Thursday, September 16, 2010

HỘI NGỘ ĐỒNG HƯƠNG QUẢNG ĐÀ 2010 TẠI LAS VEGAS

Bút ký Hội Ngộ Quảng Đà 2010 chủ đề “35 Năm Hành Trình Tìm Tự Do”

(nguoivietboston.com)

Sep 15th, 2010

http://nguoivietboston.com/?p=28174

Bắt đầu từ những món nợ. Nợ đủ thứ và nợ rất nhiều người. Nợ chị bán cháo lòng ở góc đường. Nợ anh bán dầu máy đầu xóm. Nợ người chèo chiếc “taxi” đưa mình ra “cá lớn”. Nợ Cao Ủy Tỵ Nạn chiếc vé máy bay. Nợ người dân địa phương đôi lời tạm biệt. Nợ vòng tay nhân ái của bà thiện nguyện viên đứng đón ở phi trường. Nợ người bảo trợ đêm đầu tiên được ngủ trên nệm ấm. Nợ giọt nước mắt còn rớt lại bên sông Hàn. Nợ hàng cây sao bên kia trường trung học. Nợ tiếng đàn guitar dưới gốc phượng già. Nợ ly cà phê đen Thạch Thảo. Và nợ cả chính mình một tuổi học trò dang dỡ.

.

Sau Dallas, Santa Ana, San Jose, Houston, một lần nữa, cuối tuần lễ Lao Động từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9 2010, đồng hương Quảng Đà từ khắp các tiểu bang trên nước Mỹ, Canada và nhiều quốc gia xa xôi như Đức, Pháp, Úc, Anh đã tập trung tại The Orleans Hotel, Las Vegas để tham dự Ngày Hội Ngộ Đồng Hương Quảng Đà 2010, và đông nhất trong số gần 700 người đó là những “con nợ” đã một thời ở đảo.

Những “con nợ” gốc các trường trung học Phan Châu Trinh, Nguyễn Hiền, Trần Quý Cáp, Sao Mai, Nữ Trung Học Đà Nẵng, Phan Thanh Giản, Kỹ Thuật, Bồ Đề, Đông Giang, Trần Cao Vân, Nguyễn Duy Hiệu, Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Blaise Pascal, Bán Công, Thánh Tâm v.v. lần đầu sau 35 năm, có cơ hội nhìn lại một chặng đường họ đã đi qua. Như một cựu học sinh Trần Quý Cáp phát biểu trong đêm đó, 35 năm là một quãng đường rất dài nhưng ký ức thì không. Ký ức hành trình tìm tự do là những tảng băng không bao giờ tan trong ý thức của một đời người.

.

Chương trình chiều thứ Bảy 4 tháng 9 đã diễn ra đúng như tên gọi Câu Chuyện Hành Trình Tìm Tự Do. Đúng vậy, nếu bạn nhắm mắt lại, chỉ lắng nghe thôi, bạn sẽ có cảm tưởng như mình đang đứng đâu đó trong phòng Cao Ủy Tỵ Nạn và đang nghe những lời khai báo của một thuyền nhân vừa được vớt chứ không phải đang ngồi trong sảnh đường Mardi Gras sang trọng của The Orleans Hotel ở Las Vegas.

Anh Đổ Xuân Quý kể lại câu chuyện anh và một số đồng hương trại Songkhla, Thái Lan đi chôn xác người mẹ trẻ và đứa con thơ bị sóng dập vào bờ. Người mẹ đó có thể hôm nay vẫn còn sống nếu chị tìm cách để bơi vào bờ một mình. Nhưng không, chị ở lại với con trên chiếc thuyền vỡ nát, chống chỏi từng ngọn sóng cho đến hơi thở cuối cùng, và hai mẹ con ôm nhau mà chết. Với phần lớn nhân loại những mẫu chuyện như thế chỉ có trong phim ảnh, trong truyện dài, truyện ngắn đầy tưởng tượng, nhưng đối với người Việt những năm sau 1975, câu chuyện “chết trong lòng mẹ” đó là câu chuyện thật.

.

Ngoài anh Đổ Xuân Quý, những câu chuyện khác của những cựu thuyền nhân đã đi trên biển một tuần, hai tuần và nhiều hơn cũng được kể lại. Câu chuyện giúp người tỵ nạn của Mục Sư người Mỹ có tên Việt là Lê Đức hay câu chuyện của các đồng hương ở tận xứ Úc xa xôi cũng rất đầy đủ chi tiết sống động. Bác gái Nguyễn Rô đã ngoài 70 tuổi. Rất nhiều chuyện trong đời có thể bác không còn nhớ hết, nhưng chiều thứ Bảy, khi kể lại những ngày vượt biển của gia đình mình, bác gái kể rành mạch như vừa mới đặt chân lên đảo chiều thứ Sáu. Khi nói về bác gái, chúng ta không quên nghĩ đến bác trai Nguyễn Rô vừa mới qua đời. Một nén hương tưởng nhớ đến bác Nguyễn Rô. Sự thành công của thế hệ Quảng Đà tại Dallas Fort Worth hôm nay bắt nguồn từ nền móng đầu tiên mà bác Nguyễn Rô gầy dựng và gởi gắm trong những Đặc San Quảng Đà Dallas Fort Worth từ 20 năm trước.

.

Một cựu nữ sinh Đà Nẵng kể lại chuyến ra khơi gian truân của gia đình chị. Khi máy hư, lương thực hết và những chiếc tàu hàng, chiếc này sang chiếc khác lạnh lùng lướt qua không một chút xót thương cho đến khi ghe tấp vào gần một giàn khoan dầu. Những kỷ niệm đau lòng như thế đã chôn sâu trong lòng chợt sống lại bên bạn bè, bên đồng hương ở một nơi chưa từng nghĩ tới. Những giọt nước mắt tưởng đã khô từ ngày còn bơ vơ trên đảo, nhỏ xuống mấy chục năm sau trên xứ người. Thì ra, nước mắt là giòng suối không bao giờ cạn.

.

Dù sao, những người đang kể là những người may mắn. Như một cựu thuyền nhân ở Palawan phát biểu trong phần khai mạc: “Bên cạnh những câu chuyện được nghe trong chiều thứ Bảy, có những câu chuyện sẽ không bao giờ được kể. Vâng, làm sao tả được cảnh những người phụ nữ Việt Nam nằm trần truồng trên sàn ghe như những con cá vừa được kéo lên, đang chờ mổ bụng, ướp đá? Làm sao tả được tâm trạng của người chồng bị trói chặt, nhìn người vợ mang thai bị hải tặp hiếp dâm trước mắt? Làm sao tả được tiếng kêu của em bé lên sáu, lên năm khi nhìn xác mẹ mình bị ném xuống biển sâu? Làm sao tả được cảnh người thoi thóp phải ăn thịt người vừa chết để kéo dài sự sống trên chiếc ghe chết máy lênh đênh nhiều tháng trời trên biển Đông? Không, những câu chuyện vượt biên bi thảm đó là những viên đá nghìn cân đè nặng lên số phận của đồng bào bất hạnh và sẽ muôn đời ở lại trong lòng biển.”

.

Bên cạnh những câu chuyện cảm động, nhóm thực hiện đã chiếu một đoạn phim tài liệu 15 phút về những cảnh vượt biên do các tàu, các hãng tin quốc tế tổng hợp. Thời gian quá xa nhưng khi xem lại đoạn phim, cảm giác hồi hộp, lo âu chợt dâng lên như chính mình còn đang lênh đênh trên biển.

.

Phần công phu nhất của chiều thứ Bảy là bảng tổng kết của cựu học sinh Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền Nguyễn Lâm Kim Oanh. Suốt gần 30 phút, bằng dương ảnh, chị Kim Oanh đã giới thiệu một bảng tổng kết khá dài theo thời gian và chi tiết của từng trại, từng chương trình, từng đạo luật ảnh hưởng đến người tỵ nạn, từ những trại đầu tiên trên đảo Guam cho đến các trại đông nhất vùng Đông Nam Á tại các nước Mãi Lai, Nam Dương, Thái Lan. Rất hiếm hoi khi có mấy trăm khán giả im lặng theo dõi một cách chăm chú bảng tường trình rất khô khan mà không ai thở dài than trách, đơn giản bởi vì trong những con số khô khan đó có một phần đời ướt đẫm nước mắt đau thương của chính họ.

.

Chương trình chiều thứ Bảy kết thúc với nhạc phẩm Nhớ Gì Không Em của nhạc sĩ đa tài Tùng Nguyên, cựu học sinh Phan Châu Trinh và cũng là một trong những anh chị đã điều hợp chương trình suốt ba ngày bận rộn. Nhạc phẩm của anh mang nội dung tranh đấu cho nhân quyền nhưng được viết dưới dạng một tình ca để dễ truyền đạt vào lòng người.

.

Điều hợp các chương trình trong suốt ba ngày liên tục là một nhóm cựu học sinh Liên Trường gồm Nguyễn Lâm Kim Oanh đến từ Orange County, Bích Liên đến từ San Jose, Minh Hà đến từ Houston và Tùng Nguyên đến từ Toronto. Đúng là mỗi người riêng một góc trời, chỉ trao đổi nhau một vài lần trên email và dăm ba phút gặp gở trên hành lang khách sạn, nhưng nhờ vào nhiệt tình và tài năng cá nhân, các anh chị đã thay phiên nhau dẫn dắt chương trình một cách thành công và làm cho những tiết mục trở nên thu hút, sống động, hấp dẫn hơn qua cách nói, cách trình bày duyên dáng của mình.

.

Nếu chương trình buổi chiều đầy nước mắt thì chương trình buổi tối đầy tiếng cười hạnh ngộ. Nhắc chuyện cũ là cần thiết bởi vì không có quá khứ thì làm sao có tương lai, nhưng nhắc lại không phải để sống với nó, không phải chỉ để rồi ôm nhau khóc mà để từ đó vươn lên, sống lạc quan yêu đời, làm những công việc tích cực cho gia đình và xã hội. Hầu hết người Việt đã đặt chân đến nước thứ ba với hai bàn tay trắng, tuy nhiên cái vốn chúng ta có mà nhiều dân tộc khác không có là tự tin, lạc quan, vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Trong 35 năm qua, tinh thần lạc quan, tự tin,vui sống đó đã đem lại nhiều kết quả đầy khích lệ trong cộng đồng người Việt nói chung cũng như trong đồng hương Quảng Đà nói riêng về mọi lãnh vực, giáo dục, kỹ thuật, y tế, khoa học.

.

Chương trình văn nghệ Liên Trường tối thứ Bảy được mở đầu bằng hai vũ khúc vui tươi của Hội Quảng Đà Dallas Fort Worth và được tiếp nối bằng nhạc phẩm Ngày Vui Hội Ngộ do các đồng hương Quảng Đà Houston trình bày. Sau đó các trường lần lượt lên sân khấu. Trường đâu tiên là Trung Học Trần Cao Vân Tam Kỳ do bạn Ngô Sanh đại diện qua nhạc phẩm cảm động Tam kỳ ngày tôi về. Trung tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền với Biết Ra Sao Ngày Sau. Liên Trường Bắc California với một vũ khúc vui tươi và nhạc phẩm Gọi Người Yêu Dấu. Nỗi bật là Nữ Trung Học Đà Nẵng với biểu diễn thời trang áo dài đầy màu sắc. Ngoài ra, trường Nữ Trung Học cũng đóng góp một hợp ca Cô Gái Việt và một vở hài kịch vui nhộn dù chỉ tập dượt trong một thời gian ngắn kỹ lục. Năm tháng trôi xa nhưng niềm vui dường như không có tuổi. Mái tóc bắt đầu dăm sợi bạc nhưng nụ cười vẫn hồn nhiên như thời chọc ghẹo các chàng trai đang ngơ ngác dưới gốc me xanh bên kia đường Thống Nhất.

.

Trường Phan Châu Trinh bao giờ cũng hùng hậu nhất. Các bạn mở đầu bằng nhạc phẩm truyền thống Phan Châu Trinh hành khúc, tiếp nối bằng nhạc phẩm Vẫn Mơ Về Đà Nẵng của Nhật Ngân và vũ khúc vui Trống Cơm. Theo tin hành lang, vũ khúc này cũng chỉ được tập dợt trong vòng vài phút. Tiết mục rất hay của trung học Phan Châu Trinh là tiếng kèn Saxo độc đáo của Tùng Nguyên qua nhạc phẩm Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ. Tiếng kèn ray rức của anh mang chúng ta về với những con đường quen thuộc trên xứ Quảng thân yêu. Người nghe không thể không ngậm ngùi khi “Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi. Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi”.

.

Sau Phan Châu Trinh là Kỹ Thuật Đà Nẵng với đoàn ca của trường cùng với hai ca khúc Lời Của GióCánh Bướm Vườn Xuân. Trường cuối cùng trong chương trình là trung học Sao Mai với đoàn ca Sao Mai Hành Khúc và tốp ca Yêu Sao Mai. Nói chung, hầu hết các trường tham dự không ít thì nhiều đều có đóng góp vào chương trình tối thứ Bảy. Các vở kịch, nhạc phẩm, điệu múa đều rất vui và sinh động. Từ màn vũ Trống Cơm của các chàng trường Phan Châu Trinh cho đến vở hài kịch của các nữ sinh Đà Nẵng cho thấy các cô các cậu đã sống xứng đáng với câu “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò” Quảng Nam Đà Nẵng.

Chương trình trọng điểm Gala Night tối Chủ Nhật là chương trình mà nhóm thực hiện tốn nhiều công sức nhất. Theo chủ ý của đầu tàu Nguyễn Văn Hào, ngay trước khi bắt đầu, các tham dự viên sẽ có thời gian thăm hỏi thầy cô, bạn bè và ăn tối ngay. Để tiết kiệm thời gian, bất cứ khi nào bàn đủ số người nhà hàng sẽ dọn thức ăn, không nhất thiết phải chờ đông đủ hay đúng giờ. Đến trước dùng cơm trước đến sau dùng cơm sau. Bởi vì, theo kinh nghiệm cho biết, nếu chờ đúng 700 người cùng ăn một lúc thì sẽ không biết đến bao giờ mới dọn xong đĩa bát. Thành thật mà nói, bữa cơm do The Orleans Hotel chuẩn bị tối tương đối đạm bạc, nhưng có lẽ không ai trách cứ gì nhiều vì đa số cũng đoán trước, trong những buổi tiếp tân lớn của Mỹ chỗ ngồi là chính và món ăn là phụ.

.

Sau các chi tiết chuẩn bị hoàn tất, Gala Night được chính thức bắt đầu với nghi thức chào quốc kỳ và phút mặc niệm. Bạn Nguyễn Văn Hào, trưởng nhóm thực hiện chương trình Hội Ngộ Quảng Đà 2010 đã ứng khẩu một diễn văn cảm động. Anh nói về những món nợ mà anh mang theo trong đời, từ những ngày chưa rời khỏi nước đến hôm nay. Anh nợ chị bán cháo lòng cho anh tô cháo nóng trong những ngày khó khăn. Anh nợ anh bán thùng dầu chạy máy đã không đi báo công an. Rồi sang Mỹ, rồi học hành, rồi cha mẹ. Bao nhiêu món nợ theo thời gian chồng chất trên vai. Những món nợ đó, dù vật chất hay tinh thần, anh biết đều không trả nổi. Điều có thể làm được là tưởng nhớ, biết ơn và làm những điều tốt cho đồng hương và cho tha nhân. Ngoài ra, như khi anh Nguyễn Văn Hào hô “mời bà con từ Las Vegas đứng lên” thì chỉ có ba người đưa tay. Số còn lại trong 700 người đều đến từ các tiểu bang trên nước Mỹ và các quốc gia khác. Việc tổ chức đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi phải lo hướng dẫn nơi ăn chỗ ở cho những ai chưa quen thuộc với thể thức ghi danh hay chưa từng đến Las Vegas. Anh trưởng nhóm thực hiện cũng dành thời gian để cám ơn các đồng hương của Hội Quảng Đà Dallas Fort Worth, Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền, các hội đồng hương Quảng Đà các tiểu bang, các bạn trong Liên Trường Quảng Đà đã đóng góp một cách tận tụy vào chương trình họp mặt 2010. Không có những đôi cánh rộng của đồng hương và thân hữu, một con én Nguyễn Văn Hào cũng chỉ báo hiệu mùa xuân nhưng không thể làm nên mùa xuân trọn vẹn như trong lần họp mặt năm nay. Một người, tuy anh Nguyễn Văn Hào không chính thức cám ơn trên sân khấu nhưng đa số thân hữu đều biết đằng sau sự thành công của người đàn sông là hình bóng của người phụ nữ, và nếu không có người phụ nữ đó chương trình đã không được thành công như ý muốn.

Sau phần phát biểu của cưu học sinh Phan Châu Trinh Nguyễn Văn Hào là lời cám ơn đến các bậc cha mẹ đã suốt đời tận tụy vì con của thế hệ thứ hai Nguyễn Thị Thanh Thu, thuộc Hội Quảng Đà Dallas Fort Worth.

.

Tiếp lời chị Thanh Thu, cựu học sinh Trần Quý Cáp Trần Trung Đạo trình bày ý nghĩa của việc đánh dấu 35 Năm Hành Trình Tìm Tự Do của người Việt hải ngoại nói chung và đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng: Đối với một người Việt Nam tỵ nạn, quá khứ và tương lai không chỉ là bóng dáng và dấu hiệu thôi, hơn thế nữa, là hai cuộc đời cùng sống, cùng tồn tại, cùng níu kéo nhau, xô đẩy nhau vô cùng mãnh liệt. Vì thế, đã 35 năm nhưng tất cả chi tiết, từ khi rời cửa biển đến khi được vớt giữa biển Đông và những ngày ở lại trại tỵ nạn, vẫn còn nguyên vẹn trong ý thức. Nếu buổi sáng năm đó, ai hỏi anh đang đi đâu, anh sẽ trả lời, đi bất cứ nơi nào trên trái đất này miễn nơi đó có tự do, bởi vì, tự do là sinh tố không thể thiếu của đời sống của một con người. Quê hương dù đẹp, dù thơ, cũng không còn đủ nghĩa nếu quê hương không có tự do. Anh cũng nhắc lại buổi phỏng vấn anh dành cho đài VOA vào dịp 30 tháng 4 năm nay, khi được hỏi về việc chọn lựa ra đi, anh trả lời, bởi vì quê hương Việt Nam sau 1975 là quê hương để nhớ để thương nhưng không phải để sống.

.

Đại diện thế hệ thứ hai, thứ ba, sau đó, đã đến từng bàn để kính dâng những bông hoa hồng tươi thắm lên các bậc cha mẹ thay cho lòng biết ơn về những hy sinh, chịu đựng mà các bậc cha mẹ đã trải qua. Những hạt giống mà các bậc cha mẹ gieo trồng trên đất lạ và tưới lên bằng mồ hôi nước mắt, hôm nay đã trở thành những cây xanh trái ngọt. Và các thế hệ hôm nay xin hứa giữ gìn truyền thống hiếu học Quảng Đà, sẽ mang truyền thống tốt đẹp đó đi vào các thế hệ mai sau.

.

Chương trình văn nghệ Hành Trình Tìm Tự Do là một ngạc nhiên ngay cả với những nhà phê bình nghệ thuật khó tính nhất. Mở đầu với liên khúc vũ và hợp ca Một Ngày Việt NamBên Em Đang Có Ta do người con trai xứ Quảng Trầm Tử Thiêng sáng tác. Sau đó là nhạc phẩm Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười với tiếng hát xuất sắc của Anh Phương qua phần nhạc đệm của tiếng vĩ cầm Luân Vũ và ban nhạc. Các nhạc phẩm tiếp nối gồm Trường Làng Tôi (Đan Thanh), Đêm Chôn Dầu Vượt Biển (Thùy Nhung), Quê Hương Bỏ Lại (Vân Anh), vũ khúc Một Ngày Không Có Anh ( Dallas Ft. Worth) , song ca Một Chút Quà Cho Quê Hương (QĐ Houston), vũ khúc Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng (QĐ Dallas Ft. Worth) và hợp ca Xin Đời Một Nụ Cười (Liên Trường QĐ Bắc California), cuối cùng kết thúc bằng hòa âm của ban nhạc Luân Vũ trong Biển Nhớ Nghìn Trùng Xa Cách.

.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy thứ tự của các đơn ca, hợp ca, vũ khúc, hoạt cảnh đã được sắp xếp một cách cố tình theo đúng không gian và thời gian của một câu chuyện dài. Từ khi ra đi mang theo nỗi nhớ mẹ già, dấu kín trong lòng những kỷ niệm của ngôi trường làng quen thuộc, chôn dầu vượt biển tìm tự do, bỏ lại sau lưng một quê hương thống khổ và cuối cùng xin đời một nụ cười trong tận cùng đau thương mất mát. Tất cả đã được xây dựng bằng một bố cục chặt chẽ. Ngay cả các dương ảnh cũng được chọn lựa thích hợp cho từng bài hát và đã được điện toán hóa từ trước. Không thể thêm bớt hay thay đổi một tiết mục nào. Mặc dù các bài hát, các vũ khúc được tập dượt từ nhiều nơi khác nhau, nhiều trường khác nhau, và các lời giới thiệu được viết và được đọc bởi nhiều người khác nhau, tối Chủ Nhật đã hòa nhập vào nhau thành một câu chuyện sống động để cùng mang đến cho những người thưởng ngoạn một Hành Trình Tìm Tự Do như chính họ đã từng trải qua.

.

Những câu tục ngữ, ca dao như “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” là một phần của văn hóa Việt Nam mà mỗi học sinh ở miền Nam trước đây đã thuộc nằm lòng. Dù có lúc phải chịu đựng khó khăn hay cả trong khi bị bạc đải chúng ta cũng không quên ơn của các quốc gia Đông Nam Á cũng như các quốc gia khác đã cưu mang chúng ta trong giai đoạn đầy đau thương và nước mắt.

.

Tất cả các trại tỵ nạn Đông Nam Á và nội địa Hoa Kỳ được giới thiệu với các chi tiết chính xác về địa điểm, số người cũng như đời sống trong trại thời gian đó. Gần 40 cựu học sinh Quảng Đà và đồng hương theo tên gọi của đảo mà mình đã từng nương tựa lần lượt cầm bảng tên trại bước ra sân khấu. Mã Lai với Pulau Bidong, Pulau Besar, Pulau Tengah, Kuala Terenganu, Marang, Kuantan, Sungei Besi, Mersing, Kemunin. Nam Dương với Galang 1, Galang 2, Galang 3 và Kulu. Hong-Kong với White Head, San-Yik, HelingChau, Tuen Mun, Shamshuipo, Pillar Point. Thái Lan với Banthad, Learn Sing, Phanat Nikhom, Sikiw, Phanat Nikhom, Songkhla. Singapore với Sembawang. Phi Luật Tân với Bataan, Palawan, Subic Bay. Trại trên nước Mỹ với Guam Island, Wake Island, Camp Pendleton, Camp Fort Indiantown Gap, Eglin Air Force Base, Fort Chaffee. Ngoài ra, người tỵ nạn cũng không thể nào quên những chiếc tàu nhân ái ILE de LUMIÈRE, Cap Anamur, Le Goelo, USS Kirk và các chiến hạm Hoa Kỳ khác đã cứu vớt hàng ngàn đồng hương đang trong giờ phút vô cùng hiểm nguy trên biển cả.

Phần còn lại của đêm Chủ Nhật là nhạc thính phòng và sau đó là chương trình dạ vũ với tiếng hát của ca sĩ Ý Lan.

.

Được biết không chỉ tối thứ Bảy, tối Chủ Nhật mà tối thứ Sáu một chương trình Biết Ơn Thế Hệ Thứ Nhất đã diễn ra rất cảm động. Cô Tống Nữ Mộng Hoa đại diện thế hệ thứ nhất phát biểu cảm tưởng trong tiếng Champage nỗ dòn đánh dấu giờ phút quan trọng bắt đầu chương trình Hội Ngộ Quảng Đà 2010. Và cũng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến cuộc tranh tài hào hứng của những tay vợt, những tay bơi lội Liên Trường qua những cuộc đua và trận cầu nhiều gay cấn.

.

Đây không phải là lần đầu nhưng là lần tổ chức khó khăn và phức tạp nhất. Những lần hội ngộ trước đây, cái thôi thúc chính là tình bằng hữu, đến để gặp nhau, để tìm về kỷ niệm, trường xưa, bạn cũ, tất cả tiết mục khác có thể dễ dàng thông cảm. Lần này thì khác, không chỉ gặp nhau thôi mà còn để đánh dấu một hành trình 35 năm tìm tự do không thể nào quên được. Và cũng với một chương trình đầy tham vọng như thế, những sơ sót không thể nào tránh khỏi. Những ý kiến xây dựng sẽ được lắng nghe, những buồn phiền sẽ được xoa dịu. Bởi vì, tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người, tình đồng hương, tình bạn là còn lại, cho hôm nay và mãi mãi về sau.

Người Xứ Quảng

.

.

.

No comments: