Friday, September 10, 2010

INDONESSIA BẮT ĐẦU CHÍNH SÁCH GIẢM ẢNH HƯỞNG CỦA HOA KIỀU

Indonessia bắt đầu chính sách giảm ảnh hưởng Hoa kiều

Kiêm Hương

Đăng ngày 10/09/2010 lúc 07:26:19 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5096

Giữa lúc các nước khác trên thế giới đang còn khốn đốn sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, sinh hoạt kinh tế của Indonesia tương đối ổn định. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2008 là 6,1% năm 2009 là 4,3%. Ngân hàng Indonesia dự đoán tỷ lệ tăng trưởng cho năm 2010 sẽ là 5,6%. Những kết quả này có được do nhu cầu tiêu thụ nội địa trong lãnh vực tư gia tăng, hơn 5% năm 2008 và còn tiếp tục gia tăng những năm sau đó.

Trước viễn ảnh tốt đẹp này, tổng thống Yudhoyono muốn cải tổ lại cơ cấu sinh hoạt kinh tế để lợi tức được phân phối đồng đều cho mọi người dân. Nguyên do là hiện nay cộng đồng người gốc Hoa tại Indonesia tuy chỉ chiếm 5% dân số, với gần 1,8 triệu người, nhưng nắm giữ trong tay 80% sinh hoạt kinh tế quốc gia, mọi lợi tức thu được đều nằm trong tay các nhóm tài phiệt người Hoa. Hố cách biệt giàu nghèo giữa người gốc Hoa và dân cư bản địa (pribumi, con của đất) đã quá sâu rộng và quá lộ liễu buộc chính quyền Yudhoyono xét lại chính sách hội nhập. Nhiều cuộc đụng độ quyền lợi và văn hóa đã xảy ra tại nhiều nơi, đặc biệt là những vùng tập trung nhiều xí nghiệp Trung Quốc. Tin đồn về một đợt xua đuổi người Hoa ra khỏi lãnh thổ đang làm tê liệt mọi sinh hoạt kinh tế.


Ngày 15-6-2010, nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách kinh tế, chính quyền Indonesia đã cho thành lập Ủy ban sáng tạo quốc gia và Hội đồng kinh tế quốc gia. Định chế này là một hội đồng bao gồm 24 nhà doanh nghiệp lớn đứng đầu các nhóm tài phiệt đang lên và các học giả kinh tế thân chính phủ nhằm cố vấn tổng thống để phát triển kinh tế. Mặc dù có một tỷ lệ phát triển cao (4,3% năm 2009), tỷ lệ lạm phát của Indonesia vẫn còn cao : 11,85 % năm 2008 ; hơn một nửa dân số sống dưới 2 USD/ngày, khoảng 700 USD/năm.

Đối với chính sách kinh tế mới này, đảng đối lập - đảng Dân chủ Chiến Đấu, đã bình luận : chính quyền Yudoyono vốn là chính phủ liên hiệp các đảng nhỏ để cầm quyền bây giờ cần sự ủng hộ của chính đảng Hồi giáo lớn, nên đã chuẩn bị tung ra chính sách ưu tiên cho dân bản địa pribumi nói trên. Nếu chính sách này thành công, chính quyền của tổng thống Yudhoyono sẽ chiếm được cảm tình của hơn 80% dân theo đạo Hồi, hơn 8% theo đạo Thiên Chúa (Tin Lành và Công Giáo), 3% theo Ấn Độ giáo.

Thành phần bị coi là đối tượng chiếu cố là người gốc Hoa (khoảng 1,8 triệu người), theo đạo Phật hay thờ cúng ông bà. Cộng đồng người gốc Hoa đang rất cảnh giác trước sự chỉ mặt này vì bị lên án nắm giữ hầu hết mọi mấu chốt của nền kinh tế Indonesia. Bên cạnh đó là sự hiện diện ngày càng đông đảo người Trung Quốc đến từ lục địa vào khai thác tài nguyên trên toàn lãnh thổ.

Trong thực tế, sự ổn vững về kinh tế của Indonesia ngày nay cũng một phần nhờ vào Trung Quốc. Từ một vài năm trở lại đây, sự phát triển của Indonesia đã dựa rất nhiều vào hiệp định thương mại tự do CAFTA ký kết giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Gần đây Trung Quốc không những chỉ mua nông khoáng sản phẩm của Indonesia hay bán sản phẩm công nghiệp mà họ còn tích cực đầu tư và viện trợ tài chính vào cơ sở hạ tầng của Indonesia. Chính khối lượng tiền tệ ồ ạt này đã đẩy kinh tế Indonesia phát triển nhanh thêm. Thêm vào đó, qua chính sách tản quyền, các chính quyền địa phương có thể nhận viện trợ trực tiếp từ Trung Quốc để xây dựng lại hệ thông hạ tầng cơ sở. Chính sự tăng vọt ồ ạt này đa phần qua trung gian các tổ hợp kinh doanh gốc Hoa đã gây một làn sóng phản đối sự hiện diện của người Hoa trên lãnh thổ Indonesia.

Sự phản đối này xuất phát từ hai nguyên do.
Một là
các chính quyền tiểu bang không nắm vững thủ tục gọi thầu công cộng và phía Trung Quốc đã lợi dụng điểm yếu này để trúng thầu với giá rẻ, nghĩa là mua chuộc hay hối lộ các chính quyền địa phương. Còn thực hiện như thế nào, có đảm bảo chất lượng hay không là chuyện khác.
Hai là viện trợ Trung Quốc thường kèm theo điều kiện độc quyền thể hiện. Năm 2009, Trung Quốc viện trợ xây dựng cầu Suramadu nối liền đảo Java và đảo Madu. Trong công trình này, Trung Quốc đem xe cần trục, vật tư xây dựng, công nhân trực tiếp vào Indonesia. Không người Indonesia nào được tuyển dụng, những xí nghiệp địa phương không được phân chia bất cứ một công việc gì trong việc xây dựng cầu này cả. Lợi ích kinh tế và xã hội trực tiếp cho địa phương do đó không có. Cây cầu đã được hoàn thành nhanh chóng nhưng sự bất mãn của người Indonesia đối với người Trung Quốc tăng cao.
Ba là sự bất mãn của chính quyền Indonesia trước quyết định đơn phương gia tăng lãi suất của phía Trung Quốc đối với các công trình viện trợ được hứa cho vay với giá rẻ, hay việc xây dựng các nhà máy phát điện bất chấp môi sinh và môi trường.


Nói chung sự bất mãn đối với Trung Quốc tại Indonesia ngày càng gia tăng. Từ trước đến nay, cộng đồng người Hoa tại Indonesia là cửa ngỏ để Trung Quốc vào đầu tư tại Indonesia. Sự hiện diện ồ ạt của Trung Quốc không mang lại lợi lộc nào cho người Indonesia : tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (9%). Thêm vào đó, sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập các thị trường nội địa đang giết chết các ngành công nghiệp nhẹ địa phương. Tìm cách thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc vì thế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Yudhoyono. Đó cũng là tâm lý chung của các quốc gia ASEAN khác.

Chính sách hạn chế sự ngự trị về kinh tế của người gốc Hoa để bảo vệ người bản địa (pribumi) đã được thực hiện hai lần tại Indonesia năm 1965 khi quân đội lật đổ chính quyền Sukarno và năm 1998 khi chính quyền Suharto bị sụp đổ. Mỗi lần có chính biến, những thành phần ưu tú và doanh nhân thành đạt gốc Hoa đã dời tài sản qua Singapore và Hồng Kông, gây thiệt hại lớn cho Indonesia về kinh tế và tài chánh.

Trong thực tế, địa vị của người Indonesia gốc Hoa đã được nhiều lần cải thiện. Cách đây 50 năm, đời sống của cộng đồng người Hoa tại đây rất là cơ cực, họ được xem là công dân hạng 2, chỉ có quyền buôn bán và sản xuất đồ vật tiêu dùng. Ngày nay ở đâu người ta cũng thấy cửa hiệu, tiệm buôn viết bằng chữ Tàu, tiếng quan thoại được chính quyền cho giảng dạy trong các trường Minh Tâm. Ngày nay người Hoa có thể xem tin tức qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng Tàu. Nhiều người gốc Hoa đã nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền và trong quân đội. Khi tin đồn sẽ có một cuộc chỉnh lý xua đuổi người Hoa ra khỏi lãnh thổ, giới thương gia người Hoa đã bày tỏ sự tức giận, họ nói "chúng tôi là người Indonesia, chúng tôi tham gia hoạt động kinh tế chỉ vì đất nước này".

Trước phản ứng trên, chính quyền Yudhoyono đã phải dừng tay nhưng quyết tâm hạn chế vai trò kinh tế áp đảo của người gốc Hoa vẫn còn. Những biện pháp cải cách thuế khóa và thủ tục đấu thầu các công trình công cộng đã được ban hành nhằm đánh thuế các công ty người Hoa và bảo đảm sự phân chia quyền lợi trong các hợp đồng ký kết với người bản địa. Tổng thống Yudhoyono đã ý thức rằng cộng đồng người Hoa tại Indonesia không phải là người Trung Quốc, do đó không lệ thuộc vào Bắc Kinh. Về quân sự, chính quyền Indonesia không lo ngại sự bành trướng của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông vì biết rằng Hoa Kỳ sẽ không nhắm mắt làm ngơ.

Kiêm Hương
( Kanagawa)

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: