Sunday, September 26, 2010

CHẤN HƯNG DÂN TRÍ hay CHẤN HƯNG ĐẢNG TRÍ

25-09-2010
Người lãnh đạo luôn có vai trò quan trọng trong vận mệnh dân tộc. Đã có những quốc gia bị biến mất chỉ vì lãnh đạo hèn kém, tham tàn, đần độn.

Đất nước giữ được độc lập, phồn vinh hay từ hoang tàn đổ nát vươn lên đều bắt đầu từ những người lãnh đạo tài ba, đức độ biết dẫn dắt toàn dân đi đúng đường. Đất nước từ phồn vinh đi xuống nghèo đói, nô lệ cũng bắt đầu từ những người lãnh đạo bất tài, trí lực yếu kém.

Sử nước Việt ghi rằng nhà Nguyên đã ba lần xâm lăng Đại Việt vào những năm 1258, 1282 và 1287. Cả ba lần đều bị đánh bại vì toàn dân Việt được lãnh đạo bởi những vị vua nhà Trần tài ba đức độ.

Dưới đời vua Trần Thái Tông, tháng giêng năm 1258 quân Nguyên do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy(1) tấn công Đại Việt lần thứ nhất. Dưới đời vua Trần Nhân Tông, năm 1282, quân Nguyên do Thái Tử Thoát Hoan và Toa Đô chỉ huy lại tấn công Đại Việt lần thứ hai. Toa Đô đã đem quân đi đánh Chiêm Thành từ năm 1282 và tiến quân từ đất Chiêm Thành (Champa) đánh lên hướng Bắc, Thoát Hoan đánh từ hương Bắc xuống hướng Nam để tiêu diệt Đại Việt. Kết quả, Toa Đô bị tử trận ở Tây Kết (nay là huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng), Thoát Hoan thất trận liên tiếp và trốn về Tàu.

Lần xâm lược thứ ba 1287–1288, tướng tàu Ô Mã Nhi và Thái Tử Thoát Hoan mang 500 ngàn quân tấn công nước Đại Việt. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh cho bọn chúng tan tác như xác pháo ở trận Bạch Đằng, máu quân thù nhuộm đỏ dòng sông. Các tướng Ô Mã Nhi, Sầm Đoàn, Phàn Tiếp bị bắt sống. Một lần nữa Thoát Hoan thất trận phải trốn chạy về Tàu.

Vua Trần Nhân Tông đã gả con gái Huyền Trân Công Chúa cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân đổi lấy Châu Ô và Châu Lý (từ đèo Hải Vân đến phía bắc Quảng Trị) để mở mang bờ cõi. Sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là vua Trần Anh Tông, người Việt bắt đầu di dân vào hai châu Ô – Lý.

Sau Chế Mân, những đời vua kế tiếp của Chiêm Thành đã nhiều lần đem quân đánh Đại Việt, đòi lại hai châu Ô và Lý nhưng đều thất bại, Chiêm Thành bị xóa tên.

Chiêm Thành có một ông vua dại dột là Chế Mân đưa đến mất nước. Lúc Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý cho nước Đại Việt có lẽ các trung thần của Chiêm Thành đã khuyên can, nhưng không ngăn cản được ông vua bán nước và coi giang sơn là của riêng ông.
Hãy so sánh hành động đưa đến mất nước của vua Chiêm Thành Chế Mân và hành động của lãnh tụ CSVN Hồ Chí Minh cùng đám hậu duệ.


Ông Hồ triều cống hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Tàu như tài sản riêng. Khi hai quần đảo này thuộc về Trung Quốc thì những vùng biển lân cận cũng thuộc về họ. Nông Đức Mạnh và cả bộ chính trị đồng ý cho người Tàu nhập cảnh Việt Nam không cần VISA đưa đến tình trạng không thể kiểm soát được số người Tàu sang sinh sống và làm những gì tại Việt Nam. Trong khi đó Việt kiều về thăm thân hoặc du lịch thì lại cần VISA. Xem ra đảng CSVN tin tưởng và tôn trọng bọn Hán tộc hơn Việt kiều.

Người Hán di dân vô vùng Tây Nguyên khai thác bauxite và lập nghiệp sinh sống ngày nay cũng tương tự như trường hợp người Việt di dân vào châu Ô châu Lý của Chiêm Thành thế kỷ 12– 13.

Người Việt sau khi vào hai châu Ô, Lý đã tiếp tục Nam tiến và đồng hóa người Chiêm Thành thành Việt tộc, kết quả là Chiêm Thành bị xóa tên trên thế giới. Người Tàu ngày nay qua Việt Nam hợp tác với Trung cộng để xâm lấn, chiếm đoạt tài nguyên, áp bức người Việt.

Chúng ta có thể ví người Tàu thời nay di cư qua Việt Nam tương tự như thời thái thú Tô Định, và hai bà Trưng phải khởi nghĩa để đánh đuổi giặc Tàu ra khỏi bờ cõi.

Người Tàu trước đây luôn luôn xem người Việt là giống dân thấp kém nên họ không muốn lấy chồng hay lấy vợ người Việt khiến cho việc đồng hóa người Việt khó thực hiện, nhưng ngày nay thì đã khác. Dưới thời đại Nông Đức Mạnh thì người dân và người lính yêu nước đang đứng ra can ngăn và cảnh báo những nhà lãnh đạo đảng CSVN về họa xâm lược của Trung cộng.

Luật Sư Lê Chí Quang bị đảng CSVN bỏ tù 3 năm qua bài viết “Hãy cảnh giác với Bắc triều”,
cô Phạm Thanh Nghiên bị tù 4 năm vì can đảm công khai tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị tù hai năm rưỡi vì cùng tội với Phạm Thanh Nghiên. Những sinh viên Việt Nam biểu tình trước tòa Đại sứ Trung Quốc, hét vào mặt Trung cộng “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” thì bị công an công khai đàn áp, đánh đập, bóp cổ giữa ban ngày…

Lịch sử viết rằng Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt tre bên đường mà suy nghĩ đến kế sách chống ngoại xâm. Hưng Đạo Vương khi biết được Phạm Ngũ Lão là người có tài và yêu nước liền trọng dụng. Phạm Ngũ Lão đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Nếu Phạm Ngũ Lão sinh ra vào thời đại Hồ Chí Minh kéo dài đến Nông Đức Mạnh thì ông đang ngồi tù như Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Tiến Trung chứ không trở thành một công thần bảo vệ tổ quốc.

Phạm Ngũ Lão thời xưa – người hùng
Phạm Ngũ Lão thời Cộng sản – người tù.

Lãnh đạo CSVN đi từ sai lầm này đến sai lầm khác vì trí lực yếu kém hay nói rõ ra là ngu muội.

Sau thế chiến thứ hai nước Nhật có một vị vua tài ba là Minh Trị Thiên Hoàng dẫn dắt người dân đến ấm no, độc lập, phú cường nhờ có quyết định sáng suốt là làm đồng minh với Hoa Kỳ cho dù đã bị Hoa Kỳ đánh bại trong chiến tranh.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn bạn là Trung Quốc là một quốc gia đã nhiều lần và nhiều năm xâm lăng, đô hộ nước Việt và còn đang tiếp tục xâm lăng nước Việt. Nông Đức Mạnh và đảng CSVN gọi kẻ xâm lăng là láng giềng tốt là tình hữu nghị “4 tốt 16 chữ vàng” thì quả là “đảng trí” cần phải chấn hưng.

Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam – Bắc sau khi chấm dứt, thay vì lo hòa hợp hòa giải dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước thì CSVN chỉ lo trả thù khiến đào sâu thêm hố hận thù, chia rẽ và kết quả là đất nước tụt hậu hằng nữa thế kỷ.

Nước Đức thống nhất, chính quyền Tây Đức không bắt dân Đông Đức bỏ tù cải tạo, con cháu người dân Đông Đức không bị chính quyền Tây Đức xét lý lịch ba đời và bị loại trừ ra khỏi các trường đại học hay bị cấm vào các chức vụ chủ yếu. Chính nhờ thế mà nước Đức chỉ mới thống nhất 21 năm đã hoà hợp hòa giải dân tộc và đang trở thành quốc gia giàu mạnh nhất Âu Châu.

Theo tài liệu của International Money Fund và Ngân hàng Thế giới thì lợi tức bình quân của người Đức là 42 – 43 ngàn đô la vào năm 2008 – 2009 và của Việt Nam là 960 – 1050 đô la mỗi năm.

Một quốc gia có phân nửa nhân tài bị loại bỏ vì kỳ thị lý lịch, khiến người tài giỏi không được trong dụng và phải bỏ nước ra đi thì làm sao không tụt hậu? Việt Nam sau 35 năm thống nhất và do đảng CSVN độc quyền lãnh đạo có kết quả là người dân chỉ muốn bỏ nước ra đi tìm tự do và tìm miếng cơm manh áo.

Biên thùy bị xâm lấn, bên trong đảng CSVN lấy tham nhũng và đàn áp làm quốc sách cai trị. Tôn giáo suy sụp kéo theo đạo đức xuống hố và tội ác gia tăng. Văn vật bị tàn phá như việc nhà cầm quyền CSVN muốn đào thành Thăng Long để xây cao ốc và sân golf.

Khi người dân trong nước đòi tự do dân chủ thì lãnh đạo CSVN bảo là dân trí còn thấp nên chưa thể áp dụng tự do dân chủ, nhưng thực tế là do đảng trí chưa đủ cao để nhận biết giá trị của tự do dân chủ. Cứ nhìn những người bất đồng chính kiến đầy thông minh, sáng tạo đang bị đảng bỏ tù và những hành động của đảng khiến dân nghèo nước yếu thì đủ thấy là dân trí cao hơn “đảng trí”.

Trí lực và đạo đức của người lãnh đạo chính là chiếc chìa khóa đưa đất nước và dân tộc đến độc lập, phú cường. “Đảng trí” CSVN cần phải được chấn hưng, nếu không thì Việt Nam sẽ bị xóa tên như Chiêm Thành khi tầng lớp lãnh đạo là tập hợp của các Chế Mân ở thế kỷ 21.

Lịch sử thường hay tái diễn. Đảng trí kém cỏi của đảng CSVN chính là động lực đưa đến nghèo hèn, phân hóa dân tộc, do đó, họa mất nước là hiển nhiên. Chấn hưng “đảng trí” là nhất thiết phải thay thế những bộ óc bùn đen bằng những bộ óc trong sạch, thông minh và yêu nước.

© DCVOnline

(1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập 15, 16 – Ngô Sĩ Liên
.
Đăng ngày 19/03/2005 lúc 22:10:43 EST
Monday, 6. July 2009, 21:49:32
.
.
.

No comments: