Thursday, September 2, 2010

CUỘC TRANH LUẬN VỀ "MÔ HÌNH TRUNG QUỐC" TRÊN TỜ THE ECONOMIST

Cuộc tranh luận về "Mô Hình Trung Quốc" trên tờ Economist (1)

Theo tờ Economist

Mai Việt Tú chuyển ngữ

Thứ Năm, 02/09/2010

http://danluan.org/node/6291

Xin cảm ơn độc giả Mai Việt Tú, và độc giả Trần Thị Hồng Sương, đã tham gia chuyển ngữ cuộc tranh luận "Mô hình Trung Quốc" theo kêu gọi của Dân Luận. Chúng tôi mong rằng qua bản dịch này, độc giả không chỉ nắm được những thông tin nhiều chiều về "mô hình Trung Quốc", mà còn học được phương pháp tranh luận của các bên tham gia.

-----------------------------------

Lời người dịch

Mặc dù không có thì giờ lướt mạng nhưng khi đi qua danluan.org thấy cần người dịch bài này. Tôi thấy cũng hay nên thức vài đêm thử dich xem sao mặc dù tiếng Việt không giỏi bằng tiếng Anh cho lắm.

Dĩ nhiên tôi muốn giữ bài dịch càng sát với bài gốc nhưng vì bài viết này có trình độ hơi cao nên có nhiều đoạn không thể dịch sát nghĩa mà phải đọc những tham khảo liên hệ rồi mô tả bằng tiếng việt cho đúng ý gốc. Ngoài ra, tôi có thêm một số giải thích làm cho rõ bắt đầu bằng MVT.

Hệ thống độc tài tại Việt Nam dù cho bất cứ hình thức độc tài nào cũng sẽ là điểm yếu cho quốc gia tạo sự nô lệ cho ngoại bang lũng đoạn kể cả TQ và Mỹ.

Sau bao lần chống trả, Vân Nam đã rơi vào quỹ đạo của TQ (xưa) vào thế kỷ 13 mà cho đến thế kỷ 21 này còn chết dí không thoát được. Trong khi cũng tại cái thế kỷ 13 ấy, cái Hội Nghị Diên Hồng đã đưa dân tộc Việt thoát khỏi cái quỹ đạo đó. Nếu các bạn có thì giờ nên đọc cuốn sách “Southern Expansion of the Chinese People: Southern Fields and Southern Ocean” (Sự xâm lăng theo hướng nam của người Tàu: Đất phía nam và Biển phía nam) của giáo sư tiến sĩ Charles Patrick Fitzerald của viện Đại Học Quốc Gia Úc, sách viết năm 1972 ấn bản tại Anh Quốc.

Hệ thống chính trị Việt Nam bây giờ sẽ đưa đến mất nước là điều tất yếu. Chỉ có một hệ thống Diên Hồng đúng đắn để đưa nước Việt tồn tại đời đời. Sau khi xem qua một số mô hình trên thế giới, tôi thấy nước Việt có thể xử dụng mô hình của Úc với một số thay đổi. Nước Anh đã để lại những nước họ đô hộ một gia tài quí báu là hệ thống quản trị. Sự linh động của mô hình tập trung vào quốc hội và từ đó đẻ ra chính phủ của Diên Hồng. Những lãnh đạo bộ trưởng kể cả thủ tướng của Úc cũng có thể bị đào thải ngay trong cái điện ấy mà chưa cần đến tiếng nói tối cao của dân. Trách nhiệm của những cơ quan quyền lực như thuế má, cảnh sát v.v... đều dưới sự kiểm soát của quốc hội. Tôi hy vọng có thì giờ viết một bài chi tiết để phân tách về mô hình đúng đắn cho nước Việt Nam.

Mai Việt Tú (MVT)
(Mai này nước Việt đẹp hơn)
Tháng 9 năm 2010

--------------------------------------

.

James Miles – người mở đầu cho đề tài và là người điều tiết thảo luận

Nhiều nhà quan sát nhận xét sự tự hào – thậm chí là ngạo mạn – của nhiều quan chức Trung Quốc (TQ) từ lúc cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2008 bùng nổ. Kinh tế của TQ, mặc dù nhận cả một quả đấm vào khu vực xuất khẩu, vẫn được đẩy mạnh. Hàng triệu công nhân mất việc vào những tháng đầu (của khủng hoảng), nhưng bây giờ các nhà máy không kiếm đủ công nhân và lương bổng đang bắt đầu gia tăng. Không cần đến các cuộc tranh luận một cách dân chủ về tình hình, TQ đơn giản là đã ra lệnh cho ngân hàng của họ mở vòi và tiền tệ lập tức lưu thông. Ngày xưa, hiếm ai ở phương Tây nằm mơ rằng mình sẽ cất tiếng ca tụng một quốc gia độc đảng (mà lại còn là một quốc gia cộng sản không dấu diếm), với thái độ nước đôi đối với nền kinh tế tư nhân và một sự khinh miệt tuyệt đối dành cho những ai bất đồng chính kiến. Giờ đây, thảo luận về một “mô hình Trung Quốc”, hoặc một “đồng thuận Bắc Kinh”, đã và đang trở thành sôi nổi và rộng khắp.

Thật là thú vị, không phải một người TQ mà là một người Mỹ, Joshua Cooper Ramo, là người đã sáng tạo ra thuật ngữ "sự đồng thuận Bắc Kinh" vào năm 2004. Ông Ramo, một cựu biên tập của báo Time, viết là TQ đang trong quá trình xây dựng “một siêu cường vĩ đại không đối thủ mà thế giới chưa từng thấy, một quốc gia ít dựa vào các công cụ truyền thống để phóng chiếu quyền lực hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử, và lãnh đạo [thế giới] bằng ví dụ bản thân cũng như kích thước đáng sợ của mình". Ông tiếp tục nói rằng TQ đã “vẽ một con đường cho các quốc gia khác trên thế giới, những người đang cố gắng tìm kiếm không chỉ con đường phát triển quốc gia, mà còn làm thế nào hòa hợp vào trật tự quốc tế theo cách mà họ thật sự độc lập". Con đường của Trung Quốc, ông nói, linh động đến mức mà khó có thể coi đó là một học thuyết. Nhưng nó đứng đó, đối đầu với sự đồng thuận Washington và nó “chấm dứt một lịch sử của sự ngang tàng” (của Mỹ).

Điều khiến người ta thú vị là bản thân các trí thức TQ cũng hồ hởi về tạo lập một con đường khác với con đường của Mỹ. Lãnh đạo TQ đã từ lâu dè dặt sơn phết quốc gia của họ là trọng tâm của thế giới, họ lo sợ là nếu làm như vậy có thể lôi kéo chính họ vào sự đối đầu với các siêu cường đang cạnh tranh với họ. Nhưng lúc này đã có những dấu hiệu của sự thay đổi. Quyền lực kinh tế TQ, giữa sự khó chịu của phương Tây, đã bắt đầu khuyến khích nó can thiệp lớn hơn ra ngoài. TQ đang bắt đầu làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe trong quá trình hình thành trật tự thế giới, từ thế giới tài chính cho đến an ninh toàn cầu. Hàng loạt sách vở và bài viết đã và đang xuất hiện gần đây tại TQ quả quyết, hoặc tranh luận, một hình ảnh ẩn hiện của một “mô hình TQ”. Bài thảo luận có tính cách kích động của ông Ramo đã và đang trở thành thực tiễn.

Mặc dù thuật ngữ này chưa được định nghĩa một cách rõ ràng - không có sự đồng thuận nào về định nghĩa "mô hình Trung Quốc" hay "sự đồng thuận Bắc Kinh" - tôi vẫn mong những người tham gia (buổi tranh luận lần này) suy nghĩ về cuộc tranh luận theo chiều hướng như thế này: Có phải TQ, theo cách mà nó đang phát triển, đã làm đúng điều gì đó, mà các quốc gia phát triển, có nền dân chủ và kinh tế thị trường, lại làm sai? Nếu là như vậy, các quốc gia phát triển có nên thay đổi cách nghĩ về các hệ thống kinh tế và chính trị khác họ, và cách mà họ đang cố gắng định hướng cho các quốc gia nghèo, đang phát triển trên toàn thế giới? Nếu, giả sử rằng, hệ thống độc tài của Trung Quốc dã giúp nó phản ứng nhanh chóng và quyết đoán trước sự sụp đổ của kinh tế toàn cầu, liệu chúng ta có nên hạn chế dân chủ? Nếu đối phó với những vấn đề - mà với nhiều người - còn lớn hơn, như thay đổi khí hậu, cần đến những nỗ lực nhanh chóng và có tác động rộng rãi để giảm lượng khí thải nhà kính, liệu chúng ta có nên tha thứ cho tình yêu của Trung Quốc dành cho hệ thống độc tài? Hay là sự thảo luận của một “mô hình TQ” lại che đậy sự yếu kém trong hệ thống của TQ, mà những yếu kém này sẽ hiện hình trong những năm sau này và làm thay đổi ý kiến của toàn cầu trở lại với chiều hướng kia (dân chủ đi với kinh tế thị trường)? Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc thường kích thích những tranh luận nảy lửa giữa các độc giả của tờ Economist. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận sinh động.

.

.

.

Cuộc tranh luận về "Mô Hình Trung Quốc" trên tờ Economist (2)

Theo tờ Economist

Mai Việt Tú chuyển ngữ

Thứ Sáu, 03/09/2010

http://danluan.org/node/6292

Xin cảm ơn độc giả Mai Việt Tú, và độc giả Trần Thị Hồng Sương, đã tham gia chuyển ngữ cuộc tranh luận "Mô hình Trung Quốc" theo kêu gọi của Dân Luận. Chúng tôi mong rằng qua bản dịch này, độc giả không chỉ nắm được những thông tin nhiều chiều về "mô hình Trung Quốc", mà còn học được phương pháp tranh luận của các bên tham gia.

----------------------------------

.

Stefan Halper – người bảo vệ mô hình TQ

Báo Economist đưa ra một tranh luận hứng thú, nhưng hình ảnh của nó đã sai lệch: “mô hình" TQ không phải là tốt hơn hay tệ hơn, mà là sự khác nhau. Hơn nữa, nó không nên được xem là “mô hình” và không nên tư duy theo chiều hướng như vậy. Trong cuốn sách của tôi, “Sự Đồng Thuận Bắc Kinh”, tôi mô tả nó như là một tập hợp phức tạp của những sự phát triển và đổi mới trong hơn 30 năm qua mà sự thành công do từ chất lượng đặc thù của văn hóa, nhân khẩu, địa lý và triết lý quản trị của TQ. Theo hướng tư duy như vậy, không có một “mô hình” nào để người ta bàn rằng có thể được sao chép hay xuất cảng đến những nơi như Châu Mỹ La-tinh hoặc vùng dưới Sahara của Phi Châu.

Đây không phải đề nghị rằng những nước đang phát triển – và các nước khác – trên thế giới đừng nên đi theo sát ví dụ của TQ và cố gắng thực hiện những chương trình giống hệt TQ. Những quốc gia từ Iran cho đến Miến Điện cho đến Venezuela đã và đang ăn cắp sáng tạo của TQ để giải quyết các vấn đề; chẳng hạn như những phương thức kiểm soát internet của Trung Quốc đang được ứng dụng tại Iran.

Nếu bỏ qua những chi tiết cơ bản của quá trình 30 năm đổi mới vĩ đại, chúng ta sẽ thấy thách thức thực sự của Trung Quốc. Họ xuất cảng một cái gì đơn giản hơn, hấp dẫn hơn đối với nhiều người và thực sự đang bào mòn vị trí thống trị của phương Tây. Đó là khái niệm cơ bản về chủ nghĩa độc tài thị trường (market authoritarianism) (MVT: Việt Nam rập khuôn mô hình của TQ và đặt tên là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”). Trên tất cả những thứ mà TQ gặt hái được và trên tất cả các thứ mà TQ bán cho thế giới, TQ chính là cái bảng quảng cáo lớn nhất cho con đường “hướng tới tư bản và vẫn duy trì nền độc tài”.

Sự quan trọng của vấn đề thật ra ít liên quan tới “những mô hình phát triển”, mà liên quan nhiều hơn đến thắng lợi trên mặt trận tư tưởng về mối quan hệ tối ưu giữa người cai trị và kẻ bị cai trị. Như đã nói chi tiết trong cuốn sách “Sự Đồng Thuận Bắc Kinh”, TQ đề cao các giá trị và tiêu chuẩn mang tính thách thức nền tảng hệ thống quản trị phương Tây và thu hút được sự chú ý mãnh liệt của tầng lớp ưu tú lãnh đạo ở "phần thế giới phía ngoài phương Tây". Nó (giá trị và tiêu chuẩn kiểu TQ) hứa hẹn với các vị lãnh đạo một quyền lực tuyệt đối mà không cần đến những người đại diện cho nhân dân trong hệ thống lập pháp, hoặc đám báo chí đầy thách thức, và nó cũng hứa hẹn với dân chúng công ăn việc làm, nhà cửa và một tương lai khá hơn. Nó chứng minh rằng cải tiến môi trường, nâng cao điều kiện bảo vệ lao động và dịch vụ xã hội có thể dẹp tạm qua một bên một thời gian để tạo ra “tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mặt”. Mấu chốt là nó không hứa hẹn một quảng trường công cộng để dân chúng biểu tình, hay các quyền về tự do ngôn luận, tín ngưỡng, hoặc hội họp. Dân chúng được gò ép tuân thủ người cầm quyền và tránh xa chính trị.

Thế nhưng, thành quả của TQ vẫn rất đáng nể. Đó là một quốc gia nghèo thuộc “thế giới thứ ba” đã vượt đến đỉnh cao của sức mạnh trên thế giới và, một cách ngạc nhiên, tạo ra sự ganh ghét của những quốc gia khác muốn thành đạt tương tự.

Hãy nhìn sơ qua một vài con số:

Tốc độ tăng trưởng của TQ ở đạt mức trung bình 11% mỗi năm trong suốt 30 năm qua. Dự trữ ngoại tệ mạnh của TQ lớn nhất thế giới, khoảng 2000 tỷ (MVT: không nói rõ nhưng có lẽ $US). Trong khi phương Tây chật vật mới tăng trưởng dương trong thời kỳ khủng hoảng 2007-2009, TQ tăng trưởng hơn 8%. Từ năm 1980 hàng trăm triệu người được đưa ra khỏi mức độ nghèo: theo thống kê của chính phủ TQ, tỷ lệ nghèo (định nghĩa theo lợi tức gia đình $7000 một năm) giảm bởi 50.5% từ năm 1981 đến 2005. Số trẻ tử vong giảm gần 40% từ năm 1990 đến 2005; xử dụng điện thoại trong khoảng thời gian này tăng hơn 94 lần, đến 57.1%. Lợi tức tiêu xài và tỷ lệ mua sắm gia tăng bởi 18% một năm, so sánh với Mỹ chỉ có 2%. Hơn nữa, có một sự gia tăng mạnh trong tỷ lệ làm chủ nhà ở TQ. Cho đến năm 2007, 80% nhà nằm ở các thành phố của TQ được làm chủ bởi những cá nhân.

Đây là những thành quả tuyệt vời – nhưng lãnh đạo cả một đất nước như TQ không phải là cuộc dạo chơi trong công viên. Mặc dù có những tiến bộ trong một số khu vực, tham nhũng lan tràn như một bệnh dịch, môi trường xuống cấp, tranh chấp lao động, bất công rõ rệt giữa các thành phố vùng ven biển và trong đất liền, một khủng hoảng bản sắc với sự suy giảm của chủ nghĩa Mao-ít, sự gia tăng khác biệt giữa các giai cấp và một sự hướng vọng của một chủ nghĩa quốc gia... tất cả là một phần của đời sống hàng ngày [ở TQ].

Đảng CSTQ vẫn là cái nguồn độc nhất của quyền lực, những vẽ vời như là “kiểm soát và cân bằng” (MVT: tam pháp độc lập và những bộ phận chính phủ và báo chí bổ xung kiểm soát lẫn nhau), “một tư pháp độc lập”, “một đối lập hữu hiệu” và “minh bạch” gần như không hiện hữu. Ngành thương mại được nhiều công ty nước ngoài đánh giá là ác mộng; làm ăn kiểu TQ và phương Tây rất khác nhau, những vi phạm sự riêng tư, ăn cắp sản phẩm trí tuệ – khoảng 200 tỷ đô thương mại một năm – và ăn cắp những bí mật công ty rất phổ thông (tại TQ).

Thế nhưng, nếu những thứ ấy làm lộ ra những vấn đề và những rạn nứt trong xã hội TQ, thì hệ thống độc tài thị trường này của TQ được chấp nhận bởi một số lớn trong số 1.4 tỷ người (TQ). Hơn nữa, đánh đổi hy sinh một quyền tự do để được công ăn việc làm, nhà cửa, ổn định và tăng trưởng của giá trị đời sống thì cũng hầu như được chấp nhận bởi 5 tỷ người trên thế giới hiện nay, những người mà thực ra cũng chẳng biết còn cách nào hơn.

Khi chính phủ nới rộng quan hệ thương mại, thì quan hệ chính trị theo đuôi, TQ bây giờ là nước đầu tư lớn nhất ở Phi châu và nhiều nơi ở Trung Á và Châu Mỹ La Tinh. Một hiệu ứng cục bộ của vòng tay ôm ấp của Trung Quốc là ví dụ về một thị trường độc tài nhưng thành công đã hạ thấp các nguyên tắc quản trị mà phương Tây đã vận dụng trong hơn 200 năm qua. Nói một cách bình dân hơn, điều này có nghĩa là với những công dân bị cai trị dưới một chính quyền ngưỡng mộ Trung Quốc (như Việt Nam chẳng hạn - Dân Luận), dù chỉ chút xíu, và đang tìm cách rập khuôn ví dụ thị trường độc tài của Trung Quốc, thì triển vọng về một xã hội dân sự và dân chủ là rất xa vời - thậm chí không hiện hữu.

Và như thế, điểm quan trọng ở đây không phải là “TQ đưa ra một mô hình phát triển tốt hơn phương Tây”. Nói về mô hình là không đúng trọng điểm. Thật ra, TQ đang âm thầm ảnh hưởng đến cách phát triển, đến các nền kinh tế và các cộng đồng trên thế giới - và bằng nới rộng chính trị - theo cách mà sẽ từ từ giới hạn ảnh hưởng và các giá trị của phương Tây, không cho vượt ra khỏi phạm vi khối NATO. Nói một cách thực tiễn, đó chính là chất xúc tác chính cho một quá trình to lớn và đáng lo ngại, đó là: TQ đang làm thu nhỏ phạm vi ý thức hệ của Phương Tây.

---------------------------------------------

Tin liên quan

Mô hình Trung Quốc: Sự đồng thuận Bắc Kinh là giữ im lặng (18/08/2010)

.

.

.

No comments: