Phùng Hi
Thứ ba, ngày 14 tháng chín năm 2010
http://ta-la-was.blogspot.com/2010/09/phung-hi-nguoi-ien-xom-nho.html#comments
Làng tôi có ông Bình điên. Chỉ một số ít người lớn tuổi biết nguyên do ông điên, còn đa phần người làng lớn lên đã thấy ông điên tự thuở nào.
Em trai ông Bình là ông Minh, kể rằng: Năm 1972 ông Bình nhảy núi, lúc ấy ông 17 tuổi. Năm 1973, sau một trận đụng đầu với địch tại chân núi Lò Kho, cách nhà ông một quãng đồng, súng trường lựu đạn bom pháo nổ điếc óc điếc tai, người ta lôi ông Bình lên từ đống đất đá. Chẳng thấy trên người ông tì vết gì nghiêm trọng, nhưng thoáng thấy ông có nụ cười dài dại.
Năm 1975 miền
Từ đó đến nay ông Bình không vợ không con, ở với vợ chồng ông Minh, em trai ông. Cha mẹ các ông đều mất sớm, gia đình thuộc thành phần bần nông. Hai anh em, được ông Bình hơi lanh lưa thì bị điên rồi; ông Minh củ mỉ cù mì, chỉ biết làm ruộng và lên núi chặt củi về bán. Ông Bình chọn chái nhà nối liền với gian bếp làm chỗ ngủ, coi như phước nhà còn, chứ ông nổi điên đuổi ông Minh đi thì làm gì được ông. Nhìn cử chỉ và lời nói của ông, đoán rằng “chức quan” ông đang giữ to lắm, rõ một ông quan thanh liêm và hết lòng lo cho dân. Cả làng tôi ai cũng chứng kiến cảnh ông Bình đi “làm việc” mỗi ngày, nhưng kể chuyện này với người lạ hơi khó tin. Từ năm 1976 đến nay là 34 năm, một năm 365 ngày, cộng với 8 ngày của các năm nhuận, tổng cộng là 12.418 ngày, mỗi ngày ông đi “làm việc” từ sáng sớm. Ông đi làm cả ngày Chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết; ông chỉ nghỉ vào những ngày bị bệnh cảm mà thôi. Lịch làm việc của ông là: Mờ sáng ông dậy ăn cơm nguội hoặc bánh tráng, bỏ áo vào trong quần rồi đi bộ ra khỏi nhà. Nếu giáp mặt em trai ông, ông chào to:
“Anh đi làm nhé!”
Còn nếu chạm mặt bà Mỉn, em dâu ông thì ông căn dặn:
“Này, em đến sân kho 5 nhận lúa nẫu mang tới cân, ghi sổ sách đàng hoàng nhé!”
Ông chào hỏi nhẹ nhàng, trịnh trọng như cán bộ cấp cao, chỉ tiếc bộ dạng ông là của người điên.
Ông đi từ xóm Ngoài - xóm ông đang ở - vào xóm Trong, xuống xóm Dưới rồi ra khỏi làng Long Tường. Ngang qua Núi Sầm, nếu gặp chợ phiên, ông đảo một vòng như cán bộ thị sát đời sống dân lành rồi thẳng tiến hướng đông xuống thị xã Tuy Hòa. Xuống đến Chợ Lớn nội thị, lại đảo một vòng quanh chợ rồi ông quay đường cũ về nhà. Cả đi lẫn về hơn 30 cây số. Cứ tính tốc độ 4km/h, mỗi ngày ông đi ngoài đường mất tám tiếng, đúng thời gian của một công chức chỉn chu công việc. Sáng sáu giờ rưỡi ông ra khỏi nhà, hai ba giờ chiều ông về tới nơi, ngày mưa ông về trễ hơn, người ngợm lệt phệt bùn đất. Ông lại ăn cơm nguội hoặc bánh tráng rồi leo lên chiếc chõng tre ngủ cho đến sáng ngày mai. Không phải bà Mỉn hay các cháu có ý để dành cơm cho ông đâu, mà dân làng tôi mê tín về một sự đủ đầy dư dật, nhà nào cũng phải bóp bụng để lại cục cơm trong nồi, sau bữa ăn.
Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt quanh việc ông Bình “đi làm”. Khi đi ngoài đường thỉnh thoảng ông xàng từ lề đường bên này sang lề đường bên kia. Nếu ai vui miệng hỏi:
“Ông Bình, sao phải xàng qua xàng lại vậy?”
Ông ngoẻo đầu qua một bên, nói:
“
Trời ơi, ông đi bộ mà tưởng mình đang đi ô tô, có tài xế riêng. Thì ra ông ngoẻo đầu qua một bên chính là động tác của người ngồi trên xe con, thò đầu ra cửa kính. Ông vừa là chiếc xe bốn bánh, vừa là tài xế chở chính ông. Đúng là trí tưởng tượng của người điên. Về thuật phân thân chắc ông Bình chiếm vị trí số một, chẳng những phân thân ra người, ông còn phân thân ra vật. Coi lại ông Bình điên đã biết “đi xe con” từ những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước.
Rất nhiều người đi trên đường, đi bộ, xe đạp, kể cả đi xe máy hay bị ông chặn lại hỏi:
“Anh ở tầng mấy?”
Nếu người làng tôi thì không sao, quen rồi. Gặp người lạ, họ sợ lắm. Nhìn mặt mày ông hốc hác háp nắng, dơ dáy, mắt trợn ngược lên trắng xát, râu mép râu cằm thưa cọng cứng như rễ tre, vàng như râu bắp vểnh lên dữ tợn. Tôi nhiều lần bị ông hỏi vậy và trả lời đại khái:
“Tôi ở tầng hai.”
“À, tôi ở tầng ba.”
Ông trả lời dứt khoát, rồi xàng qua bên kia đường đi tiếp. Nếu tôi nói: “Tôi ở tầng ba” thì ông sẽ nói: “Tôi ở tầng bốn”.
Ai cũng hiểu ra rằng, ông đang ở chái bếp nhà ông Minh bà Mỉn, nhưng lại tưởng mình đang ở nhà lầu và cứ ở càng cao, càng sang, càng giá trị. Để ý thì thấy người điên họ không chơi chung, gặp nhau họ không chào. Mỗi người điên tồn tại độc lập và có đặc tính chung thích đi rông ngoài đường. Ai cũng công nhận rằng chỉ người điên là sướng nhất, điên như ông Bình càng sướng hơn. Người điên cũng là người, xét cho cùng người điên với kẻ thông tuệ luật đời không khác bao xa.
Làng Long Tường tôi đẹp lắm, gồm ba xóm cộng lại, xóm Ngoài, xóm Trong và xóm Dưới. Mỗi xóm chỉ chừng hai chục nóc nhà, đó là ngày trước còn bây giờ đông đúc chật chội, hai bên đường hàng quán, ngành nghề mọc lên san sát, cũng vui đấy nhưng người già hay dị ứng với ồn ào. Mỗi xóm đều có tre bao bọc. Giữa vườn nhà này với nhà kia ngăn cách bởi hàng tre hoặc hàng dừa. Trừ ba xóm nhà ra đều là ruộng lúa. Ruộng mênh mông, ruộng trải dài tít đến các chân núi Chốp Chài, Lò Kho, núi Ễnh. Từ cánh đồng nhìn vào xóm, thấy một màu xanh um của tre và dừa, lẩn khuất mái ngói, mái tranh. Còn từ xóm nhìn ra cánh đồng luôn điểm trắng những cánh cò bay lả, trù phú và yên bình. Đồng trước đồng sau, nồm nam gió thổi. Hai mùa mưa nắng, đồng làng đổi sắc thay hương theo mùa vụ. Từ màu của bùn đất đến màu mạ non, chuyển sang màu xanh lúa thì con gái, rồi màu vàng tranh của lúa chín, sau cùng bỏ lại gốc rạ dầm sương mưa nắng, chờ vụ mới. Hương thơm cũng đổi từ mùi bùn non, lúa non sang mùi cây lúa làm đòng, rồi mùi hương ngày mùa thu hoạch, mùi rơm rạ ngái nồng từ đầu thôn cuối xóm.
Buổi chiều ông Bình “đi làm” về, thường đứng lại một mình giữa quãng đường nối liền xóm Ngoài và xóm Trong, xác xơ hiu quạnh trong gió chiều. Đó là người tỉnh thấy vậy, chứ ông nào thấy cô đơn buồn tủi gì đâu. Ông ngó lên đồng trên, ông chỉ tay đồng dưới, ông như nói to với một người cũng “làm quan” như ông:
“Nông dân bây giờ ai cũng có ruộng để làm nhưng họ cứng đầu lắm, không chịu nộp thuế đâu.”
Trong lịch trình “làm việc” của ông, cũng trên đường về ông hay ghé vô bất kì nhà nào và quát to:
“Sao vợ chồng tụi mày làm ruộng không nộp thuế? Ngày mai tao cho người đến lấy lúa nghe chưa. Không chấp hành là tao lấy lại ruộng bây giờ.”
Mọi người trong nhà bấm bụng nhịn cười, hỏi:
“Ông Bình ăn bánh tráng không?”
“Ăn chớ, có thì ăn.”
Chủ nhà cuốn cho ông một cuốn bánh thiệt to, trong ruột bánh chứa đủ mắm cá rau dưa, nói vui:
“Mai ông tới lấy lúa nghen.”
Ông cầm cuốn bánh vừa đi, vừa ăn. Ngày mai ông lại ghé nhà người khác, chứ không vào nhà hôm qua. Và cứ thành lệ, nhà nọ lại cuốn cho ông cuốn bánh. Quê tôi nhà nào cũng sẵn bánh tráng. Dù gì ông cũng thuộc típ người điên hiền; nếu dữ, người ta không để ông “làm việc” lâu như vậy đâu. Chắc rằng khi nhảy núi, có người đã chỉ tay xuống đồng bằng, nói với ông: “Ruộng đồng kia, nhà lầu xe hơi kia sẽ là của anh, hãy chiến đấu đi mà giành lấy”.
Hơn 34 năm ông bền bỉ “làm việc”. Có vẻ như càng ngày ông càng được thăng “chức quan” cao hơn và thân xác ông lại càng khô quắt. Kể ra điên như ông Bình sang thiệt, điên mà tự ám thị rằng mình làm quan. Mấy người điên vì tình, điên vì quá sợ điều gì đó, không sang bằng ông.
Bây giờ dân thành phố Tuy Hòa đều biết ông. Họ xác nhận ông không giống những người điên khác, không bao giờ xin đồ ăn, xin tiền của ai, không xin quá giang xe ai, cứ lầm lũi đi bộ, thỉnh thoảng xàng từ lề đường bên này sang lề đường bên kia và than đường nhiều ổ gà quá. Mấy thằng thanh niên chạy xe bạt mạng, thấy ông đang xàng, bất ngờ nó né qua tung cột điện chết tươi không kịp ngáp, chẳng ai đền mạng sống một xu. Biết làm sao, ông là người điên mà. Ngược lại cũng phải nói cho công bằng, nếu nó cán ông, chẳng ai bắt tội nó. Dân tình nói mạng ông lớn lắm, mấy lần tưởng xe tông chết đến nơi nhưng rồi chẳng hề gì. Ông có thể quát bất kì người dân Chợ Lớn nào: “Đất nước hết tiếng súng rồi, thanh bình rồi, ăn ở cho sạch sẽ chớ, dọn dẹp ngay đi”. Lúc giận dữ ông nói cà lăm, cả chợ cười ầm ầm và họ cũng làm bộ dọn dẹp rác rưởi cho ông vui lòng. Ông lại xàng qua bên kia đường tới chỗ dơ khác để quát nạt. Xem ra người điên cũng phải bực mình. Có mấy bà góa chồng, bị dân thương hồ trên sông Ba ghẹo: “Này, bắt ổng xuống thuyền, tắm rửa sạch sẽ, xài đỡ”.
Cứ coi như ông Bình đang làm quan, thì ông thuộc dạng tiếp thu nhanh, sử dụng thành thạo các mặt hàng công nghệ cao dành cho cán bộ. Quan xách cặp táp đen, thì ông cũng kiếm đâu ra một cái tựa tựa, rách nát. Quan tiến lên thắt cà vạt, mang giày thì ông cũng cà vạt cáu bẩn, mang giày há mồm, mất gót. Quan đeo kính râm, thì ông cũng có một cái gãy gọng, mất tròng để đeo. Quan dùng điện thoại di động thì ông cũng kiếm đâu một cái, đồ chơi của trẻ con. Ông đứng bên lề đường, dạng chân giẫm lên cỏ ướt hơi sương buổi sáng, tay chống nạnh tay cầm điện thoại đưa lên mang tai: “A lô! Chờ chút, tôi tới ngay”, chắc chuyện gì đó quan trọng cần có ông. Đôi lúc ông căng thẳng, giận dữ hét vô điện thoại: “Cái gì, chúng mày chẳng được tích sự gì”. Quan dùng máy tính xách tay, ông cũng có một cái, cái cặp nhỏ của trẻ con, ông mở ngược cái cặp kê lên đùi rồi mổ cò lên đó chỉ bằng một ngón trỏ. Người ta có cái gì ông có cái đó! Kỳ lạ là ông luôn tránh mặt mấy vị đang làm “cán bộ thiệt” hoặc những người mập mạp, tốt tướng nói chung. Đúng hơn là ông không thèm nhìn mặt họ. Họ với ông không cùng chiến tuyến, ông làm quan ở “thế giới điên” của ông thôi. Ông điên là bởi số người “tỉnh” kết luận “ông điên”, chứ bản thân ông nghĩ mình làm quan bình thường nhưng có quá nhiều tâm trạng với thời cuộc diễn ra bao năm, với sự đổi thay của đời sống bà con sau ngày ông “nhậm chức” năm 1976.
Người điên thì ở dơ nhưng ông Bình dơ đặc biệt. Một năm ông thay đồ một lần vào ngày mồng một Tết. Bộ đồ ka ki màu xanh mực, luôn luôn thế, của hội cựu chiến binh cho. Ông mặc bộ đồ đúng một năm mới cởi ra thay bộ mới vào Tết năm sau. Nếu áo quần sứt chỉ, đứt nút, bà Mỉn tra giùm lúc ông ngủ. Cuối năm trời lạnh, bộ đồ ngấm dày đất của ông như chiếc mo cau, giữ ấm.
Bà Mỉn nói: “Ổng chỉ ăn cơm nguội, bánh tráng chấm mắm mà thời trẻ không hề bịnh, ổng sống còn khỏe hơn cây mít trước nhà. Cây mít bị ong đốt, kiến đục chảy nhựa, lở loét chứ ổng không bị ghẻ bao giờ. Cây mít có năm vàng lá tưởng chết chứ ông thì không”. Nhưng hai năm trở lại đây ông hay cảm, một đợt vậy kéo dài lâu lắm, mười đến mười lăm ngày. Ông không “đi làm” cả làng thấy vắng ông, làng buồn, người làng thấy thiếu thiếu. Đường làng thiếu ông như bức tranh sơn thủy thiếu cây cầu gập ghềnh bắc ngang con mương. Bà Mỉn nói ông ho sù sụ cả đêm. Dơ dáy, ăn uống có gì đâu mà ông sống tới nay năm mươi lăm tuổi còn gì.
Khách đến nhà chơi thấy ông nằm ở chái bếp, bà Mỉn sợ khách quở, biểu ông lên nhà trên nằm, ông cự nự:
“Làm sao tao ở như tụi bay được, tao đang ở nhà lầu ăn một bên, ỉa một bên không sướng à!”
Nghe ông nói, có người cùng chứng kiến, bà Mỉn không áy náy nữa vì ông đang ở nhà lầu. Bao nhiêu người điên sau ông đều chết, không trụ được lâu như ông. Mấy lần đau nặng, ông nói với bà Mỉn: “Chắc anh xin nghỉ hưu non thôi, sổ sách anh giao lại cho em”. Có vẻ ông tin bà em dâu hơn ông em trai duy nhất. Dù sao thì bà Mỉn cũng là người chịu đựng. Chỉ với sào rưỡi ruộng và mấy chục ngàn tiền trợ cấp hàng tháng cho ông, mà bà Mỉn khổ với người điên đằng đẵng bao năm. Người ta ghi nhận ông như một cựu binh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ! Còn người cựu chiến binh đó có bị điên thì chẳng thêm một sự ưu đãi nào. Bây giờ ông tàn tạ vầy, bỗng dưng tỉnh ra thì tội nghiệp ông quá.
Lần này thấy ông vắng trên đường làng quá lâu, hai tháng rồi. Người làng đoán ông đận này chắc chết. Tôi không bà con thân thuộc gì nhưng thấy khoái cuộc đời điên như ông, tôi ra nhà bà Mỉn thăm ông. Bao năm rồi căn nhà gạch đó vẫn chưa tô, gạch ló ra có chỗ đỏ chạch, có chỗ rong rêu xám xịt Chái bếp ông Bình nằm vẫn trét đất, thay mái tranh bằng mái tôn, thấp thế kia chắc là nóng lắm. Hai đứa con trai bà Mỉn đã lấy vợ, cất nhà trong khuôn viên khu vườn, nhưng nhà chúng chường ra mặt đường và lại cũng chưa tô, tường gạch đỏ loét. Tôi xin phép bà Mỉn ra sau thăm ông. Ông nằm đó râu tóc quấn lấy mặt, người khô quắt trong bộ đồ ka ki xanh trông như một khúc tre già người ta mới đào tróc gốc, đặt lên chiếc chõng tre. Ông lẩm nhẩm:
“Anh Ba, anh cho tôi nghỉ hưu thôi.”
Chắc chắn anh Ba là “cấp trên” của ông rồi, và đã chấp thuận lời cầu xin vì hình như ông vừa tắt thở. Bà Mỉn sờ mũi ông, nói tỉnh không: “Ổng chết rồi”.
Tôi nhìn ông, không buồn không vui không khóc không cười, quái lạ là có phần ghen tỵ. Ông đã thật hạnh phúc. Một đời ông tận tụy với công việc đã chọn, với công việc mình ưa thích. Ai rồi cũng phải sống trọn kiếp người dù ngắn, dù dài. Ông cũng trọn một kiếp người điên, sung sướng với nhà lầu xe hơi, hết lòng lo cho dân, cho môi trường sống của dân đến hơi thở cuối cùng. Giờ đây ông từ giã cõi đời, chắc lại nghĩ mình hạc giá vân du tới miền tây phương cực lạc.
Nếu được gia đình ông Minh cho phép, tôi sẽ làm tấm bia khắc lên đó dòng chữ: “Ông là một người điên rất biết điên.”
Nhiều người hôm đi đưa tang ghen tỵ với cuộc đời của ông. Bên ngôi mộ mới đắp của ông Bình, nằm sát chân núi Lò Kho, có mỏm đá nhô ra xám xịt, nứt nẻ. Bỗng cụ Tám, cậu họ xa với ông Bình, lẩm nhẩm: “Coi như thằng Bình nó chết từ năm 1973 chứ đâu phải mới đây”. Ai cũng lấy làm lạ, hỏi gấp gấp cụ Tám:
“Cụ nói sao, cụ nói rõ chút coi.”
Ông cụ sờ sờ mỏm đá nói:
“Chính chỗ này, thằng Bình bị đất đá vùi lấp sau trận đánh giáp la cà năm đó. Nhưng người ta đã lôi cổ nó lên, bắt sống thêm.”
© 2010 Phùng Hi
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment