Friday, September 10, 2010

HỒ CHÍ MINH - NGÔ ĐÌNH DIỆM và CUỘC CHIẾN QUỐC-CỘNG (Kết)

Hồ Chí Minh-Ngô Đình Diệm và cuộc chiến Quốc-Cộng (Kết)
Minh Võ

10-09-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7762

Cũng xin thưa trước là đã có nhiều người vì bênh Tổng Thống Diệm, nên đã quả quyết rằng ông Diệm là người chống Cộng triệt để, không thể nào hiệp thương hay thỏa hiệp với CS được. Chúng tôi chỉ xin bàn đến trường hợp của tiến Sĩ Phạm Văn Lưu.

Trong Kỷ Yếu của Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại tháng 10 năm 2005 tác giả Phạm Văn Lưu, tiến Sĩ sử học, ở Úc đã đưa ra một bằng chứng làm cho chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Ông bảo ông đã tìm thấy một tài liệu của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ chỉ thị cho CIA từ tháng 8-1963, “ngụy tạo những tài liệu liên kết Nhu với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà làm cho Nhu mất tín nhiệm với các tướng lãnh. (tài liệu tại Thư Viện John F. Kennedy, tháng 9, năm 1963).” Với tư cách một tác giả có học vị tiến sĩ sử học, Ts Lưu trưng dẫn tài liệu từ gốc, thuộc nguồn chính (primary sources), có giá trị, không thể chối cãi. Nhưng chúng tôi ngạc nhiên và lấy làm nghi ngờ tự hỏi: Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thường do chính Tổng Thống chủ toạ làm sao lại có thể chỉ thị một sự ngụy tạo (fabrication) có thể làm mất uy tín và danh dự như vậy, chỉ để thi hành một âm mưu chính trị đen tối? Uy tín, danh dự của một siêu cường để đâu? Tài liệu đó có mang chữ ký của TT Kennedy, hay một thành viên nào của Hội Đồng không?

Dầu sao thì tài liệu này đã được trưng dẫn bởi một người muốn bênh vực Tổng Thống Diệm. Tác giả không tin được rằng ông Diệm và ông Nhu đã muốn bắt tay với Cộng Sản để “đâm sau lưng chiến sĩ và nhân dân Miền Nam!”

.

DCVOnline: Theo 29 tài liệu và 1 audio clip tác giả John Prados trưng dẫn trong bài “JFK and the Diem Coup" - từ DCI Briefing, July 9, 1963 đến Department of State, Memorandum William P. Bundy-Bill Moyers, "Discussions Concerning the Diem Regime in August-October 1963," July 30, 1966 hiện đang lưu trữ tại John F. Kennedy Library, Lyndon B. Johnson Library, John Prados, ed. The White House Tapes: Eavesdropping on the President (New York: The New Press, 2003, 331 pp. + 8 CDs, ISBN 1-56584-852-7), Gerald R. Ford Library - không có bất kỳ 1 tài liệu nào xác minh việc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ chỉ thị cho CIA từ tháng 8-1963, “ngụy tạo những tài liệu liên kết Nhu với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà làm cho Nhu mất tín nhiệm với các tướng lãnh.” (Nguồn: http://www.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB101/index.htm#5, truy cập 01/09/2010)
John Prados hiện là Viện sĩ tại Thư khố về Anh ninh Quốc gia (George Washington University) và quản lý hai thư khố tài liệu về Dự án Iraq và Dự án Việt Nam. John Prados (tốt nghiệp Ph.D. về Quan hệ Quốc tế tại Columbia University) còn là tác giả của nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam, mới nhất là Vietnam: The History of an Unwinnable War (2009) và cuốn How the Cold War Ended sẽ phát hành cuối năm 2010.

.

Chúng tôi thì không nghĩ, hiệp thương hay toan tính hiệp thương với Bắc Việt là phản bội cuộc đấu tranh chống Cộng. Theo khái niệm chiến tranh toàn bộ của cuộc chiến ý thức hệ, thì trung lập, hiệp thương hay liên hiệp đều là một vũ khí, một hình thức đấu tranh.

Hồi 1945 ông Diệm không nhận lời mời của HCM nhận chức bộ trưởng nội vụ để cùng đứng trong chính phủ liên hiệp với các đảng Quốc Gia khác, vì lúc ấy phe CS của ông Hồ đã nắm hầu như toàn quyền. Dù số bộ dành cho các đảng Quốc Gia chiếm tỷ lệ cao, (Trong chính phủ LH thứ nhất là gần 50%, với cụ Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ Tịch) nhưng thực chất cán bộ CS đã nắm hầu hết hạ tầng cơ sở, do họ được huấn luyện kỹ về tuyên truyền, gián điệp, mật vụ, và đặc công.
Tóm lại liên hiệp với CS lúc ấy là liên hiệp trong thế yếu. Cho nên bất lợi. Thực tế cho thấy chẳng bao lâu sau các chiến sĩ Quốc Gia đã bị VM tàn sát, thủ tiêu. Đa số các nhà lãnh đạo phải bỏ trốn hay chạy sang Tầu.

Còn năm 1962, 63 ông Diệm ở vào cái thế không kém, nếu không phải hơn ông Hồ về mọi mặt. Thời ông Diệm không còn quân Pháp như thời Bảo Đại. Có Hiến Pháp, Quốc Hội và các cơ chế dân chủ của một quốc gia độc lập hoàn toàn, không còn phải ở trong Liên Hiệp Pháp. Hơn nữa về mặt kinh tế miền Nam trong thời gian vắn đã phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp và tiểu công nghiệp rất nhanh khiến đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Việc này ngay cả những người chê ông Diệm độc tài và lầm nghĩ ông kỳ thị Phật Giáo, như Hồ Sỹ Khuê cũng phải công nhận. Về mặt tinh thần ai cũng thấy Miền Nam là đất tự do. Chính những người chỉ trích ông Diệm lại là những người vui lòng ở Miền Nam của ông Diệm, chứ không dám bén mảng đến miền Bắc của ông Hồ. Trái lại thời ông Diệm hàng ngày vẫn có nhiều người dân miền Bắc liều chết vượt sông Bến Hải vào Nam tìm tự do. Nếu ông Diệm là bạo chúa, chế độ ông Diệm là “độc tài khát máu”, thì làm sao lại có hiện tượng lạ lùng đó?

Tất cả những yếu tố kể trên tạo nên cái thế vượt trội của ông Diệm. Nhưng quan trọng hơn hết là phía người quốc Gia thời ông Diệm đã có một lãnh thổ gồm nửa nước, cả một miền Nam trù phú, gọi là Việt Nam Cộng Hoà. Ngày nay thì không còn nữa. Cái gọi là VN Cộng Hoà đã mất. Và nó mất ngay từ khi nền đệ nhất CH “sụp đổ tan tành”.

Dầu sao thì chính quyền Kennedy đã để mấy giới chức của bộ ngoại Giao, từ thứ trưởng trở xuống và một nhân viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia qua mặt Tổng Thống và cấp trên để ngấm ngầm bằng phương cách lươn lẹo mờ ám điều khiển cuộc đảo chính lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Chi tiết vụ việc này chúng tôi đã tóm tắt trong hai tác phẩm về Ngô Đình Diệm.
Dù chủ trương là người Mỹ, nhưng nếu không có người Việt làm tay sai thì âm mưu cũng không thực hiện được. Tiếc rằng một số tướng lãnh đã nhận tiền và chỉ thị của toà đại sứ Mỹ do một nhân viên CIA là Lou Conein trao để làm đảo chính và giết hai ông Diệm Nhu, rồi đổ vấy cho là hai ông “tự sát”.

Hậu quả của vụ đảo chính như thế nào ta đã thấy rõ. Đúng như lời Tổng Thống Nixon đã viết ở trên. “Toàn thể hệ thống chính trị Nam Việt Nam sụp đổ tan tành”. (The entire South Vietnamese political system came crashing down.) Phe Quốc Gia thua từ ngày đó.Việt Nam Cộng Hoà chết ngày 30 tháng tư 1975. Nhưng nó đã trải qua cơn hấp hối suốt 12 năm. Trong cơn hấp hối đó thân thể Tổ Quốc đã bị nội xuất huyết liên tục, do hàng triệu người Việt hàng ngày đổ máu trong chiến tranh.


Hãy chân thật với lịch sử
Có nên nói thẳng ra ai là những kẻ chịu trách nhiệm nặng nhất về cái chết kéo dài này không?

Phía Hoa Kỳ nhiều yếu nhân Mỹ như Nixon, Johnson, McNamara... đã khẳng định “chúng tôi có tội” (we are culpable) (5). Như vậy phải chăng trách nhiệm nặng nhất đổ lên đầu Tổng Thống Kennedy? Dầu sao thì tội quy vu trưởng. Tuy nhiên thái độ của ông sau khi nhận tin ông Diệm bị giết cho thấy ông không chủ trương giết ông Diệm. Nhiều người trong đó có sử gia Arthur M. Schlesinger, phụ tá đặc biệt của TT Kennedy cho biết “khi nghe tin ông Diệm tự sát, TT Kennedy đã hốt hỏang, buồn rầu, chưa bao giờ như vậy kể từ vụ Vịnh Con Heo”. (Xem A Thousand Days, trang 998.) Nhưng nhiều ký giả và sử gia thuộc trường phái “chính thống” chưa hoàn toàn đồng ý. Vì vậy xin để nhân dân Mỹ, lịch sử nước Mỹ phán xét. Chúng ta chỉ nên bàn về trách nhiệm của phía Việt Nam.

Có người sẽ nói, về Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm cũng hãy để lịch sử phán xét. Nhưng lịch sử sẽ dựa vào đâu để phán xét? Dựa vào những sự thực của những người can đảm dám nói lên. Hay dựa vào những sự dối trá hay những thông tin sai lạc từ phía những kẻ phạm tội rồi cố tình chạy tội hay những nhà báo hay sử gia thiên vị, hay đã bị mua chuộc đê che giấu sự thực lịch sử?

Khi viết những tác phẩm về Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm chúng tôi đã cố gắng hết mình để trung thực, lương thiện và khách quan. Quý vị nào bảo Minh Võ chủ quan, thiên vị, xin hãy nêu bằng chứng từ mấy cuốn sách của tôi và cho biết tôi sai, hay chủ quan ở chỗ nào? Như vậy sẽ giúp tôi học hỏi được nhiều. Bằng không thì độc giả sẽ phải tự hỏi không rõ người viết hay người phê bình, ai chủ quan và có thiên kiến?
Ở đây chúng tôi chỉ xin tóm tắt rằng trong cuộc chiến quốc cộng chỉ có hai đối thủ có thể gọi là “kỳ phùng địch thủ” là Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Cả hai đều dùng một vũ khí phi quân sự đặc biệt là chiêu bài dân tộc (HCM) và chính nghĩa dân tộc (NĐD). Hồ Chí Minh thì được các đảng phái Quốc Gia tiếp tay, cứu giúp. Còn Ngô Đình Diệm thì bị Mỹ và một số Tướng Lãnh giết với sự tiếp tay hay tán thành của những chính khách và đảng phái không ưa ông. Vì vậy mà phe quốc gia đã thua. Hậu quả là toàn quốc rơi vào tay CS, gây nên thảm hoạ suốt trong 35 năm qua.

Ngày nay muốn thoát thảm hoạ đó, điều cần trước tiên là phe quốc gia chúng ta phải tự kiểm điểm và phân tích tình hình để cùng tìm hiểu và cùng đồng ý với nhau về nguyên nhân thất bại, đúng theo chiến pháp của các chiến lược gia Đông Tây kim cổ (6).
Có thế thì chúng ta, hay con cháu chúng ta sau này, mới tìm ra hướng đi đúng đắn hầu có thể làm điều mà chúng ta hiện nay không có cách gì làm nổi,
là cứu nước nhà khỏi hoạ diệt vong vào tay kẻ thù phương Bắc.

Chúng tôi nói chúng ta không thể nào làm nổi là căn cứ vào sự đổ vỡ tan tành nền tảng vật chất và tinh thần của phe Quốc Gia từ sau 1963 tới nay và hậu quả là sự đổ vỡ uy tín của các cấp lãnh đạo các đảng phái chỉ biết trông chờ sự giúp đỡ của ngoại nhân. Mà ngoại nhân thì chỉ đặt quyền lợi của họ trên hết. Cũng vì quyền lợi dân tộc riêng, chắc chắn họ không muốn giúp một số cá nhân hay đoàn thể tổ chức lỏng lẻo lưu vong bằng một chế độ đã đứng vững trên ba thập niên, có lãnh thổ, có chính quyền. Ta có thể bảo như thế là họ ích kỷ. Nhưng thuyết phục họ bỏ quyền lợi riêng để tranh đấu cho những kẻ mất nước như chúng ta là bất khả thi, dù chúng ta nhân danh nhân quyền hay lòng nhân đạo chăng nữa.

Sau khi thảm bại, nhiều cấp lãnh đạo của VNCH đã vào tù để có dịp suy nghĩ và rút ra những bài học quý báu cho tương lai. Một số đã chết thảm trong tù như bác sĩ Phan Huy Quát, như luật sư Trần Văn Tuyên, như lãnh tụ VNQDĐ Vũ Hồng Khanh. Chết trong hoàn cảnh đó, có lẽ lỗi lầm của các vị đó đã được xoá sạch.

Nhưng những người nhận tiền của Mỹ lật và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và một số chính khách thuộc các đảng phái chống đối hầu hết đã bỏ chạy vào giờ thứ 25 và, vì có phương tiện nên họ đã có được đời sống an nhàn trên đất Mỹ. Họ có thì giờ và tiền bạc, người quen phụ giúp để viết những cuốn gọi là hồi ký để chạy tội.
Những hồi ký đó đầy rẫy những lời kết án, nguyền rủa một chế độ tốt đẹp nhất từ 1945 đến ngày nay.
Hầu như không có một nhân vật nào trong số những kẻ đó dảm can đảm lên tiếng nhận lỗi và hối hận. Mà bởi vì họ là những tướng lãnh, những nhà lãnh đạo cao cấp trong chính phủ. Chung quanh họ có rất nhiều đàn em, đệ tử. Những người này có các cơ quan truyền thông mạnh miệng bênh vực, Những người có lương tâm, biết sự thực không dám mở miệng vì sợ tai bay vạ gió.
Đó là một vài lý do khiến cho đến nay quốc sự ra nông nỗi này.

Như đã trình bày ở phần II chính các nhà cách mạng quốc gia đã dung nạp, giúp đỡ và tạo thanh thế cho ông Hồ Chí Minh. Điều này là một khuyết điểm nghiêm trọng. Nhưng xét vì các vị đó đã làm vì lòng tốt, vì chưa biết rõ về con người HCM và cũng chưa rành về mưu sâu của Lênin, cho nên cũng khó trách họ. Phe Quốc Gia chúng ta, trong một chừng mực nào đó, thường có cái “tật” lấy lòng quân tử đo dạ kẻ tiểu nhân.

Trong cuốn “Lịch sử đấu tranh cận đại” nói trên ... Hoàng Văn Đào đã thuật lại việc lãnh tụ Đại Việt Quốc Dân Đảng Trương Tử Anh, cũng là một trong 3 lãnh tụ tối cao của liên minh Đại Việt QDĐ và Việt Nam QDĐ đã bác bỏ lời khuyên của một chiến sĩ VNQDĐ khác là Lê Khang: Trong một hội nghị liên đảng, Lê Khang đã đề nghị: “Phải đoạt chính quyền ngay trong ngày 18-8 để loại HCM và bè lũ ”. Sau khi đề nghị của ông bị bác bỏ, Lê Khang và một số đồng chí VNQDĐ đã bỏ đi lên Vĩnh Yên lập chiến khu riêng. Kết quả là chính Lê Khang đã bị CS giết (SĐD trang 214-217....) và lãnh tụ Trương Tử Anh thì bị thủ tiêu bí mật, được ghi là mất tích. (7)

Khi HCM đã giành được chính quyền rồi, để củng cố quyền lực bằng chiêu bài dân tộc, ông ta lại một lần nữa cần đến sự tiếp tay của các đảng Quốc Gia. Và 2 chính phủ liên hiệp tiếp nối ra đời. Các đảng Quốc Gia đã nhận 70 ghế trong “quốc hội” 1946 mà không được bầu.
Cái lỗi lầm này dĩ nhiên nghiêm trọng hơn lỗi lầm của các vị trưởng bối ở Hoa Nam nhiều. Nhưng dầu sao so với cái tội phá tan tành Đệ I Cộng Hoà và giết một lãnh tụ duy nhất có khả năng đối phó với HCM thì còn nhẹ, chẳng đáng nhắc lại nhiều. Hơn nữa cái công của Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Pháp dưới sự lãnh đạo của đảng trưởng Nguyễn Thái Học, không thể nào phủ nhận được và mãi mãi sẽ còn được hậu thế ghi ơn. Mặc dù cuộc khởi nghĩa ngày 10-2-1930 tai Yến Bái đã thất bại khiến Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ đã phải lên đoạn đầu đài, hàng ngàn chiến sĩ khác đã hy sinh tại chiến trường, hay vào tù và thậm chí bị đầy đến những nơi xa xôi trên trái đất điển hình là 325 người bị đầy tới đảo Guyane, Nam Mỹ rồi mất tại đó. (8)

Nước đã mất vào tay CS đã 35 năm (hơn một phần ba thế kỷ) rồi. Trừ một số vô trách nhiệm vội vã bỏ chạy ra ngoại quốc, hầu hết tướng lãnh và viên chức cao cấp VNCH đều đã nếm mùi đớn đau, tủi nhục trong tù. Họ đã có dư thì giờ để nghiền ngẫm về nỗi nhục mất nứoc và chắc hẳn nhiều người đã tự tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, tại sao lại mất nước?


Thế chiến III (giữa khối Cộng và thế giới Tự Do) cũng đã kết thúc hai chục năm rồi. Các nước Đông Âu đã sụp đổ, Liên Xô tan rã mau chóng. Nhiều người chua xót tự hỏi, sao Việt Nam vẫn chưa được giải phóng?
Là vì chúng ta chưa chịu tin rằng mình đã thua, hãy còn thích thú nhớ lại và nhắc lại những chiến công hiển hách trong quá khứ, hãy còn bị mê hoặc bởi giấc mộng giải phóng bằng đòi dân chủ, tự do, nhân quyền để may ra kẻ thù bố thí cho chút đỉnh như nhỏ giọt. Trong khi Việt Cộng, với chính quyền trong tay và diễn đàn quốc tế, ngày nay được nhìều nước trên thế giới ủng hộ, luôn ngụy biện và cãi chầy cãi cối rằng quan niệm về nhân quyền mỗi nước một khác, và ngoại bang không có quyền can thiệp vào nội bộ VN. Khi mà một số các tổ chức phi quốc gia như Văn Bút Thế Giới, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, hay hội ký giả không biên giới v.v... mạnh mẽ lên tiếng thì bất quá VC cũng chỉ thả sớm hay giảm án cho một vài tù nhân lương tâm, sau khi đã tàn phá thể xác và triệt hạ ý chí chiến đấu của họ. Để rồi sau đó lại bắt bớ, bỏ tù, hành hạ thêm nhiều người khác.

Cứ nhìn vào kết quả nhỏ nhoi của những cố gắng của các đoàn thể đảng phái, thì phải công nhận rằng phương cách hoạt động của chúng ta không đưa đến kết quả. Những nỗ lực nêu cao ngọn cờ vàng trên thế giới và đặc biệt là ở Mỹ, hay những thành tựu của một vài chính trị gia trẻ tuổi đã vào được một vài cơ quan lập pháp tiểu bang hay liên bang v.v… cũng không ảnh hưởng bao nhiêu đến lập trường chung của Quốc Hội để Hoa Kỳ cương quyết hơn trong chính sách về nhân quyền.


Ngày nay phần đông các tướng lãnh và nhân vật chính trong cuộc đảo chính 63 đều đã chết, từ Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu đến Đỗ Mậu, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân. Tướng Kỳ thì coi như đã bỏ sang hàng ngũ đối phương. Chỉ còn lại vài tướng như Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính. Vì vậy rồi đây sẽ có nhiều người mạnh bạo lên tiếng công khai kết án hành động phá hoại một chế độ coi như nền tảng của vị thế nổi bật của phía Quốc Gia trong một thời.

Gần đây chúng tôi được biết tại hội nghị
Việt Nam - 35 năm nhìn lại” tổ chức ngày 9-4-2010 gồm nhiều ký giả và nhân vật chính trị cả Việt lẫn Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Linh (cựu Tổng Giám đốc Thông Tin, có chân trong Hội đồng Nội các) đã mạnh dạn nói lên một sự thật mà cho đến nay hiếm có ai dám làm, tuy rằng rất nhiều người cũng nghĩ như ông. Ông Linh nói:
“Theo tôi thì cuộc đảo chính (1963) này đã đánh dấu cái chết của miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm lăng miền Bắc.
Thiển nghĩ câu nói trên chính là lời buộc tội gắt gao những kẻ chủ xướng và thi hành cuộc chính biến 1963. Bắt họ phải chịu trách nhiệm về việc miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản. Có lẽ đa số thành viên hội nghị không dễ dàng đồng ý với ông Nguyễn Ngọc Linh.
Dầu sao thi ông Linh cũng đã thay mặt nhiểu người không có mặt tại hội nghị, cất lên tiếng nói can đảm của một người có trách nhiệm, biết phân biệt phải trái và có kiến thức về lịch sủ, chứ không a dua theo đám đông. Hy vọng rồi đây những tiếng nói tương tự sẽ càng ngày càng nhiều hơn, để soi sáng một vùng tối trong lịch sử Việt Nam.

Lịch sử là tấm gương cho hậu thế soi, trong đó gồm những bài học của tiền nhân để lại. Nếu những nhà viết sử không có can đảm nói lên sự thực, lại còn cố tình che giấu hay xuyên tạc, bóp méo, chỉ vì nể sợ những kẻ có quyền có tiền,
thì con cháu chúng ta sẽ mãi mãi mò mẫm trong tối tăm, không bao giờ tìm ra đúng hướng để đi trong công cuộc cứu nước và dựng nước, và sẽ đến lúc cái tồi tệ nhất xảy ra: Nước ta không còn lịch sử nữa.


Đến đây chắc quý vị đã thấy tại sao những vấn đề của đất nước được nêu lên ở đầu bài sẽ không thể nào giải quyết được bới những người ở lớp tuổi chúng ta - từ 65 tuổi trở lên.

Cái chế độ hiện thời không thể thay đổi, đổi mới được. Đúng như Boris Yeltsin đã nói, nó chỉ có thể bị thay thế. Nhưng ai sẽ thay thế nó? Đã 35 năm hơn rồi lớp già chúng ta đã thất bại và chắc chắn sẽ còn thất bại, nếu không chịu khiêm tốn nhận mình đã thua vì đã phạm những lỗi lầm không thể tha thứ về chiến lược.

Kể từ sau khi Đông Âu sụp đổ rồi Liên Xô tan rã, nhiều lần các nhà lãnh đạo cũ của phe Quốc Gia đã cố thử tập họp các cộng đồng lại để mưu cầu một cơ may nào đó. Trong thập niên 90 thể kỷ trước nhiều ngừoi đã mở đường cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đứng ra gánh vác trọng trách. Rồi những chính phủ lưu vong Nguyễn Hữu Chánh, Đào Minh Quân (?) ra đời. Đó là chưa kể nhiều đảng phái như Việt Tân, Đại Việt (ba hệ phái) và “chính phủ lưu vong” Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Văn Chức, Lý Tòng Bá (VNCH Foundation?) v.v... đều có chương trình kế sách rầm rộ. Nhưng kết quả chưa thấy gì. Tại sao vậy? Vì chúng ta không thành thực với lịch sử, nên không thu dụng được nhân tài.

Hiện nay nhiều nhà tranh đấu ở hải ngoại hy vọng mình có thể thu hút, lôi kéo những trí thức muốn “phản biện” ở quốc nội để tạo nên một sức đề kháng có nội công ngoại ứng, hầu tạo áp lực với nhà cầm quyền bắt buộc họ phải nhượng bộ.
Nhưng hy vọng đó chỉ là ảo vọng, nếu những “nhà trí thức phản biện” ở trong nước không nhận rằng mình đã từng phạm lỗi lầm nghiêm trọng khi đi theo HCM và Đảng Cộng Sản, và những nhà trí thức ở hải ngoại vẫn còn nghĩ Hồ Chí Minh hơn Ngô Đình Diệm về lòng yêu nước.

.

Chúng tôi viết đến đây thì nghe được tiếng nói sang sảng của cựu Thiếu Tướng CS Nguyễn Trọng Vĩnh ca tụng đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đài BBC. Ông Vĩnh gọi ông Giáp là đại công thần, là bậc đại trí dũng, đáng kính phục... Có một điều chúng tôi thắc mắc là không biết vì lý do gì, cái đài nổi tiếng khắp thế giới này lại cho phát lại những lời của ông Vĩnh ca ngợi ông Giáp vào các buối phát thanh tối thứ bảy, 28-08-2010, và cả hôm sau là tối chủ nhật, 29-08-2010. sau khi đã phát một lần vào một ngày trong tuần. Như vậy là tổng cộng 3 buổi, với 2 buổi vào tối thứ bảy và chủ nhật, thường có rất đông thính giả. (9)

Đối với một số người lạc quan, thì ông Giáp vẫn có hy vọng tập họp được một số “trí thức phản biện”, để chống lại nhà cầm quyền CS.
Nhưng thiết tưởng dù ông Giáp biến đổi thế nào chăng nữa, hy vọng ông ta lãnh đạo nhóm trí thức phản tỉnh để chống Tầu Cộng chỉ là ảo vọng. Trừ phi gần tới lúc lâm chung, ông dám can đảm công khai lên tiếng nhận tội và xin lỗi quốc dân vì đã góp công cùng với ông Hồ đưa đất nước tới bờ vực thẳm bị Tầu Cộng thôn tính.
Và các nhà “trí thức phản biện” cũng cần lên tiếng hối hận vì đã để cả tuổi trẻ phục vụ một chế độ phản dân hại nước. Có thế thì sự gọi là phản biện mới gây được tiếng vang tác động đến quần chúng nhân dân.
Cứ xét tính tình ông Giáp và tình hình quốc nội và quốc tế hiện nay, dám chắc không thể nào có chuyện đó xảy ra.


Cũng tương tự như vậy, chúng tôi không hy vọng sẽ có một hành động nhận lỗi từ phía tập thể người Việt Quốc Gia Hải Ngoại đối với tội làm mất nước vào tay CS. Chúng tôi chỉ còn hy vọng là trong tương lai, có lẽ rất xa, lớp trẻ không bị ảnh hưởng bởi những giả dối đang che lấp lịch sử, sẽ nhìn ra sự thực và sẽ có những quyết định sáng suốt hầu cứu nước nhà khỏi hoạ diệt vong. Với điều kiện là lớp già chúng ta phải mạnh bạo nói lên sự thực lịch sử đã bị che giấu trên nửa thế kỷ vừa qua.
Không có điều kiện này thì hoạ diệt vong (vào tay Trung Cộng) khó tránh.

Xin bạn đọc tha lỗi cho người viết về kết luận bi quan này. Và xin quý vị trưởng thượng cũng như các chính trị gia lãnh đạo những đoàn thể tổ chức đang tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ cho nước nhà, hãy rộng lượng đối với một kẻ không có khả năng và điều kiện để dấn thân vào một cuộc đấu tranh như quý vị. Vì thế có thể là chúng tôi không có kinh nghiệm để đủ tư cách bàn về thắng thua, thành bại trong cuộc chiến ý thức hệ hãy còn đang tiếp diễn. Chúng tôi chỉ xét theo lương tri và lý luận thông thường là nếu mình thua mà không chịu nhận mình thua, và không tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình thua, thì không thể nào đủ dữ kiện để bày binh bố trận hầu lấy lại phần thắng trong tương lai.

Trước khi kết thúc, người viết xin cám ơn bạn đọc đã dành thì giờ quý báu cho mấy ý kiến bộc trực của chúng tôi. Nhân đây cũng xin minh định vài điều để tránh hiểu lầm.

Thứ nhất, mục đích bài này không phải để làm sống lại nhân vật Ngô Đình Diệm, vì chúng tôi biết rõ, vói tình hình trong nước hiện này, và tình hình cộng đồng người Việt Hải Ngoại, đôi bên còn bị bao phủ bởi một quyền lực hữu hình hay vô hình thống trị bằng giả dối và sợ hãi, thì dù Ngô Đình Diệm có tái sinh cũng đành bó tay. Nhưng nếu sự thực lịch sử được sáng tỏ, thì trong tương lai sẽ xuất hiện hàng chục anh hùng cứu quốc có thể làm thay đổi cục diện quốc gia. Tương lai đó gần hay xa, có đến hay không là tùy ở chúng ta có dám nhận lỗi và nói lên sự thực sớm hay muộn mà thôi.

Thứ hai, với các nhà Cách Mạng tiến bối ở Hoa Nam trong thời gian trước và sau 1940 chúng tôi không dám lên án hay chê trách mà chỉ ghi nhận là các vị đó đã không am tường về Cộng Sản và không biết rõ về HCM cho nên đã vì lòng tốt, tính quân tử tầu mà giúp đỡ, che chở, cứu HCM ra khỏi tù v.v... Chúng tôi cũng lấy làm tiếc rằng sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, các đảng phái quốc gia đã tham gia chinh phủ liên hiệp của HCM để tạo cho ông ta cái vị trí đại diện chính thống cho nhân dân Việt Nam một cách sai trái. Ngày nay, với bài tiểu luận này cũng là tóm lược đại cương 4 cuốn sách về Ngô Đình Diệm và Hồ Chí MInh với những bằng chứng cụ thể không thể chối cãi, chúng tôi hy vọng bạn đọc thấy rõ quan điểm của chúng tôi đối với những tướng lãnh và một số chính khách thuộc vài đảng phái quốc gia đã tham gia hay ủng hộ cuộc chính biến 1963, phá hủy nền tảng của một chế độ có uy tín quốc tế, mở đầu cho giai đoạn hỗn loạn rối ren dẫn đến mất Miền Nam vào tay Cộng Sản. Nhưng chúng tôi cũng xin nhận lỗi là đã chẳng làm được gì để cứu vãn tình thế trong những năm sau đó.

Thứ ba, dầu sao cá nhân chúng tôi cũng đã là quân nhân trong cả hai nền Cộng Hoà Việt Nam. Cấp bậc và chức vụ đều thấp. Nhưng trong sự sụp đổ của cả hai nền Cộng Hoà chúng tôi nhìn nhận mình có lỗi, không nhiều thì ít. Trước hết có lỗi với nền Đệ Nhất Cộng Hoà vì đã không làm gì hơn để bảo vệ nó. Đối với Đệ Nhị Cộng Hoà đã không góp sức làm cho nó hữu hiệu hơn, để khỏi thất trận.

Hy vọng, gần 10 năm trong ngục tù CS và gần 20 năm sống cuộc sống ly hương đã và đang là những hình phạt quá nhẹ đối với những lỗi lầm của người viết, nhưng cũng đủ để nhắc nhở đến cái chết của trên 3 triệu dồng bào trong chiến tranh khiến cho hàng triệu cô nhi, quả phụ và hàng chục vạn thương phế binh ngày nay đang phải sống cảnh lầm than cơ cực và sỉ nhục trăm chiều. Và nhất là những hình phạt nhẹ đó đủ để nhắc nhở đến hàng chục vấn đề to lớn được nhắc đến ở đầu bài này. Có bao giờ chúng ta và con cháu chúng ta quên được rằng những điều đó là hậu quả của cuộc chiến và sự thất trận của chúng ta không?

San Diego 29-08-2010

© DCVOnline

-------------------------------------------

(5 ) Xin xem “Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc” của Minh Võ, do Diễn Đàn Giáo Dân tái bản đầu năm 2009, các trang 198 và 199. Câu nói “We were culpable” là của McNamara. Các TT Johnson và Nixon không dùng chữ “culpable”, nhưng dùng chữ “mistake”.
(6 ) Ví dụ Karl Von Clausewitz một thứ Tôn Tử của Phưong Tây đã viết trong “On War” đại ý bao lâu bên thua chưa đồng ý được với nhau mà vẫn còn cãi nhau và đổ lỗi cho nhau về lý do thất trận thì chưa thể nào có thể bố trí lực lượng để phản công thắng lợi.
(7 ) SĐD trang 215: “Các đồng chí ĐVQDĐ (Trương Tử Anh, Phạm Khải Hoàn, D/C Kim, MV) cho rằng:
“Cuộc cách mạng nào cũng chỉ đi tới mục đích là giành lại độc lập cho Tổ quốc”. Thì dầu mặt trận VM hay đoàn thể nào cũng vậy. Việt Minh nắm được chính quyền, chúng ta sẽ tham gia hướng dẫn họ trên công cuộc phục vụ nhân dân; nếu họ trỏ mặt , lúc đó chúng ta sẽ lấy nhân dân làm hậu thuẫn mà hạ họ xuống. Vả lại lực lượng của họ có gì đáng cho chúng ta lo ngại? Nếu nay chúng ta dùng võ lực để đối phó trong lúc này ắt có cuộc lưu huyết! Cộng sản chưa thấy đâu mà đã thấy ngay dân chúng bị tàn sát. Sau đây lịch sử sẽ quy tội cho chúng ta là tham cầu địa vị, gây nên cảnh nồi da xáo thịt! Tội đó há riêng một cá nhân gánh chịu!”
(8 ) Về các liệt sĩ VNQDĐ người thường chỉ nhớ 12 người đã cùng với lãnh tụ Nguyễn Thái Học bị hành quyết ngày 17-6-1930 tại Yên Bái. Nhưng thực ra số người bị thực dân kết án tử đã lên tới 37. Và những đồng chí bi tù chung thân, hay khổ sai chung thân, hoặc tù thường và bị lưu đầy tới Côn Đảo và Guyane Francaise tổng cộng lên tới cả ngàn. (Xem Hoàng Văn Đào trong SĐD, trang 135-155)
(9 ) Năm 1963 và 1964, tôi đã làm việc với ban Việt Ngữ Đài BBC trong gần 8 tháng, nên biết chắc chắn thời gian đó Đài BBC tuy độc lập nhưng các chương trình ngoại ngữ phải theo đường lối của Bộ Ngoại Giao Anh Quốc. Thường các bài bình luận chính trị đều do biên tập viên người Anh viết rồi trao cho người Việt dịch và xướng ngôn. Ví dụ chính tôi chứng kiến bài xã luận tối ngày 3-11-63 đã nói về những điều tốt đẹp mà chế độ Ngô Đình Diệm đã làm cho nhân dân miền Nam và kết luận “Lịch Sử sẽ công bình hơn với ông”. Nhưng đường lối đó đã thay đổi từ năm 2007. từ đó tới nay chính sách đường lối của BBC đã hoàn toàn độc lập. Cho nên đây chỉ là lập trường của đài mà thôi.
Dầu sao thì đây cũng chỉ là tiếng nói của một thuộc cấp cũ của tướng Giáp phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC. Phải đợi đến khi ông Giáp mất xem đài BBC có bình luận gì không mới biết chắc thái độ chính thức của đài này đối với một viên tướng Cộng Sản có tiếng là sát quân và sát nhân thường áp dụng chiến thuật biển người của Mao Trạch Đông và càng về cuối đời ảnh hưởng và uy tín càng sa sút.

.

.

.

No comments: