Thursday, September 9, 2010

BẤT CẬP TRONG LIÊN KẾT ĐÀO TẠO QUỐC TẾ

Bất cập trong liên kết đào tạo quốc tế: Không phải trường cũng liên kết

Thanh Hùng - sggp.org.vn

Thứ năm, 09/09/2010, 01:22 (GMT+7)

http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/9/236693/

Hợp tác quốc tế được Bộ GD-ĐT xác định là một trong 7 nhóm nhiệm vụ quan trọng để đổi mới, phát triển giáo dục đại học Việt Nam (ĐH VN). Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi các chương trình liên kết bùng nổ mạnh mẽ về số lượng thì những vấn đề bất cập trong quản lý cũng ngày một lớn. Tất cả đang làm cho dư luận lo ngại về chất lượng của loại hình đào tạo khá mới này.

.

Liên kết “ma”

Hiện không chỉ có các trường ĐH mà nhiều cơ sở thuộc các bộ, ngành khác cũng đang ồ ạt liên kết, hợp tác đào tạo quốc tế với các trường nước ngoài. Tuy nhiên, cho dù được xem là thời đại bùng nổ thông tin, nhưng với nhiều trường ĐH VN và với người học, những điều cần biết về các trường nước ngoài vẫn còn là một ẩn số.

Trong năm học 2009 - 2010, Công ty cổ phần Quốc tế Mỹ Việt (số 36 đường A4, khu K300, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM) tự xưng là Trường Quốc tế Mỹ Việt (AVIS) hợp tác với Trường ĐH International University - INU (Hoa Kỳ) phát tờ rơi quảng cáo, chiêu sinh đào tạo các ngành công nghệ thông tin, kinh tế quốc tế song hành cùng tiếng Anh. Kết quả, đã có gần 300 sinh viên (đa số ở các tỉnh) đăng ký học với học phí trọn khóa 4.000 USD/người.

Ngày khai giảng, các tân sinh viên tràn đầy niềm tin với những lời cam kết “có cánh” của ban giám hiệu nhà trường - nào là được giảng viên nước ngoài giảng dạy, được cấp bằng cử nhân quốc tế, 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có việc làm... Thế nhưng, kết thúc một năm học, chỉ có học phí của sinh viên đóng cho nhà trường là thật 100%, còn lại tất cả đều là con số không.

.

Theo thông tin mà phóng viên có được, sau khi tuyển sinh được số sinh viên nói trên, lãnh đạo của AVIS mới tìm đối tác liên kết. Qua nhiều lần mời gọi các đối tác, AVIS tìm được một Việt kiều Mỹ sống tại quận 7 “gật” đầu làm cầu nối liên kết với INU vì “ông Việt kiều này cho biết đã giảng dạy ở trường INU”. Thế nhưng, vị này không may qua đời nên ban lãnh đạo đã tìm cách bán tháo AVIS cùng số sinh viên đã tuyển được cho một đối tác khác. Đối tác mới mua lại trường đã ký kết hợp đồng đào tạo với Trung tâm Giáo dục và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Quản trị doanh nghiệp (Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) để chuyển số sinh viên nói trên lên học hệ ĐH của Trường ĐH North West (University of North West) với học phí 5.960 USD/khóa. Tuy nhiên, về chương trình hợp tác này, Viện Quản trị doanh nghiệp và Bộ GD-ĐT cũng không hề hay biết, ngay cả Trường ĐH North West cũng không có - theo xác nhận của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

.

Ngày 28-8, Công ty cổ phần FIDECO, Trường ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM và Trường Kinh tế quản trị Solvay (Solvay Bruxell School) thuộc ĐH Tự do Bỉ, đã tổ chức hội thảo giới thiệu về chương trình đào tạo “Thạc sĩ điều hành - khởi nghiệp” với học phí 12.500 USD/khóa. Kết thúc buổi hội thảo, học viên ồ ạt đăng ký theo học. Tuy nhiên, điều lạ là chương trình đào tạo “thạc sĩ” với 100% giảng viên của Solvay Bruxell School giảng dạy, nhưng học viên chỉ học vỏn vẹn 1 năm là tốt nghiệp và được cấp văn bằng “Thạc sĩ điều hành - khởi nghiệp”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chương trình “Thạc sĩ điều hành - khởi nghiệp” hoàn toàn chưa có giấy phép của Bộ GD-ĐT. Hơn nữa, trong 112 chương trình nước ngoài đào tạo tại VN mà Bộ GD-ĐT vừa công bố tháng 6-2010 cũng không có chương trình “Thạc sĩ điều hành - khởi nghiệp”.

.

Chứng chỉ hay bằng?

Sự liên kết ồ ạt khiến người học bị rối trước một rừng chương trình quốc tế. Và khi không rõ chương trình học của đối tác nước ngoài, việc học và lập lờ giữa bằng - chứng chỉ, người học cũng khó phân biệt được.

Nhận bằng tốt nghiệp Web Developer - chuyên gia phát triển web do Trường Inforworld cấp sau 4,5 năm theo học, bạn H.M.C. (Kiên Giang) nộp đơn xin việc tại một cơ quan Nhà nước ở tỉnh nhà. Tuy nhiên, C. bị từ chối vì đây chỉ là chứng chỉ tương đương với kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) chứ không phải bằng kỹ sư. Theo lời C., không chỉ riêng em bị từ chối mà nhiều bạn học chung khóa (2004 - 2008) khi đi xin việc, một số công ty tư nhân ở TPHCM cũng không công nhận đây là bằng kỹ sư, mà chỉ xem là chứng chỉ tương đương. Đem tấm bằng về trường hỏi rõ nguồn cơn, C. mới biết dù mình học đến 4,5 năm mới ra trường nhưng thực chất đây không phải bằng ĐH mà chỉ là trường dạy nghề, đào tạo và cung cấp các chứng chỉ tin học, CNTT. Tuy nhiên, một điều khó hiểu là cách tuyển sinh của trường cũng rất lấp lửng, bỏ trống chi tiết “sinh viên ra trường được cấp bằng hay chứng chỉ?”...

Và với cách lắt léo này, từ năm 2004 đến nay rất nhiều sinh viên ra trường đã nghẹn ngào khi thời gian học bằng với những sinh viên các trường ĐH khác, học phí cao gấp 3 - 4 lần nhưng cuối cùng không có được tấm bằng chính thức mà chỉ được nhận chứng chỉ tương đương.

Cũng với cách tuyển sinh theo kiểu “tranh tối, tranh sáng”, buổi hội thảo giới thiệu chương trình đào tạo “Thạc sĩ điều hành - khởi nghiệp” do Công ty cổ phần FIDECO, Trường ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM và Trường Kinh tế quản trị Solvay (Bỉ) đã thu hút hàng trăm đối tượng với kỳ vọng lấy được tấm bằng thạc sĩ quốc tế chỉ trong một năm. Tuy nhiên, thực chất đây không phải văn bằng thạc sĩ mà là chứng chỉ.

Theo vị tổng giám đốc của FIDECO: Thực tế chương trình đào tạo “Thạc sĩ điều hành - khởi nghiệp” không phải cấp bằng thạc sĩ mà là chứng chỉ do Trường Kinh tế quản trị Solvay cấp. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được xem văn bản cho phép đào tạo của Bộ GD-ĐT, vị lãnh đạo này lúng túng: “Thật ra Bộ GD-ĐT nói đây là chương trình ngắn hạn nên không cần có văn bản phê duyệt. Các anh cứ đào tạo đi”. Trong khi đó, cũng là chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường Kinh tế quản trị Solvay liên kết với Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), thời gian đào tạo đến 2 năm, học phí chỉ có 9.000 USD/khóa.

.

Tiền thật - học giả

Sau một năm học, gần 300 sinh viên của Trường AVIS đã hoàn tất 12 môn học, học phí phải trả 1.000 USD. Tuy nhiên, sinh viên theo học ngành CNTT, kinh tế quốc tế đều không biết đó là chương trình quốc tế hay chương trình nội địa. Càng bất ngờ hơn, ông hiệu trưởng của AVIS cũng thừa nhận: “Thật ra tôi cũng không biết chương trình đã dạy cho sinh viên trong năm học 2009 - 2010 là của trường nào. Tất cả đều do cấp dưới của tôi làm”.

Trong khi đó, khi chúng tôi đề nghị trường cung cấp chương trình đã giảng dạy, vị hiệu phó đào tạo không thể trả lời được và đẩy trách nhiệm về giám đốc công ty. Đáng nói hơn, trường cam kết môn tiếng Anh sẽ do người nước ngoài trực tiếp giảng dạy, nhưng thực tế sinh viên được học với giảng viên Việt Nam. Mỗi tuần, sinh viên chỉ được học với ông Dennish Requet, hiệu phó của trường một lần duy nhất, nhưng cũng chỉ duy trì được vài tháng. Trong khi đó, các phương tiện như thư viện, phòng máy tính thực tập cho sinh viên chỉ là những lời hứa suông...

Không chỉ những sinh viên ở tỉnh bị sức hút của bằng ngoại mà ngay cả những người đã tốt nghiệp ĐH, đang giữ những chức vụ quan trọng ở những công ty lớn cũng không cưỡng lại được sự lấp lánh của tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ mang nhãn “hàng ngoại”. Hàng trăm học viên theo học chương trình thạc sĩ của Trường ĐH Irvine (Hoa Kỳ) ký hợp tác với Khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đứng ngồi không yên khi biết giá trị của tấm bằng mà mình đang theo học chưa được kiểm định và công nhận tại Hoa Kỳ.

Một học viên cho biết, tất cả từ giáo trình, giáo viên đến cơ sở vật chất giảng dạy đều do người Việt đảm nhận. Đến nỗi 20% thời gian học có giảng viên nước ngoài giảng dạy, nhưng cũng đều có người phiên dịch nên học viên chẳng nâng cao được tí gì về ngoại ngữ. Thậm chí, có học viên còn cho rằng chương trình biên soạn lắp ghép khá nhiều. “Cái mà chúng tôi cần là kiến thức từ những giảng viên nước ngoài khi lên lớp, nhưng thực tế học viên chỉ toàn lĩnh hội lý thuyết chay do các giảng viên trong nước truyền đạt” - một học viên bức xúc, bày tỏ.

Thanh Hùng

.

.

.

No comments: