Lối khoa trương của Trung Quốc đang lớn dần lên trên biển
Đăng bởi anhbasam on 05/09/2010
.
Lối khoa trương của Trung Quốc đang lớn dần lên trên biển
Thứ Bảy, ngày 4-9-2010
Yêu sách “chủ quyền không thể tranh cãi” trên biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã khuấy đục bầu không khí chính trị, chiến lược và ngoại giao của vùng biển trên khắp Đông Nam Á. Tuyên bố mới đây của Bắc Kinh rằng hơn một triệu dặm vuông trên biển, bao gồm cả các tuyến giao thông thương mại đường biển sầm uất được nhiều quốc gia sử dụng, cũng như sự mở rộng nhanh chóng và các chương trình hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc, đã làm dấy lên những mối quan ngại nghiêm trọng về ngoại giao và quốc phòng từ Philippines cho tới Potomac.
.
Hàng tràng những lối nói khoa trương gần đây nhất đã đến từ chính trong giới quân sự ở Bắc Kinh. “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên biển Nam Hải [Biển Đông], và Trung Quốc có đầy đủ hậu thuẫn về lịch sử và pháp lý” để hỗ trợ cho khẳng định của mình, Đại tá Canh Yan-sheng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng tuyên bố, và ông ta bổ sung, “phù hợp với những đòi hỏi của luật pháp quốc tế, chúng tôi sẽ tôn trọng quyền tự do đi lại của các tàu thuyền hoặc máy bay từ các nước có liên quan.”
Nói cách khác, khi một khu vực rộng lớn tiếp giáp cả nửa tá các quốc gia đã trở thành “Trung Quốc về mặt lịch sử,” các nhà cai trị ở Bắc Kinh bằng tấm lòng nhân từ ngộ đạo của họ, sẽ cho phép các tàu thuyền của nước khác lưu thông qua – trong đó có Hoa Kỳ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, theo luật quốc tế, các tuyến giao thông đường biển này không thuộc chủ quyền của Trung Quốc và do đó được tự do cho vận chuyển hàng hải.
.
Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố một cách chính xác rằng “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ nằm trong quyền tự do hàng hải được duy trì trong vùng biển có lượng giao lưu thương mại toàn cầu rất lớn. Những bình luận thú vị của bà Clinton đã được đưa ra tại Việt Nam trong thời gian diễn ra một Diễn đàn Khu vực của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam (ASEAN).
Những tuyên bố được lặp lại của Bắc Kinh về Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], đã được trù tính, lúc lúc lại nổi lên, trong gần một thập niên qua, gợi lên cho chúng ta lời quả quyết hung hăng của bản thân Benito Mussolini về khu vực Địa Trung Hải là vùng Biển Italia.
Mare Nostrum, thuật ngữ La Mã nổi tiếng sau này được nhà độc tài Mussolini sử dụng để gọi vùng biển có liên quan đến hơn một chục nước, đã trở thành “đất Ý về mặt lịch sử” dựa vào thực tế là những người La Mã cổ đại đã dong thuyền đi qua đây và cai trị hầu hết khu vực này. Trong khi điều đó là chắc chắn đúng, thì các quan chức cao cấp Trung Quốc Mác-xít ở Bắc Kinh lại đang sử dụng cùng một logic; đó là về liên lạc và buôn bán bằng đường biển dưới thời một số triều đại trước đó của Trung Quốc.
.
Điều làm phức tạp thêm vấn đề là tuyên bố của Trung Quốc về một số nhóm đảo hầu như không có người ở; các quần đảo Spratly [Trường Sa] và Paracel [Hoàng Sa] với vô số các đảo nhỏ có tuyên bố chủ quyền chồng chéo của Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Philippines, và Việt Nam. Các nhóm đảo này được cho là có nguồn tài nguyên phong phú và trữ lượng dầu khí tiềm tàng.
.
Ảnh hưởng thương mại của Trung Quốc đã giúp cho một sự gia tăng tương ứng trong lực lượng hải quân và tiềm năng quân sự. Việc này này là bình thường. Tuy nhiên điều trở nên bất an là hành động bắt nạt của Bắc Kinh đối với các thế lực khác trong khu vực từ việc tổ chức các cuộc diễn tập hải quân trong “vùng biển của Trung Quốc”, đặc biệt là vùng Hoàng Hải cận kề ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Thái độ đó phản ánh sức mạnh, tiềm lực và ý chí chính trị ngày càng tăng hướng tới sử dụng hải quân để bảo vệ những gì mà Bắc Kinh tưởng tượng trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] như là “lợi ích cốt lõi” của họ cùng với những tuyên bố ít có ý nghĩa tương tự đối với Tây Tạng và Đài Loan. Nhưng Bắc Kinh lại tỏ ra tự tin về một số tuyên bố chủ quyền của mình đối phó trực tiếp với Việt Nam, nước cùng chung một biên giới trên đất liền với Trung Quốc, song trầm trọng hơn là có một số đảo và vùng biển đang tranh chấp.
.
Theo một báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đại lục có lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và tàu chiến đổ bộ lớn nhất châu Á, với hơn 75 tàu chiến và hơn 60 tàu ngầm.
Hơn nữa, Trung Quốc vừa tiết lộ có một tàu ngầm tấn công hạt nhân mới được gọi là Type 095, sẽ có các hệ thống vũ khí tốt hơn, và có thể sẽ được sử dụng để hộ tống những tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai. Khi hoạt động từ căn cứ hải quân được mở rộng về phía nam đảo Hải Nam, hải quân Trung Quốc có một nền tảng không thể chối cãi cho sự hình thành cụ thể sức mạnh của mình.
Tại sao vậy? Để gây áp lực quân sự lên Đông Nam Á, và hơn thế nữa để gửi những tín hiệu chính trị rõ ràng lên tận phía bắc tới Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản để cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo đó, một trong những chiến thuật là bắt nạt các quốc gia trong khu vực như Việt Nam. Mặc dù là một chính thể cộng sản đồng chí anh em, song những rạn nứt lịch sử giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn vương vất. Trung Quốc coi Việt Nam có vẻ như đang ngả vào Mỹ và vì vậy họ muốn “dạy cho nước này một bài học” mặc dù không phải theo cách mà Đặng Tiểu Bình đã thực hiện vào năm 1979 khi ông vụng về vấp vào một cuộc chiến tranh với người láng giềng phía Nam của mình. Philippines thì dễ để đe dọa, đặc biệt là từ khi các căn cứ Mỹ không còn nữa.
Chính quyền Obama đã để cho quyền lực trên biển của Mỹ ở Thái Bình Dương vẫn tiếp tục suy giảm, và hơn thế nữa đã khéo léo tỏ dấu hiệu rằng Mỹ có thể không còn là người bảo lãnh cho hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Á. Một nhận thức, nếu không phải là thực tế có tính chiến lược, đã nổi lên là Hải quân Hoa Kỳ bị căng ra quá mức, lãnh quá nhiều nhiệm vụ và nhỏ yếu hơn mức cần thiết̉. Nói cách khác một khoảng trống quyền lực đang nổi lên ở Thái Bình Dương. Trung Quốc khá là sẵn sàng để lấp vào chỗ trống đó.
.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
Nguồn: The China Post (Đài Loan)
.
.
.
No comments:
Post a Comment