23/09/2010
Căng thẳng Trung – Nhật tiếp tục nóng lên xoay quanh vụ va chạm trên biển Hoa Đông. Trung Quốc càng lúc càng gia tăng sức ep và Nhật Bản không tỏ dấu hiệu nhượng bộ nào và dường như họ đang nắm thế chủ động trước những diễn tiến của vụ việc.
Bất chấp những áp lực không ngừng từ Bắc Kinh, chẳng hạn Bắc Kinh hơn sáu lần triệu tập đại sứ Nhật Bản đến làm việc, kể cả vào giữa lúc đêm khuya. Hôm chủ nhật, Tokyo bất ngờ tuyên bố gia tăng thời gian tạm giữ Chiêm Kỳ Hùng, (thuyền trưởng tàu cá Mân Tấn 5179 của Trung Quốc đã va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông), thêm mười ngày, tức thời hạn tạm giữ sẽ đến ngày 29.09.2010. Phản ứng trước quyết định này của Nhật Bản, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thực hiện các “biện pháp đối phó mạnh mẽ”, và Bắc Kinh nói rằng họ sẽ tạm ngừng các liên lạc song phương cấp cao giữa hai bên.
Tuy Tokyo cho biết họ chưa nhận được thông báo chính thức từ Bắc Kinh về việc tạm ngừng trên, nhưng họ tỏ ra không quá nặng nề nếu có thông báo trên khi họ chủ động cho biết thủ tướng Nhật Bản chưa có ý định gặp gỡ riêng người đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc sắp đến tại New York. Phía Trung Quốc cũng cho rằng không thích hợp để thủ tướng Ôn Gia Bảo gặp người đồng nhiệm Nhật Bản tại New York.
Ngoài ra, Nhật Bản không ngừng khẳng định việc gia hạn thời gian tạm giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng chỉ nhằm phục vụ công tác điều tra chứ không liên quan đến vấn đề chủ quyền. Tân bộ trưởng ngoại giao Nhật Seiji Maehara cho biết “vấn đề chủ quyền không tồn tại ở đây”. Ngược lại, các nhà phân tích nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại cho rằng nhà cầm quyền Nhật Bản đang thiết lập một tiền lệ để khẳng định chủ quyền của mình tại vùng biển Hoa Đông. Wang Xiangsui, giám đốc Trung tâm chiến lược an ninh tại Đại học hàng không và vũ trụ Bắc Kinh, cho rằng: “Nhật Bản đang cố gắng làm cho Trung Quốc phải chuốt trái đắng. Họ muốn Trung Quốc chấp nhận sự thật rằng họ đang kiểm soát các đảo”.
Nhật Bản đã thể hiện một sự bình tĩnh và cứng rắn rất rõ ràng trong những động thái trên, họ đã chủ động đáp trả một cách khéo léo những phản ứng từ phía Trung Quốc. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshito Shengoku cho biết Tokyo sẽ thuyết phục Bắc Kinh hiểu về cách hoạt động của hệ thống tư pháp Nhật Bản, tức ông muốn nói rằng Nhật Bản đang hành xử đúng theo pháp luật của họ và phản ứng của Trung Quốc chỉ là vì chưa hiểu hệ thống tư pháp Nhật Bản. Mặt khác, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa nhắc nhở về tính khách quan của vấn đề khi nói rằng liệu người dân và chính quyền Trung Quốc có nhận được những thông tin đúng về vụ va chạm. Có lẽ, ông Toshimi Kitazawa muốn nói rằng Trung Quốc hành xử như thế là chưa khách quan và chưa nắm rõ thông tin của vụ việc.
Sự bình tĩnh còn thể hiện rất rõ khi Nhật Bản tố cáo Trung Quốc đã âm thầm chuyển các thiết bị đến mỏ khí thiên nhiên Shirakaba (Trung Quốc gọi đó là Xuân Hiếu). Nhật Bản cho rằng họ tạm thời đồng ý với giải thích của Trung Quốc là việc chuyển các thiết bị chỉ để phục vụ công tác sửa chữa. Nhưng Nhật bản tuyên bố họ sẽ theo dõi sít sao. Nếu Trung Quốc tiến hành khai thác khí đốt tại Shirakaba thì Nhật Bản sẽ làm điều tương tự và họ sẽ còn kiện Trung Quốc ra Tóa án biển quốc tế. Bởi nếu Trung Quốc tự ý khai thác thì đã vi phạm cam kết giữa hai quốc gia về việc cùng khai thác mỏ khí đốt trên. Xem ra, Nhật Bản đang khéo léo chứng minh họ đã ứng xử các vấn đề theo đúng những gì họ đã cam kết.
Trong khi đó, Trung Quốc hình như đang lúng túng trong các biện pháp đáp trả. Vừa rồi, Bắc Kinh đã hủy các chuyến du lịch đến Nhật Bản của hơn 10.000 du khách Trung Quốc, để làm điều mà họ cho là “giữ đúng thể diện quốc gia”. Việc hủy này có thể làm thiệt hại cho ngành du lịch Nhật Bản nhưng nó cũng tác động đến chính Trung Quốc vì những chuyến du lịch này đã được lên kế hoạch từ cách đây hơn một năm. Biện pháp này của Trung Quốc xem ra cũng không đủ sức làm cho Nhật Bản phải nhún nhường. Bởi bộ trưởng đất đai, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng và du lịch Nhật Bản Sumio Mabuchi cho biết ông sẽ không gặp gỡ phó tổng cục trưởng tổng cục du lịch Trung Quốc, bên lề hội nghị bộ trưởng du lịch của tổ chức Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.
Mới đây nhất, Bắc Kinh lại quyết định ngưng chuyến tham quan triển lãm World Expo Thượng Hải của 1000 bạn trẻ Nhật Bản. Đây là chương trình được đề ra, trong cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Yukio Hatoyama với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, nhằm mở rộng giao lưu văn hóa. Trước quyết định trên, Tokyo chỉ bày tỏ sự hối tiếc và nhắc nhở rằng: “Trong khi những cuộc trao đổi giữa những người trẻ góp phần vào việc thiết lập cơ sở cho mối quan hệ song phương ổn định, nó khá phù hợp nhưng đáng tiếc cho phía Trung Quốc đã thực hiện một quyết định như thế trước khi (nhóm Nhật Bản) khởi hành”. Xa hơn, Nhật Bản còn cảnh báo Trung Quốc về việc những hành xử trên của Trung Quốc có thể làm dâng cao phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vốn rất dễ gây nguy hại trong quan hệ song phương.
Nhìn lại tất cả các diễn tiến trên cùng cách hành xử của hai bên. Chúng ta có thể thấy Tokyo bình tĩnh hành xử các vấn đề và thể hiện những dẫn giải rõ ràng, trong khi Bắc Kinh lại có vẻ vội vàng đưa ra những quyết định được xem là mạnh tay. Theo đó, Nhật Bản không chỉ không nhún nhường mà còn sẵn sàng chấp nhận những phản ứng từ phía Trung Quốc, dù những phản ứng đó mạnh mẽ đến mức nào. Trung Quốc xem ra không còn nhiều biện pháp hơn nữa để đáp trả trước sự bình tĩnh của người Nhật. Khi Bắc Kinh phải chịu bế tắc thì đây chính là một ví dụ minh chứng cho điều mà người ta vẫn thường nói đó là “mềm nắn rắn buông”.
Ngô Minh Trí - Bình luận đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 23.09.2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment