Saturday, July 31, 2010

VATICAN BÁC BỎ NHIỀU ĐÒI HỎI PHI LÝ TỪ PHÍA VIỆT NAM

Vatican bác bỏ nhiều đòi hỏi phi lý từ phía Việt Nam trong Phiên họp hỗn hợp vòng 2 tại Vatican

nuvuongcongly

31/07/10 2:31 AM

http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/thong-tin-tren-mang/vatican-da-nhin-th%e1%ba%a5y-s%e1%bb%b1-th%e1%ba%adt-%e1%bb%9f-vn-bac-b%e1%bb%8f-nhi%e1%bb%81u-doi-h%e1%bb%8fi-phi-ly-t%e1%bb%ab-phia-vi%e1%bb%87t-nam-trong-phien-h%e1%bb%8dp-h%e1%bb%97n-h%e1%bb%a3p/

Những biến động vừa qua tại GHCGVN đã làm nhiều người ngạc nhiên đặt câu hỏi: Liệu Vatican có hiểu được tình hình VN hay không qua các cách xử lý vấn đề liên quan đến GHCGVN?

Xin thưa là: Không.

Những thông tin đến được với Vatican đã được cung cấp “theo con đường ngoại giao” từ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia qua Đức ông Cao Minh Dung đến tòa Thánh như chính Đức ông đã khẳng định khi gặp TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và ngài đề nghị được gặp Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh:”Để báo cáo về Đồng Chiêm và các nơi chứ gì? Đây có hồ sơ rồi”. Vì vậy khi Thánh giá Đồng Chiêm bị đập tan, tín hữu, tu sĩ, nhà báo bị đánh đập, giáo dân bị khủng bố thì người ta đang tưởng sẽ có những hành động và lời nói của Vatican mạnh mẽ ủng hộ Công Lý. Nhưng ngược lại thì sự việc đã không như lòng giáo dân muốn và lẽ thường tình cần có.

Điều này gây thất vọng cho cả GHCGVN và những người quan tâm đến GHCGVN trên thế giới.

Nhưng, những phản ứng mạnh mẽ từ ngay chính giáo dân Việt Nam nhất là giáo dân TGP Hà Nội, đặc biệt là Thư thỉnh nguyện với 15.000 chữ ký của mọi thành phần do Nữ Vương Công Lý phát động và được gửi đến tận Giáo Hoàng đã làm Vatican có cách nhìn khác, nhất là sau khi sự kiện Ngô Quang Kiệt được bạch hóa.

Bài viết dưới đây đăng trên Vietcatholic.org, phải chăng là những chuyển biến tích cực trong nhận định lại tình hình của Vatican đối với GHCGVN

Phiên họp hỗn hợp giữa Vatican và Việt Nam đã kết thúc hơn 1 tháng nay. Cả hai bên đều ra thông cáo gần giống nhau, đều coi đây là bước phát triển trong quan hệ song phương và đã có một thoả thuận là Toà thánh được cử một đại diện không thường trực đến Việt Nam. Thế nhưng còn rất nhiều chi tiết của phiên họp đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Mới đây VietCatholic nhận được một số tin tức từ những nguồn tin đáng tin cậy cho biết về phiên họp này và một số những chi tiết “nhậy cảm” xin được ghi lại như sau:

Khác hẳn với phiên họp vòng 1 tại Hà Nội, Tòa Thánh đã chấp nhận một số những đề nghị từ phía Việt Nam liên quan tới Giáo hội Việt Nam thì trong phiên họp lần 2 Tòa Thánh chẳng những có thái độ không khoan nhượng với những lập luận phê bình Giáo hội từ phía Việt Nam, nhưng còn thẳng thắn bác bỏ hầu hết các đòi hỏi do đoàn Việt Nam đưa ra ở phiên họp vòng 2 tại Vatican.

Theo nhiều nguồn tin chúng tôi nhận được thì đoàn Việt Nam đã đề nghị Toà thánh cấm không cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt về nước kể cả dịp đại hội các GMVN vào tháng 10-2010 và không bổ nhiệm vào bất cứ chức vụ nào ở Toà thánh. Vatican cho rằng, Đức TGM Ngô Quang Kiệt chưa bị tước quyền công dân Việt Nam nên Toà thánh không thể làm cái việc vi phạm nhân quyền và cả pháp luật Việt Nam nữa. Còn việc bổ nhiệm nhân sự ở Vatican, đó là công việc nội bộ mà Việt Nam không nên can thiệp vào giống như Vatican không thể đề nghị ông A làm Thủ tướng hay bà B không được làm Bộ trưởng ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đề nghị Toà thánh cấm không cho dòng Chúa Cứu Thế hoạt động tại Việt Nam hay ít nhất không cho hoạt động tại Hà Nội giống như trước đây trong lịch sử Toà thánh đã rút dòng Tên khỏi Việt Nam, không cho hoạt động mục vụ ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII. Vatican trả lời các dòng tu hoạt động theo tôn chỉ của Dòng và luật pháp ở từng quốc gia. Nếu họ sai pháp luật, xin các ngài hãy xử theo luật pháp, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở họ khi họ làm sai với tôn chỉ đã được Toà thánh phê chuẩn.

Về đề nghị của Việt Nam là Toà Thánh ra thông báo cấm các cuộc tập trung cầu nguyện đòi đất đai, tài sản như thời gian vừa qua và can thiệp kịp thời như vụ cầu nguyện ở Toà Khâm sứ, phái đoàn Vatican trả lời rằng: đất đai, tài sản của Giáo hội sở hữu một cách hợp pháp, Toà thánh kiên quyết bảo vệ và vẫn dứt khoát nêu lại đòi hỏi của các Giám mục Việt Nam là đòi lại quyền sử dụng hợp pháp Toà Khâm sứ ở Hà Nội và Giáo hoàng học viện Đà Lạt.

Toà thánh nhận định rằng nếu như Toà thánh có đại diện ở Việt Nam thì việc nắm bắt thông tin sẽ kịp thời và chính xác hơn thì sẽ sẽ đễ dàng có chỉ dẫn cụ thể cho từng vụ việc.

Lập trường của Toà thánh là luôn ủng hộ việc đòi hỏi chính đáng: việc đòi lại tài sản hợp pháp của Giáo hội Việt Nam trong tình thần ôn hoà, bất bạo động.

Việt Nam cũng đề nghị Toà thánh dừng tiến trình phong thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận vì “không có lợi cho đại đoàn kết dân tộc”, Vatican đã bác bỏ thẳng thừng và cho đó là vi phạm các thoả thuận giữa Vatican và Việt Nam ở vòng 1 vì chỉ có phong giám mục ở Việt Nam mới cần có sự đồng thuận của Nhà nước Việt Nam mà thôi.

Không khí họp căng thẳng tới mức phái đoàn Việt Nam đã xin tạm ngừng họp để xin ý kiến ở Hà Nội. Không biết Hà Nội chỉ đạo thế nào nhưng kết thúc đã thống nhất đề nghị Vatican được cử một đại diện không thường trực đến Việt Nam.

Tuy nhiên vị đại diện này có được tự do vào Việt Nam gặp gỡ các giám mục, linh mục giáo dân hay không? Có phải xin phép và báo trước lịch trình cho phía Việt Nam và được ở lại Việt Nam bao lâu hay bao lâu mới được đến Việt Nam một lần vẫn chưa thống nhất được mà phải chờ đến vòng ba họp tại Hà Nội vào năm sau.

Còn một số thông tin nữa chúng tôi đang kiểm chứng, đối chiếu nhưng với những gì biết được và khi nào thuận tiện sẽ trình bầy sau. Một số giáo sĩ Việt Nam ở Roma và một vài Giáo chức Giáo hội có ảnh hưởng ở Việt Nam rất nhiệt liệt hoan hô tinh thần làm việc thẳng thắn của phái đoàn Vatican tại phiên họp vòng 2 vừa qua.

Đồng Nhân

Nguồn: Vietcatholic.org (http://vietcatholic.net/News/Html/82485.htm)

.

.

.

No comments: