Thursday, July 29, 2010

HỌC SINH GIỎI TỰ TỬ SAU MỖI KỲ THI - NỖI ĐAU CỦA GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Học sinh giỏi tự tử sau kỳ thi - nỗi đau của xã hội

Quỳnh Như, phóng viên RFA

2010-07-29

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/under-pressure-many-high-school-students-commit-suicide-because-of-failure-QNhu%20%20%20-07292010140345.html

Vừa qua, em Trịnh Công Sỹ, một học sinh giỏi của Trường PTTH chuyên Lê Khiết của tỉnh Quảng Ngãi đã chết vì uống thuốc rầy tự tử do thất vọng về bài làm trong kỳ thi vào Đại học.

.

Đừng quá nông nổi

Gần đây các chuyên gia Tâm lý-Xã hội đã gióng lên một hồi chuông báo động và đưa ra những số liệu đáng kinh ngạc về số trẻ vị thành niên, mà hầu hết là học sinh trung học, có triệu chứng trầm cảm. Nếu không được chữa trị sớm, sức khỏe tâm thần của các em này sẽ bị ảnh hưởng rất xấu. Bên cạnh đó hiện tượng nhiều học sinh giỏi ở bậc trung học tự tử vì thất vọng đã trở nên khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Những nỗi đau và mất mát này không chỉ của gia đình mà của cả xã hội nữa.

Vì sao các em lại quẫn trí đến như vậy? Hành động nông nổi này xuất phát từ nguyên do nào? Áp lực đè nặng lên việc học hành của các em phát xuất từ đâu, nhà trường, gia đình, hay bạn bè?

Nhiều vị phu huynh cứ muốn cho con em mình được vào học tại các trường điểm, trường chuyên, trong khi đó hầu hết mọi người đều cho rằng chương trình học tại các trường này là rất nặng, đôi khi quá sức đối với các em học sinh. Một nữ giáo viên của Trường chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Thật ra ở trường chuyên chương trình các em học sâu hơn, kỹ hơn; các em được học chương trình nâng cao cho nên phải dành nhiều thời gian hơn. Về áp lực thì chủ yếu là về phía gia đình tại vì Trường chuyên Lê Hồng Phong vốn nổi tiếng từ lâu rồi, cho nên khi gia đình đưa con em vào học ở trường họ cũng có những kỳ vọng, đặt hết cả niềm tin của gia đình của dòng họ vào các em.

Điều đó cũng có thể là một cái áp lực. Còn ở trường thì nói chung thời gian dành cho học tập của các em cũng nhiều hơn so với trường thường. Trường chúng tôi cũng có những hoạt động về văn nghệ, thể thao, những hoạt động giải trí.”

Trước hiện tượng học sinh tự tử vì điểm thấp, hay do thi rớt, nữ giáo viên kinh nghiệm của Trường chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Nói hiện tượng này là phổ biến thì không phải. Trường hợp của các em học sinh này chỉ là cá biệt thôi. Thực sự như tôi đã nói, đối với các trường chuyên, thời gian và sự đầu tư công sức của các em vào việc học sẽ nhiều hơn. Cái áp lực thường rơi vào trường hợp của học sinh khối 10. Khi các em chuyển từ cấp 2 lên cấp 3 thì các em chưa quen ngay với phong cách học tập của chương trình cấp 3 vì cấp 3 các em phải tự học là chính. Ở cấp 2 thì các em đã quen với hình thức học tập – thầy đọc trò chép, học đến đâu thì thầy cầm tay chỉ việc đến đó.

Em nào vượt qua được vấn đề đó sẽ cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng trong vấn đề học. Cũng có một số em không vượt qua được chương trình của học kỳ 1, thì các em sẽ rất lo lắng vì ở cấp 2 các em tòan là những học sinh giỏi, nhưng khi chuyển sang cấp 3 thì kết quả học tập của các em lại chỉ đạt trung bình thôi. Mà nếu học lực của các em chỉ đạt ở mức trung bình thôi thì áp lực của cha mẹ cũng rất lớn.

Cha mẹ đã quen với việc 9 năm qua con toàn là học sinh giỏi, sang đến cấp 3 lại như thế thì thường là hay rầy rà các cháu. Chính vì thế mà đôi khi nếu như mình chưa tư vấn kỹ cho các cháu về những vấn đề học tập, vấn đề phương hướng trong tương lai thì các em dễ bị bế tắc.”

Các vị phụ huynh như chị Ngọc Yến ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nói rằng, khi thấy báo chí đưa tin về các vụ học sinh thi rớt tự tử chị rất đau lòng và lo lắng cho hai con đang học ở bậc phổ thông:

“Bởi thấy như vậy nên nhiều khi tôi cũng khuyên con tôi nếu như không thi đậu vào đại học thì có thể học Trung cấp hay ở nhà một năm để ôn thi lại vào Đại học. Không có gì đáng phải lo ngại lắm. Nhưng trẻ con đang ở đà học thì nó muốn đặt được điều mà nó đã nỗ lực thực hiện. Thành ra cha mẹ chỉ đi theo để giúp đỡ con khi chúng cần. Trong những ngày nghỉ hè gia đình luôn thu xếp công việc ở cơ quan để đưa các con đi nghỉ để con được vui chơi thoải mái trong những ngày hè, để giảm bớt căng thẳng, sang năm vào học sảng khoái và đạt nhiều tiến bộ hơn.”

Em Nguyễn Thụy Lam, học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình chia sẻ suy nghĩ của em về sự nông cạn của các bạn học sinh cùng lứa:

“Con thấy tiếc cho các bạn đó vì mình đã học Trung học rồi và gần bước vào cánh cổng Đại học, mà chỉ vì một việc giống như một sơ suất nhỏ, hoặc là rớt một kỳ thì mà lại đánh mất cả cuộc đời của mình thì điều đó thật quá đáng tiếc.”

Thụy Lam cũng nói về chương trình học của em ở trường:

“Trường con thuộc dạng như là trường điểm của Quận Tân Bình, con học vào lớp chuyên trong trường. Khi vào học ở lớp chuyên thì mỗi đầu năm học đều có kỳ thi kiểm tra chất lượng để tuyển lọc lại, kết quả thi dựa vào điểm số. Nên tạo ra áp lực nếu muốn trụ lại ở lớp đó thì bắt buộc mình cứ phải học, học hoài, hè cũng phải học luôn để vô đầu năm học lại còn sàng lọc ra một lần nữa. Cái kỳ thi xếp lớp ở mỗi đầu niên khóa con thấy nó tạo áp lực rất ghê, cứ phải chạy đua để theo kịp tiêu chuẩn của cái lớp đó. Con cảm thấy không có thời gian để nghỉ ngơi nữa.”

Chương trình học có quá tải đối với các em hay không? Thầy giáo Phan Thanh Tùng, giáo viên dạy môn Toán ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:

“Hiện nay người ta cũng đã có thay đổi chút ít trong sách Giáo khoa. Mỗi hè các giáo viên sẽ tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn vào khoảng đầu tháng 8. Sau đó ở trên họp và sẽ thống nhất nếu như trong sách Giáo khoa có phần nào khó, hoặc cao quá đối với học sinh thì sẽ bỏ ra, giảm bớt cho học sinh. Nói chung chương trình học của các em bây giờ cũng không nặng lắm, không khó lắm.”

Nhà giáo này cũng đưa ra nhận xét về các trường chuyên:

“Thật ra những em có khả năng thật sự sẽ không căng thẳng khi học ở trường chuyên vì tư chất tốt. Thí dụ, cùng một bài các em sẽ học nhanh hơn học sinh bình thường một tí, hiểu bài rõ hơn một tí, làm bài nhiều hơn một tí. Mặc dù bài khó nhưng đối với các em này thì như vậy vẫn là ở mức bình thường. Còn trong khi học sinh bình thường mà phải làm bài với cường độ đó thì sẽ cho là nặng. Nhưng thật ra cũng không có nhiều trường chuyên lắm, chỉ một vài trường thôi.”

.

Áp lực của phụ huynh

Như vậy vì sao các em lại quẫn trí đến tự tử? Áp lực đè nặng lên việc học hành của các em phát xuất từ đâu, nhà trường, gia đình, hay bạn bè? Hầu hết ý kiến đều cho rằng áp lực từ phía cha mẹ đối với việc học của con là rất lớn. Thầy Tùng đưa ra nhận xét:

“Thật ra cái căng thẳng nhiều khi là do phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, ví dụ ngày xưa các em đi học bài văn thường là 5 hoặc 6 điểm thôi, còn bây giờ nếu các em làm bài văn được 8 điểm là đã bị cha mẹ la rồi. Yêu cầu của cha mẹ nhiều khi cao quá sức của các em cũng hơi khó. Có nhiều phụ huynh quan tâm việc học của con đến mức độ nếu con làm bài dưới 8 điểm thì đã không đồng ý, đã rầy la con rồi. Cho nên các em học căng thẳng là vì vậy.

Chứ còn bình thường theo khả năng các em học thì sẽ có bài điểm cao, có bài điểm thấp là chuyện bình thường. Nhưng nhiều khi phụ huynh lại không thấy điều đó, thấy con 7 điểm thấp hơn bạn bè trong lớp là ép con học. Không học được trong trường thì phải đi học thêm. ”

Lyly, sinh viên năm thứ Ba Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, là cựu học sinh giỏi của trường chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm để vừa học vừa có thể thư dãn như sau:

“Kinh nghiệm của con, trước hết là cảm ơn ba mẹ đã cho con tham gia học các lớp ngoại khóa, trong những môn đó con thích nhất là thể lọai múa và học đàn. Dù không đi chuyên sâu nhưng nó cũng phần nào làm cho cuộc sống của mình phong phú, và khi trường tổ chức các hoạt động thì mình có thể tham gia một cách rất dễ dàng. Nó giúp mình có những khoảng thời gian thư giãn ngắn giữa các môn học, đầu óc thoải mái hơn rồi bắt đầu học tiếp thì điều đó cũng nên làm.”

Về sách lược để giúp học sinh tránh được bế tắc, lúng túng khi gặp khó khăn hay thất bại, vị nữ giáo viên của Trường Lê Hồng Phong cho biết thêm rằng:

“Thường ở mỗi trường cấp 3, như trường tôi chẳng hạn thì đều có một trung tâm tư vấn. Những khó khăn các em gặp phải trong cuộc sống, những tâm tình không thể nói cùng cha mẹ thì các em có thể gặp trung tâm tư vấn đó để trao đổi những cái các em gặp gút mắc, bế tắc trong cuộc sống. Còn trong công tác giảng dạy, ngoài nhiệm vụ đứng lớp, truyền đạt về chuyên môn, thì một số bộ môn chủ yếu là các bộ môn về xã hội như: Văn, Sử, Địa, Công dân, chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề tư vấn cho các em, định hướng cho các em.

Và cũng xác định để các em cởi bỏ bớt những áp lực, những cái không cần thiết. Kể cả khi họp phụ huynh cũng thế, chúng tôi cũng trao đổi với các bậc cha mẹ đừng quá kỳ vọng, đừng đặt ra những yêu cầu quá cao đối với con em mình.”

Đã đến lúc các nhà sư phạm, và các vị phụ huynh cần phải ngồi lại để bàn về những giải pháp tốt nhất nhằm giúp cho các học sinh có định hướng đúng trong tương lai. Đặc biệt các bậc cha mẹ cũng nên cần xem lại, liệu mình có đặt kỳ vọng quá cao đối với con em mình hay không.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: