Wednesday, September 1, 2010

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ SỰ VÔ CẢM

Đôi điều suy nghĩ về sự vô cảm

Nguyễn Lê Huyên

Thứ tư, ngày 01 tháng chín năm 2010

http://www.talawas.org/2010/09/nguyen-le-huyen-oi-ieu-suy-nghi-ve-su.html

Hàng trăm người bao vây, đánh chết hai thanh niên”: “Công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An cho biết, chiều 29/8 xác anh Nguyễn Đình Dũng, Nguyễn Đình Hồng (đều 22 tuổi, trú tại xã Nghi Hợp) được phát hiện tại cánh đồng xã Nghi Thịnh. Nhiều người dân xã Nghi Thịnh cho biết, chiều hôm đó một số người trông thấy hai thanh niên đi xe máy, ôm bao tải nghi là "cẩu tặc" nên hô hoán. Bị dân làng truy đuổi, họ phóng bỏ chạy. Hai con chó trong bao tải rơi xuống đường... Nghe tri hô, hàng trăm người ở xã Nghi Thịnh, Nghi Hợp từ các ngả chạy ra bao vây kín đường. Hai thanh niên vứt xe, chạy ra cánh đồng nhưng bị đuổi kịp... Khi công an xã Nghi Hợp có mặt, đám đông mới chịu dừng tay. Lúc này, nạn nhân Dũng và Hồng đã bị đánh chết. Xe máy của họ bị đốt cháy.”

.

Tôi thật sự không cầm được lòng khi đọc xong đoạn tin trên. Thật buồn! Không chỉ là thương tiếc cho hai chàng thanh niên bị tước đi sinh mạng khi còn ở cái tuổi tràn trề sức sống nhất của một đời người. Tôi buồn cho dân làng xã Nghi Thịnh, Nghi Hợp, tôi tiếc cho người dân tỉnh Nghệ An, và tôi xấu hổ cho người dân Việt Nam.

Sinh mạng con người mong manh quá, tình người dường như không còn tồn tại. Nếu đây chỉ là hành động của một vài người, có lẽ sẽ không có gì để phải suy ngẫm nhiều. Nhưng đáng sợ thay, đây là hành động của cả một làng với sự tham gia của hàng trăm người và sự bàng quan, vô tình của hàng trăm người khác. Man rợ! Tôi tưởng tượng đến cảnh trong nhiều phim điện ảnh được xem trước đây, khi hàng trăm thổ dân bắt được người ở địa phương khác đến, cho rằng những người này có ý đồ không tốt, xúc phạm đến biểu tượng thần linh của bộ lạc họ, thế là họ trói lại làm lễ tế thần và giết. Tôi tự hỏi: Người làng Nghi Thịnh, Nghi Hợp cũng còn man khai như những bộ lạc thổ dân trông phim ư? Họ hành động theo bản năng hay hành động theo sự kích động? Sinh mạng con người không bằng loài động vật kia sao? Phải chăng chó là “biểu tượng” thần thánh của người làng Nghi Định, Nghi Hợp? Họ hành động thật sự vì “hiệp nghĩa” đuổi bắt trộm cướp giống các “hiệp sĩ đường phố” hay chỉ để thỏa mãn tính hung bạo, tàn ác của mình? Đây chỉ là hiện tượng hiếm thấy hay là bản năng có sẵn chỉ chờ cơ hội là bột phát? Nếu là bản năng thì chỉ là bản năng của dân làng Nghi Định, Nghi Hợp hay của cả huyện Nghi Lộc, Nghệ An, hay biết đâu là của cả dân tộc Việt? Tôi chợt rùng mình, khi nghĩ lẽ nào trong mình cũng có bản năng ấy tồn tại… Và rồi tôi không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào.

Là một người Việt, tôi buồn và xấu hổ. Chỉ thông qua hiện tượng này đương nhiên không thể kết luận được điều gì, nhưng nó báo động cho đạo đức của một dân tộc, cho nền giáo dục của một quốc gia và luật pháp của một chế độ. Sự việc này làm người khác cảm nhận rằng dường như người dân nơi đây không hề quan tâm đến pháp luật, họ chỉ hành động theo bản năng và dường như còn rất “tự hào, hãnh diện” về phong trào “phòng chống tội phạm” ở địa phương mình vì đã bắt và đánh chết được hai tên ăn trộm chó. Xót xa thay!

Chúng ta quen nói với nhau, xã hội phát triển, kinh tế phát triển kéo theo mặt trái của nó là sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, các giá trị đạo đức bị xem nhẹ, quan hệ con người với con người bị chi phối bởi quan hệ lợi ích, từ đó dẫn đến việc bất chấp thủ đoạn để có thỏa mãn lợi ích cá nhân… Nhưng lẽ nào, xã hội Việt Nam, kinh tế Việt Nam đã phát triển đến mức độ cả một làng, một xã bị thoái hóa đạo đức như thế, giá trị con người bị xem nhẹ đến thế? Có thể cả làng ấy cũng chỉ có “vài trăm người” là trực tiếp gây án, nhưng số dân làng còn lại (tôi không rõ số lượng dân cư ở xã Nghi Định là bao nhiêu) họ không động lòng sao? Họ không thể can ngăn hành động ấy sao? Hay là họ cũng hò reo hưởng ứng? Họ làm gì khi “công an xã Nghi Hợp có mặt, đám đông mới chịu dừng tay”?

Xã hội văn minh là xã hội mà ở đó, giá trị con người luôn được tôn trọng và bảo vệ. Hơn nữa, chúng ta đang được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đi theo học thuyết Marx-Lenin và sự soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh, là những hệ giá trị được coi là tốt đẹp nhất của nhân loại kia mà? Vậy căn nguyên sâu xa là từ cái gì? Trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm của pháp luật ở đâu? Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu? Trách nhiệm của các tổ chức (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…) nhằm góp phần thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển theo đúng cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa ở đâu? Trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam chúng ta ở đâu? Hay rồi sự việc theo thời gian cũng sẽ rơi vào im lặng? Số phận của hai chàng thanh niên rồi cũng chỉ nhận được sự bàng quan của người dân làng mình và của toàn xã hội? Và, giá trị nhân bản muôn đời của người Việt Nam đâu rồi? Vâng! Sự vô cảm đến một lúc nào đó sẽ xóa sổ cả một dân tộc!

______________

Phụ lục

Ngày 9/9/2008, dân quân thôn Lê Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội, đánh chết hai người vô tội vì nghi trộm chó.

Ngày 07/12/2008, một người mắc bệnh tâm thần bị dân làng Phú Châu, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đánh chết vì bị nghi trộm chó.

Ngày 2/5/2009, một thanh niên bị dân làng Tiên Lữ, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội đánh chết và một thanh niên khác bị đánh trọng thương vì bị nghi trộm chó.

Ngày 26/5/2009, hai thanh niên câu trộm chó tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội, bị 5 thanh niên làng này đánh trọng thương, một người sau đó đã tử vong.

Ngày 22/7/2009, người dân xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, đánh chết một thanh niên và đánh trọng thương một thanh niên khác trong nhóm trộm chó.

Ngày 22/8/2009, 4 người dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã đánh chết hai thanh niên câu trộm chó.

Ngày 04/5/2010, một người câu trộm chó bị dân xã Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa đánh chết.

Ngày 07/6/2010, một người câu trộm chó tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh, Nghệ An, bị thiêu chết.

Ngày 18/8/2010, một thanh niên tử nạn và một người khác bị thương tại xã Đak Jrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai, vì câu trộm chó bị dân làng truy đuổi.

Ngày 27/8/2010, một người câu trộm chó bị chết khi xung đột với những người vây bắt tại Ninh Hòa, Khánh Hòa.

(talawas tổng hợp)

© 2010 Nguyễn Lê Huyên

© 2010 talawas

---------------------------

nhận xét:

.

TUONGVAN nói...

Sự tàn độc lên ngôi !
Không phải là sự vô cảm mà chính là sự tàn độc đã lên ngôi, chưa bao giờ trong lịch sử ta lại có một thời đại buồn thảm đến như thế : cả một dân làng đuổi bắt rồi đánh đòn hội chợ đến chết hai thanh niên đi bắt trộm chó,"cẩu tặc" !. Những tấm gương của quyền lực : công an bắn gẫy chân một thiếu nữ giữa thanh thiên bạch nhật, đánh chết trong đồn bót của mình một thanh niên chỉ vì vi phạm quy định hành chánh lưu thông : không đội nón bảo hiểm ... là những đóng góp không thể chối cãi cho bức tranh xã hội mà bạo lực và tàn nhẫn có thể đến một mức hãi hùng đến như thế !

02:04 Ngày 01 tháng 9 năm 2010

.

-----------------------------------------------

.

ĐỌC THÊM :

NGHĨ SUY TỪ ẤN ĐỘ

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/04/nghi-suy-tu-o.html

.

.

.

No comments: