Friday, July 30, 2010

HOA KỲ và MẶT TRẬN BIỂN ĐÔNG

Hoa Kỳ và mặt trận Biển Đông

Trần Bình Nam
Đăng ngày 30/07/2010 lúc 10:49:10 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4970

Mặt trận Biển Đông phải chăng sẽ là mặt trận mở màn cho cuộc tranh chấp Hoa Kỳ – Trung Quốc khó tránh được trong thế kỷ này?

Lợi dụng Hoa Kỳ rút lui sau khi thất bại tại Việt Nam và 15 năm sau Liên bang Xô viết (Liên Xô, nay là Liên bang Nga) sụp đổ, Trung Quốc đã từng bước tiến hành một kế hoạch bành trướng để chiếm thế thượng phong trên thế giới trong thế kỷ 21. Trung Quốc quan niệm rằng nếu thế kỷ thứ 19 là của Anh Quốc, thế kỷ thứ 20 của Hoa Kỳ thì thế kỷ thứ 21 phải là thế kỷ của Trung Quốc.

Trung Quốc không quên thời huy hoàng của nền văn minh cổ đại của mình và ôm mối hận bị các nước Tây phương bắt nạt trong suốt 5 thế kỷ qua, cho nên người Trung Quốc không phân biệt chính kiến – quốc gia hay cộng sản –đều ủng hộ nỗ lực này. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ lịch sử đó Trung Quốc lo phát triển kinh tế, trang bị quân sự, ổn định nội bộ và chuẩn bị tâm lý quần chúng.

Nhiều nhà quan sát Tây phương tuy đồng ý rằng một cuộc đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khó tránh vẫn nuôi hy vọng Trung Quốc càng lớn mạnh càng thấy có nhu cầu hoà bình. Một hệ phái những nhà nghiên cứu khác tin rằng qua quá trình phát triển, hệ thống cộng sản tại Trung Quốc tan rã, một nước Trung Quốc dân chủ xuất hiện và sống hài hoà trong cộng đồng thế giới. Tuy nhiên dân chủ hay không Trung Quốc cũng không từ bỏ mộng trở thành siêu cường số MỘT trên thế giới.

Hiện nay Trung Quốc đã tung phương tiện vật chất đến Phi Châu, Nam Mỹ và các nước vòng đai Đông Nam Á châu để tạo chân đứng. Lào, Cambodia, Miến Điện, Sri Lanka đều đã cắn mồi và đã nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc.
Bước đầu của Trung Quốc là phải vượt qua vòng vây của miền Tây Thái Bình Dương gồm biển Nhật Bản, biển Phi Luật Tân và Biển Đông. Riêng Biển Đông là cửa chính dẫn vào eo biển Malacca và Ấn Độ Dương và cũng là vùng biển hứa hẹn nhiều tài nguyên thiên nhiên như dầu thô và khí đốt nên Trung Quốc trong hơn 50 năm qua đã hướng mọi nỗ lực vào việc chiếm lĩnh Biển Đông để vừa lấy những túi dầu thiên nhiên vừa mở đường ra “biển rộng”.
Tháng 5/2009 Trung Quốc cho công bố một bản đồ có hình một cái lưỡi bò bao gồm gần trọn Biển Đông nói là vùng biển thuộc chủ quyền. Tháng 3 năm nay 2010 Trung Quốc nói với hai viên chức Hoa Kỳ đang thăm viếng Bắc Kinh rằng Trung Quốc xem Biển Đông là vùng Trung Quốc có “quyền lợi then chốt” (core interest). Trước đây Trung Quốc đã xem Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương là những vùng có “quyền lợi then chốt” với nghĩa là vùng Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ.

Hai nước bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi chính sách Biển Đông của Trung Quốc là Hoa Kỳ và Việt Nam.
Nếu chiến lược của Trung Quốc thành công thế siêu cường của Hoa Kỳ trên thế giới sẽ bị giảm sút, cho nên Hoa Kỳ đến một lúc nào đó phải hành động để bảo vệ quyền lợi của mình. Và trong cuộc tranh chấp của hai lực lượng Việt Nam không thể không vướng vào vì Việt Nam nằm ngay trên con đường tiến (đường biển cũng như đường bộ) của Trung Quốc. Tuy nhiên Hoa Kỳ và Việt Nam đều có những khó khăn nên không thể triển khai một thế đáp ứng hữu hiệu ngay từ ban đầu.
Vào thập niên 1970 quan tâm lớn nhất của Hoa Kỳ trên thế giới là Liên Xô. Sau khi tạm liên minh với Trung Quốc để cùng chống Liên Xô, Hoa Kỳ yên tâm rút ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương. Đồng minh của Liên Xô là Việt Nam thắng trận (30-4-75) nhưng không thể làm bàn tay nối dài cho Liên Xô vì sự kiềm chế của Trung quốc, một người bạn “đồng sàng dị mộng” của Hoa Kỳ sau khi được Hoa Kỳ tặng cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1).
Nhưng vào cuối thập niên 1980 Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chính sách Thái Bình Dương của Hoa Kỳ phá sản. Trung Quốc thay vì là lính giữ cửa không cho Liên Xô vào Biển Đông trở thành thế lực kình chống với Hoa Kỳ. Việt Nam vì sự sống còn đã trở thành một đồng minh bất đắc dĩ của Trung Quốc từ đầu thập niên 1990.
Trong bối cảnh địa lý chính trị đó, Trung Quốc triển khai mạnh mẽ chính sách bành trướng thế lực ra Biển Đông. Hoa Kỳ bỗng rơi vào thế yếu chiến lược và xoay trở hết sức khó khăn. Việt Nam cũng rất lúng túng trong sự lựa chọn đối sách chống lại sự lấn chiếm Biển Đông và gặm nhấm biên giới đất liền của Trung Quốc.
Nếu chỉ ghi những biến chuyển chính từ năm 1958, là năm Trung Quốc ban hành quyết nghị nới rộng lãnh hải kể cả lãnh hải chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra 12 hải lý, cho đến năm 2010, Trung Quốc đã làm nhiều hành động lấn lướt trong Biển Đông trước sự im lặng của Hoa Kỳ và Nhật Bản và sự lúng túng của Việt Nam và của các nước trong khối Asean. Hoa Kỳ chỉ thỉnh thoảng lặp đi lặp lại chính sách hai điểm tại Biển Đông của mình là: (1) không can thiệp vào sự tranh chấp các hòn đảo trong Biển Đông, (2) tôn trọng nguyên tắc quốc tế về việc lưu thông trên biển.

Bản liệt kê những hành động có tính bành trướng của Trung Quốc khá dài:
(1) Sau khi đã chiếm trọn Hoàng Sa năm 1974, năm 1988 Trung Quốc dùng sức mạnh đánh chiếm đảo Johnson Reef South và vài hòn đảo nhỏ khác của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
(2) Ngấm ngầm xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại Yulin nằm ở cực nam đảo Hải Nam (do vệ tinh thương mãi của Anh khám phá năm 2007). Căn cứ này có khả năng đồn trú một hạm đội lớn, có hầm trú ẩn cho tàu ngầm nguyên tử và cầu tàu cho mẫu hạm, giúp hải quân Trung Quốc hoạt động trong vùng Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
(3) Tháng Ba năm 2009 Trung Quốc cho tàu ngăn cản hoạt động “dò đáy biển” của chiếc USS Impeccable của Hoa Kỳ ngoài hải phận quốc tế tại một nơi cách bờ đảo Hải Nam 104 km về phía nam. Cuộc chạm trán hết sức gay cấn tưởng chừng có thể nổ súng nếu phía Hoa Kỳ không tự chế.
(4) Tháng 6/2009 khi chiến hạm Hoa Kỳ USS John McCain đang cùng với hải quân Phi Luật Tân và Mã Lai Á thao dượt, Trung Quốc cho tàu ngầm lén cắt SONAR (máy dò trong nước) chiến hạm John McCain đang dòng theo.
(5) Tháng Ba và tháng Tư 2010 Trung Quốc cho thao dượt hải quân trong vùng Đông Nam Á xuống tận phía đông eo biển Malacca và thực tập oanh tạc các mục tiêu ngoài biển trong vùng Trường Sa. Mục đích của Trung Quốc là nới rộng hoạt động của hải quân ra vùng biển Nhật Bản, biển Phi Luật Tân, biển Indonesia gồm cả quần đảo Marianas và Palau sát với đảo Guam.
(6) Và như đã nói, cũng trong Tháng Ba 2010 Trung Quốc nhắn với giới chức Hoa Kỳ rằng Trung Quốc xem Biển Đông là vùng có “quyền lợi then chốt” của Trung Quốc.

Ngoài những hoạt động thách thức Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng đã làm những hành động đơn phương đụng chạm đến quyền lợi của các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam như:
(7) Năm 2007 áp lực công ty dầu khí BP của Anh huỷ bỏ giao kèo dò tìm dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
(8) Tháng 12/2007, Trung Quốc ban hành quyết định thành lập thành phố hành chánh cấp huyện Tam Sa gồm ba quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa (Macclesfield Bank) và Trường Sa đặt trực thuộc tỉnh Hải Nam. Tỉnh này được thành lập năm 1988 sau khi tách ra khỏi tỉnh Quảng Đông.
(9) Năm 2008 áp lực công ty dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ huỷ bỏ giao kèo dò tìm dầu khí với PetroVietnam trong Biển Đông.
(10) Tháng Tư 2009 và tháng Tư năm 2010 Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên Biển Đông từ 15/5 đến hết tháng 8 từ vĩ tuyến 12 trở lên. Trung Quốc cho tàu của Sở Kiểm Ngư cùng với tàu chiến tháp tùng để thi hành lệnh cấm.
(11) Ngày 6/5/2009 Việt Nam và Mã Lai Á nộp cho Liên hiệp quốc bản xác định vùng biển nối dài, Trung Quốc đã phản đối để ngăn cản Liên hiệp quốc xét giá trị của vùng tranh chấp. Đồng thời với việc phản đối Trung Quốc (như đã nói) cho phổ biến một bản đồ hình lưỡi bò bao gồm gần hết Biển Đông bảo là vùng biển của họ mà không dựa vào một căn bản quốc tế nào cả.

Trong bối cảnh này quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam là một quan hệ rất tế nhị.
Hoa Kỳ muốn thực hiện chíến lược gì tại Đông Nam Á để đối đầu với Trung Quốc cũng phải bắt đầu bằng một chính sách ve vãn Việt Nam. Việt Nam nằm trên đường tiến của Trung Quốc xuống vùng Nam Á châu và Úc châu, Việt Nam có khả năng nhân lực cho một quân đội hùng mạnh và Việt Nam vốn là đối thủ lịch sử của Trung Quốc.
Nhưng ve vãn Việt Nam không phải dễ vì hai nước từng là kẻ thù trong một cuộc chiến đẫm máu 10 năm mới tạm hoà với nhau. Trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam không ít đảng viên cao cấp còn mang tâm lý nghi ngờ Hoa Kỳ.
Nỗ lực ve vãn Việt Nam của Hoa Kỳ bắt đầu ngay sau khi chiến tranh Việt Nam (1955-1975) chấm dứt. Tổng thống Carter muốn thiết lập bang giao với Việt Nam càng nhanh càng tốt. Nhưng đảng cộng sản Việt Nam trong cơn say chiến thắng đã đòi hỏi quá nhiều (2) và cơ hội thiết lập bang giao bị bỏ qua. Chính quyền Reagan (1980-1988) và sau đó chính quyền Bush lớn (1988-1992) bận tâm với tình hình Trung Đông và Trung Mỹ nên chỉ quan hệ với Việt Nam qua vấn đề tìm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Cho mãi đến năm 1995 chính quyền Clinton (1992-2000) mới thiết lập bang giao với Hà Nội.
Trong những tháng cuối cùng ở chức vụ tổng thống (sau khi tổng thống Bush nhỏ thắng cử) tổng thống Clinton đã viếng thăm Hà Nội mở đầu cho một giai đoạn quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tuy nhiên chính quyền tổng thống George Bush với bộ ba Bush, Rumsfelt, Rice quá bận rộn với cuộc chiến tranh chống khủng bố trong nước và hai trận giặc Afghanistan và Iraq nên lơ là mặt Thái Bình Dương. Cho mãi đến khi bộ trưởng Robert Gates thay ông Rumsfelt vấn đề Đông Nam Á Thái Bình Dương mới được các giới chức chính quyền quan tâm tới. Bộ trưởng Robert Gates từng là giám đốc Trung ương tình báo không quên sự quan trọng của vùng Thái Bình Dương đối với an ninh lâu dài của Hoa Kỳ, và ông Gates đã làm những gì cần thiết để chính quyền Bush và chính quyền Obama (được tổng thống Obama mời ngồi lại ở chức vụ bộ trưởng quốc phòng) quan tâm đến thái độ “coi trời bằng vung” của Trung Quốc. Trong những lần đi Á châu họp hội nghị hằng năm với các bộ trưởng quốc phòng của một số quốc gia để thảo luận về an ninh ở Á châu (3) , ông Gates không lần nào quên bày tỏ sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với vùng đất quan trọng đó.
Tuy nhiên vấn đề chính sách thuộc Toà Bạnh Cung và Bộ Ngoại giao. Và trong gần một năm sau khi nhậm chức người ta không thấy tổng thống Obama và bà ngoại trưởng Clinton có một ý kiến rõ rệt nào về một chính sách Á Châu, nếu không muốn nói là thái độ thích ứng với chính sách vươn lên siêu cường của Trung Quốc.
Hai chuyến viếng thăm chính thức của bà Clinton (2/2009) và sau đó của tổng thống Obama (11/2009) cho những người lãnh đạo Trung Quốc đánh giá chính quyền mới là “mềm”. Bà Clinton đến Bắc Kinh với một thái độ khiêm nhượng. Bà yêu cầu Trung Quốc hợp tác cùng giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bà nói không nên để vấn đề nhân quyền làm trở ngại sự hợp tác giữa hai nước để cùng giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế và sự nóng dần của bầu khí quyển, mặc dù năm 1995 khi bà đến thăm Bắc Kinh với tư cách một đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ bà đã nhấn mạnh đến nhân quyền.
Chuyến thăm viếng Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Obama cũng vậy. Không có một sự tiến bộ nào trong quan hệ Mỹ - Trung. Truyền thông bị giới hạn tối đa. Và chỉ có những thoả thuận không quan trọng “cho có thoả thuận”. Còn các vấn đề quan trọng khác như điều chỉnh giá đồng yuan, và các biện pháp trừng phạt Iran nếu Iran không tuân hành đòi hỏi của Liên hiệp quốc trong lĩnh vực nguyên tử thì Trung Quốc đều làm ngơ không một hứa hẹn nào cả. Kết thúc cuộc viếng thăm không có bản Thông cáo chung. Tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào xuất hiện trước báo chí mỗi người đọc một bản văn soạn sẵn 15 phút miêu tả những gì đạt được theo cách nhìn của mỗi người rồi chia tay không trả lời các câu hỏi của báo chí.
Đánh giá chính quyền Obama là “không đáng ngại” qua các tiếp xúc này, Trung Quốc đã đi những bước lấn tới. Như đã nói, tháng 3/2010 Trung Quốc nói thẳng với giới chức Hoa Kỳ họ xem Biển Đông là vùng quyền lợi then chốt, và đó có thể là giọt nước sau cùng làm đầy ly nước.

Hoa Kỳ quyết định phản ứng.
Bà Hillary Rodham Clinton, với tư cách bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đã bắn phát súng lệnh tại cuộc hội họp hằng năm của Diễn Đàn ARF (4) tại Hà Nội ngày 23/7/2010. Bà Clinton đã chọn một diễn đàn lý tưởng. Năm nay bộ trưởng ngọai giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đương kim chủ tịch hiệp hội Asean ngồi ghế chủ tọa hội nghị ARF.
Buổi họp của ARF là một buổi họp kín, nhưng theo ký giả Mark Landler của tờ New York Times tường trình từ Hà Nội thì bà Clinton đã xác định lập trường của Hoa Kỳ đối với Biển Đông là “Hoa Kỳ xem việc tự do lưu thông, tự do lui tới và sự tôn trọng luật lệ quốc tế trên Biển Đông phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ” (The United States has a national interest in freedom of navigation, open access to Asia’s maritime commons, and respect for international law in the South China Sea).
Liên quan đến việc Trung Quốc công bố một cách lờ mờ bản đồ (hình lưỡi bò) xác định hầu hết diện tích Biển Đông là của họ mà không dựa vào một thứ luật lệ quốc tế nào cả vào đầu tháng 5/2009, bà Clinton bác bỏ sự tuyên bố chủ quyền đó và nói theo luật quốc tế về biển sự đòi hỏi chủ quyền kinh tế trong Biển Đông chỉ có thể xác định dựa trên chủ quyền hợp pháp về đất và đảo.
Bà nói Hoa Kỳ sẵn sàng yểm trợ các cuộc thảo luận đa phương để quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, và lập trường của bà được 11 nước tham dự ủng hộ với sự hiện diện của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi).
Bà Clinton cũng không quên nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không thay đổi lập trường căn bản từng lặp đi lặp lại trước đây là Hoa Kỳ không thiên về bên nào trong các cuộc thương thảo đa phương. Trước đây Trung Quốc thúc đẩy lập trường thương thuyết với từng nước một (TBN: để dễ áp lực hay mua chuộc) và chưa có nước nào công khai bác bỏ lập trường của Trung Quốc, ngoại trừ Việt Nam vì quyền lợi thiết thực của quốc gia đã đòi hỏi thương thuyết đa phương.
Đứng trước lập trường “thương thuyết đa phương” của Hoa Kỳ và sự công khai ủng hộ của 11 nước phó hội khác Trung Quốc bị động và bộ trưởng Dương Thiết Trì cho rằng Hoa Kỳ đã vận động trước cho lập trường của Việt Nam.

Việt Nam rất phấn khởi trước lập trường của Hoa Kỳ. Thái độ này được bày tỏ qua các bản tin trên Vietnamnet, báo Tuổi Trẻ, báo Sài Gòn Giải Phóng (vốn đi bên lề phải) đăng rõ ràng lập trường và lời lẽ cứng rắn của bà ngoại trưởng Clinton.
Hội nghị ARF diễn ra trước ngày 25/7 là ngày hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn mở màn cuộc tập trận phía đông bán đảo Triều Tiên và có dự trù cũng diễn tập trong Hoàng Hải (vùng biển Trung Quốc xem là cái hồ sau lưng nhà) với sự tham dự của mẫu hạm nguyên tử tối tân nhất của Hoa Kỳ, chiếc George Washington với 5000 thuỷ thủ và 200 máy bay.
Việc tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ lần này có thể so sánh với thái độ cương quyết trước đây của tổng thống Kenndey khi quyết định phong toả Cuba năm 1962. Tuy nhiên lần này tổng thống Obama gặp nhiều khó khăn hơn tổng thống Kennedy.
Đối với Kennedy là quyết định “hoà hay chiến” khi Hoa Kỳ có bằng cớ Liên Xô đã đặt hoả tiễn nguyên tử tại Cuba nhắm vào Hoa Kỳ và Hoa Kỳ có đủ khả năng “chiến” làm cho Liên Xô phải thoái lui. Lần này tổng thống Obama đang đương đầu với hai trận chiến tranh và cuộc suy thoái kinh tế chưa có lối ra. Ngân sách Hoa Kỳ thiếu hụt và còn nợ hơn 2 tỉ mỹ kim. Chủ nợ lại chính là Trung Quốc có khả năng tạo khó khăn tài chánh cho Hoa Kỳ.

.Tuy nhiên Hoa Kỳ có lợi thế hải quân. Hải quân Hoa Kỳ đi trước hải quân Trung Quốc ít nhất là 15 năm.
Hoa Kỳ cần khai thác tối đa lợi thế thời gian này bằng cách luôn cải tiến và tối tân hoá hạm đội bằng kỹ năng cao nhất. Một khi hải quân Trung Quốc còn cảm thấy sút kém hải quân Hoa Kỳ Trung Quốc sẽ dè dặt hơn.
Đồng thời Hoa Kỳ không nên quá nhạy cảm đối với mặt trận tuyên truyền của Trung Quốc. Cuộc thao diễn hải quân giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn vừa qua dự tính diễn ra cả trong biển Hoàng Hải đã chỉ diễn tập trong biển phía đông Triều Tiên do sự than phiền của Trung Quốc là một sự nhượng bộ không cần thiết. Sự nhượng bô này không làm cho tình hình dịu đi mà chỉ khuyến khích Trung Quốc.
Hoa Kỳ cần có lập trường cứng rắn bảo vệ các công ty dầu khí của mình ký các giao kèo làm ăn hợp lệ với các nước chung quanh Biển Đông. Trước hết cần khuyến khích công ti ExxonMobil trở lại với giao kèo với Việt Nam tạm ngưng năm 2008.
Hoa Kỳ cần giúp lập một cơ cấu đa phương để dàn xếp công tác “quốc tế hoá” quyền lợi kinh tế của các nước trong vùng trong khuôn khổ Luật Biển và tình hình thực tế của diện địa.
Sau cùng Hoa Kỳ cần gây lại lòng tin nơi các nhà lãnh đạo Việt Nam để vượt thắng tâm lý nghi ngờ.
Công tác sau cùng này không phải dễ dàng nhưng có thể đạt được nếu chính quyền Việt Nam huy động được nội lực nhân dân Việt Nam qua một chương trình cải cách chính trị có nội dung dân chủ, khai dụng tối đa tài nguyên quốc gia để xây dựng một nền kinh tế tự túc có khả năng sản xuất, để từ đó xây dựng một nền quốc phòng mạnh.
Việt Nam cần nghĩ đến sự phát triển hải lục không quân, nhất là hải quân, và trang bị vũ khí, không giới hạn ở vũ khí quy ước.
Việt Nam cần nhanh chóng biến cải cảng Cam Ranh thành một thương cảng lớn làm nơi buôn bán, ẩn nấp gió bão và tiếp tế bảo trì cho tất cả tàu thuyền mọi quốc gia trên thế giới như một phần trong kế hoạch quốc tế hoá quyền lợi trên Biển Đông.

Lời tuyên bố của bà ngoại trưởng Clinton tại Hà Nội hôm 23/7 đánh dấu chiến lược mới của Hoa Kỳ tại tây Thái Bình Dương đối với Trung Quốc. Nhưng chiến lược này chỉ thành công nếu Hoa Kỳ có đủ cương quyết thực hiện, và Việt Nam có đủ không ngoan để khai dụng. Trung Quốc sẽ dùng mọi phương tiện để làm nhụt chí Hoa Kỳ nhất là lợi thế “chủ nợ” và tuyên truyền bằng cách lên án Hoa Kỳ hiếu chiến, và dùng thế nước lớn để o ép Việt Nam.

Việt Nam, dù muốn hay không lại nằm giữa hai lằn đạn. Hy vọng các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nhận ra được cơ hội cứu nước trước mắt và hành động một cách xứng đáng với vai trò lịch sử của mình.

Trần Bình Nam
29/07/2010

.

Trước khi Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ, Hoa Kỳ đã làm ngơ để Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, chủ ý để Trung Quốc làm lính chận đường tiến của Liên Xô (qua đồng minh Hà Nội) xuống Nam Thái bình Dương và Ấn Độ Dương. Xem tài liệu số 118 (1/2004) Trang Nhà www.tranbinhnam.com, trang Bình Luận.
(2) Đòi Hoa Kỳ 3 tỉ mỹ kim xem như tiền bồi thường thiệt hại chiến tranh có tính hạ nhục Hoa Kỳ .
(3) Gọi là Shangri-La Dialogue, lấy tên của một khách sạn ở Singapore, nơi làm trụ sở họp hằng năm.
(4) Asean Regional Forum (ARF) do Hiệp Hội Asean thành lập tháng 7/1993. Thành viên gồm chính yếu các nước trong khối Asean các quốc gia ven Thái Bình Dương. Thành viên hiện tại gồm: Australia, Bangladesh, Brunei Darussalam, Cambodia, Canada, China, European Union, India, Indonesia, Japan, Democratic Peoples' Republic of Korea, Republic of Korea, Laos, Malaysia, Myanmar, Mongolia, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Russian Federation, Singapore, Sri Lanka, Thailand, Timor Leste, United States, Vietnam. Mục tiêu của ARF là “kiến tạo hoà bình và an ninh trong khu vực qua hợp tác và đối thoại.

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: