Saturday, September 4, 2010

BẮC HÀNH (3 & 4) - Ký của Ngự Thuyết

Bắc Hành

Ngự Thuyết

Sunday, August 29, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/08/bac-hanh_29.html


Kỳ 3


Rời nghĩa trang, tôi hỏi T. mình sẽ đến thăm nơi nào. T. đề nghị:
- Hay là mình ghé La Vang thăm một chút rồi đi tiếp.”
Tôi đồng ý ngay. Tôi nghe tiếng La Vang từ lâu. Khu thánh địa này không xa, thuộc tỉnh Quảng Trị, cách Huế khoảng 60 cây số. Từ quốc lộ rẽ qua trái một đoạn đường gặp ngôi nhà thờ đang được trùng tu (nhà thờ cũ đã bị tiêu hủy trong trận chiến 1972), xe ủi đất đang mở thêm vài con đường mới, những lớp đất vàng tươi vừa được ủi lên phơi mình dưới nắng trưa.
Nhà thờ nằm trong một khuôn viên rộng rãi cạnh một cây đa cao lớn đúc bằng bê tông, bên dưới là tượng Đức Mẹ. Trước pho tượng, khoảng gần một trăm giáo dân đang quỳ cầu nguyện rì rầm. Tôi nhìn kỹ bức tượng. Đức Mẹ mặc áo dài Việt Nam, chít khăn vành vàng có đính những hình ngôi sao trắng, tay bồng chúa hài đồng. Đặc biệt là khuôn mặt Việt Nam dịu dàng với đôi mắt to, đẹp, và buồn, quá buồn. Đức Mẹ đã hiện lên trên cây đa (nay được đúc lại bằng bê tông như đã nói) năm 1798 sau những trận tàn sát giáo dân một cách kinh khủng vào thời những vua chúa phong kiến. Thế thì Đức Mẹ hiện lên ở La Vang trước Fatima, Bồ Đào Nha, khá lâu (Đức Mẹ hiện lên ở Fatima nhiều lần vào năm 1917 khi Cách Mạng Vô Sản thành công ở Nga, khi Chiến Tranh Thế Giới thứ I đang ở hồi quyết liệt). Đến cạnh Nhà Thờ, thấy vắng người, thấy có những hàng bàn ghế dài đặt bên hông, tôi ngả lưng nằm xuống định nghỉ một chốc. Ngồi lâu trên yên sau xe hai bánh ê cả lưng. Và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng như nghe vang vang đâu đây tiếng hát dìu dặt, tôi choàng tỉnh. Nhìn đồng hồ, đã hơn 12 giờ trưa, nhìn về phía tượng Đức Mẹ, giáo dân đang đứng đồng ca. Còn T. thì đi đi, lại lại quan sát những bức tường dài, thấp, chạy ngang, chạy dọc, trên đó có gắn những tấm đá, tấm sứ mỏng ghi tên họ những người đến viếng thăm, người nước mình và người nước ngoài. Có tên một số vị lãnh đạo quốc gia trước kia, cùng những lời xưng tụng.

Quanh quẩn nơi đấy gần một tiếng, chúng tôi lại lên đường. Ra tới cổng lấy xe mới biết được giữ xe miễn phí, lại biết thêm người hành hương nào muốn ở lại tại La Vang một thời gian, cũng có chỗ trọ tươm tất tại mấy tòa nhà gần cổng ra vào, khỏi trả tiền. Tôi quên hỏi ăn uống thì sao, được miễn phí hay không.
Xin giã từ, xin giã từ Đức Mẹ, xin giã từ La Vang. Xin giã từ những tiếng cầu kinh, những bài thánh ca ngân lên trong không gian trưa tĩnh lặng. Trên đường ra Quảng Trị và cho đến khi trở về, tuy là người ngoại đạo, tôi vẫn thường nghĩ đến Đức Mẹ Sầu Bi.

Đến Cổ Thành Quảng Trị, chúng tôi đi bao quanh giáp một vòng rồi mới vào bên trong. Không còn doanh trại như xưa, chỉ là một đám đất bỏ hoang, cỏ dại, lau sậy mọc cao dưới những hàng dừa song song. Những dãy thành ngang dọc nay chỉ còn sót lại vài ba bức tường thấp lè tè đổ nát trên đó rêu xanh, cỏ may loang lổ từng đám. Hào khô nước, bờ hào đang được xây lại. Hình như Cổ Thành đang được tu sửa lại để làm khu lưu niệm.

Không có thì giờ đi các nơi khác của thành phố Quảng Trị, trước kia bị san bằng trong chiến tranh nay đang gượng dậy, chúng tôi chạy đến bến đò Ngô Xá thuộc thôn La Duy, tìm dấu vết của người thân ngày xưa từng qua đây và không bao giờ trở lại. Cách đây hơn nửa thế kỷ, nền văn hóa làng mạc còn bao trùm hầu hết mọi sinh hoạt, đường sá giao thông khó khăn, cầu cống ít, thuỷ lộ được sử dụng nhiều. Hành khách, hàng hóa từ Huế đi Quảng Trị, hay đi các nơi khác, hay từ các nơi khác về, như bánh trái, gạo lúa, cau chuối, heo ca, gà vịt v.v... đều được chuyên chở bằng ghe, đò, nốt. Hồi đó chưa có máy đuôi tôm, động cơ, thuyền bè di chuyển bằng mái chèo, họăc buồm theo các ngõ sông, ngòi, hói, phá, biển. Chủ đò không thể nào chèo suốt ngày đêm, ngày này qua ngày khác, cho nên nếu muốn đò đi không ngừng nghỉ, hành khách phải phụ chèo - bạc trốt xuống nốt cũng phải chèo. Qua khỏi, Thanh Hương, Vân Trình thuộc Huế, đi dọc theo kinh Vân Trình vô phá Tam Giang ra miền Trà Lộc chèo tiếp tới bến đò Ngô Xá. Đây là vùng khá tấp nập thuộc Quảng Trị, từ đó có thể đi tiếp hay dừng lại nghỉ, và nếu cần, đổi qua đường bộ đi những hướng khác, vận chuyển bằng xe bò, xe ngựa, gánh gánh.

Nay chúng tôi đi tìm bến đò Ngô Xá, không còn. Mọi dấu vết cũ đều bị xóa sạch. Bến đò Ngô Xá ngày xưa nay chỉ còn là một khúc sông bèo con trôi lềnh bềnh, tre pheo hai bên bờ uốn cong như vòng cung ngã xuống thật thấp, có đọt chấm xuống dòng nước đang trôi vẽ thành hình chữ V nhọn, dài, uốn éo. Tôi đứng nhìn khúc sông ấy nắng đã lên cao bóng cây che hơn một nửa dòng nước. Tôi đứng nhìn khá lâu. Tiếng chim bi thương vang lên từng chuỗi ngắn như từ một quá khứ xa xôi nào. Phải chi có nhang để cắm lên những mô đất có hình dáng những ngôi mộ. Tôi nhớ hồi sau tháng tư 1975, vợ một người bạn có chồng đi tù ở Miền Bắc, chồng chết hơn một năm mới được tin, bán số tư trang ít ỏi còn lại để có tiền lặn lội trên nhiều chuyến xe hơi, xe lửa chật như nêm ra vùng Hoàng Liên Sơn tìm mộ chồng, được cán bộ đứng từ cổng trại giam đưa tay vẫy vẫy chỉ chỉ về phía chân đồi xa, không có ai dẫn đi, đành phải bước thấp bước cao một mình đi tới đó thắp thật nhiều nhang van vái trời đất đồi núi cỏ cây rồi cắm nhang lên trên đám đất cỏ gai mọc tràn lan không thấy đâu là mồ mả. T., có lẽ muốn cho tôi được yên, đi vào một ngôi nhà tranh bên sông hỏi han, uống nước trà với chủ nhà. Người dân quê ở đây rất hiếu khách, thấy người lạ vào là vui vẻ “mời bác ngồi chơi uống miếng nước cho vui”.

Lại tiếng chim bi thương ấy như kêu từ dĩ vãng, tiếng chim từ quy hay tử quy đâu đây rót vào không gian tịch mịch buổi xế trưa từng chuỗi ngắn rã rời, mệt mỏi, hụt hơi, buồn thảm. Tôi không hề nghe tiếng chim quy tại Mỹ đã đành, tại các vùng khác của Việt Nam cũng rất ít. Chỉ nghe nhiều ở các miền quê của Huế và Quảng Trị vào khoảng cuối xuân qua đến hết hè. Nghe như nghe một cái gì vừa đổ vỡ, tàn tạ, chia lìa. Đó có phải là tiếng kêu chim quốc như trong bài Qua Đèo Ngang của Thanh Quan,“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”? Hay trong bài Quốc Kêu Cảm Hứng của Nguyễn Khuyến:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Đấy hồn Thục Đế thác bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
Đêm ngày ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ


Có lẽ không phải. Trong thơ của Thanh Quan và Nguyễn Khuyến nói trên đều dùng điển tích vua Đỗ Vũ mất nước, sau chết hóa thành chim đỗ quyên, tức là chim quốc, theo hai nhà thơ ấy. Nhiều từ điển Việt Nam cũng cho rằng chim quyên là chim quốc (Từ điển từ và ngữ Việt Nam - Nguyễn Lân, 1998; Từ Điển Tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ Học, 1988). Tôi không nghĩ như thế.

Chim tử quy, tiếng dân dã miền quê thuộc vùng Bình Trị Thiên gọi là chim quy, khác hẳn chim ò ho, tu hú, hoặc chim quốc. Chim quốc lông đen, thuộc loài gà, thường ở trong bụi rậm, kêu quốc quốc, và hay lủi - lủi như quốc. Chim quy lông nâu vàng nhạt, lớn bằng chim sẻ, thân thon hơn, đầu nhỏ hơn, đuôi và chân dài hơn, thường đậu trên các cành cây nhãn, bưởi, khế, thầu đâu (sầu đông?) kêu liên miên từng chuỗi ngắn quy... quy...quy...quy...quỳ-quỳ-quỳ, mà có người sính tiếng Pháp nhại père... mère... frère.. .tout perrrdu (cha mẹ anh em đều mất hết). Hay đó là chim quyên trong Chinh Phụ Ngâm,“Ca quyên gọi làm rơi nước mắt” của người chinh phụ, hoặc “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa” trong Kiều mô tả mùa hè đang kề cận ở ngay cành cây ấy mà mùa thu đã lấp ló ở chân trời?

Cửa Việt! Từ Ngô Xá đến Cửa Việt trời đã xế chiều. Cửa Việt, nơi ngày xưa chúa Nguyễn Hoàng đến đóng trại lần đầu tiên sau khi mang theo quân lính Thanh Nghệ, cả vợ con của họ và dân chúng vào lánh nạn vùng Thuận Quảng theo lời chỉ bảo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.” Đất Thuận Quảng hồi đó nay là Bình Trị Thiên. Sau một thời gian ngắn, vào năm 1600, chúa Nguyễn Hoàng dời doanh trại về Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị bây giờ, được bô lão và dân sở tại đem dâng bảy chum nước. Ngài phán đây đúng là điềm tốt. Theo Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, khi sắp mất, Nguyễn Hoàng dặn người con thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên rằng: “Đất Thuận Quảng này bên bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bí Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời.” Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả in tại Sài Gòn 1995, “Nguyễn Phúc Nguyên giao toàn quyền quyết đoán việc nước cho Nguyễn Phúc Khê, con thứ 10 của chúa Nguyễn Hoàng. Chỉ có án tử hình và trọng án thì phải tâu lên mà thôi.” Nguyễn Phúc Khê, thuỵ phong Nghĩa Hưng Quận Vương, được thờ ở Thái Miếu, là người tài trí, cơ mưu. Lúc Nguyễn Phúc Nguyên đã yếu cho vời Nguyễn Phúc Khê vào chịu cố mệnh, căn dặn:“Ta kế nghiệp tổ tiên, trên giúp vua, dưới cứu dân. Nay Thế tử lịch duyệt chưa đủ, mọi việc quốc, quân đều uỷ thác cho hiền đệ.”


Năm 1626, chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) dời dinh về làng Phúc Yên, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên; năm 1636 chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan) dời về làng Kim Long, huyện Hương Trà, Thừa Thiên; năm 1687 chúa Ngãi (Nguyễn Phúc Trăn) dời về làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên; năm 1712 chúa Nguyễn Phúc Chu dời ra làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên; năm 1738 chúa Nguyễn Phúc Khoát lại dời về Phú Xuân; năm 1774 chúa Trịnh Sâm cử tướng Hoàng Ngũ Phúc vào đánh chiếm Phú Xuân, tiếp theo sau đó Tây Sơn chiếm giữ Phú Xuân gần 30 năm (theo Thái Văn Kiểm, Cố Đô Huế, 1994).

Năm 1801 chúa Nguyễn Ánh lấy lại được thủ phủ cũ của tổ tiên, cho xây lại thành trì làm kinh đô, nay là Huế, và lên ngôi Hoàng Đế năm 1802, xưng đế hiệu là Gia Long.

Sông Thạch Hãn và sông Hiếu đổ ra cửa Việt mênh mông ngoài kia. Không xa cửa biển bao nhiêu, bờ Nam sông Thạch Hãn thuộc huyện Triệu Phong, được nối liền với bờ Bắc thuộc huyện Gio Linh, bằng một cây cầu khá dài đang xây dở dang, xây xong sẽ dài hơn cầu Trường Tiền bắc ngang qua sông Hương nhiều. Trước 1975, Cửa Việt là một căn cứ hải quân khá quan trọng của Việt Nam Cộng Hòa nên sinh hoạt nơi ấy khá nhộn nhịp. Nay bờ Nam không được phát triển mấy, bờ Bắc thì khá tấp nập với quán xá, dinh cơ, mái ngói đỏ, đường sá, chúng tôi từ bờ Nam nhìn qua thấy. Chúng tôi đến cửa Việt, bờ Nam, thì mặt trời đã xế. Khát nước và đói nhưng không tìm ra được quán ăn nào. Cũng không có khách sạn. Nói chung, hoang vắng. Trên những mảnh sân hẹp tráng xi măng mỏng, người ta cho phơi con khuyết, một loại tép biển để làm ruốc chứa trong lu, vại lớn, rồi chiết vào thau nhôm mang ra chợ bán, tiếng Miền Bắc gọi đó là mắm tôm. Nơi đầu cầu, trẻ con rách rưới chơi đùa, dưới chân cầu dăm ba chiếc thuyền buôn chở những bao khuyết, cá khô, gần cửa biển mấy chiếc đò nhỏ gắn máy đuôi tôm trôi chầm chậm ven bờ. Đặc biệt có một chiếc thuyền thon và dài trên đó khoảng trên mười người ra sức chèo, thuyền lao vun vút, xuôi dòng rồi quay ngoắt đầu ngược dòng một cách lẹ làng. Hỏi ra mới biết mấy thôn ven Cửa Việt sắp mở hội đua trải. Ở Huế vùng ngả ba Sình, ngả ba Tiên Nộn trước kia cũng có tục lệ đua trải đầu xuân, nay không biết còn hay hết. Làng mạc gần cửa Việt cũng hoang vắng với những túp tranh nghèo, vườn tược tiêu điều, cây cối thưa thớt.

Không kiếm ra quán trọ ngủ qua đêm, tôi hơi lo. T. nói:
- Không sao anh. Về làng An Cư cũng gần em có bà con mình ngủ lại.

Trời đã chạng vạng tối. Trên đường chạy về An Cư tôi nhìn phong cảnh không được rõ nhưng cũng biết đã qua nhiều khu mồ mả. Dừng xe trước một ngôi mộ khang trang có hàng rào sắt bao quanh, T. cho biết đó là lăng ông Nguyễn Văn Tường, một nhân vật lịch sử quan trọng cuối đời vua Tự Đức, trước kia bị cộng sản lên án “Việt gian bán nước cho Tây”, nay đã được phục hồi danh dự. Một vị nữa hình như cũng đã được phục hồi danh dự, đó là Khâm Sai Đại Thần Phan Thanh Giản. Có câu nói dân gian chỉ bốn chữ thôi, thay đổi thứ tự của bốn chữ ấy sẽ tạo nên ba vế, ý nghĩa mỗi vế mỗi khác, thật hóm hỉnh: “Sai đâu sửa đấy, sửa đâu sai đấy, sai đấy sửa đâu.” Vế thứ ba muốn nói “hết thuốc chữa”. Nhưng trong trường hợp hai nhà yêu nước vừa nêu, nhà nước đã sửa đúng.

Đến một khúc sông, T. dừng xe lại bên bờ gọi một con đò được chèo bằng mái chèo chứ không dùng máy đuôi tôm đang trôi chầm chậm giữa dòng. Đò ghé vào ngay, và chúng tôi được chở qua bên kia sông chơi. Tiếc quá, trời đã tối, không ra cửa biển được, quanh quẩn một chốc đành phải quay lại bờ cũ. Nước trong xanh, sóng ít, gây gây lạnh. Buổi chiều tối trên sông tĩnh lặng lạ lùng, chỉ có tiếng sóng nhỏ đập vào mạn thuyền nghe róc rách như tiếng suối xa, và tiếng mái chèo đều đều khua nước. Không đừng được, tôi thò hai tay xuống rờ dòng sông rồi bụm lên một ít nước phả vào mặt, vào tóc, ướt mèm. Uống thử một ngụm, lợ lợ. T. cũng làm như tôi. Trên đường đò trở về bờ cũ, T. hỏi anh chèo đò:
-Sáng mai mấy giờ đi đánh cá, cho tụi tui đi theo với.
- Dạ bốn giờ sáng, hai anh đi theo chơi cho vui.
- Đậu mô?
- Đậu ở Bến Đá gần đây.

Dân quê ở đây hiền hòa, chơn chất. Tôi bảo T. biếu một ít tiền, chủ đò nhất định không nhận, tôi năn nỉ, cuối cùng anh ấy lấy một nửa. Tôi hỏi nhỏ T. có quen anh chèo đò không. T. bảo em thường ra ngoài này nên nếu không quen thì cũng có thể biết nhau. Rứa là đủ.

Tối hôm đó chúng tôi mặc nguyên áo quần đi đường ngủ tại nhà từ đường của họ Phan trên một chiếc giường tre đặt ở chái phải, có chiếc mùng ngăn muỗi, bốn góc cắm trên đầu bốn cây hóp, chiếc chiếu lành lặn để đắp, nhưng cái gối thì đen bóng vì mồ hôi và cáu bẩn, may kiếm được tờ báo lót lên trên, cũng còn ngại, đội luôn nón vải mà ngủ. Cửa lá sách, cửa sổ đều mở toang, ánh trăng, ánh sao rọi vào. Quanh mùng, mấy con bướm đêm và vài loại côn trùng khác bay chờn vờn, kêu vù vù. Nhiều con đậu lên mùng, nhổm người dậy mấy lần xua đuổi, chúng bay đi rồi lì lợm quay lại đậu. Xin chào thua. Gió thổi suốt đêm và sóng biển xa dội lại. Tôi không yên tâm, nằm trằn trọc mãi. Việt kiều, trong túi có tiền đô la, nhiều tiền Việt Nam, tờ hộ chiếu, vé máy bay, thẻ tín dụng, và cả bằng lái xe do California cấp. Lỡ chuyện bất trắc xẩy ra, biết đâu. Nhưng tôi đã quá lo xa. Gần sáng mới ngủ thiếp làm trễ chuyến đi theo ghe đánh cá lúc 4 giờ như đã định. Một dịp may hiếm có đối với tôi thế là vuột khỏi tầm tay, biết bao giờ có được một dịp khác như thế.

Chúng tôi sửa soạn rời An Cư thì trời đã sáng “tửng bừng bưng” rồi. Người giữ nhà từ đường đã dọn sẵn một bữa ăn sáng thôn quê: khoai sắn luộc cháy sít đáy nồi thơm thơm chấm muối mè đậu phụng. Và một bình trà đậm. Chiều hôm qua ngoài Cửa Việt tìm đến một ngôi nhà tranh nhỏ, cạnh sân phơi khuyết, này mua bất cứ cái gì có thể cho vô bụng, được o con gái trả lời chỉ còn mấy khúc cá thu tươi kho nước xắp xắp với mía lau, nhưng không có bánh mì, cũng chẳng có cơm kiếc, bún biếc chi cả, ăn nể (tiếng vùng khác gọi là ăn vã) rứa thôi, có được không hai chú, còn muốn cơm thì phải chờ nấu. Được lắm chứ o, nhưng bây giờ đói quá, có chi ăn nấy khỏi cần cơm, ngon chưa từng thấy. Sáng hôm sau dậy đói meo, khỏi đánh răng, muốn đánh cũng không có, quên mang theo kem và bàn chải, ở dơ sống lâu, bốc ngay củ khoai, củ sắn, nóng hổi hổi vừa thổi vừa ăn, cũng ngon không kém bữa ăn cá nể tối hôm qua.

Trước khi khởi sự “bắc hành”, dù có ít thì giờ, chúng tôi đã định trong chuyến đi hoặc chuyến về sẽ đến thăm mấy ngôi làng trên rẻo đất nằm tiếp giáp với Biển Đông bên ngoài phá Tam Giang, và vài làng lân cận, đặc biệt là làng quê của danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Những người có công lớn cho tổ quốc như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Tri Phương không được nhà nước bây giờ quan tâm mấy. Những vị ấy chỉ được đề cập sơ sài trong mấy cuốn Sử, hoặc được đặt tên cho vài con đường nhỏ, vài ngôi trường bé, trong khi những kẻ khác được thổi phồng một cách quá đáng. Lấy trường hợp ông Hồ Chí Minh chẳng hạn. Dù ông là một nhà yêu nước hay chỉ là một người tranh đấu cho Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, tuỳ theo góc độ nhìn của mỗi người, ông cũng đã phạm nhiều lỗi lầm khiến cho tổ quốc điêu linh từ khi ông cướp chánh quyền cho đến bây giờ. Chỉ xin nêu ra đây hai điều sai lầm nặng nề nhất. Trước hết ông đã du nhập một chủ thuyết ngoại lai càng ngày càng phô bày những khuyết điểm trầm trọng mà ngay cả nước chủ xướng và đem áp dụng chủ thuyết ấy trong 70 năm là nước Nga, nay cũng đã dẹp bỏ, đó là Chủ Nghĩa Cộng Sản. Đồng thời ông đã quên bài học lịch sử trong quan hệ giữa ta và kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, cho nên đã quá trông cậy và lệ thuộc Trung Quốc. Ai cũng biết trong suốt mấy ngàn năm lịch sử bang giao giữa hai nước, hễ Trung Quốc yếu, hoặc bị xâm lăng, hoặc có xáo trộn nội bộ, ta được yên thân; hễ ta có biến loạn trong khi Trung Quốc ổn định, hùng cường, ta bị “chiếu cố” ngay. Thế mà tên của ông, kể cả tên tục, tên húy, tên hiệu, bút hiệu v.v... được đặt cho các đường phố, trường học, học viện, tràn ngập từ bắc chí nam. Chưa hết, địa danh Sài Gòn đã nằm sâu trong lòng người, trong lịch sử, được cả thế giới biết đến, là tên của thủ đô Miền Nam bại trận, lại bị phe chiến thắng xóa bỏ để đổi lấy tên lãnh tụ của phe họ!

Còn một điều lạ lùng khác là chế độ hiện tại ở Việt Nam đã bảo hoàng hơn vua, vẫn khăng khăng tôn thờ chủ nghĩa lỗi thời ấy. Nhưng có thật vậy không, hay đúng ra đó chỉ là chiêu bài dùng để che giấu ý đồ giành giật hết tất cả quyền lực vào trong tay của phe nhóm. Với xu thế dân chủ, tự do, nhân quyền đang bừng bừng nở rộ trên khắp thế giới, liệu một chế độ toàn trị xây dựng bằng bạo lực có thể tồn tại được lâu dài? Một câu nói chí lý của ông Ronald Reagan, vị tổng thống Hoa Kỳ mà dân chúng rất quý mến: Những chế độ xây dựng bằng lưỡi lê không bắt rễ được (Regimes planted by bayonets do not take root).

T. lái xe chậm lại, quay người nói, cho gió đỡ tạt:
- Mình vừa qua khỏi các làng Bồ Bản, Chợ Cạn. Sắp tới Phương Lang, Cổ Lũy, tức là chạy theo đường ven biển để về Huế. Để anh được ghé những nơi anh muốn. Hồi còn nhỏ theo mẹ từ Quảng Trị vô Huế, em có đi đò dọc. Lúc ấy em nhỏ quá, bây giờ không còn nhớ gì. Chỉ nhớ mỗi khi chọc tay xuống nước vọc chơi, bị mẹ la, ‘Đừng, ma rà nó kéo xuống sông chừ’.

Tôi thì nhớ đò dọc lắm, và nhớ luôn câu ca dao Huế mà lúc còn nhỏ tôi chẳng hiểu gì:
Mẹ già cuốc đất trồng tiêu
Con đi đò dọc mẹ liều con hư


Tại sao mẹ trồng tiêu lại sợ con hư trên những chuyến đò dọc? Ý nghĩa trong hai câu hình như không ăn nhập đâu vào đâu, chỉ thấy nó mênh mang một thứ tình cảm mông lung, lai láng. Sau này câu ca dao ấy gợi lên trong tôi nhiều liên tưởng. Mẹ nghèo không có đất làm trưa làm ruộng như người khác, đành phải cuốc đất trồng tiêu trong mảnh vườn nhỏ làm kế sinh nhai qua ngày. Việc cuốc đất trồng trọt lẽ ra là việc của đàn ông, còn mẹ già chỉ có việc giúp đứa con dâu lo nấu ăn, giặt giũ, giữ cháu. Có lẽ mẹ không có con trai, lại sinh muộn một đứa con gái, còn bố phải đi làm thuê làm mướn, hay đi làm ăn xa, hay đã qua đời. Mẹ mới vừa cuốc lật đất lên mà đã lo lắng trăm bề, lo chăm bón, săn sóc từng chút một vì tiêu không dễ trồng, vừa cần nước cần phân lại vừa sợi úng nước. Đến khi cây tiêu đơm bông kết trái, hái vô sàn sẩy, phơi phóng cho khô, cho giòn, lúc ấy mới bắt đầu có mối lo khác lớn lao hơn nhiều. Thế là phải sai đứa con gái còn ngây thơ mang tiêu đi bán ở những làng xa. Con đâu có thể đi bộ được, phải đi đò dọc, một mình trên sông nước lạ lùng, xôn xao, rối rắm, khó mà tránh được những lời ong bướm của bọn trai lơ sàm sỡ. Lỡ con mình cầm lòng không đậu. Lòng người như cánh chim, không chịu đậu thì sẽ bay đi không biết tới nơi đâu. Nhưng mẹ già đành phải cắn răng mà chịu, phó mặc may rủi.

Tôi thì khác, chú bé khỏi sợ ai lo lắng cho mình cả, như con ngỗng chưa lớn ngu ngơ, tha hồ đi trên những chuyến đò dọc. Tiếc thay mới đi được vài chuyến thôi. Mà cứ nhớ hoài.

(Còn tiếp)

.

.

.

Bắc Hành

Ngự Thuyết

Thursday, September 2, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/09/bac-hanh.html

.

Kỳ 4 (Tiếp theo và hết)

.

Tôi lớn tuổi hơn T. nhiều. Hồi ấy tôi đã biết biết đôi chút, có lần được đi đò dọc về làng ngoại Vân Cù nằm ven sông Bồ. Rồi lại tản cư cũng đi đò dọc về phía phá Tam Giang, ra Quảng Trị. Vào thời gian ấy đường sá giao thông ít và xấu, vận tải khó khăn, thủy lộ là phương tiện tốt nhất trên đó đò ngang, đò dọc chuyển động bằng mái chèo chạy ngược xuôi nườm nượp. Kỷ niệm thời thơ ấu khó phai, nó làm chất men cho tưởng tượng và mơ mộng.

Con đò dọc không có buồm, trông gọn gàng hơn các loại ghe chài, hay ghe buôn, mui khum tròn làm thành mái vòm cong để che mưa nắng, chiếm trọn phần giữa của chiếc đò, chừa phần mũi và phần lái lộ thiên. Người lớn vô ra cái mui đò ấy phải cúi mình xuống để khỏi đụng đầu. Tôi con nít chả lo, chạy vô ra thoải mái. Ở phần lái, mái chèo dài và to bản được buộc vào cây cọc ngắn bằng những nuộc dây mây dẻo dai thắt thành hình số 8. Chèo lâu, nuộc dây nóng lên, thì lấy nước rưới vào. Trong mui có mấy khoang, có ngăn lửng, nhỏ làm bàn thờ tổ tiên, ngăn cho hành khách đẹp nhất, có lót chiếu, có gối kê đầu để ngả lưng khi cần, ngăn cho chủ đò thì “lùi xùi” nhưng chứa đủ “mọi thứ trên đời”, mẹ tôi nói thế. Phần sau lái có chuồng heo, lò bếp. Không có cầu tiêu. Gà được nhốt trong bội tre đan, gà trống sáng trưa chiều đều gáy ò o-o-o ò-ò nghe thật gần, muốn điếc cái lỗ tai, gà mái mỗi ngày mỗi cục tát đẻ trứng, còn con chó vàng ốm tong teo không bị nhốt chạy lăng quăng thỉnh thoảng ngó vô bờ sông ngứa miệng sủa khống. Nó tài lắm, có thể chạy trên lườn đò bên ngoài mui từ lái tới mũi vì nó không được phép chạy xuyên qua các khoang. Lè kè phía ngoài mạn đò ngang với dòng nước là mấy cái chẹp bằng tre dùng để bắt tôm, bắt cá, và cái oai đựng cá.

- Con mèo mô ôn?
- Không có mèo.
- Răng không nuôi mèo hả ôn?
- Mèo sợ nước. Mà nuôi cũng xui.
- Rứa có chuột thì răng?
- Sức mấy. Thò ra con mô thộp con nấy.
- Rứa răng lại nuôi chó?
- Chó hên. Mà thằng cu có làm xấu thì chó đã chực sẵn dọn sạch bách liền liền, khỏi mất công lau khu, rửa đít.

Chú bé làm chi cho hết ngày trên chiếc đò dọc ấy? Trước hết đứng trước mũi đò mê mẩn nhìn dòng nước tràn trề bị con đò rẽ sóng chạy phăng phăng tới, nước bắn lên làm ướt cả mặt mày tay chân đầu cổ, bố phải rầy la hắn mới chịu lùi xa mạn đò nhìn trời nhìn đất. Thế nhưng mỗi lần tới khúc quanh của dòng sông, hắn dòm chừng bố, thấy bố không chau mày, hắn lại chồm ra nhìn con nước xoáy tròn, lục bình trôi quanh như không bao giờ trôi ra khỏi những vũng xoáy. Rồi xóm làng, ruộng đồng, bờ bãi hai bên sông thay nhau dàn trải ra trước mắt. Và những hòn cù lao nữa chứ. Hắn nhận ra rằng cây cối lưa thưa trên các cù lao sao trông lẻ loi và buồn quá thế. Những thứ đó in đậm vào ký ức, đậm đến nỗi khi lớn lên, đọc câu Kiều “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, hay câu thơ Huy Cận na ná “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” bỗng có cảm tưởng rằng mình vừa được gặp lại một góc của tuổi thơ.

Rồi nào là chùa chiền, am miếu, đình làng, tất cả đều quay mặt lại nhìn con đò đang trôi trên con sông dài, và tre thì đu đưa mãi trong gió, cau thì nhón mình vươn cao lên đứng thẳng sau những mái tranh, dừa thì chồm ra mặt nước như muốn tìm kiếm cái gì, còn chuối, những cây chuối mẹ, lại lè kè mang nặng những cái buồng to, dài, như đàn bà có chửa, nặng quá có khi phải nhờ trụ chống. Qua mấy khúc sông thỉnh thoảng nghe vang dậy tiếng đập chiếu thùm thụp trên mặt nước, qua những bến đá ngó người ta giặt áo quần, vo gạo, rửa rau, làm cá, ngó những thằng bé con như mình mà đã đầu đội nón lá, tay cầm cần câu. Có khi đò chạy lòn dưới những chiếc rớ to lớn hơn cả mái nhà giăng trên cao cách mặt nước hàng chục thước. Mẹ đứng cạnh nói người ta phơi lưới đó con. Chưa tới bữa mà bụng thấy đói đã có bánh thuẫn, bánh tráng, bánh ú, khoai nướng hay hột mít lùi tro. Thỉnh thoảng nghe văng vẳng tiếng hò xa trên sông nước, ai mà dài hơi dữ rứa, nghe tiếng được tiếng tiếng mất, ơi ới, hò hơ, chẳng hiểu gì. Đò đi qua không biết bao nhiêu làng xóm, không tài nào nhớ hết tên, chỉ nhớ “mạy mạy” năm ba tên do được nghe lóm bố nói chuyện với chủ đò, mà lại nhớ trật, Kế Môn tưởng là Kỳ Môn, Đại Lộc thì nhớ là Đại Lược, Đồng Xuyên mà cứ tưởng Đồng Xiêng, Mỹ Xá thành ra Mệ Xá. Thế nhưng từ đó về sau mỗi khi thoáng nghe cái gì liên quan đến những chuyến đò dọc, đến tên những xóm làng ven sông, ven phá, ven biển của những vùng quê ấy, trái tim cũng đánh mạnh thêm đôi chút.

T. lại giảm bớt tốc độ quay người nói:
- Mình đã qua khỏi các làng Hội Yên, Kim Giao, Diên Khánh, Xuân Viên. Anh có thấy mùi lúa không? Thơm ghê.

Miền Bình Trị Thiên, chỉ Quảng Bình có những cánh đồng rộng lớn. Câu phương ngôn ngày xưa, “Thứ nhất Đồng Nai, thứ nhì hai Huyện”, đó là hai huyện Lệ Thủy, Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình nổi tiếng về sản xuất lúa gạo. Riêng Huế và Quảng Trị đất hẹp lại nhiều độn cát, truông, phá, đồi, núi, nhưng vẫn có nhiều cánh đồng xanh ngát vào mùa này. T. nói đúng, lúa đang con gái thơm lừng theo từng cơn gió đến. Đến Thanh Hương thuộc địa phận Huế, chúng tôi qua sông Ô Lâu, tới Vân Trình và chạy hướng về Chí Long.

Chí Long, một trong những ngôi làng chúng tôi phải đến. Chí Long, quê hương của danh tướng Nguyễn Tri Phương!
Nguyễn Tri Phương tài kiêm văn võ, một đại thần Triều Nguyễn dưới ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Lúc còn trẻ Ngài đã từng tham gia nội các thời vua Minh Mạng cùng với Hà Quyền, Hoàng Quỳnh cứu xét vụ án Lê Văn Duyệt. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Ngài cùng với Doãn Uẩn đem quân đuổi đánh quân Xiêm và Chân Lạp lấy lại thành Nam Vang. Năm Tự Đức thứ 11 (1858) quân Pháp đánh phá Đà Nẵng nhằm mở đường chiếm kinh đô Huế, Ngài vào lập đồn Liên Trì, đắp lũy dài từ Hải Châu đến Phúc Ninh chia quân chống giữ. Pháp liệu chưa đánh được nên kéo vào Nam đánh Gia Định. Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển lại vào Nam cùng với Tôn Thất Hiệp đắp dãy đồn Kỳ Hòa (Pháp gọi là Chi Hoa, nay là Chí Hòa) kháng cự. Trước khi đi Nam (1860), Ngài để lại kế sách và tâu với vua Tự Đức rằng “đánh nhau với Pháp bây giờ khó lắm, khó gấp năm gấp bảy trước kia, nhưng cũng phải cố sức đền ơn nước, còn mặt Quảng Nam có việc gì thì các ông Phan Thanh Giản, Nguyễn Bá Nghi có thể cáng đáng được”. Đồn lũy xây dựng có quy củ, vững vàng, nhờ thế quân ta đã có thể cầm chân quân Pháp.

Pháp lại tấn công đồn Kỳ Hòa năm 1861, hai bên đánh nhau dữ dội. Bên ta Ngài bị thương, em Ngài là Nguyễn Duy tử trận, quan Tham Tán Đại Thần Phạm Thế Hiển bị thương nặng, rút về đến Biên Hòa được mấy hôm thì mất, quân sĩ chết nhiều. Bên Pháp chết hơn 300, thiếu tướng Pháp Vassoigne và đại tá I Pha Nho (Tây Ban Nha) bị thương. Tôn Thất Hiệp kéo binh về Biên Hòa cố thủ. Thừa thắng, quân Pháp tiến đánh Biên Hòa, Tôn Thất Hiệp chống không lại. Ta mất luôn Biên Hòa rồi Định Tường, triều đình phải cử ông Phan Thanh Giản vào Gia Định xin giảng hòa. Không những thế, sau đó vua Tự Đức còn sai Phan Thanh Giản đi Pháp xin chuộc lại mấy tỉnh đã mất. Chuyến đi kéo dài hơn nửa năm. Pháp không chịu cho chuộc, triều đình sai Phan Thanh Giản vào Nam giữ ba tỉnh miền tây, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), Pháp vi phạm hòa ước, lại tấn công ba tỉnh miền Tây còn lại, quân ta thế cùng lực tận chống không nổi, Tổng Đốc Phan Thanh Giản cho mở cửa thành Vĩnh Long đầu hàng để cho quân dân bớt đổ máu, rồi uống thuốc độc tự tử.

Trong lúc Miền Nam bị mất về tay quân Pháp, giặc giã lại nổi lên như rươi ở Miền Bắc. Thế giặc rất mạnh, triều đình đã phải sai quan quân đi tiễu trừ hết nơi này đến nơi khác, thiệt hại nặng nề. Một số vị chỉ huy tử trận hoặc bị vây khổn phải nhảy xuống bể tự tận. Trong những bọn giặc ấy, có đám cầm đầu bởi Tạ Văn Phụng khởi loạn từ năm 1861, cho người vào Nam cầu viện với thiếu tướng Pháp Bonard hứa hễ lấy được Bắc Kỳ thì xin giao cho nước Pháp bảo hộ. Năm 1863 triều đình cử Nguyễn Tri Phương ra Bắc dẹp được giặc Tạ Văn Phụng, đồng thời dẹp yên luôn những đám giặc khác vào cuối năm 1865. Sau đó nhà vua lại triệu Ngài về kinh đô lo việc triều chính. Thế nhưng Miền Bắc có những đám giặc khác nổi lên, quan quân đi đánh dẹp mãi không yên. Cho nên vào năm 1872, triều đình lại cử Ngài ra Bắc thay Vua xem xét tình hình và điều binh khiển tướng lo việc trấn giữ và đánh dẹp những đám giặc ấy.

Quan hệ giữa ta với Pháp ngày càng gay go. Pháp tìm mọi lý do để chiếm thêm đất. Cướp xong Miền Nam, Pháp tính chuyện đem quân tấn công Miền Bắc. Với vũ khí thô sơ, lạc hậu mà đã phải chống cự với quân Pháp khi thì quyết liệt, khi thì dằng co, kể từ lúc Pháp nổ súng vào cảng Đà Nẵng năm 1856 cho đến năm 1873, thế là được hơn 17 năm. Bên ta càng ngày càng kiệt quệ về mọi mặt. Dân chúng hoang mang, hoảng hốt, con số quan quân hy sinh vì nước đã quá lớn.

Danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã phục vụ ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã gần 40 năm cầm quân đánh giặc hàng trăm trận, lúc thì qua Chân Lạp đánh quân Xiêm, khi thì quay về Trung rồi vào Nam chống Pháp, rồi lại ra Bắc dẹp bọn phản loạn. Nơi nào có biến, nơi ấy có Nguyễn Tri Phương. Cuối năm 1873, quân Pháp đánh thẳng vào thành Hà Nội. Lão tướng Nguyễn Tri Phương bấy giờ đã tuổi già sức yếu, lại phải cùng con là Phò Mã Nguyễn Lâm lên thành Hà Nội giữ cửa Đông và cửa Nam. Thành vỡ, giặc Pháp tràn vào, Nguyễn Lâm bị trúng đạn tử trận, Ngài bị thương nặng, bị bắt, từ chối chữa trị và tuyệt thực cho đến chết. Thế là trong gia đình của Ngài, người em ruột là Nguyễn Duy tử trận hồi 1861 khi chống Pháp tại đồn Kỳ Hòa, nay con trai là Nguyễn Lâm, và chính bản thân của Ngài đều lấy cái chết báo đền nợ nước. Sử gia Trần Trọng Kim khi bàn về Nguyễn Tri Phương đã viết: “Thật là một nhà trung liệt xưa nay ít có vậy.” Ngay cả kẻ thù của Ngài là quân Pháp cũng tỏ lòng kính phục vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Hiện nay tại một bảo tàng viện của Pháp tại Paris có trưng bày một chiến bào của Ngài.

Chẳng bao lâu sau đó triều đình Huế sai các ông Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường ra Bắc điều đình với Pháp xin trả lại thành Hà Nội và một số tỉnh miền Trung Châu Bắc Việt. Pháp đồng ý ký hòa ước Năm Giáp Tuất, tức năm Tự Đức thứ 27(1874). Mấy năm sau Pháp lại kiếm cớ đem quân ra Bắc lần thứ hai đánh thành Hà Nội. Lại một gương trung liệt khác, Tổng Đốc Hoàng Diệu, người Quảng Nam, chống cự không nổi, thắt cổ tự tận.

Cuối cùng, vào mùa hạ năm 1883, thiếu tướng Courbet và toàn quyền Harmand đem tàu đánh vào đánh cửa Thuận An, Huế. Lại những anh hùng vì nước bỏ mình. Chống cự được 4 ngày, từ 15 đến 18 tháng 7, thành Trấn Hải vỡ, hai quan trấn giữ thành là Lê Sĩ và Lê Chuẩn bị trúng đạn chết, các quan khác như Lâm Hoành, Trần Thúc Nhẫn nhảy xuống sông tự tử. Viết đến đây tôi không thể không nghĩ đến những tướng lãnh và quân, dân, cán, chính đã tuẫn tiết khi Miền Nam sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng đó là chuyện về sau.

Đọc lại nhiều lần trang sử đầy máu và nước mắt ấy, lần nào tôi cũng không thể nén được xúc động. Tôi thử tìm một khuôn mặt bi hùng có thể so sánh với Nguyễn Tri Phương, trong sử ta, sử Tàu, sử Pháp. Khó tìm thấy. Khổng Minh Gia Cát Lượng của nước Tàu chăng? Khổng Minh ngày xưa đã suốt 27 năm phò Lưu Bị để khôi phục nhà Hán, cuối cùng kiệt lực mà chết giữa trận tiền khiến quan quân phải bỏ dở cuộc chinh phạt, phát tang đưa linh cữu chủ tướng về Thành Đô. Sau đó người con trai của ông cũng cầm quân chống giặc và tử trận khi kinh đô đất Thục thất thủ. Sử gia Trung Quốc cho rằng cuộc đời của Khổng Minh là một tấn bi kịch lớn. Dân Tàu, và cả dân ta, thương tiếc một Khổng Minh suốt đời cung cúc tận tụy cho một dòng họ trong một cuộc nội chiến kéo dài, đặc biệt dân miền Tứ Xuyên, đất Thục ngày xưa, cho đến nay vẫn còn nhiều người quấn khăn trắng trên đầu giữ tục lệ để tang Khổng Minh dù ông đã chết hơn một ngàn năm về trước. Tấn bi hùng kịch của Nguyễn Tri Phương xả thân vì nước chống ngoại xâm lâu dài hơn, lẫm liệt hơn, bi đát hơn. Nhưng Ngài đã được Tổ Quốc Ghi Ơn như thế nào? Rồi đầu óc lan man, tôi lại liên tưởng đến một cây cổ thụ vùng Waterloo nước Bỉ, nơi gần 200 năm trước tướng người Anh là Wellington đứng dưới tàng cây ấy chỉ huy trận đánh sống mái chống lại Napoléon. Anh đại thắng. Một người Anh mua cây cổ thụ ấy mang về nước. Tôi thì nay làm gì khi nhớ Ngài? Chỉ biết đứng lặng người trước nhà thờ tưởng niệm Ngài và hai vị Trung Thần kia ở làng Chí Long.

Chí Long, một ngôi làng gần phá Tam Giang ít được người dân mình quan tâm đến. Các bô lão còn nhớ nơi thờ Ngài ngày xưa có trồng nhiều cây mưng. Đó là loại cây mọc trong rừng cạnh những dòng suối, không lớn lắm, dáng dấp cân đối, đẹp đẽ, to cỡ cây khế, cây ổi. Xin mở dấu ngoặt, các “đại gia” vùng Bình Trị Thiên bây giờ thường cho “gia nhân” vào rừng bứng nguyên một số cây đẹp mang về nhà trồng trước sân, trước ngõ làm cây kiểng trang hoàng, trong đó có cây mưng. Hoặc nếu mua, thì mỗi cây trị giá trên 20 triệu đồng Việt Nam tuỳ lớn nhỏ. Tôi nhớ lá mưng non, màu nâu nhạt, ăn thơm thơm, chát chát, chua chua, nó sống trên rừng lại tương tư cá mòi dưới biển để rồi kết duyên đằm thắm,“Mắm mòi đòi rau mưng/ Rau mưng ưng mắm mòi”. Các bô lão già hơn kể rằng dù Ngài ít khi có mặt tại quê nhà vì mải bôn ba đánh nam dẹp bắc, hay có về cũng bận dự chầu nơi kinh khuyết, thế nhưng tiếng vó ký vẫn ngày đêm liên tục khi thì rầm rộ như giông bão, khi thì gõ lóc cóc, lộp cộp, vang khắp xóm làng.

Làng Chí Long có bốn thôn, người miền ấy gọi là bốn Phường: phường Đợi (Đại Phú), phường Trong (Trung Thạnh) nơi có Trung Hiếu Từ thờ ba vị Trung Thần, phường Chiếng (Chính An), và phường Mỵ (Mỹ Phú). Cách gọi ở miền quê là thế, có những tiếng được nói trệch ra do kiêng cử hay vì lý do nào khác, chẳng hạn khá gọi là khớ, anh thành yên, buổi mai thành buổi mơi, củ hành thành củ hờng, đi học thành đi hược, mặc áo thành mược áo, uống nước thành uống nác, Đại Lộc gọi là Đại Lược, Bao Vinh gọi là Bà Vang v.v... Hình như Huế cũng do chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa mà ra.

Ít được quan tâm nhưng Chí Long là một trong những vùng đất sản xuất nhân tài của miền Bình Trị Thiên mà người ta gọi là “địa linh sinh nhân kiệt”. Kẻ viết bài này chưa có dịp tìm hiểu thêm về danh nhân vùng ấy, tuy thế, qua những quan hệ thông thường với bạn bè cùng lứa, cùng lớp, cũng được biết đấy cũng là quê quán của Trà Mi, Diệm Mi, những người đẹp nổi tiếng một thời ở Huế; của Túy Hồng, nhà văn nữ nổi danh từ trước 1975, nay vẫn còn cầm bút; của nhà văn Nguyễn Trung Hối, cùng với những tiểu thuyết, tiểu luận của ông mà tôi rất trân quý, từng là chủ nhiệm, chủ bút tạp chí văn học Chủ Đề đầy tham vọng làm mới ngôn ngữ, xuất bản tại Sài Gòn trước 1975, và hai lần tục bản tại Hoa Kỳ.

Rời Chí Long, thay vì theo ngã Phò Trạch họăc Sịa chạy về Huế gần hơn, chúng tôi quay lại hướng sông Ô Lâu, qua cầu (xưa là đò ngang), quẹo phải về phương Nam qua các làng Kế Môn, Đại Lược, Thế Chí Đông, Thế Chí Tây. Những ngôi làng này nằm trên rẻo đất hẹp bên ngoài phá Tam Giang như một bán đảo nhỏ, không xa Chí Long mấy, thế có nghĩa là tính từ bắc vào nam, bên phải của rẻo đất là phá Tam Giang, bên trái là biển Đông. Qua làng Thế Chí tôi lại nhớ mấy vị thầy cũ thời trung học, thầy Cao Hữu Hoành thông kim bác cổ dạy Pháp văn, Hán văn, Việt văn, thầy Cao Hữu Triêm dạy Sử Địa. Lại nhớ người bạn học cùng lứa, Cao Huy Thuần, hiện dạy môn Luật ở Paris, Pháp. Giòng họ Cao hay chữ này gốc làng Thế Chí.

Trời xế chiều, nắng chiếu nghiêng đã phai, chúng tôi ghé quán bên đường ăn cháo lươn có nhiều tiêu hành, uống nước trà đậm, rồi tiếp tục xuôi nam chạy về phía bến đò Ca Cút. Hồi còn bé tôi đã được nghe nói đến bến đò Ca Cút. Bến đò ấy xa lắm - tuổi nhỏ cái gì nghe cũng xa xôi, cũng huyền bí - ít có khách sang sông, nên chỉ một con đò nhỏ tí teo chở được vài ba người nằm chờ tại một bên bờ gần cuối phá, để đưa khách qua lại, bên này bờ là về phía kinh đô Huế, bên kia bờ là rẻo đất hẹp như đã nói. Khách đến bến đò, nếu hên thì gặp đò đợi sẵn, bằng không thì đứng bên này bờ gọi đò đậu bên kia bờ. “Ráng cổ lên mà gọi” kẻo gió lộng ngoài phá thổi tiếng gọi đò bay bạt đi hết. Người nào cẩn thận mang theo cái mõ gõ thật mạnh tay cho đò nghe. Nhưng tại sao lại gọi là bến đò Ca Cút? Đó là tên một loài chim được đặt nhại theo tiếng kêu của nó, chim ca cút. Tại bến đò ấy ngày xưa có nhiều chim ca cút, khi thấy khách bộ hành tới, sẽ gọi đò giùm từng chuỗi bốn tiếng: bơ đò ca cút/tóc dài tóc cụt/ tre già măng moọc (mọc)...

Nay không còn bến đò. Một chiếc cầu đã bắc ngang, gần hoàn thành, nối hai bờ, gọi là cầu Ca Cút. Cũng như chiếc cầu ngoài cửa Việt, cầu Ca Cút khá dài, đã tạm cho xe hai bánh chạy qua. Khi xong, xe hơi cỡ lớn đều sử dụng được. Qua khỏi cầu, thay vì quẹo phải một đoạn không xa là tới Bao Vinh, chúng tôi chạy thẳng về phía gần cửa Thuận An. Rồi chúng tôi quay qua cầu Thảo Long. Thảo Long trước kia là cái đập dùng để chận nước biển khỏi tràn vào đồng ruộng, nay đã được tu sửa để bên trên làm mặt cầu cho khách bộ hành và nhiều loại xe dùng, kể cả xe vận tải, bên dưới là đập ngăn nước như cũ. Qua khỏi cầu, chạy khoảng năm cây số hướng về chợ Nọ, huyện Phú Vang, rồi qua cầu chợ Nọ, quẹo phải chạy cũng khoảng năm cây số chúng tôi tới Huế. Đèn đêm đã bật sáng.

Thử tưởng tượng ngày xưa thực hiện một chuyến bắc hành như thế tất phải mất hơn một tuần lễ. Nay giao thông tiện lợi, đời sống được cơ giới hóa, nhịp sống nhanh quá đến hấp tấp, chúng tôi đi chỉ mất hai ngày. Được mặt này, mất mặt khác, tôi thấy mình như một hòn đá lăn nhanh, rêu có bám vào nhưng chẳng được là bao. Cũng chỉ là một lối cưỡi ngựa xem hoa! Tôi mong được trở lại đó để sống nhiều hơn, nhiều hơn nữa, man mác trong cỏ cây mây nước.

*

*
Hơn 7 giờ chiều trời vẫn còn nắng. Tôi đứng trên mô đất cao ấy, bóng tôi đổ dài lên gần một nửa sân cù (golf) dưới kia. Thật ra sân cù này vốn là một đoạn của lòng sông Santa Ana. Vào mùa mưa thường rất ngắn, chỉ vài tuần lễ trong một năm, nó là một khúc sông nước chảy mạnh vì lòng sông nghiêng đúc bê tông giữa dòng. Còn những thời gian khác, nó biến thành sân cù được săn sóc cẩn thận, mặt đất phẳng phiu, cỏ cắt sát xanh mướt, có hàng rào bằng dây thép rất cao để chắn những quả cù bay lạc. Sau lưng tôi, kế tiếp con đường cao trải đá dăm, viền cỏ xanh dành cho người đi bộ, xe đạp, và ngựa, là khu gia cư của người Mễ. Tiếng trẻ con reo đùa trong tiếng nhạc ngắn lặp đi lặp lại phát ra từ một chiếc xe bán nước ngọt và kem. Trước mặt tôi, xa xa bên kia sân cù, những ngôi nhà hai tầng, ba tầng, ngói nâu, tường trắng, khang trang, đẹp đẽ, ẩn hiện sau những hàng cây rậm rạp. Có tiếng chó sủa ồm ồm, ấm áp, tiếng sủa của chó berger Đức, từ bên xa ấy vọng lại khi một chiếc xe hơi màu đỏ quẹo vào một chiếc cổng sắt đang từ từ mở. Đồng thời văng vẳng tiếng nói chuyện rì rầm của những người đi bộ tập thể dục gần tôi. Tôi quay nhìn. Ba bốn người đi bộ mỉm cười chào tôi, “Hi”, và tôi cũng chào lại, như cái máy. Chúng tôi chưa hề quen biết nhau.

Tôi nghĩ rằng, không hiểu sao tôi lại nghĩ như thế, trong chiếc xe màu đỏ bên kia sân cù là một cặp vợ chồng son làm cùng sở vừa về đến nhà, chồng Mỹ, vợ gốc Nhật, họ sắp sửa phụ nhau làm một bữa ăn tối gồm có bánh mì nâu, thịt bi-tết, khoai tây chiên, xúp, xà lách và một chai rượu chát đỏ. Họ ngồi ở bàn ăn vừa ăn vừa xem TV ở phòng bên cạnh với màn ảnh chiếm nửa bức tường. Rồi họ sẽ làm gì nhỉ, tôi tưởng tượng tiếp... bỗng tiếng chim kêu lảnh lót từ một chòm cổ thụ gần chỗ tôi đứng khiến tôi quay nhìn xem thử đó có phải là giống chim cà cưỡng như ở quê tôi không. Cành lá rậm rạp, tôi không thấy được con chim dù tiếng hót của nó vẫn tiếp tục vang lừng. Năm bảy con chim nhỏ khác, chim gi, chim sẻ, chim sáo từ đâu bay về và đậu lẫn trong chòm cây.

Vâng, chiều rồi, chim quay về tổ. Nhưng người ta thì chưa, còn muốn níu lại một chút vui. Bên một mô đất nghiêng thoai thoải, một phụ nữ hai tay mang găng trắng cầm cây gậy cúi mình ướm ướm, nhứ nhứ một quả cù màu trắng nằm trên cỏ xanh, dáng người thon thả, đôi chân dài chụm lại. Tôi chăm chú nhìn, không trông rõ mặt, nhưng tôi đoán là đẹp. Người đàn ông ngồi trên chiếc xe chơi golf bốn bánh nhỏ, mui vải bạt, có lẽ là chồng của phụ nữ ấy, nhìn tôi rồi vẫy tay. Ý chừng anh ta muốn nói anh cũng nhận ra vợ tôi đẹp hả. Tôi vẫy tay đáp lại. Người phụ nữ uốn cong người lấy đà đã quất mạnh banh nghe bốp một tiếng. Trái cù bay xa trên không trung, người phụ nữ đứng yên như tượng, đầu ngẩng nhìn theo một chốc, xong lên xe ngồi cạnh người đàn ông. Anh ta vẫy tay với tôi lần chót rồi lái xe chạy theo hướng trái banh.

Tại một góc sân khác, một cặp vợ chồng già đùa giỡn với một con chó mập núc ních. Họ thay phiên nhau ném cái đĩa nhựa bay là là trên mặt cỏ để con chó chạy theo dùng mỏ bắt lấy trước khi cái đĩa chạm đất. Con chó trông mệt lắm rồi, lưỡi thè lè ra, không muốn chạy nữa, nhưng chủ nhân của nó ép nó tiếp tục trò chơi ấy. Tôi bỗng hiểu ra. Họ muốn con chó tập thể dục cho đủ số giờ đã định cho nó bớt cân, giảm cholesterol xấu. Có lẽ nó bị bệnh phì nộn.

Một buổi chiều quê trên đất Mỹ! Tôi nghĩ đến những chiều quê nơi quê cũ của tôi, lòng không khỏi bùi ngùi. Không, nước Mỹ không còn có nhà quê nữa, các thành phố, các thị trấn lan rộng ra mãi xua đuổi những miền quê đi nơi khác để bắt tay lấy nhau, tiếp giáp nhau. Và nếp sống cơ giới, đô thị, ngăn nắp, đẹp đẽ dần dần xóa nhòa miền quê cũ. Quê cũ của đất nước này. Thế có xóa nhoà dần quê cũ của tôi hay không? Ở đây tôi chỉ là một kẻ đứng trông, một kẻ có khi nhớ quê, không biết đi đâu, đến dòng sông cạn này nhìn buổi chiều xuống, nhìn cảnh trí chung quanh thoạt tiên hoàn toàn khác lạ, rồi quen mắt dần. Chiều tối rồi, chim bay về tổ, tiếng hót ríu rít cũng dần dần thưa rồi tắt hẳn. Nhìn lại cái bóng dài của mình in trên sân cỏ, không còn nữa. Sân cù dưới kia lấy lại dáng dấp của một dòng sông đêm,
nước đen sâu thao thức[1], tôi thấy rõ trong trí tôi như thế. Có khác gì con sông chảy ra Cửa Việt trong chuyến bắc hành của tôi hay không? Tôi đi vội về căn nhà nhỏ trong chung cư có mấy người đồng hương hiếm khi chuyện trò với nhau, có vài gia đình Mỹ nhã nhặn nhưng ít nói, có nhiều người Mễ, Nam Mỹ thường mở nhạc ra nghe thật lớn, và ăn barbecue vào những chiều tối cuối tuần.

5/2010

.

.

.

No comments: