Thursday, September 2, 2010

PHẢI BUỘC TRUNG QUỐC ĐÀM PHÁN ĐA PHƯƠNG VỀ BIỂN ĐÔNG

'Phải buộc Trung Quốc đàm phán đa phương về biển Đông'

Yomiuri Shimbun

Cập nhật lúc :7:32 AM, 01/09/2010

http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/Phai-buoc-Trung-Quoc-dam-phan-da-phuong-ve-bien-Dong/20109/110260.datviet

Tờ báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun kêu gọi các nước có quan ngại về biển Đông hợp tác, buộc Trung Quốc ngồi vào bàn hội nghị đa phương nhằm giảm căng thẳng tại biển Đông.

>> Trung Quốc tập trận, phô trương thanh thế nhưng tránh đối đầu Mỹ trực diện

Tăng cường hiện diện

Yomiuri Shimbun khẳng định, biển Đông là nơi thông thương của nhiều tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nối liền Trung Đông với Đông Bắc Á. Không một nước nào được phép độc quyền di chuyển trong khu vực.

Dù vậy, Trung Quốc có nhiều hành động phô trương sức mạnh để khẳng định chủ quyền tại biển Đông, làm tình hình căng thẳng và gây lo ngại cho các nước láng giềng.

Cụ thể thì theo Yomiuri Shimbun, Trung Quốc đang sử dụng hải quân hùng mạnh của mình tiến vào biển Đông, đầu mối quan trọng của các tuyến đường biển quốc tế, buộc Mỹ và các nước châu Á ngày càng cảnh giác trước động thái của Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc gây ra hiềm khích với các nước khác khi phái chiến hạm vào khu vực trên với cớ là bảo vệ tàu thuyền đánh cá của họ; cũng như đẩy nhanh việc xây dựng căn cứ tàu ngầm lớn trên đảo Hải Nam ngay trong biển Đông.

Trung Quốc còn sử dụng khái niệm “quyền lợi cốt lõi” liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ như khi đề cập đến Đài Loan và Tây Tạng, càng làm tăng những mối lo ngại về ý đồ có thể có của Trung Quốc.

Giáo sư Carlyle A. Thayer khẳng định, trong ít nhất ba năm qua, Trung Quốc ngày càng cương quyết trong việc khẳng định chủ quyền ở biển Đông. Các cáo buộc của rằng Mỹ đang xúi giục nhiều quốc gia trong khu vực chỉ trích Trung Quốc là không đúng; mà ngược lại, Bắc Kinh mới là người đứng sau, có nhiều hành động chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và làm xói mòn các liên minh của Mỹ với nhiều nước trong khu vực.

Theo Yomiuri Shimbun, hàng loạt hành động trên có thể hiểu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đặt toàn bộ biển Đông dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, không chỉ để bảo vệ quyền lợi về dầu và tài nguyên biển của họ, mà còn vì lý do quân sự, chẳng hạn như để ngăn chặn bất kỳ hành động can thiệp nào của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến Đài Loan.

"Chia để trị?"

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc kiên trì lập trường đàm phán song phương một cách riêng lẻ với các nước liên quan trong vấn đề biển Đông bởi như vậy, họ có thể tận dụng được ưu thế vượt trội của mình so với các nước khác.

Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế biển thuộc Viện nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc Lý Kiến Vĩ cho rằng, đàm phán về biên giới giữa hai quốc gia thì luôn luôn phải là đàm phán song phương vì đây là biện pháp hiệu quả hơn cả. Ngay cả khi có bên thứ 3 liên quan thì đàm phán song phương vẫn phải là nguyên tắc chủ đạo để đạt kết quả chứ không nên mang ra diễn đàn chung.

Ngoài ra, các nước, không chỉ Trung Quốc, có cách hiểu khác nhau về chủ đề này, dựa trên cơ sở lịch sử, kinh nghiệm thực tiễn của mình và một diễn đàn chung chỉ làm cho cuộc nói chuyện thêm rối rắm.

Sau đó, bà Vĩ khẳng định Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình giữa các quốc gia liên quan, dựa trên luật pháp quốc tế, trong có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).


Ngược với Trung Quốc, Yomiuri Shimbun kêu gọi các nước có quan ngại về biển Đông hợp tác với nhau, buộc Trung Quốc ngồi vào bàn hội nghị đa phương nhằm giảm căng thẳng tại biển Đông.

Theo đó, sẽ là điều hợp lý khi tổ chức các cuộc đàm phán đa quốc gia giữa các nước có quyền lợi trong khu vực để thảo luận về phương cách giảm bớt căng thẳng và các biện pháp xây dựng lòng tin. Một trong những giải pháp tốt nhất là đưa vấn đề này ra xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) mà Mỹ cũng tham gia.

Giáo sư Carlyle A. Thayer cho rằng, sự lớn mạnh của EAS sẽ phá vỡ lợi thế của Trung Quốc như thời gian trước, khi Mỹ vắng mặt thì Bắc Kinh “làm mưa làm gió” trong khuôn khổ ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Riêng về phần Nhật Bản, Yomiuri Shimbun kêu gọi Tokyo tăng cường hợp tác với Mỹ, Ấn Độ và các nước có liên quan để giải quyết vấn đề. Chính phủ Nhật Bản nên chủ động tận dụng lợi thế của các cuộc đối thoại đó để phát huy những hành động chung nhằm giảm bớt căng thẳng ở biển Đông.

Trong khi đó, Giáo sư Carlyle A. Thayer cho rằng, giờ là lúc Mỹ cần tăng cường sự hiện diện nhiều hơn trong khu vực chứ không nên dừng lại ở việc tập trận với Hàn Quốc, hay cử hàng không mẫu hạm George Washington đậu ngoài khơi Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chương mới cho khu vực?

Giáo sư Carlyle A. Thayer cho rằng, thập kỷ Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á bằng sức mạnh mềm sắp kết thúc bởi “gió đang đổi chiều”. Giờ là lúc Mỹ quay lại khu vực này với sức mạnh thông minh, lấn át sức mạnh mềm trong sự chào đón của nhiều nước khu vực.

Cùng với đó là việc khu vực đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng một cấu trúc an ninh và mở rộng thêm các lĩnh vực hợp tác, không còn là "ao nhà" của riêng Trung Quốc. Việc lần đầu các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN nhóm họp tại Hà Nội hôm 12/10 cùng 8 đối tác là một dấu hiệu rõ ràng cho xu hướng này.

Do đó, nếu Trung Quốc không nhận ra xu hướng mới mà tiếp tục chính sách cũ, họ sẽ bị cô lập về ngoại giao và họ sẽ bị suy yếu.

------------------------------

Yomiuri Shimbun là tờ báo lớn nhất tại Nhật Bản, rất có uy tín, với lượng phát hành hơn 10 triệu bản mỗi ngày.

Trần Lâm (tổng hợp)

.

.

.

No comments: