Wednesday, September 1, 2010

NGÔ BẢO CHÂU (phiếm luận)

Ngô Bảo Châu

Đáy
Đăng ngày 31/08/2010 lúc 23:43:52 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5065

Sau Đỗ Việt Khoa phải chăng lại đến lượt một giáo viên trẻ đầy tiềm năng khác từ "người đương thời" trở thành "người lỗi thời"? Tin giáo viên toán Ngô Bảo Châu bị hội đồng khoa toán thi hành kỷ luật không được đứng lớp nữa và chuyển sang phụ trách quản lý cư xá sinh viên đang gây bức xúc lớn cho nhiều giáo chức và sinh viên.

Trường hợp Ngô Bảo Châu trên nhiều mặt còn bi đát hơn nhiều so với Đỗ Việt Khoa. Châu từng được coi là một thần đồng và một thiên tài toán. Con của một giáo sư đầy uy tín về vật lý, tiến sĩ Ngô Huy Cẩn, và một phó giáo sư, bà Trần Lưu Vân Hiền, Châu được dìu dắt nghiêm túc ngay từ tuổi thơ và tỏ ra cực kỳ xuất sắc. Ngay từ tiểu học, ở lớp nào Châu cũng gây kinh ngạc, vượt hẳn bạn bè và nhiều khi cả thầy. Lên trung học Châu học trường năng khiếu rồi Trường Trung Học Chuyên Khoa của Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Năm 1988, mới 16 tuổi, Châu đoạt huy chương vàng trong kỳ thi Olympic Toán Thế Giới tại Úc và năm sau lại đoạt huy chương cao quý này một lần nữa tại Đức. Đó là thành tích mà cho tới nay chưa một sinh viên Việt Nam nào đạt được. Năm 1990 Châu đang chuẩn bị đi du học Hung về toán thì chương trình học bổng Hung dành cho Việt Nam bị bãi bỏ vì các biến chuyển chính trị tại Hung và các nước Đông Âu.

Châu tiếp tục học toán tại Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Năm sau Châu được một may mắn khác. Một giáo sư toán người Pháp nổi tiếng về phát hiện các tài năng, giáo sư Lauman, sang Việt Nam và đề nghị cho Châu một học bổng về toán tại Pháp, nhưng lúc đó Châu đang có một thay đổi lớn trong cuộc đời: Châu yêu một bạn học, cô Bảo Thanh, cũng là một sinh viên xuất sắc và quyết định không xuất ngoại dù bạn bè và cả người yêu đều khuyên Châu đừng bỏ lỡ cơ hội. Tuy vậy Châu vẫn không đổi ý. Châu nói với ban bè và người yêu rằng học toán ở đâu cũng được, toán không cần phòng thí nghiệm và trang bị tối tân mà chỉ cần cái đầu. Và có lúc người ta đã tưởng là Châu có lý. Ở lại Việt Nam Châu vẫn cực kỳ kiệt xuất, luôn luôn đỗ đầu và vượt rất xa các bạn; không những thế, theo lời chính các giáo sư Châu còn vượt xa họ trên nhiều mặt, họ không còn gì để chỉ dạy cho Châu nữa, chỉ biết tặng Châu nhưng sách báo chuyên môn nước ngoài về toán để Châu tự học. Vì thế ngay khi tốt nghiệp xong đại học, Châu được đặc cách tuyển dụng làm giảng viên toán Đại Học Tổng Hợp đồng thời được đề nghị kết nạp đảng.

Nhưng các khó khăn dần dần đến với Châu. Tài chính chật hẹp của cặp vợ chồng giáo viên trẻ với ba con buộc Châu phải dạy học thêm ngoài giờ giảng dạy thay vì dành thì giờ cho nghiên cứu. Hơn nữa Châu lại rất vô tư, không chịu sinh hoạt đoàn đều đặn, khi họa hiếm tham dự thì phát biểu thiếu lập trường và thiếu nể nang với lãnh đạo. Trong một buổi họp chi bộ khoa toán, khi đồng chí bí thư đoàn nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh bác Hồ nhắc nhở học tập noi gương Bác, Châu hỏi: "Những nhà toán học muốn noi gương Bác Hồ thì phải noi gương như thế nào? Phương pháp nghiên cứu toán của Bác là gì?". Khi đồng chí bí thư lưu ý Châu đừng phát biểu theo kiểu lề trái thì Châu không những không tiếp thu mà còn đáp lại: "Lề nọ lề kia là lối đi của những con cừu, tôi không phải là cừu, tôi là con người tự do!". Sau đó Châu vẫn chứng nào tật ấy.

Thái độ ngang bướng của Châu đã đạt tới cao điểm trong buổi hội thảo vừa qua của Viên Khoa Học Việt Nam và đó cũng là lý do đưa tới biện pháp kỷ luật Châu. Châu xin lên điễn đàn và nói: "Một nhà nghiên cứu khoa học giống như một người du mục tự do lang thang trong vũ trụ tri thức, lượm lặt tất cả những gì mình thấy là hay, đôi khi may mắn tình cờ phát hiện ra những điều mà mình không chủ ý tìm kiếm. Phần lớn những phát minh lớn là như thế. Sáng tạo chỉ có thể có nơi những con người tự do, trong những xã hội dân chủ". Hội đồng khoa không thể không có biện pháp với thái độ ngang ngược này.

Chúng tôi đã liên lạc được với đồng chí bí thư đảng ủy Đai Học Quốc Gia Khoa Học Tự Nhiên, trước đây là Đại Học Tổng Hợp. Đồng chí nói: "Về cơ bản Châu là một người tốt và có tiềm năng. Đảng ủy đã kiên nhẫn giáo dục Châu trong hơn mười năm qua giúp Châu cải thiện thực hiện tốt công tác, bất đắc dĩ mới phải kỷ luật Châu, nếu Châu biết phục thiện và khắc phục khuyết điểm thì có khả năng Châu sẽ được đứng lớp trở lại".

Chúng tôi yên tâm. Tuy vậy cũng không khỏi tiếc cho Châu, một tiềm năng lớn không được phát huy đúng mức. Một đồng nghiệp của Châu, cũng là bạn thân từ thời trung học, xin được dấu tên thở dài nói với chúng tôi: "Châu đúng là một thiên tài, chưa chắc một trăm năm nước ta đã có được một người thông minh như nó. Phải chi nó nghe lời chúng tôi nhận học bổng đi Pháp, chắc chắn nó sẽ có những phát minh rất lớn, không chừng có thể đoạt cả giải Fields, tương đương với giải Nobel về toán. Lúc đó cả thế giới sẽ tung hô nó, đất nước này sẽ trải thảm đỏ quàng vòng hoa đón nó về, lúc đó ai dám kỷ luật nó, nó muốn nói gì mà chẳng được! Đúng là một viên ngọc quý bị phí uổng".

Đáy

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: