Friday, September 17, 2010

NGUYỄN HƯNG QUỐC Giới Thiệu "VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TOÀN CẦU HÓA"

Tự quảng cáo sách mới

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Sáu, 17 tháng 9 2010

http://www.voanews.com/vietnamese/news/tu-quang-cao-sach-moi-09-17-2010-103156639.html

Tôi vừa mới xuất bản cuốn sách mới. Xin mượn trang blog này để có vài lời tự quảng cáo.

Cuốn sách có nhan đề là “Văn học Việt Nam thời toàn cầu hoá”, dày 300 trang, do nhà Văn Mới in tại California.

Nội dung chính của cuốn sách là nhằm phân tích một số đặc điểm chính của văn học Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, đồng thời, cũng là nỗ lực nhận diện những xu hướng chính đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến diện mạo của văn học Việt Nam trong những thập niên sắp tới.

Hai tham vọng ấy, thật ra, cũng là tham vọng của hầu hết các nhà phê bình văn học. Lâu nay, với những người “ngoại đạo”, phê bình văn học thường được xem như việc nhận xét và đánh giá về từng tác phẩm cụ thể hay rộng hơn, từng sự kiện cụ thể. Quan niệm như vậy có nguy cơ đánh đồng phê bình và điểm sách. Một nhà phê bình văn học thực sự, cho dù đang viết về một tác phẩm, dù rất nhỏ, ví dụ một bài thơ dăm bảy câu, hay một sự kiện nhỏ, ví dụ việc in hay bán một cuốn sách, việc cãi cọ chữ nghĩa giữa các nhà văn với nhau, cũng, thứ nhất, xuất phát từ những tiền đề triết học hay mỹ học nhất định, qua đó, củng cố một cách nhìn nhất định về những cái đúng và những cái đẹp; thứ hai, bênh vực cho một khuynh hướng mỹ học nhất định nào đó mà mình tin tưởng sẽ là trào lưu chính trong tương lai. Nói cách khác, phê bình, ngay cả khi tập trung vào một đối tượng cụ thể, cũng dựa trên một niềm tin tổng quát về những quy luật và quá trình vận động của lịch sử, ở đây là lịch sử văn học và mỹ học.

Với phần lớn các nhà phê bình trong nước, sự vận động ấy thường gắn liền với tình hình chính trị và xã hội tại Việt Nam, đặc biệt, gắn liền với các chính sách của đảng và nhà nước. Chẳng hạn, viết về văn học Việt Nam từ năm 1945, nhất là từ năm 1954 đến nay, bao giờ người ta cũng tập trung phân tích các chính sách của đảng và nhà nước, không những trong lãnh vực văn học nghệ thuật mà, rộng hơn, trong lãnh vực văn hoá, hoặc rộng hơn nữa, trong các lãnh vực chính trị và xã hội, để giải thích mọi sự thay đổi, phát triển hay suy thoái của văn học. Không phải không đúng. Số mệnh của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa rõ ràng là gắn liền với sự cầm cương nẩy mực của giới lãnh đạo. Ngay cả cái gọi là nền văn học đổi mới tại Việt Nam từ giữa thập niên 1980 về sau cũng xuất phát từ, và được củng cố bởi, chính sách cởi trói và mở cửa của đảng.

Tuy nhiên, cách nhìn như vậy sẽ trở thành bất cập ngay tức khắc nếu chúng ta nhìn sang những khía cạnh khác, chẳng hạn văn học của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thời hậu-Nhân Văn Giai Phẩm, tức từ khoảng đầu thập niên 1960 về sau. Những cách tân táo bạo và ngoạn mục của những Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, v.v... rõ ràng không dính dáng gì đến các chính sách của đảng hay các biến động của xã hội. Hay những thử nghiệm thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền ở Miền Nam vào giữa thập niên 1950 ở Miền Nam cũng khó có thể lý giải bằng những nguyên nhân chính trị xã hội bình thường.

Việc tập trung vào các khía cạnh chính trị xã hội chỉ khả thi với hai điều kiện: một, trong văn học, nội dung - cụ thể là thái độ chính trị xã hội – là yếu tố quan trọng nhất; và hai, Việt Nam là một xã hội hoàn toàn biệt lập và cô lập.

Tiếc, cả hai điều kiện ấy đều không đúng. Văn học là một nghệ thuật ngôn ngữ, ở đó, tính nghệ thuật của ngôn ngữ, và cùng với nó, cảm quan và thái độ thẩm mỹ của người viết, mới là những điều căn bản. Tất cả những yếu tố này đều chịu sự tác động mạnh mẽ không phải chỉ từ các biến cố chính trị trong nước mà còn từ các điều kiện kinh tế, xã hội và văn hoá bên ngoài, có khi từ những nơi rất xa xôi.

Chính vì thế, trong cuốn sách này, tôi đề nghị một tầm nhìn khác, rộng hơn: thế giới. Ở đó, năm đặc điểm này, theo tôi, là quan trọng nhất: toàn cầu hoá (globalization), giải lãnh thổ hoá (deterritorialization), lai ghép hoá (hybridization), hậu hiện đại hoá (postmodernization) và mạng hoá (webization/onlinization).

Tôi cho chính năm đặc điểm này, hơn bất cứ yếu tố nào khác, đang và sẽ quyết định diện mạo của văn học Việt Nam hiện nay cũng như trong những thập niên sắp tới.

Có điều, trừ chủ nghĩa hậu hiện đại và hiện tượng mạng hoá, các đặc điểm ấy đều rất ít, nếu không muốn nói là không được chú ý ở Việt Nam. Nhưng ngay cả chủ nghĩa hậu hiện đại, nếu được nhắc nhở, chỉ được nhắc nhở một cách hoạ hoằn, sơ sài, đầy thiên kiến và cũng đầy ngộ nhận. Phần lớn nhắc đến chủ nghĩa hậu hiện đại với thái độ hoặc là phủ nhận hoặc là nói leo để nhận vơ mình cũng là một cây bút hậu hiện đại một cách ngây ngô. Về hiện tượng mạng hoá, một số người đề cập, nhưng chủ yếu tập trung vào lãnh vực báo chí. Chưa ai để ý đến khía cạnh mỹ học của việc viết và xuất bản trên internet cả.

Còn những đặc điểm khác thì không.

Gần như tuyệt đối không.

Trong khi cả ba hiện tượng, toàn cầu hoá, giải lãnh thổ hoá và lai ghép hoá lại cực kỳ phổ biến và quan trọng. Ngày nay, toàn cầu hoá hầu như có mặt ở khắp nơi, tận các hang cùng ngõ hẻm, và ở vô số khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, từ thương mại đến chính trị, văn hoá và xã hội. Bước vào chợ, ngay các chợ vùng quê, người ta cũng có thể nhìn ra dấu vết của toàn cầu hoá: ở các mặt hàng hoặc nhập cảng hoặc nhái theo mẫu mã của ngoại quốc. Ti vi mang hình ảnh và tin tức khắp nơi trên thế giới đến từng nhà, dù là những căn nhà lụp xụp ở những làng quê heo hút. Điện thoại nối liền người này với người khác qua những biên giới xa xôi và xa lạ. Chính xu thế toàn cầu hoá ấy dẫn đến hai hiện tượng khác: giải lãnh thổ và lai ghép.

Thì bạn cứ nhìn lại kinh nghiệm của chính mình khi đọc blog này mà xem. Bạn đang ở đâu nhỉ? Việt Nam hay một quốc gia nào khác? Nhưng ở đâu thì cũng mặc kệ. Bảo đảm là, nếu bạn ngồi trước chiếc máy vi tính được nối mạng, bạn sẽ đọc được bài này cùng lúc với bất cứ người nào khác, kể cả người hàng xóm của đài VOA. Tác giả của blog này cũng không phải ở Mỹ. Mà là ở Úc, cách trụ sở của đài VOA đến hơn 16,000 cây số. Đọc xong blog này, bạn có thể đi rong sang các blog hay website khác, như Tiền Vệ ở Úc hay Talawas ở Đức. Chỉ trong vài chục phút, bạn có thể chu du khắp thế giới. Trong hoàn cảnh như thế, khái niệm lãnh thổ theo cách hiểu cũ trở thành lỗi thời. Mọi người dường như đều sống trong trạng thái xuyên quốc gia (transnational) và xuyên qua các biên giới (cross-border). Sống như vậy, người ta không thể không trở thành lai ghép.

Những hiện tượng như vậy, về phương diện xã hội và văn hoá, tương đối dễ thấy. Nhưng chúng ảnh hưởng như thế nào đến văn học, cụ thể hơn, đến cách viết, cách đọc và cách cảm thụ cái hay, cái đẹp của mọi người, từ tác giả đến độc giả?

Đó là những vấn đề chính tôi đặt ra và phân tích trong cuốn sách này.

Những vấn đề không thể tóm gọn trong một bài báo trên blog.

Mà đâu có ai có thể tóm gọn một cuốn sách được nhỉ?

***


Một số chi tiết về cuốn Văn học Việt Nam thời toàn cầu hoá:
Nhà xuất bản: Văn Mới (California)
Dày: 300 trang
Giá: 14 Mỹ kim
Trình bày bìa: Nguyên Hưng
Chân dung tác giả: Hoạ sĩ Phương Quốc Trí
.
Bìa sau:

“Bộ môn phê bình ở Miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc […].”

(Nguyễn Mộng Giác, Talawas 14.3.2006)

“Một số người ở hải ngoại đã nuôi ảo tưởng rằng nếu được tự do phổ biến thì văn học hải ngoại sẽ như một làn gió mới, gây nên những chấn động gì kinh khủng lắm. Có lẽ không như vậy. Gây chấn động bây giờ có phải dễ đâu. So với những sáng tác của hải ngoại thì có khi lối viết phê bình của Nguyễn Hưng Quốc lại gây tác động với trong nước nhiều hơn. Ông Quốc hội tụ được cả ba điểm: Một, tiếp thu được những lí thuyết mới; hai, nắm chắc văn học Việt Nam […]; ba, có một lối viết vừa là khoa học vừa là văn chương.”

(Phạm Xuân Nguyên, Talawas 21.4.2005)

.

Địa chỉ liên lạc của nhà xuất bản Văn Mới:
P.O.Box 287,
Gardena, CA 90248
USA
Phone: (1) (310) 366 6867
Email: kimanquan@yahoo.com
Homepage: http://www.vanmoi.com/

-------------------------

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.

.

.

No comments: