Friday, September 17, 2010

Kich Tác Gia VŨ KHẮC KHOAN với THẦN THÁP RÙA

Thần Tháp Rùa Vũ Khắc Khoan

VIÊN LINH

Wednesday, September 15, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=119215&z=257

Nhà văn, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan sinh năm 1917 tại Hà Nội, từ trần vào tháng 9, 1986 tại Minesota, Hoa Kỳ. Song song với hoạt động văn học, ông là một giáo sư thường trực tại các trường Chu Văn An Hà Nội, sau này vào Sài Gòn, dạy tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, các Ðại Học Văn Khoa, Ðại Học Ðà Lạt và nhiều trường khác.

.

Tác phẩm của ông không nhiều, song cuốn nào cuốn nấy đều gây âm hưởng sâu rộng, bền bỉ, chẳng hạn Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn, Mơ Hương Cảng, Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Ða. Người viết bài này khi còn niên thiếu được học ông tại Chu Văn An Hà Nội, Sài Gòn, khi trưởng thành cùng được viết với ông trên nhiều tờ báo: Sáng Tạo, Nghệ Thuật, cũng chính ông đã đưa người viết vào làm tổng thư ký Tòa Soạn Nhật báo Ðất Tổ của Phật Giáo, trong giai đoạn đấu tranh khá căng thẳng giữa tôn giáo và chính phủ của hai ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, khoảng 1967, 1968. Từ đó ông bảo “gọi bằng anh được rồi.” Nhân ngày giỗ thứ 24 của ông, xin trích đăng lại dưới đây những đoạn trong cuốn hồi ký đang soạn, [cũng xin thêm những chú thích trong ngoặc vuông hầu giúp người đọc tránh được những thắc mắc không cần thiết].

.

Viết về Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam, khởi từ 1954 tới 1975, có nghĩa là khởi từ các nhóm Tự Do, Quan Ðiểm, tiếp một chút ngược lên nhóm Chân Trời Mới. Sau Quan Ðiểm, sau Chân Trời Mới, mới tới những Nhân Loại, Văn Nghệ Mới, Bách Khoa, Sáng Tạo, Hành Trình, Ðất Nước, Văn Nghệ, nghĩa là sau Ðỗ Thúc Vịnh, Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ, Nghiêm Xuân Hồng; sau Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, mới tới những Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên; và Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh, Võ Phiến; rồi Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Ðức Sơn, và Thế Nguyên, Diễm Châu, Ðỗ Long Vân.

.

- Cái bắt buộc đó từ 1975, 1976 anh Khoan và tôi cùng phải đối diện: Tổ chức The Ford Foundation ở Nữu Ước, thường tài trợ cho công việc nghiên cứu văn hóa, khi Miền Nam sụp đổ, trong quĩ còn vài trăm ngàn phải tiêu cho hết, nên đã treo đâu 18 cái học bổng cho “các học giả và tác giả Ðông Dương gồm cả Việt Miên Lào.” Anh Khoan và tôi, hai nhà văn duy nhất được chọn với hai đề tài văn học (bên cạnh 16 người khác được chọn cho những đề tài kinh tế chính trị tôn giáo triết học.) Tôi nhớ một số trong số những người kia là Tướng Lào Vang Pao, ông Dohamide Abu Talib, người Chăm Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy về vấn đề Chính đảng, Linh Mục Lương Kim Ðịnh, Thượng Tọa Thích Giác Ðức về hai đề tài tôn giáo, cựu đại sứ cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ, Nguyễn Kim Phượng (không rõ đề tài, hình như về Tổ Chức Công Quyền của Việt Nam Cộng Hòa), anh Cao Thế Dung viết về một đề tài nông nghiệp thóc gạo gì đó, và một vài học giả Mỹ chuyên về Việt Nam. Trong khi tôi viết về Văn Học Miền Nam thì anh Khoan viết về Tuồng Chèo Việt Nam.

Với học bổng này, đây là lần thứ ba kịch tác gia Vũ Khắc Khoan và tôi, hai thầy trò, có nhiều dịp gặp nhau vì cùng làm việc trong một khung thời gian chung, cho một công việc nhiều liên hệ chung. Lần đầu là nhật báo Ðất Tổ của Phật Giáo, do [cố] Hòa Thượng Thích Thiện Minh chủ trì, đâu vào khoảng 1966,1967. Trước đó, biết tôi từng làm thư ký tòa soạn nhật báo Dân Ta của nhà thơ Nguyễn Vỹ, nên khi nhật báo Ðất Tổ cần một thư ký tòa soạn, anh đề bạt tôi. Lần thứ hai là khi Cục Quân Huấn, lúc đó Ðại Tá Cao Ðăng Tường làm cục trưởng, có tổ chức một cuộc thi kịch cho toàn quân, anh Khoan và tôi được mời làm giám khảo. Lúc ấy anh là trưởng ngành kịch của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, còn tôi là ủy viên kịch trong Ban Chấp Hành Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội do Ðại Tá Anh Việt Trần Văn Trọng làm chủ tịch.

Với cuộc chấm giải kịch Quân Ðội, anh em tuyệt đối không bàn luận với nhau, trừ ngày chót quanh bàn họp, vở anh chọn trao giải nhất thì tôi chọn trao giải nhì; vở anh chọn trao giải nhì thì tôi chọn trao giải nhất. Dường như Ðại Tá Cao Ðăng Tường, trưởng ban tổ chức, đã góp ý kiến để đi đến quyết định, tôi không còn nhớ như thế nào, vì buổi họp hôm ấy khá vui, quanh một bàn ăn thịnh soạn, và nhất là trong bữa ăn, Ðại Tá Hùng, hai ba tháng sau đó được bổ nhiệm làm tổng cục phó Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, lúc ấy đã cứ gọi “Thằng Thiệu” ra đả kích, dù lúc ấy ông Thiệu đang là tổng thống.

.

Vũ Khắc Khoan ít nói, nói thì chắc. Lời anh nói ra là một câu văn đã gọt giũa, không thừa, đôi khi có thể thiếu, chứ không thừa. Cái thiếu nếu có, người nghe phải tự hiểu là gì. Khi nói, Vũ Khắc Khoan nhìn sâu vào mắt người đối diện, cặp mắt đôi khi có gân máu. Ánh mắt anh lúc ấy cũng nói, một thứ tiếng nói không âm thanh. Tiếng nói, cử chỉ, cái nhìn của anh là một. Chủ thể là chủ thể, chớ lầm, và chủ thể đang nói, đang hành động. Anh cũng ngắt lời ngay nếu đối tượng lòng vòng, hay lơ mơ, hay đang tìm cách thoái thác. Từ lúc là học sinh đệ thất đệ lục học anh đôi giờ Sử ở Chu Văn An Hà Nội tới khi cùng làm việc với anh ở Sài Gòn, tiếp xúc lại ở Hoa Kỳ, chưa bao giờ tôi thấy nơi anh một hành động một cử chỉ sơ suất. Phóng khoáng thì luôn luôn, mà sơ suất thì không.

.

Khoảng 1951, khi còn ở Hà Nội, tôi đã được đọc Vũ Khắc Khoan. Còn nhớ đó là vở kịch Giao Thừa. Người độc giả nhỏ tuổi lúc đó ở tôi đã rất thích cái cảnh một nhân vật loay hoay với cái bàn năm chân, và một nhân vật loay hoay định nghĩa chữ “Giao Thừa.” “Kịch” đi vào tôi với cái bàn năm chân của Vũ Khắc Khoan từ đó.
Anh Khoan trong suốt thời gian quen biết chỉ nói về kịch với tôi dăm ba lần, lần anh làm giám khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc bộ môn kịch, năm tôi gửi vở Con Ðường Ngựa Chạy dự thi - chỉ đoạt giải đồng hạng, năm đó chỉ có một giải đồng hạng cho hai người, không có giải nhất - lần anh và tôi cùng làm giám khảo Giải Thưởng Kịch của quân đội do Cục Quân Huấn tổ chức, và một lần liên quan đến tác phẩm dài đầu tay của tôi in năm 1966: cuốn Thị Trấn Miền Ðông. Khi sách do tạp chí Văn xuất bản, nó là một tân truyện, song thực ra nó là vở kịch cùng nhan đề đã đăng làm ba kỳ trên Tạp chí Văn Nghệ. Trần Phong Giao, người gây dựng tạp chí Văn ở Việt Nam nói kịch không thể bán được, muốn Văn in, phải sửa nó thành tân truyện. Người tác giả trẻ là tôi lúc đó đã nhượng bộ: chữ kịch, các ghi chú của kỹ thuật kịch, bị xóa bỏ, và Thị Trấn Miền Ðông được in ra dưới dạng một truyện cỡ trung. Một tân truyện.

Anh Khoan sau đó gặp tôi trước tòa soạn tuần báo Kịch Ảnh, trên đường Phạm Ngũ Lão, nghiêm nghị nói: “Tưởng cậu không để ai thuyết phục được mới phải?” Lời này làm tôi hơi cay, tuy lời lẽ anh thường là như thế. Nhớ hồi còn ở trong lớp, bọn ngồi bàn chót nói chuyện ầm ĩ, anh bắt cả bàn đứng dậy, từ tốn nói:

“Các anh nhìn xuống mặt ghế.”

“à?”

“Nhìn xem các anh chiếm mất bao nhiêu diện tích chỗ ngồi?”

“???”

“Nhiều người tử tế đàng hoàng đang mong ước những diện tích đó. Tùy các anh!”

“Tùy anh,” hay “tùy các anh,” là mấy chữ Vũ Khắc Khoan ưa dùng, hay dùng.

.
Tác giả Thành Cát Tư Hãn lúc nào cũng lừng lững như một pho tượng. Trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, chỉ cho Trần Quang một động tác trước khi Thành Cát Tư Hãn kéo màn. Trong Ðêm Mầu Hồng một giờ sáng, ngồi sau một mặt bàn tròn, gõ bàn mà ngâm Hồ Trường. Ði trên hành lang Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa, bước xuống quán nhậu Hải Biên, mái tóc chải ngược về phía sau, hai vai chắc nịch, cặp mắt mở lớn, rọi thẳng, bước đi vững chãi; anh có cái điệu bộ đi thẳng vào đám đông như biết đám đông sắp giãn ra, để sau đó nhìn theo sau lưng anh mà ngưỡng mộ một tấm thân nam tử.

.

Vũ Khắc Khoan đứng trong nhóm Quan Ðiểm từ Hà Nội, “trí thức tiểu tư sản với vận động lịch sử,” hình như có một thời gian có liên lạc với cuộc vận động của Phật Giáo. Anh là người muốn tôi giữ vai trò Tổng Thư Ký Tòa Soạn nhật báo Ðất Tổ, đúng vào lúc chính phủ của hai ông quân nhân Thiệu Kỳ và Phật Giáo đi đến chỗ quyết liệt. Rất ngần ngại bởi tình thế lúc đó, vả đang bận rộn với một vài báo khác, tôi đã lưỡng lự. Anh nói, Ðất Tổ cần một người có nghề báo đã đành, Ðất Tổ còn cần một người có thiện cảm với Phật Giáo, và là người quen biết tin được, vì thế anh mới đề nghị tôi.

Không có cách gì từ chối, tôi đã trải qua những ngày tháng làm báo căng thẳng, bởi tòa soạn luôn luôn bị rình rập, theo dõi. (Một tòa soạn rất ít người lui tới, chỉ có các chú nhỏ xẹt qua ném bài vào bàn, chỉ có các bà già đem bản thảo tới. Một ông thầy nữa của tôi ở Hồ Ngọc Cẩn là Lữ Hồ, viết hàng ngày cho Ðất Tổ, chỉ lái cái xe Deux Chevaux sát lề, quăng bài đã cuộn quanh một cục đá qua cửa, rồi chạy luôn.) Mỗi ngày những cái tựa nẩy lửa, những bài viết dữ dội. Chúng tôi có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Có một hôm, sau cuộc họp báo của phe quân nhân, đặc phái viên Ðất Tổ, Nguyễn Khắc Nhân, bạn tôi, hiện là chủ nhiệm Người Việt San Diego, chạy về tòa soạn với lời nhắn “mấy ông Ðất Tổ” của ông Nguyễn Cao Kỳ. Lời nhắn tôi cho là đứng đắn và thành thật: “Anh về nhắn mấy ông Ðất Tổ, chúng ta là những người trẻ, có gì thì nói thẳng với nhau.”

Nhưng những người trẻ chưa có dịp nói thẳng với nhau thì Ðất Tổ bị đóng cửa. Anh Khoan, sau đó tôi biết rõ, hay cười giật mỗi khi nhìn tôi. Anh chẳng nói gì, cười giật, và trong mắt nhìn thấy cả nụ cười.

Vũ Khắc Khoan viết khó khăn. Anh giữ mục Nhật ký Văn Nghệ khi tôi làm tổng thư ký tòa soạn tuần báo Nghệ Thuật (chủ nhiệm là Mai Thảo). Khi giỏi, gần một trang, khi không, nửa trang, thường thường lại không có. Cho nên ít khi tôi chờ bài anh, vì chờ đợi hoài công.

Cũng chẳng giục; hỏi thì có hỏi mà không giục. Anh viết thất thường, tôi không coi anh là người viết báo, như Bình Nguyên Lộc, Mặc Ðỗ, Võ Phiến, rất đều đặn. Anh chỉ là người viết tác phẩm. Những gì anh có thể đăng báo là những thứ lặt vặt, những thứ tiền-tác-phẩm, những gỗ vụn, ngói vỡ mà người kiến trúc là anh không dùng làm gì được trong việc xây dựng ngôi nhà lớn. Khi đó, anh có một chút để đăng báo, chẳng hạn, Nhật Ký Văn Nghệ.

(Trích Hồi Ký Văn Học, chưa hoàn tất)

.

-----------------------------------

.

VuKhacKhoan - (gio-o.com)

Vũ Khắc Khoan (sachxua.net)

Thần Tháp Rùa - Vũ Khắc Khoan - (talawas.org)

Vũ Khắc Khoan : Thần Tháp Rùa (thuykhue.free.fr)

Vũ Khắc Khoan: từ “Thần Tháp Rùa “đến “Đoản văn xa nước “ (Nguyễn Mạnh Trinh)

.

Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan được mọi người công nhận là nhà soạn kịch hàng đầu của nền Văn Học Miền Nam 1955-1975

.

Thế nhưng sách "Từ Điển Văn Học Việt Nam Bộ Mới" vừa mới xuất bản trong nước vẫn phủ nhận sự hiện diện của các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền ...

.

.

.

No comments: