năng chiến đấu chống ngoại xâm. Lịch sử đã chỉ ra rằng một chính quyền thối nát không bao giờ thắng trận chiến với lực lượng nước ngoài. Tôi có một câu hy vọng bạn nhớ: nếu một chính quyền không lo cho dân mình, thì dân mình cũng không lo cho chính quyền.

.

PV. Những điều ông vừa nói có thuộc phạm trù chiến tranh tâm lý không?

Trung tướng Lưu Á Châu: Nó thuộc hình thái chiến tranh tâm lý cao nhất. Lịch sử cho thấy chiến tranh tâm lý vượt trội tất cả các hình thức khác. Hàng ngàn năm qua con người luôn đeo đuổi chiến tranh trong đó một nước chiến thắng mà không hoặc ít phải đánh nhau. Chỉ trong thời đại tin học mà khả năng đó lần đầu trở nên hiện thực. Đó là phát hiện lớn nhất cuộc chiến này đem lại cho thế giới và cho tương lai.

3-9-10

.

.

.

No comments: