Thursday, July 22, 2010

Tù Nhân TRƯƠNG VĂN SƯƠNG, MỘT VỊ BỒ TÁT TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Tù nhân Trương Văn Sương, một vị bồ tát trên đất nước Việt Nam

Đặng Văn Âu
Đăng ngày 22/07/2010 lúc 12:27:15 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4946

Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần bài phỏng vấn tù nhân Trương văn Sương do ký giả Thanh Quang của đài Á Châu Tự Do thực hiện. Dù bị bệnh tim, sức khoẻ hao mòn vì bị đày đoạ trong lao tù, nhưng tiếng nói của anh Sương thực trầm tĩnh, chững chạc và đặc biệt không hề gợn một chút căm thù. Tôi liên tưởng đến người tù Nelson Mandela đấu tranh bất bạo động chống lại nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi.


Ông Nelson Mandela bị chính phủ do người da trắng lãnh đạo, thi hành chính sách kỳ thị chủng tộc, bỏ tù chung thân, được thả ra vào ngày 11 tháng 2 năm 1990 và về sau được bầu làm Tổng thống da đen đầu tiên. Khi lên cầm quyền, ông Mandela chủ trương hoà giải dân tộc, không trả thù người da trắng đã bỏ tù ông. Đó là nguyên nhân vì sao chỉ trong một thời gian chưa đầy hai thập niên, nước Nam Phi đã phát triển về mọi mặt, đặc biệt được thế giới kính nể tính nhân bản của nhà lãnh đạo đem lượng khoan dung để đoàn kết các sắc tộc. Nelson Mandela và Đức Đạt Lai Lạt Ma là hai người xứng đáng hơn hết trong số những người được trao tặng Nobel Hoà Bình. Cuộc tranh giải World Cup vừa rồi được Liên Đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA) quyết định tổ chức tại Nam Phi cũng là một phần thưởng biểu trưng để những quốc gia sống bằng lòng hận thù đầy đoạ nhân dân mình phải suy nghĩ.

Nhiều tác giả viết bài ca ngợi sự dũng cảm, kiên cường, bất khuất của anh Trương văn Sương và cũng so sánh Trương văn Sương như một Nelson Mandela của Nam Phi. Những anh em bạn tù của anh Sương thì đặt cho anh Sương cái “nick” Nelson Mandela. Riêng tôi, khi nghe những câu trả lời của anh Sương, tôi nhận được từ anh Sương hai thông điệp: một tuyên ngôn và một bản cáo trạng:

1/ Bản Tuyên Ngôn: “Tổng cộng từ 1975 tới giờ, tôi đã ở tù 33 năm 4 tháng rưỡi. Những nỗi khó khăn, cực khổ đó thì không thể nào tả nổi, không thể nào lường được. Nhưng đối với tôi bây giờ thì tôi cho đó là chuyện quá khứ. Thôi, ai cũng có cái sai và ai cũng có sơ suất. Chuyện đó mình cũng nên thông cảm. Và theo ý của tôi thì bây giờ tôi muốn hướng về tương lai, nghĩa là muốn con người đối xử với nhau cho có lòng nhân đạo. Ở đây không phải là phóng thích, mà họ tạm đình chỉ thi hành án 12 tháng. Lý do là vì tôi bị chứng suy tim và áp huyết cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dân tộc Việt Nam phải biết thương dân tộc Việt Nam. Và chúng ta là người Việt Nam thì phải có bổn phận và trách nhiệm đoàn kết với nhau, góp công, góp sức vào công cuộc xây dựng tổ quốc Việt Nam cho giàu mạnh. Theo ý của tôi là như thế. Còn quá khứ cứ để cho nó về quá khứ”.

2/ Bản Cáo trạng:
Trước đây thì tôi cũng là người chống đối cực kỳ tại trại giam Nam Hà. Tất cả anh em đó đều gọi tôi là người hùng. Cứ 6 tháng đầu năm là tôi bị đi cùm, biệt giam, kỷ luật. Mỗi năm thì tôi bị đi 2 lần như vậy. Không có gì khác hơn là họ bảo tôi viết một bản kiểm điểm. Tôi viết bản kiểm điểm với nội dung như sau:

“Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô tội. Chúng tôi là những người có công với đất nước. Mặc dù chúng tôi không đắp được một con đường hay xây được cái nhà, nhưng chúng tôi là những người đã đem mồ hôi, nước mắt, xương máu để đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Còn nói những người có tội, thì chính đảng Cộng Sản Việt Nam là những người có tội
. Họ đã hai lần gây thêm thù và bớt bạn. Bằng chứng là năm 1954, họ đã cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, giết chết hàng triệu người Miền Bắc vô tội. Và lần thứ hai là vào năm 1975, khi chiếm được Miền Nam, họ bày ra tập đoàn, tập thể, thu gom, làm cho người dân Việt Nam bất mãn, kể cả giới xe lôi, xe kéo, nông dân và những trung nông giàu có... đều bị đánh tư sản.

Dân Việt Nam không thể sống nổi nên họ mới bế bồng nhau đi vượt biên, tức xuống thuyền ra ngoài biển để làm mồi cho cá – cũng gần cả triệu người. Chính quyền hiện tại là một chính quyền thối nát, tham nhũng.

Những đảng viên, những người chức quyền, họ mới có cái quyền tham nhũng. Còn những người bán rau, dân xe lôi, xe kéo... thì làm gì có chuyện đó. Cho nên chúng tôi mới khẳng định rằng chính quyền nầy, chúng tôi không ủng hộ, không tán thành. Hơn nữa, họ còn bán đảo Hoàng Sa, bán Trường Sa, rồi bán một phần đất liền dọc theo biên giới Việt-Trung gần 70 km2 – gần bằng diện tích của tỉnh Bắc Ninh. Điều đó chứng tỏ họ bán đất, bán đảo, họ hiến dâng như vậy để củng cố địa vị của họ trong Bộ Chính trị.

Với những điều vừa nêu, chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi là người vô tội, còn đảng Cộng Sản Việt Nam mới là người có tội. Vì thế chúng tôi mới yêu cầu họ phải thả chúng tôi vô điều kiện. Chẳng những thế, mà họ còn phải có lời xin lỗi trước quốc dân đồng bào Việt Nam về sai trái của họ để dư luận quốc nội và hải ngoại minh oan cho chúng tôi là những người tù chính trị Việt Nam phải chịu hàm oan suốt hơn 30 năm nay
”.


Bản Tuyên Ngôn chỉ cô đọng bằng một câu mà bao gồm tất cả: “Dân tộc Việt Nam phải biết thương dân tộc Việt Nam” và Bản Cáo Trạng cũng chỉ bằng một câu: “Còn nói những người có tội, thì chính đảng Cộng Sản Việt Nam là những người có tội”. Bản Cáo Trạng đó được cất lên từ một người tù chỉ được tạm tha để chữa bệnh trong một năm và sau đó sẽ phải trở lại nhà giam để thi hành cho xong bản án chung thân. Giữa lòng chế độ bất khoan dung, anh Sương vẫn an nhiên tự tại giống như vị quan toà đọc phán quyết. Tôi xin nghiêng mình bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính phục anh.

Nếu bất cứ một ai khác đưa ra quan điểm giống như Tuyên Ngôn của anh Trương Văn Sương mà tôi ghi lại ở trên, thì chắc chắn sẽ bị một số người chống Cộng cho rằng anh Sương chủ trương hoà giải hoà hợp dân tộc dân tộc là người cò mồi của đảng Cộng Sản. Như phát biểu của cô luật sư Lê Thị Công Nhân, linh mục Nguyễn Văn Lý khi vừa mới ra tù cũng đã có một số tác giả chống Cộng ở hải ngoại viết bài đặt nghi vấn.

Người Việt chống Cộng ở hải ngoại coi “hoà giải hoà hợp dân tộc dân tộc” là vấn đề nhạy cảm, vì họ cho rằng đó là âm mưu của chính quyền cộng sản nhằm làm tê liệt ý chí chống Cộng. Hễ ai đề cập đến vấn đề “hoà giải hoà hợp dân tộc” thì đều bị quy vào tội âm mưu tiếp tay cho cái chủ trương của cộng sản. Phản ứng ấy cũng là điều dễ hiểu, vì người ta không thể tin vào thiện chí của nhà cầm quyền.

Trước năm 1975, Cộng sản Bắc Việt xua quân xâm lăng Miền Nam, chính họ là kẻ gây nên chiến tranh. Thế nhưng, họ đã xúi những trí thức hoang tưởng, lãnh tụ tôn giáo tả khuynh dựng lên những phong trào đòi hoà bình vô điều kiện. Các chính quyền Miền Nam phản ứng lại bằng biện pháp đàn áp, bỏ tù là thất sách, bởi vì làm như thế sẽ chứng tỏ trước dư luận thế giới rằng Miền Nam hiếu chiến, muốn kéo dài chiến tranh để trục lợi, trong khi cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu tự vệ. Nếu khôn ngoan hơn, chính quyền công khai mời các lãnh đạo phong trào tới gặp mặt để yêu cầu họ hãy đòi Cộng sản Bắc Việt rút quân về Bắc thì sẽ có hoà bình. Tất nhiên những công cụ của cộng sản làm sao có thể bảo Hà Nội rút quân? Lúc bấy giờ chính quyền dùng biện pháp mạnh thì dư luận thế giới không thể quy trách tội hiếu chiến cho Miền Nam được. Tức là giành chính nghĩa về tay mình thì sẽ không còn một tên phản chiến giả hiệu nào dám ló mòi làm tay sai cộng sản. Cấm cửa không cho Thích Nhất Hạnh về nước; tống khứ Phạm văn Huyến (bố bà Ngô Bá Thành), Tôn thất Dương Kỵ… qua cầu Hiền Lương ra Bắc là việc làm thiếu mưu cơ, vô tình tiếp tay cho tuyên truyền của cộng sản.

Trong cuộc đấu tranh chính trị với cộng sản ngày hôm nay, chúng ta không có lực lượng quân sự, thì chúng ta cần đến mưu trí hơn là lớn tiếng hô hào lật đổ chế độ mà thực lực chẳng có hoặc sử dụng bạo lực để thỏa mãn cảm xúc. Nếu chúng ta cổ vũ lòng căm thù, tức là chúng ta bị rơi vào ý đồ đen tối của cộng sản. Tại sao? Bởi vì đảng cộng sản dùng chiêu bài tình cảm “khúc ruột ngàn dặm”, “quê hương là chùm khế ngọt” là có ý đồ làm mềm lòng người hải ngoại; còn thực chất là để chia rẽ chúng ta. Đang có quyền lực trong tay, người cộng sản muốn thực thi sự “hoà giải hoà hợp dân tộc” thì không cần kêu gọi, tuyên truyền. Họ chỉ cần thể hiện bằng hành động cụ thể. Vì vậy, nếu chúng ta chống lại “hoà giải hoà hợp dân tộc dân tộc” là vô hình chung chúng ta trúng kế của đối phương. Cộng sản sẽ đổ cho chúng ta phá hoại chủ trương hoà giải hoà hợp dân tộc dân tộc.

Bất luận chính quyền nào muốn có sức mạnh thì phải có nghĩa vụ đoàn kết dân tộc. Chỉ có bọn ngoại nhân như Thực dân Pháp mới dùng chính sách ngu dân và chia để trị mà thôi. Tại sao đảng cộng sản đang cầm quyền lại không thực sự thi hành chính sách đoàn kết dân tộc để có sức mạnh, mà lại chủ trương chia rẽ dân tộc? Bởi vì họ đi theo chủ nghĩa quốc tế là một chủ nghĩa đi ngược lại quyền lợi quốc gia. Điều 4 Hiến Pháp của họ vẫn cương quyết đi theo chủ nghĩa “Mác Lê”, là một chủ nghĩa đã bị nhân loại đào thải, trái với đạo đức của loài người. Họ cướp quyền cai trị đất nước bằng họng súng, chứ không phải bằng lá phiếu của dân. Từ chỗ không có chính nghĩa, nên cộng sản không có cái tư thế chính thống (legitimacy). Sự đàn áp thẳng tay những người biểu tình giương cao biểu ngữ “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam”, sự nhu nhược không dám lên tiếng phản kháng Trung Cộng cướp của, giết ngư dân ta là một bằng chứng hùng hồn nhất tố cáo sự lệ thuộc của đảng Cộng sản Việt Nam vào đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính sách cai trị của đảng Cộng sản trên nửa nước từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975 cho đến nay đã đưa Đất Nước đến tình trạng khủng hoảng về mọi mặt ngày hôm nay. Trên phương diện nội trị thì phong hóa, đạo đức suy đồi; hối lộ, tham nhũng, hà hiếp dân lành; giải thích luật pháp tùy tiện sao cho có lợi về phía cầm quyền, vô kỷ luật, trên bảo dưới không nghe. Về đối ngoại thì bị kẻ thù truyền kiếp uy hiếp mà không dám có phản ứng, lại mạnh tay đàn áp, bỏ tù người yêu nước. Nhờ phương tiện truyền thông bằng Internet, bằng điện thoại, sự bưng bít thông tin không còn hiệu quả nữa. Có thể nói nhà cầm quyền Việt Nam đang bị tứ bế thọ địch: thù trong, giặc ngoài. Trừ phi đảng cầm quyền biến Việt Nam thành một châu quận của Trung Quốc thì không kể. Còn nếu muốn bảo vệ Tổ Quốc do xương máu của tổ tiên để lại thì Đảng Cộng Sản Việt bắt buộc phải thực sự thi hành chính sách Đại Đoàn Kết Dân Tộc thông qua con đường hoà giải hoà hợp dân tộc. Người Việt hải ngoại đã trở thành công dân của quốc gia họ đang cư trú, họ được hưởng tất cả quyền hạn và quyền lợi của nước sở tại, nên họ không có nhu cầu hoà giải hoà hợp dân tộc với nhà cầm quyền để được hưởng quyền hạn hay quyền lợi của Việt Nam. Do đó, “hoà giải hoà hợp dân tộc” là một yêu sách khiến người cầm quyền phải thực hiện với nhân dân trong nước; chứ không phải là một sự xin xỏ đặc ân cho người hải ngoại.


Hôm kia, trong buổi lễ kỷ niệm đánh dấu 15 năm Hoa Kỳ – Việt Nam thiết lập bang giao, Đại sứ Lê Công Phụng bày tỏ sự vui mừng về sự tiến triển hợp tác giữa hai dân tộc. Hai kẻ cựu thù mà còn có thể hoan hỉ bắt tay vui mừng trở thành đối tác chiến lược, thì không lý do gì lại ngược đãi chính nhân dân mình, đẩy nhân dân mình đi làm lao động khổ sai, đi làm điếm, sống lây lất như một đàn nô lệ thời trung cổ được. Nhân quyền có giá trị phổ quát được áp dụng trên toàn cầu. Không lý do gì Lê Công Phụng có thể lấp liếm bảo rằng quan điểm về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn có chỗ chưa hoàn toàn đồng ý với nhau.

Trong cái rủi, có cái may. Tham vọng bành trướng của Trung Cộng đã lộ rõ. Những đảng viên kỳ cựu từng phục vụ cho quyền lợi của cộng sản đã tỏ ra căm phẫn vì tự ái dân tộc bị tổn thương. Lòng ái quốc của nam nữ thanh niên được thức tỉnh. Nhân dân trong nước bắt đầu vượt qua sự sợ hãi. Sau khi luật sư Cù Huy Hà Vũ đâm đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nay đến luật sư Trần Đình Triển đâm đơn kiện Tô Huy Rứa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kiêm Uỷ viên Bộ Chính trị – về tội ngăn cản báo chí đưa thông tin về vụ Bí thư Tỉnh Uỷ Hà Giang đồi trụy, dâm ô là những dấu hiệm cho thấy người dân không còn sợ hãi nữa.

Tôi tin vào lời dạy của Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô Đại Cáo: “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có”. Cô Phạm Thanh Nghiên, một cô gái yếu ớt, nhỏ nhắn, cân nặng chỉ 35 kg mà dám “toạ kháng tại gia” để phản đối kẻ thù phương Bắc uy hiếp dân ta. Luật sư Lê Thị Công Nhân, một tài năng đầy tương lai hứa hẹn mà dám từ bỏ để đấu tranh cho quyền làm người. Và biết bao tầng lớp nam phụ lão ấu nữa đã dám chấp nhận hy sinh đời mình cho thế hệ sau. Đấy không phải là hào kiệt đang dần dần xuất hiện đó sao?

Hôm nay, anh Trương văn Sương – người tù lâu năm – là một vị Bồ Tát giáng trần. Không phải người viết cường điệu, suy tôn quá lố. Trải qua hơn nửa đời người trong lao tù kinh khiếp nhất trần gian, chỉ được tạm tha ra ngoài trong vòng 12 tháng để tự lo chữa bệnh, rồi lại vào tù tiếp để thi hành bản án chung thân. Thế mà anh Trương Văn Sương hồn hậu cất lên một tiếng nói từ tốn chấp nhận gác bỏ quá khứ thống khổ và đau buồn để hướng về tương lai nhằm xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, chan hoà tình người. Đấy không phải là lời phán truyền của một vị Bồ Tát đang nói với người cầm quyền sẽ tiếp tục bỏ tù anh đó sao? Đảng cộng sản dù có ba đầu sáu tay cũng không thể tiếp tục dùng bạo lực đàn áp nguyện vọng chính đáng của toàn dân. Đây là lúc nhà cầm quyền phải xét lại hành vi của mình, hãy quay đầu lại với nhân dân để tránh hậu quả thảm khốc khôn lường.

Thực dân Pháp dùng chính sách chia rẽ để đô hộ dân ta lâu dài. Cộng sản cũng rập khuôn theo chủ trương chia rẽ bằng đường lối đấu tranh giai cấp gây lòng thù hận. Sự phân hóa từ đời này sang đời khác là điều có thật. Hậu quả là Đất Nước ta đang bị kẻ thù truyền kiếp âm mưu thôn tính. Hoà giải dân tộc dân tộc là con đường duy nhất để loại trừ cái chủ nghĩa ngoại lai, phi nhân đang tác hại Đất Nước ta thì mới mong cứu được giang sơn của tiền nhân để lại.

Mấy hôm nay tôi thường xuyên gọi điện thoại thăm anh Trương văn Sương, thứ nhất là để bày tỏ mối quan tâm đến sức khoẻ của anh và động viên tinh thần anh; thứ nhì là để thử xem điện thoại của anh đã bị chính quyền cúp chưa. Tôi nói với anh Sương rằng anh chính là vị Bồ Tát đang hành đạo tình thương ở quê nhà. Hy vọng tiếng nói của anh được chính quyền lắng nghe. Đáp lại, anh chỉ cất lên tiếng cười rất nhẹ. Tuy không đối diện anh, nhưng tôi hình dung nụ cười của anh phản ảnh nụ cười của Đức Di Lạc. Đồng thời, tôi cám ơn chính quyền đã không ra lệnh Công An cúp đường dây điện thoại của anh. Phải chăng đấy là một dấu hiệu của nhà cầm quyền đang lắng nghe bản Tuyên Ngôn của vị Bồ Tát Trương văn Sương?

Ước mong sao tất cả những người Việt Nam khắp bốn biển năm châu lắng nghe câu nói của anh Trương văn Sương và tâm niệm rằng “Dân tộc Việt Nam phải biết thương dân tộc Việt Nam” thì ngày kỷ niệm “Một Ngàn Năm Thăng Long” sắp tới đây sẽ là ngày chấm dứt chủ nghĩa cộng sản và mở ra thời đại Lý Trần mới, anh em mừng vui nhận diện nhau để không còn bất cứ một lằn ranh nào ngăn cách chúng ta nữa.

Viết xong tại thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ
Ngày 20 tháng 7, đúng 56 năm sau ngày thân thể mẹ Việt Nam bị các thế lực ngoại bang cắt làm đôi
Bằng Phong Đặng Văn Âu

© Thông Luận 2010

.

.

.

Chuyện một người tù

Bắc Phong
Đăng ngày 22/07/2010 lúc 03:36:43 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4945

là trung úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa
bị bắt sau ngày 30 tháng 4 năm 1975
anh phải chịu 6 năm tù lao động cải tạo
ra tù anh vượt biên sang Thái
tham gia một tổ chức phục quốc
rồi tìm đường xâm nhập trở lại quê hương
nhưng không may vì nội gián
tổ chức phục quốc bị phá vỡ
ba lãnh tụ kháng chiến bị đem ra xử tử
còn anh lãnh án chung thân
với tội danh gián điệp

.
anh bị đày ải và hành nhục 27 năm ròng rã
qua khắp các trại tù từ nam ra bắc
Suối Máu, Qui Nhơn, Nam Hà...
ở trại tù nào anh cũng bị đối xử dã man khắc nghiệt
nhưng anh đã không bỏ xác
trong bóng tối u ám nhà giam
anh vẫn sống can trường
vẫn không ngừng tranh đấu trong tù
chống lại những điều kiện lao tù tồi tệ
đòi cải thiện chế độ sinh hoạt
bị gọi tên tù phản động cứng đầu
bị cùm đem đi biệt giam kỷ luật mỗi năm nhiều lượt

.
lần nào phải viết bài kiểm điểm
anh cũng không nhận tội
và còn phanh ngực thách thức
phản đối bản án vô lý bất công
phản đối chế độ lao tù tàn bạo
tố cáo tội ác chế độ độc tài cộng sản Việt Nam
đòi đa nguyên đa đảng
đòi tự do dân chủ

.
lẽ ra anh cũng đã được thả
nếu anh nhận tội và xin khoan hồng
nhưng anh đã nhất quyết không
trong tù anh sống thiếu thốn
không ai thăm nuôi vì vợ con nghèo đói
may nhờ anh hay bênh vực bạn tù
và sẵn sàng làm thay việc
nên được họ nhường cơm sẻ áo
lúc nào anh cũng được đồng cảnh khâm phục
và quý mến vì tính khí can trường
bọn quản giáo và ban giám thị tù thì khác
chúng nhìn anh như cái gai trước mắt
nhổ không xong
.

nhưng gang thép mấy anh cũng phải già
thân xác cũng phải suy yếu
sau 33 năm tù ngục
phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt của nhà lao
anh mắc bệnh áp huyết cao
và bị chứng suy tim...
ngay cả đánh răng cũng có lúc khó khăn
cộng thêm các căn bệnh mãn tính
nhà nước cộng sản không muốn mang tiếng
để anh chết trong trại giam
nên ra lệnh tạm hoãn thi hành án
bắt con trai anh ký giấy bảo lãnh
rồi trả anh về
để người nhà chữa trị thuốc men
nếu khỏi thì đi tù trở lại
còn nếu chết thì...tha
.

anh đã sống 33 năm bầm dập khổ đau
tan nát một kiếp người
về đến căn nhà nghèo nàn xơ xác
đứng trước bàn thờ vợ
sao anh muốn bỏ qua quá khứ
lòng không oán hận kẻ thù
mà chỉ mong nhân dân đoàn kết
đấu tranh đòi chế độ cộng sản độc tài
tôn trọng nhân quyền
thực thi tự do dân chủ
một người tù chính trị như anh
là biểu tượng tiếng nói lương tâm
của những người đấu tranh bất khuất
họ chống những cái xấu và những cái ác
của đảng Cộng Sản Việt Nam
một đảng đang bằng mọi cách
duy trì quyền lực thống trị quê hương
dù có phải bán nước buôn dân

Bắc Phong

.

.

.

THƯ CẢM TẠ của Người Tù TRƯƠNG VĂN SƯƠNG (Trương Văn Sương)

CHỊU ĐỰNG KHỔ ĐAU, CHỜ CHỒNG ĐẾN CHẾT (VỢ người tù TRƯƠNG VĂN SƯƠNG) (RFA)

TRƯƠNG VĂN SƯƠNG là MỘT ANH HÙNG (ngô Nhân Dụng)

TRƯƠNG VĂN SƯƠNG : TỪ ĐỊA NGỤC TRỞ VỀ VẪN KIÊN CƯỜNG (Nguyễn Ngọc Quang)

NGƯỜI TÙ TRƯƠNG VĂN SƯƠNG và CUỘC HỒI HƯƠNG VỀ QUÊ NHÀ (Nguyễn Khắc Toàn)

NGƯỜI TÙ TRƯƠNG VĂN SƯƠNG KỂ CHUYỆN (Đàn Chim Việt)

NGƯỜI TÙ TRƯƠNG VĂN SƯƠNG LÊN TIẾNG TRÊN ĐÀI RFA (RFA)

MỘT NELSON MANDELA CỦA VIỆT NAM (Người Việt)

TRƯƠNG VĂN SƯƠNG : NGƯỜI TÙ BẤT KHUẤT (Lê Minh)

NGƯỜI TÙ TRƯƠNG VĂN SƯƠNG (Tưởng Năng Tiến)

TÙ NHÂN TRƯƠNG VĂN SƯƠNG, MỘT NELSON MANDELA CỦA VIỆT NAM (Phạm Văn Thành)

VIẾT VỀ TÙ NHÂN TRƯƠNG VĂN SƯƠNG và NHỮNG NGƯỜI TÙ KHÁC (Nguyễn Khắc Toàn)

.

.

.

No comments: