Thursday, September 16, 2010

NGUYỄN TIẾN DŨNG : CỐT LÕI LÀ CHẤN HƯNG GIÁO DỤC

NHÂN TÀI TOÁN HỌC NGÀY ẤY, BÂY GIỜ - BÀI 4

Nguyễn Tiến Dũng: Cốt lõi là chấn hưng giáo dục

ĐOAN TRANG

16/09/2010 - 12:02 AM

http://phapluattp.vn/20100915111615891p0c1019/nguyen-tien-dung-cot-loi-la-chan-hung-giao-duc.htm

Nguyễn Tiến Dũng - gương mặt đoạt HCV Olympic Toán quốc tế năm 1985, hiện là GS ĐH Toulouse (Pháp). Sau khi đoạt giải, anh sớm du học tại Liên Xô-Nga, Ý, Pháp. Anh đã học và làm việc ở nước ngoài từ đó đến nay.

.

Hoàng Lê Minh: “Tôi chọn toán ứng dụng” (Bài 3)

Phùng Hồ Hải: “Toán học Việt Nam ... lay lắt” (Bài 2)

Vũ Đình Hòa: Tôi đam mê toán học (bài 1)

.

Trong cuộc phỏng vấn (qua email), Nguyễn Tiến Dũng đã nêu một cách cặn kẽ những khó khăn mà theo anh người muốn theo đuổi ngành toán lý thuyết ở Việt Nam có thể gặp phải.

.

Môi trường Việt Nam: Quá khó khăn để làm việc

. Anh gặp những khó khăn gì trong quá trình học tập và nghiên cứu ở nước ngoài?

Nguyễn Tiến Dũng : Giai đoạn học ở Nga khá là khó khăn. Bạn bè cùng lứa hầu hết đều buôn bán kiếm sống, ít ai có thể tập trung học hành. Tôi tốt nghiệp ĐH và đi khỏi Nga năm 1991, đúng vào lúc xảy ra đảo chính. Chuyện ở lại Nga làm tiếp nghiên cứu sinh không đặt ra nữa và tôi có ý định đi đâu đó theo bạn bè buôn bán kiếm sống. Nhưng đúng lúc đó anh Lê Tự Quốc Thắng và tôi cùng được mời từ Matxcơva sang dự một hội nghị ở ICTP (Ý). Khi sang đến ICTP, tôi được họ mời ở lại làm việc hai năm. “Kế hoạch đi buôn” gác lại và tôi tiếp tục học toán.

.

. Anh đã bao giờ có ý định trở về Việt Nam sống và làm việc chưa?

Nguyễn Tiến Dũng : Tôi từng nghĩ đến khả năng về sống ở Việt Nam, tuy nhiên vấn đề hiện tại chưa đặt ra, do điều kiện và hoàn cảnh chưa thích hợp. Ở Việt Nam, để có được chất lượng cuộc sống tương đương như ở Toulouse (pháp) thì tốn nhiều tiền hơn. Con tôi học trường tốt không mất tiền, nếu ở Việt Nam chi 1.000 đôla một tháng cho mỗi con chưa chắc được học trường tương đương như vậy. Tôi không hề có nhà ở Việt Nam và nếu về Việt Nam cũng không có tiền mua nhà, không biết ở đâu.

.

. Anh đánh giá như thế nào về nền toán học Việt Nam?

Nguyễn Tiến Dũng : Môi trường làm khoa học ở Việt Nam còn quá khó khăn và nhiều tiêu cực. Đãi ngộ của nhà nước đối với các nhà khoa học thì thua xa so với đãi ngộ của các nước nghèo tương tự ta, ví dụ như Senegal hay Pakistan. Những nước này cũng trả được lương cho GS vài ngàn đôla trở lên mỗi tháng, gấp cả chục lần Việt Nam.

Nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam thông minh nhưng bị ảnh hưởng xấu của thói học vẹt và danh hão. Chương trình ĐH mất quá nhiều thời gian vào những môn mà ở nước ngoài người ta không dạy.

Nhiều đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam có tinh thần rất cao nhưng mất quá nhiều thời gian lao lực cho những việc mà họ bắt buộc phải làm để tồn tại nên không còn nhiều thời gian cho cái mà họ thích làm.

Không thể không đầu tư vào khoa học cơ bản

.

. Anh có cho rằng tại thời điểm này, Việt Nam nên đầu tư vào khoa học cơ bản?

Nguyễn Tiến Dũng : Không thể trở thành nước giàu nếu chỉ làm gia công thuê mà không phát triển công nghệ. Không thể phát triển công nghệ nếu không có nền tảng khoa học cơ bản, không có những người hiểu biết về khoa học cơ bản để truyền đạt kiến thức cơ bản cho người khác sử dụng và làm điểm tựa cho những người làm công nghệ. Một người làm khoa học cơ bản ở Việt Nam, kể cả khi không có được công trình lý thuyết tầm cỡ quốc tế nào nhưng nếu chịu khó theo dõi nắm bắt tình hình quốc tế để nâng cao trình độ rồi truyền đạt lại kiến thức cho các thế hệ sau và cho những người cần ứng dụng các kiến thức đó thì cũng là cách đóng góp quan trọng cho xã hội.

.

. Theo anh, nếu nhà nước đầu tư vào khoa học cơ bản nên đầu tư cụ thể vào việc gì?

Nguyễn Tiến Dũng : Theo tôi, cần đầu tư sao cho xây dựng được nền tảng vững vàng. Khi có nền tảng vững vàng, môi trường thuận lợi thì các giải thưởng hay thứ hạng cao trên thế giới tự nó sẽ đến với ta. Nhưng đừng có lấy giải thưởng hay thứ hạng làm mục tiêu đầu tư, cái đó là kiểu “thi thố” chạy theo danh hão.

Cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho việc chấn hưng nền giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. Đây là trách nhiệm của giới khoa học chứ không phải chỉ là việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc đổi mới chương trình phổ thông cần có các nhà khoa học hàng đầu tham gia chủ trì chứ đừng coi đấy chỉ là việc của các nhà giáo phổ thông. Chương trình giáo dục quá nặng về hình thức ở Việt Nam hiện nay có nguy cơ làm thui chột khả năng suy nghĩ và sáng tạo của nhiều học sinh và tạo cho học sinh thói quen thích danh hão. Muốn có nền khoa học công nghệ phát triển thì nền tảng giáo dục và văn hóa chung rất quan trọng.

Cần thay đổi một cách cơ bản cơ chế quản lý tài chính trong ĐH và khoa học, đánh giá đúng mức hơn giá trị của đào tạo ĐH và nghiên cứu khoa học để có thể nâng tỉ lệ đóng góp của nó cho nền kinh tế lên đúng với thực tế (thay vì chỉ bằng một phần nhỏ thực tế như hiện nay) thì từ đó mới có thể trả lương cho các giảng viên ĐH và người làm khoa học xứng đáng và có đủ nguồn tiền để đầu tư cho khoa học.

Khoa học cơ bản cần được phát triển đồng bộ chứ không nên trọng ngành nào hơn ngành nào. Những người nào hay nhóm nào làm việc hiệu quả thì cần được ưu tiên đầu tư thay vì bình quân chủ nghĩa hay sống lâu lên lão làng. Những ngành nào đang tiếp cận sát được với ứng dụng thực tế hơn thì cần tận dụng huy động đầu tư từ nguồn ứng dụng cho ngành đó, sẽ thuận lợi hơn cho sự phát triển. Những ngành nào đang rất thiếu hụt mà rất cần (ví dụ như ngành toán thống kê ở Việt Nam) thì cũng cần được đầu tư để khuyến khích thế hệ trẻ đi vào ngành đó cho cân bằng lại.

651 tỉ đồng chỉ tương đương 6 km đường sắt cao tốc

.

. Anh có quan điểm thế nào về khoản đầu tư 651 tỉ đồng ngân sách để phát triển ngành toán ở Việt Nam?

Nguyễn Tiến Dũng : Con số 651 tỉ đồng, chi trong 10 năm thực ra là một con số khá khiêm tốn nếu đem so với cả một nền toán học của một đất nước 90 triệu dân với hàng ngàn người trực tiếp tham dự và có ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, sinh viên và toàn bộ nền kinh tế-xã hội nói chung. Số tiền đó chỉ tương đương với 6 km đường sắt cao tốc, hay tương đương với tổng chi phí kể cả lương trong một năm của một viện như Viện Toán Toulouse. Ngành toán đang bị “suy dinh dưỡng” nặng từ lâu nay, quá ít người muốn dấn thân vì triển vọng thu nhập quá kém, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục đào tạo về toán ở mọi cấp và không đáp ứng được nhu cầu ứng dụng toán học của xã hội.

Số tiền này không đủ để thúc nền toán học Việt Nam mạnh lên hơn so với thế giới nhưng sẽ làm cho Việt Nam đỡ tụt hậu thêm so với thế giới.

.

. Anh có hạnh phúc với cuộc sống và công việc hiện tại?

Nguyễn Tiến Dũng : Tôi thấy mình khá là hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Luôn có rất nhiều việc để làm, nhiều cái chưa đạt được.

.

. Một bạn trẻ ở Việt Nam muốn theo đuổi ngành toán lý thuyết sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn, trở ngại gì? Làm sao để vượt qua?

Nguyễn Tiến Dũng : Hiện tại, muốn theo đuổi ngành toán lý thuyết thì hoặc là phải có điều kiện kinh tế khá giả, hoặc là phải sẵn sàng hy sinh chấp nhận cuộc sống vật chất khó khăn. Muốn làm được tốt, có được các kết quả nhiều người quan tâm thì phải có môi trường học tập và làm việc tốt (điều ở Việt Nam đang rất thiếu) với những người thầy hướng dẫn tận tình, có tầm cỡ quốc tế, cộng với sự bền bỉ theo đuổi không nản chí trong nhiều năm.

.

. Ở nơi anh đang sống và làm việc, mức sống của nhà toán học lý thuyết so với mặt bằng trong xã hội ra sao? Nhà nước có đầu tư cho toán học không và theo cách nào? Nếu không thì lực lượng nào đầu tư cho toán học?

Nguyễn Tiến Dũng : Ở Pháp không có sự chênh lệch đáng kể giữa lương ngành toán lý thuyết và các ngành khoa học khác. Nước Pháp có hệ thống phúc lợi xã hội rất cao, y tế và giáo dục hầu như miễn phí. Đổi lại lương công chức tương đối thấp. Vì các GS ở Pháp là công chức nhà nước nên lương tuy thuộc loại khá trong xã hội vẫn thấp hơn so với nhiều nước tư bản phát triển khác và thấp hơn những người có trình độ tương đương làm cho các hãng tư nhân. Nhà nước Pháp cũng nhận thấy sự kém cạnh tranh trong việc thu hút các nhà khoa học giỏi ở Pháp do lương thấp và sự cần thiết phải đầu tư nhiều hơn cho khoa học. Họ đang tìm cách cải tổ, ví dụ như đưa ra chính sách thưởng cao hơn cho ai nghiên cứu tốt, tuy nhiên diễn biến của sự cải tổ này khá chậm do sức ì lớn. Ngoài đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu toán học còn có đầu tư của nhiều hãng công nghiệp và công ty tài chính lớn cho toán ứng dụng, ví dụ như Airbus, Renault, BNP Paribas v.v...

.

. Xin cảm ơn anh.

-------------------------

Con đường sự nghiệp của Nguyễn Tiến Dũng

1985: HCV Toán Olympic.

1986-1991: Học ngành toán tại Trường Lomonosov (ĐH Tổng hợp quốc gia Matxcơva).

1991-1993: Được mời sang thăm và làm việc tại ICTP (Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế, Trieste, Ý).

993: Làm nghiên cứu sinh ở SISSA (Trieste).

1994: Bảo vệ PhD ở Strasbourg (Pháp).

1995-2002: Nghiên cứu viên tại Montpellier.

2002 đến nay: GS ĐH Toulouse (Pháp).

ĐOAN TRANG

.

.

.

No comments: