Thứ năm 23 Tháng Chín 2010
Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, đó là mối lo ngại ngày càng lớn của các nước nhỏ tại châu Á khi thấy Trung Quốc đụng độ với Nhật Bản và Hoa Kỳ trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Theo ông Severino, cựu tổng thư ký ASEAN, Đông Nam Á cũng không muốn Trung Quốc và Nhật hay Trung Quốc và Mỹ đi đến xung đột.
Trung Quốc hiện đang có nhiều tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Ngoài quần đảo Trường Sa tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei, ngoài quần đảo Senkaku / Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, Bắc Kinh hiện cũng đang giành chủ quyền với New Dehli ở một vùng đất biên giới Ấn-Trung.
Trung Quốc đe doạ sẽ có những “hành động khác” (nhưng không nói rõ đó là những hành động gì) đối với Nhật Bản trong vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu cá ở vùng biển Hoa Đông cách đây hai tuần. Bắc Kinh cũng đã cảnh báo Hoa Kỳ là không nên can dự vào vấn đề Biển Đông trong cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Barack Obama với các lãnh đạo ASEAN bắt đầu từ ngày mai.
Hãng tin AFP hôm nay trích lời ông Simon Tay, thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Singapore, cho rằng các nước nhỏ phải cố tránh rơi vào cảnh “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Nói cách khác, nếu các cường quốc trong khu vực bắt đầu đụng độ nhau, khối ASEAN phải đoàn kết thành một khối, chứ đừng để bị chia rẽ giống như vào thời chiến tranh lạnh.
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chống lại việc “quốc tế hóa” các vụ tranh chấp lãnh thổ và chỉ muốn thương lượng trên cơ sở song phương với các nước có liên quan. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh đã phản ứng rất mạnh với đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton muốn tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở đa phương. Theo lời kể của Ngoại trưởng Singapore George Yeo, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau đó đã có những trao đổi rất gay gắt, trong một bầu không khí có lúc khá căng thẳng.
Hoa Kỳ tỏ ý muốn làm đối trọng với Trung Quốc
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định chủ quyền trên toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một vùng giàu dầu khí và nguồn cá, đồng thời là ngõ giao thương có tính chất chiến lược giữa Đông Á với châu Âu và Trung Đông. Ngoại trưởng Clinton đã cho rằng giải quyết tranh chấp Biển Đông là điều rất thiết yếu đối với ổn định khu vực và quyền lợi quốc gia của Mỹ, bởi vì Hoa Kỳ cảm thấy là quyền tự do lưu thông tại khu vực này ngày càng bị đe dọa.
Tháng sáu vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã kêu gọi tôn trọng quyền tự do lưu thông trên biển Đông và gián tiếp nhắc đến những lời đe doạ nhắm vào những công ty của Mỹ muốn thăm dò dầu khí tại vùng lãnh hải mà Việt Nam cho là thuộc quyền của mình. Tàu của hai nước Mỹ Trung đã từng đụng độ với nhau ở khu vực này vào năm ngoái.
Một số quốc gia trong vùng, đặc biệt là Việt Nam, đã hoan nghênh việc Hoa Kỳ tỏ ý muốn làm đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một nhà nghiên cứu ở Singapore, các quốc gia không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lại chẳng hào hứng chút nào khi thấy Washington can dự vào vấn đề này. Chẳng hạn như Thái Lan, Cam Bốt và Singapore rất ngại xảy ra xung đột giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, vì lúc đó họ sẽ buộc phải chọn theo phe nào, tức là sẽ rơi vào thế khó xử.
Theo lời ông Rodolfo Severino, cựu tổng thư ký ASEAN, nói chung, các nước Đông Nam Á cũng không muốn Trung Quốc và Nhật Bản hay Trung Quốc và Hoa Kỳ đi đến xung đột. Ông Severino cho rằng, Trung Quốc không nên bị khiêu khích đến mức có những biện pháp vũ lực. Trong cuộc họp thượng đỉnh ngày mai giữa Hoa Kỳ với ASEAN, chắc chắn là vấn đề chủ quyền Biển Đông sẽ được đề cập đến và lúc đó chúng ta sẽ biết rõ hơn nữa lập trường của hai bên trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
.
.
.
No comments:
Post a Comment