Thursday, July 22, 2010

CÁI LƯỠI CỦA TRÍ THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Cái lưỡi của người trí thức

Bùi Tân Phong
Đăng ngày 08/02/2010 lúc 18:20:05 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4572

Những suy nghĩ sau đây được tập hợp sau khi đọc bài của ông giáo sư Tương Lai “Những “vấn đề” của Đảng cộng sản Việt Nam” trả lời phỏng vấn RFA ngày 04/02/2010.

1. Tóm lược nội dung trả lời phỏng vấn của GS Tương Lai

Về ”đảng”, ông Tương Lai (TL) cho rằng Karl Marx quan niệm về “đảng ý thức” và “đảng tổ chức”; khái niệm này liên quan đến ”giai cấp” mà ông Marx cũng cho nó biến động từ “vô sản” đến “người lao động”. Về tình hình thế giới hiện tại, ông TL cho rằng “đảng chính trị cũng bị tha hoá rất nhiều”. Thông qua ý kiến “ông Hồ Chí Minh” (nguyên chữ của TL), ông TL đề nghị bằng “cách nói uyển chuyển” rằng “đảng phải là đảng của dân tộc” để “giữ vững được sứ mệnh của mình là người lãnh đạo dân tộc”.

Về sứ mệnh “đại diện cho dân tộc” của đảng, ông TL xét cụ thể từng giai đoạn lịch sử (“duy vật lịch sử”!). Trước 1975, ông khẳng định: “Thực tế Đảng đã thực hiện tốt vai trò giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đấy là sự thật lịch sử, có muốn bác bỏ cũng không bác bỏ được”. Không may, “từ 1975, (do) đi theo mô hình Xô viết, rồi chịu ảnh hưởng của Mao ít” nên “đảng vấp phải những sai lầm” và “nó (tức là những cái “sai lầm” chứ không phải chính là đảng - người viết chú) đẩy đất nước đi vào chỗ bế tắc và đi vào khủng hoảng trầm trọng kéo dài”. Từ bối cảnh như thế “đảng ta” đạt được một thành tựu khác là “sự nghiệp đổi mới do đảng tiếp nhận được từ sức sống của dân tộc, của nhân dân, biến thành đường lối của mình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam”; Nay chỉ vì “một số đảng viên của Đảng thoái hoá biến chất” mà “vấn đề đặt ra như yêu cầu của chủ tịch Hồ Chí Minh là chỉnh đốn Đảng – là yêu cầu số 1”. Về “vấn nạn tham những”, ông TL khuyên rằng nên coi đó chỉ là 1 mặt của tấm huân chương thôi, vì nếu cả 2 mặt (toàn bộ) đều tham nhũng thì chắc chắn “tấm huân chương” này không ai đeo nữa (!).

Về dân chủ đa nguyên, ông giáo sư khuyên “đây là vấn đề nhiều khi không thể hiểu một cách cứng nhắc”. Nên (quên đi, đừng nói đến nó, và) chú ý đến “điều quan trọng, không có gì quý hơn độc lập tự do – đấy là mệnh đề xem như tuyên ngôn của Việt Nam trong thế kỷ 21 này”. Hai mặt đó, “độc lập” là hình thức và “tự do” là nội dung “trong đó tự do là cái ý chí của đảng viên” (!!!).

Ông Tương Lai là giáo sư, lý sự (lý thuyết và sự việc ông dẫn ra) rất kín kẽ; muốn hiểu (“thủng”) ông phải thật là... tỉ mẩn!

2. Những điều nguỵ biện

Trước hết, để bàn rõ về “đảng” như phần sau sẽ trình bày, bất kỳ tổ chức nào cũng được hình thành và triệt thoái theo yêu cầu và trong một điều kiện lịch sử cụ thể. Khi điều kiện lịch sử thay đổi, tổ chức đó hoặc không tồn tại tiếp, hoặc biến đổi thành một thứ khác không phải là nó như nguyên thủy nữa. Đảng cộng sản Nga chẳng hạn, ngày nay chỉ là một thành phần trong xã hội; nó có thể trở thành lãnh đạo hay giữ vai trò đối lập tùy theo sự chọn lựa của cử tri. Cái gọi là “cách nói uyển chuyển” chẳng qua là sự nguỵ biện ngôn từ để “giữ vững sứ mệnh là người lãnh đạo dân tộc”. Tôi không cho rằng cụ Hồ Chí Minh nghĩ như thế. Còn “nói chung ở trên thế giới hiện nay thì đảng chính trị cũng bị tha hoá rất nhiều” là cách nói hàm hồ! Đảng nào chẳng mang ý nghĩa chính trị và có mục tiêu là quyền lực? Có điều các đảng trong các nước dân chủ đa nguyên phải thi thố với các đảng khác về phương sách lãnh đạo đất nước trong một điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị cụ thể và vị trí lãnh đạo của nó được xác lập thông qua lá phiếu của cử tri. Có tham nhũng; nhưng tham nhũng ở đó bị nhanh chóng phanh phui và đem xử lý mà không cần xem xét “nhân thân” để bao che!

Về cách mạng giải phóng dân tộc, “thực hiện tốt vai trò giải phóng dân tôc, thống nhất đất nước” là lối chơi chữ không nghiêm chỉnh! Chỉ có Lục Vân Tiên một mình bẻ cây, đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga đang bị trói mới có thể nói “thực hiện tốt vai trò giải phóng”. Công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập là kết quả truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam từ cả ngàn năm. Hãy nhớ lời cụ Hồ: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của chúng ta. Từ trước đến nay, mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước đó lại kết thành làm sóng nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.

Xin nhắc lại là hãy nhớ lời đó của cụ Hồ Chí Minh để khỏi mất công nguỵ biện như thể không còn có ai hiểu được thế nào là câu chữ và nghĩa lý. Không ai phủ nhận vai trò tổ chức và lãnh đạo chiến tranh giải phóng dân tộc của đảng Cộng sản Việt Nam với những tài năng như Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Hoàng Văn Thái... Nhưng tất cả nằm trong tài năng, mưu lược và sự dấn thân hy sinh của toàn dân tộc. Võ Văn Kiệt được nhiều người nhắc đến vì đã nói lên điều đạo lý tự tâm can: “Ngày giải phóng có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn!” Đã là sự thật lịch sử thì không ai bác bỏ được, nhưng cũng không ai xuyên tạc được! Xin đừng nguỵ biện để, như lời một nhà văn, ĂN MÀY DĨ VÃNG!

Còn “đổi mới” thì sao? Xin không nói lại về cái chuyện (như vô tình) “vấp sai lầm” nữa. Cần phải xem xét kỹ đóng góp của nhà trí thức Trường Chinh trong việc lắng nghe, suy nghĩ và kiên trì thực hiện những bước đầu tiên của Đổi mới. Lịch sử chưa xa và tình hình lúc đó là “đổi mới hay là chết”.

Cuối cùng là sự xuyên tạc tinh thần Hồ Chí Minh. Câu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong hoàn cảnh như sau: “Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. (Theo Bảo Tàng Hồ Chí Minh)

Trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy (tôi là người ít tuổi hơn ông giáo sư nhiều mà vẫn còn nhớ được), câu nói đó đến đúng lúc như một ngọn cờ tiếp sức trong cuộc chiến giành độc lập để tiến tới tự do. TỰ DO là ước nguyện của con người và là QUYỀN được ghi trong Hiến Pháp – là tự do làm ăn, tự do đi lại, tự do tư tưởng và ngôn luận… – là điều phổ quát cho con người trên thế gian. Nay ông giáo sư khẳng định “tự do là cái ý chí của đảng viên” là ý làm sao? Hơn nữa, còn là “tuyên ngôn trong thế kỷ 21” - còn 90 năm nữa lận! Hiểu một cách “uyển chuyển” thì đó là ý chí và quyết tâm của đảng đấy: Ý chí của đảng mở ra bao nhiêu, cho phép bao nhiêu thì trên đất nước này có tự do chừng nấy! Tôi thực sự không hiểu tư duy trong giai đoạn này của một “nguyên thành viên IDS”!

3. Đôi lời kết

Thời gian biến đổi, hoàn cảnh biến đổi thì nhiệm vụ, cơ cấu cũng phải khác và các tổ chức phải biến đổi hoặc biến mất. Đức thánh Trần trong tư duy một nhà trí thức (Người không tham chiếm ngôi báu, quyền hành) đã nói: “Thời chiến thì vua tôi một dạ, trên dưới đồng lòng; Thời bình thì KHOAN SỨC DÂN làm kế sâu rễ bền gốc - Đó là kế giữ nước”. Hai thời hai kế sách; Và KHOAN SỨC DÂN theo tiếng nói ngày nay là THỰC HÀNH DÂN CHỦ đấy!

Tuy nhiên, vừa viết vừa nghĩ thì ngộ ra rằng: Một người học thức như giáo sư, việc ông nguỵ biện là có chủ ý. Ta chỉ cần tự mình thấy và chỉ ra ít nhiều sự thực ông ẩn giấu là đã đủ. Những điều khác, ông dư sức biết. Đúng như một bạn trên một diễn đàn đã nói rất hay về bài của ông Tương Lai: Đọc xong thấy đúng là mình rỗi hơi...

08/02/2010
Bùi Tân-Phong

© Thông Luận 2010

.

.

.

“Những “vấn đề” của Đảng cộng sản Việt Nam”

Việt Hà, phóng viên RFA

2010-02-04

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-Communist-Party-80-year-anniversary-VHa-02042010205155.html

Giáo sư Tương Lai, cựu thành viên Viện nghiên cứu phát triển, nhận định về những “vấn đề” mà Đảng cộng sản Việt Nam đang gặp phải nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng.

Nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, giáo sư Tương Lai đã có bài viết về đề tài này được đăng trên tuần Việt nam net. Trong đó ông nói đến nhiều vấn đề mà Đảng cộng sản Việt Nam đang gặp phải. Việt Hà có bài phỏng vấn giáo sư Tương Lai về các chủ đề này. Trước hết giáo sư Tương Lai nói lý do tại sao ông lại đưa ra quan điểm đảng là đảng của dân tộc trong lúc này như sau:

Đảng của dân tộc?

Giáo sư Tương Lai: Tôi có quan điểm của tôi trong cái nhìn nhận về đảng thế này, là bài tôi viết 4 phần, phần đầu mới quan trọng, trở lại khái niệm về đảng, tôi nói về từ quan niệm của ông các mác từ đảng ý thức đến đảng tổ chức, vân vân, và khái niệm về đảng liên quan đến khái niệm giai cấp, vì đảng là đảng của giai cấp, nhưng ngay trong khái niệm giai cấp của ông các mác cũng vận động, biến đổi, từ giai cấp vô sản, ông dùng sang khái niệm giai cấp những người sản xuất, để tôi nói rằng ngay cả trong gốc của vấn đề, khái niệm của giai cấp biến động chứ không đứng nguyên một chỗ

Ý thứ hai là tôi có nói về nói chung ở trên thế giới hiện nay thì đảng chính trị cũng bị tha hóa rất nhiều, đảng lúc đầu thì người ta luôn là của riêng tầng lớp nhưng đến khi thực tế, dần dần chỉ có đảng của có một tầng lớp và thực tế là đảng chỉ có của một nhúm người thôi và những người đảng viên còn lại chỉ là để bỏ phiếu cho nhóm cầm quyền. Đó là cái diễn biến của khái niệm đảng tôi nói lúc đầu. Thì khái niệm đó cũng giúp cho nhìn nhận vấn đề khi khẳng định đảng là đảng của giai cấp công nhân, thì khái niệm đó không phải là nhất thành bất biến, để từ đó tôi nói sang quan điểm của Hồ Chí Minh, là ông Hồ Chí Minh nói rằng đảng cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Vì thế đảng phải là đảng của dân tộc Việt Nam. Đây là cách nói uyển chuyển để tôi nhấn mạnh rằng, bây giờ đây nếu đảng muốn giữ được sứ mệnh của mình là người lãnh đạo dân tộc thì đảng phải trở thành đảng của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu mà tôi dẫn dắt từ đảng của giai cấp sang đảng của dân tộc là tôi có dụng ý như vậy.

Việt Hà: Theo ông Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành được sứ mệnh là người đại diện của dân tộc chưa? Và Đảng cộng sản Việt Nam cần phải làm gì để thực hiện tốt vai trò này?

Giáo sư Tương Lai: Trong lịch sử, nhìn vấn đề không nên nói chung chung mà phải có thời điểm lịch sử. Đảng cộng sản Đông dương sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ 1930, ngày 3/2 cách đây 80 năm. Trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ, có nhiều Đảng chính trị nhưng mà chỉ có một Đảng Cộng sản Đông dương, tức là Đảng cộng sản việt nam bây giờ đây mới đảm đương được sứ mệnh giải phóng dân tộc và đó là điều không thể chối cãi được và vì vậy mới 15 tuổi đảng đã lãnh đạo cuộc cách mạng tháng 8 thành công, và sau đó thì cũng với lãnh đạo ấy, dân tộc Việt nam thực hiện 3 cuộc kháng chiến, kháng chiến chống thực dân Pháp, tức là chống thực dân kiểu cũ.

Cuộc kháng chiến lần thứ hai chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, cuộc kháng chiến thứ ba chống lại bành trướng Trung Quốc, cuộc xâm lược ở biên giới phía Nam qua tay sai Polpot, chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979. Thực tế là Đảng đã thực hiện tốt vai trò giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đấy là một sự thật lịch sử, có muốn bác bỏ cũng không bác bỏ được. Nhưng khi bắt tay vào xây dựng kinh tế, từ 1975, thì đảng vấp phải những sai lầm, đi theo mô hình Xô viết, rồi chịu ảnh hưởng của Mao ít, cho nên nó đã đẩy đất nước đi vào chỗ bế tắc, và đi vào khủng hoảng trầm trọng kéo dài.

Vì vậy phải có đổi mới, và sự nghiệp đổi mới do đảng tiếp nhận được từ sức sống của dân tộc, của nhân dân, biến thành đường lối của mình, đáp ứng của nguyện vọng của nhân dân Việt nam. Cho nên sự nghiệp đổi mới đưa Việt Nam lên chặng đường mới và có chuyện là hội nhập quốc tế và phát triển như bây giờ. Trong quá trình đó, đương nhiên có nhiều thành tựu, nhưng cũng có vấp váp, nhiều sai lầm. Một trong các sai lầm đó là một số các Đảng viên của đảng bị thoái hóa biến chất, nhất là khi họ có quyền lực trong tay. Những người thoái hóa biến chất ấy gây tai hại, làm cho dân mất tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng.

Cho nên vấn đề đặt ra như yêu cầu của chủ tịch Hồ Chí Minh là chỉnh đốn đảng là vấn đề số 1. Thế cho nên cùng với việc lãnh đạo đất nước phát triển trong giai đoạn hiện nay, hội nhập và đi vào nền kinh tế thị trường, thì yếu tố quan trọng hàng đầu là chỉnh đốn đảng để đảng có đủ sức mạnh để lãnh đạo và gây uy tín trong nhân dân. Và muốn vậy đảng phải là đảng của dân tộc, đảng của trí tuệ, đảng phải đi sâu đi sát trong dân, đảng của dân, một nhà nước của dân.

Những “vấn đề” của đảng

Việt Hà: Thưa ông, gần đây Đảng cộng sản Việt Nam bị chỉ trích về vấn nạn tham nhũng tràn lan, cũng như những vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến, những người có tinh thần dân tộc cao mấy lúc gần đây. Chúng ta có thể hiểu thế nào về vai trò của đảng lúc này? Có phải đảng đang đánh mất lòng tin trong dân chúng?

Giáo sư Tương Lai: Nói về sự kiện, nếu nhặt ra từng sự kiện thì nhiều lắm, nên tôi chỉ nói khái quát. Ở bất kỳ thể chế cầm quyền nào thì việc số 1 người ta cũng phải bảo vệ nhà nước đương quyền, nên luật pháp và thể chế chính trị đều phải phục vụ cho chuyện đó. Trong quá trình thực thi, có thể có trường hợp này trường hợp khác người ta có vấn đề thì chuyện ý kiến đó thì hiện nay nhiều vấn đề lắm, chả phải một vấn đề.

Nhưng bên cạnh những cái gây phẫn nộ trong công chúng, điều đó lại có, thì có những cái khác, có những cái nhân dân ủng hộ thì mới có được, ví dụ vừa qua là phấn đấu vượt qua khủng hoảng. Thì đó là thành tựu có sự đóng góp trong lãnh đạo của Đảng và nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Bao giờ tấm huấn chương cũng có hai mặt, mặt trước và mặt sau. Và bất cứ thành tự nào cũng có mặt được có mặt chưa được. Ở đâu cũng thế thôi.

Hiện nay tham nhũng là vấn đề rất lớn phải tập trung vào, vấn đề xa dân cũng phải tập trung vào. Trong việc thực thi dân chủ, thực hiện nhân quyền, thực thi luật pháp, tất cả mọi vấn đề đều bên cạnh những thành tựu thì cũng có thiếu xót. Tôi thấy là bình thường. Tôi không thấy có vấn đề gì, nhìn vấn đề phải nhìn hai mặt cho toàn diện.

Việt Hà: Có nhiều người nói dân chủ, đa nguyên, đa đảng sẽ có thể là giải pháp cho Việt nam, ông nghĩ thế nào?

Giáo sư Tương Lai: Vấn đề dân chủ và đa nguyên đây là vấn đề nhiều khi không thể hiểu một cách cứng nhắc, mỗi một thể chế có một cách thức thực hiện dân chủ. Singapore cũng là độc đảng đấy chứ, cho nên thực ra mà nói trong truyền thống của mỗi một nước nó có những cái khác biệt mà không thể đem kinh nghiệm, một mô hình của nước này áp đặt cho một nước khác nhưng mà chiều hướng chung, có điều quan trọng, không có gì quý hơn độc lập tự do, đấy là mệnh đề xem như một tuyên ngôn của Việt nam trong thế kỷ 21 này.

Nó có hai mặt. Một mặt là độc lập mặt thứ hai là tự do. Có độc lập mà không có tự do cũng không có nghĩa lý gì. Nhưng thế nào là tự do, đấy là cả một vấn đề. Về vấn đề này nói hơi dài. Tôi nghĩ hiện nay, vấn đề đặt ra hiện nay của đảng tiến tới đại hội thứ 11 là cố gắng làm thế nào để mở rộng dân chủ, làm thế nào để tôn trọng tự do, ý chí của nhân dân. Trong đó tự do là cái ý chí của đảng viên, Thế thì chỉnh đốn đảng nó xoay quanh những vấn đề đó thôi. Riêng cá nhân tôi hoàn toàn lạc quan tin tưởng rằng sức năng động tự thân của dân tộc này nó sẽ tìm thấy con đường đi tới và dân tộc này sẽ không bao giờ chịu bó tay để mà không tự mình mà bứt dậy được.

Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn trong ngày hôm nay.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: