Tuesday, September 14, 2010

CHÀO EM THĂNG LONG NGÀN NĂM (Nhạc TRẦN CHÍ PHÚC)

CHÀO EM THĂNG LONG NGÀN NĂM

Trần Chí Phúc – San Jose

Posted in Bài Viết on the September 6th, 2010

http://tranchiphuc.com/blog/2010/09/06/chao-em-thang-long-ngan-nam/

.

Một ngàn năm trước chiếu dời đô”, thóang bâng khuâng, mới đó mà đã một ngàn năm trôi qua kể từ tháng bảy năm Canh Tuất năm 1010, vua Lý Thái Tổ vừa lên ngôi, dời thủ đô từ Hoa Lư về thành Thăng Long cũng là Hà Nội ngày hôm nay.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã bắt đầu sáng chói với triều đại nhà Lý, có danh tướng Lý Thường Kiệt đã mấy lần đem quân qua đánh nhà Tống bên Tàu năm 1076, một thành tích duy nhất vì lúc nào cũng là quân từ phương Bắc tràn xuống xâm lăng lãnh thổ dân Việt Nam. Và bài thơ đầu tiên nói về độc lập dân tộc “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư…- Đất nước Việt Nam vua Nam ở “ của danh tướng họ Lý ra đời .

Kể từ năm 1010 cho đến nay, thành Thăng Long, đã gắn liền với những giai đọan thăng trầm của đất nước. Gần đây nhất lịch sử đã ghi trận thắng oai hùng của vua Quang Trung vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, tiến quân thần tốc bất ngờ trong mấy ngày Tết, đánh tan mấy vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long khỏi tay quân giặc. Và cũng từ năm đó, vua Quang Trung đã đổi tên Thăng Long thành Bắc Thành và chọn thủ đô là Phú Xuân thuộc miền Trung .

Từ thời điểm này, cái tên Thăng Long đã trở thành quá khứ, thành phố này từng là thủ đô của những triều đại Lý, Trần, Lê, Trịnh, Mạc.

Khi vua Gia Long thành lập triều Nguyễn nối tiếp cai trị đất nước đã chọn Huế làm thủ đô ( 1802-1945). Đến tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam lại chọn thành phố mà Lý Thái Tổ đã chọn để làm thủ đô trở lại; mặc dù là thành phố cũ nhưng với cái tên mới là Hà Nội. Như vậy, Thăng Long xưa tức Hà Nội nay.

Nhắc lại chuyện lịch sử có nhiều cảm xúc, một ngàn năm qua thật mau.

Từ Ài Nam Quan của địa đầu giới tuyến phía bắc đất nước với biên giới Trung quốc, dân tộc Việt Nam đã tiến về phía nam đến tận mũi đất Cà Mau giáp cùng biển cả, có dãy Trường Sơn kiêu hùng của miền Trung , có biển Đông bao la cùng hai quần đảo Hòang Sa Trường Sa to lớn. Hai con sông lớn nhất của đất nước là Hồng Hà và Cửu Long. Đó là những nét chính của mảnh đất hình chữ S.

Năm 939 Ngô Quyền lập ra triều đại nhà Ngô được coi là năm mà dân tộc Việt Nam chính thức độc lập. Từ năm 939 đến năm 1010 trải qua các triều Ngô, rồi triều Tiền Lê (Lê Đại Hành) ngắn ngủi rồi đến triều Lý.

Trước thời Ngô Quyền, dân tộc ta đã trải qua một ngàn năm bị đô hộ bởi giặc Tàu.

Rồi từ đó cho đến nay, dù một đôi lần bị giặc phương Bắc xâm lăng vài năm, như thời nhà Trần bị quân Nguyên( Tàu) đem quân tấn công, quân Minh( Tàu) cai trị nứơc ta khỏang 10 năm rồi bị Lê Lợi kháng chiến thành công lập nên triều Lê, thời nhà Nguyễn bị quân Pháp đô hộ khỏang 80 năm. Tính tổng quát, thì Việt Nam đã được độc lập khỏang 1000 năm. Đất nước và dân tộc kiêu hùng này đã từng chiến đấu với các đế quốc hùng mạnh nhất của thế giới là Tàu, Pháp, Nhật, Mỹ, Nga.

Như vậy , 1000 năm trước đó bị Tàu đô hộ rồi kế đến 1000 năm độc lập tính cho đến thời điểm 2010 này. Và 1000 năm kế tiếp ra sao ai mà biết, đến năm 3010 không ai có thể tưởng tượng nỗi lòai người sẽ như thế nào.

Chào Em Thăng Long Ngàn Năm, bài hát kể nỗi tâm tình của một con dân Việt Nam xa xứ. Điều nhấn mạnh là đất nước vẫn còn đây và mong ước vẫn trừơng tồn cùng đời sống người dân ấm no, hưởng được tự do.

Trung Quốc đã từng đô hộ Việt Nam cả ngàn năm, đã từng xâm lăng nhiều lần và từ nỗi lo đó, cầu mong dân tộc Việt Nam mãi mãi tránh được nỗi đau bị dân Tàu đô hộ một lần nữa.

Mấy trăm năm trước, Bà Huyện Thanh Quan đã làm bài thơ Thăng Long Thành Hòai Cổ và hôm nay năm 2010, Trần Chí Phúc viết bài hát Chào Em Thăng Long Ngàn Năm.

Lời ca như sau :

“Một ngàn năm trước chiếu dời đô.

Về nơi đất tốt có sông hồ

Nằm mơ vua Lý thấy rồng bay

Đặt tên Thăng Long Hà Nội hôm nay.

Chào em Thăng Long ngàn năm, đất nước còn đây ông cha dựng xây.

Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, Hồng Hà uốn quanh Cửu Long chín nhánh.

Trường Sơn hiên ngang , Biển Đông bao la, Hòang Sa Trường Sa tên kêu thiết tha.

Chào em Thăng Long ngàn năm, sông núi rền vang tiếng hát hùng anh.

Còn mãi câu thơ đất Việt của ta, người người đứng lên một lòng tranh đấu.

Ngàn năm qua mau, dù bao đổi thay, tình yêu không phai dòng máu Lạc Hồng.

Chào em thành phố tuổi ngàn năm

Bài ca thương nhớ gởi quê nhà

Người đi xa xứ vẫn hòai mong.

Việt Nam ấm no Việt Nam tự do

Chào em Thăng Long ngàn năm, đất nước còn đây, Việt Nam muôn năm.

Chào em Thăng Long ngàn năm

http://tranchiphuc.com/blog/wp-content/uploads/2010/09/Thang-Long.mp3

Nhạc Trần Chí Phúc - Thanh Vũ, Ngọc Diệp, Mỹ Thanh đồng ca cùng tiếng hát, tiếng đàn ghi ta của tác giả.

Một ngàn năm trôi qua, dấu tích của thành Thăng Long đã không còn, chỉ còn một số cổ vật mới vừa được khai quật, thóang ngậm ngùi. Ôi mấy chữ độc lập, tự do, ấm no tuy đơn giản nhưng thật khó mà thực hiện.

San Jose , tháng 8 năm 2010

Trần Chí Phúc

.

.

.

No comments: