Tự
do internet 2023: Sức mạnh đàn áp của Trí tuệ nhân tạo (AI)
RFA
2023.10.04
Hôm 4 tháng 10, 2023, Freedom House, một think tank
ở Washington DC, tổ chức ra mắt báo cáo “Tự do Internet 2023: Sức mạnh đàn áp của
Trí tuệ nhân tạo”. Việt Nam là một trong những trường hợp được khảo sát với các
quan ngại về việc đàn áp trên mạng.
Chat GPT bị cấm ở Trung Quốc (ảnh minh
họa) - Reuters
Báo cáo khảo sát giai đoạn từ tháng 6, 2022 đến tháng 5, 2023 ở 70 quốc
gia, chiếm khoảng 80% lượng người dùng internet toàn cầu. Theo báo cáo này,
nhìn chung, tự do internet toàn cầu đã suy giảm năm thứ 13 liên tiếp. Có những
trường hợp đàn áp mạnh mẽ như Iran đã đóng cửa dịch vụ internet, chặn WhatsApp
và Instagram. Miến Điện thậm chí còn “vượt qua” Trung Quốc trong việc đàn áp tự
do trên môi trường internet. Philippines giai đoạn Tổng thống Duterte sắp mãn
nhiệm đã sử dụng luật chống khủng bố để chặn các trang tin chỉ trích chính quyền
của mình.
Trả lời câu hỏi của RFA tại sự kiện ra mắt báo cáo 2023, nhà nghiên cứu
cấp cao tại Freedom House là Kian Vesteinsson cho biết Freedom House đánh giá
Việt Nam chỉ đạt 22 điểm trên thang điểm 100 về quyền tự do Internet. Với điểm
số này, Việt Nam bị xếp hạng là “không tự do.”
Năm 2022, Việt Nam cũng ở thứ hạng tương tự: 22/100 điểm.
Kiểm duyệt và tung tin giả bằng AI (Trí tuệ nhân tạo)
“Dư luận viên” không phải là sản phẩm riêng của Việt Nam. Theo báo cáo,
trên thế giới có ít nhất 47 chính phủ đã triển khai các “dư luận viên”
(commentators) để thao túng các cuộc thảo luận trực tuyến theo hướng có lợi cho
chính quyền. Con số này gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Trong bối cảnh đó, Trí tuệ nhân tạo (AI) có nguy cơ làm cho các chiến dịch
sản xuất và phát tán thông tin sai lệch lên trực tuyến trở nên mạnh mẽ hơn. Các
công cụ dựa trên AI có thể tạo ra văn bản, âm thanh, hình ảnh, video một cách
nhanh chóng và dễ dàng. Theo báo cáo, có ít nhất 16 chính phủ trên thế giới đã
sử dụng công nghệ mới này để tạo ra các thông tin sai lệch để gieo rắc nghi ngờ,
bôi nhọ đối thủ hoặc lèo lái các cuộc tranh luận của công chúng trên mạng.
Báo cáo chỉ ra rằng các “điểm nóng” do do nội dung được tạo ra bởi AI
thường xuất hiện trong những thời điểm chính trị nhạy cảm như bầu cử hoặc các
cuộc khủng hoảng. Báo cáo dẫn ra ví dụ hồi tháng 5, 2023, cựu thủ tướng
Pakistan là Imran Khan đã chia sẻ một video được tạo ra bởi AI về hình ảnh một
phụ nữ dũng cảm đối đầu với cảnh sát. Đó là thời điểm ông Khan và chính quyền
đương nhiệm đang leo thang xung đột. Bằng cách phát tán một video do AI tạo ra
như vậy, ông ta truyền đi thông điệp rằng “phụ nữ Pakistan ủng hộ tôi”. Một trường
hợp khác xảy ra ở Nigeria, một đoạn âm thanh do AI tạo ra, ám chỉ một ứng viên
tổng thống có kế hoạch gian lận bỏ phiếu. Những sản phẩm như vậy có nguy cơ gây
ra thù hận giữa các đảng phái và khắc sâu nghi ngờ của người dân về tính liêm
chính của hệ thống bầu cử. Ở Mỹ gần đây cũng đã xuất hiện nhiều sản phẩm truyền
thông có tính bôi nhọ đối thủ chính trị được tạo ra bởi AI như vậy.
AI cũng giúp các chính quyền độc tài nâng cao năng lực kiểm duyệt. Những
hệ thống giám sát tinh vi bằng công nghệ cao có thể giúp họ nhanh chóng truy
lùng các dấu hiệu bất đồng chính kiến trên mạng xã hội. Họ có thể kết hợp Dữ liệu
lớn (Big data) với tính năng quét khuôn mặt để xác định và theo dõi những người
biểu tình ủng hộ dân chủ. Các chính quyền cũng đang nỗ lực làm cho các công ty
cung cấp ứng dụng phải tuân thủ hoặc tăng cường hệ thống kiểm duyệt của mình.
Khung pháp lý ở ít nhất 21 quốc gia bắt buộc hoặc khuyến khích các nền
tảng kỹ thuật số triển khai học máy để loại bỏ những phát ngôn mà chính quyền
không ưa thích về chính trị, xã hội và tôn giáo. Tuy nhiên, AI vẫn chưa thay thế
hoàn toàn các phương pháp kiểm soát thông tin xưa cũ. Có đến 41 chính phủ được
khảo sát vẫn áp dụng phương pháp cũ là chặn các trang web có nội dung lành mạnh,
đúng đắn, cần được bảo vệ theo tiêu chuẩn tự do biểu đạt trong luật nhân quyền
quốc tế.
Ngay cả ở những quốc gia có môi trường xã hội và chính trị dân chủ hơn
như Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu, các chính phủ đang cân nhắc áp đặt những chế
tài đối với quyền truy cập vào một số trang web hoặc nền tảng truyền thông mạng
xã hội. Một số đã thực thi điều đó.
Trường hợp Việt Nam
Báo cáo nhắc đến việc Việt Nam lo ngại người dân sử dụng Chat GPT để tạo
ra những nội dung “xuyên tạc”, “bôi nhọ,” “chống nhà nước”. Bước đi này của Việt
Nam cũng tương tự như Trung Quốc cấm các tập đoàn công nghệ nước này như
Tencent và Ant Group tích hợp các công cụ của Chat GPT và các công cụ tương tự.
Hãng Apple của Mỹ đã xóa hơn 100 ứng dụng tương tự như ChatGPT khỏi cửa hàng ứng
dụng Trung Quốc để tuân thủ các quy định của nước này.
Theo báo cáo, ở những nước độc tài, hệ thống kiểm duyệt sử dụng công
nghệ AI có thể “đóng lại những khoảng trống ít ỏi còn lại” của quyền tự do bày
tỏ ý kiến trên mạng. Báo cáo cho biết:
“Chính phủ Việt Nam đã áp đặt các biện
pháp kiểm soát chặt chẽ trên các nền tảng kỹ thuật số để chế tài những người bất
đồng chính kiến, hạn chế việc đưa tin độc lập và các hình thức phát ngôn chính
trị - xã hội khác. Ví dụ, các nhà chức trách Việt Nam được cho là đã buộc Meta
phải loại bỏ mọi lời chỉ trích đối với các quan chức ĐCSVN cụ thể trên nền tảng
mạng xã hội Facebook.”
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh những quy định mà Việt Nam thông qua vào
tháng 8 năm 2022 đã trao quyền cho Bộ Công an chặn các nền tảng mạng xã hội
không tuân thủ yêu cầu xóa nội dung “độc hại” trong vòng một ngày, kể từ ngày
được thông báo. Họ cho rằng điều đó sẽ đẩy nhanh việc xóa nội dung trên diện rộng
với tốc độ rất nhanh. Tốc độ như vậy chỉ có thể đạt được thông qua công nghệ tự
động hóa được hỗ trợ bởi AI. Mặt khác, các nhà chức trách Việt Nam đã yêu cầu
rõ ràng rằng các doanh nghiệp công nghệ phải sử dụng AI để loại bỏ cái gọi là nội
dung “độc hại.”
Theo báo cáo, không chỉ ở Việt Nam, ngay cả những chính phủ có năng lực
công nghệ kém hơn, các biện pháp như vậy cũng đang ngày càng phổ biến.
Cần phải sử dụng AI để bảo vệ quyền tự do
Phát biểu tại sự kiện ra mắt báo cáo, các chuyên gia của Freedom House
cho rằng các chính phủ và người dân vừa phải bảo đảm quyền tự do Internet vừa
phải chống việc sản xuất tin giả trên môi trường trực tuyến.
Các chuyên gia cho rằng để bảo vệ quyền tự do Internet, những người ủng
hộ dân chủ nên thiết lập các tiêu chuẩn mạnh mẽ dựa trên nhân quyền, tính minh
bạch và trách nhiệm giải trình. Các tiêu chuẩn này cần được áp dụng cho cả các
chủ thể nhà nước và phi nhà nước tham gia vào phát triển hoặc triển khai các
công cụ AI.
Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu, các quốc gia dân chủ cần trao cho
các tổ chức xã hội dân sự vai trò dẫn đầu trong việc phát triển, xây dựng chính
sách mới và cung cấp cho họ các nguồn lực họ cần để giám sát các hệ thống AI mới.
AI có khả năng gây hại đáng kể, nhưng bằng cách đó, các quốc gia dân chủ có thể
làm cho AI đóng vai trò bảo vệ các giá trị tự do.
No comments:
Post a Comment